Ăn dặm không còn là cuộc chiến: 4 giai đoạn ăn dặm cho bé mẹ nên biết

Hành trình ăn dặm

Ăn dặm đánh dấu bước phát triển mới của trẻ nhưng cũng kèm theo đó là những nỗi băn khoăn, lo lắng của mẹ. 

Mẹ cần có hiểu biết cơ bản về ăn dặm
Hành trình ăn dặm của bé trở nên thật dễ dàng khi mẹ có những hiểu biết cơ bản.

Bắt đầu từ 6 tháng tuổi, bên cạnh sữa mẹ và sữa công thức, các bé đã sẵn sàng đón nhận dinh dưỡng từ các loại thực phẩm khác để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Để hành trình ăn dặm của bé không còn là cuộc chiến đầy áp lực, mẹ nên bắt đầu từ việc hiểu rõ các giai đoạn ăn dặm cho bé.

Tại sao phải bắt đầu ăn dặm?

Bắt đầu từ 6 tháng tuổi, các bé không thể tiếp nhận đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết chỉ bằng sữa mẹ và sữa bột. Theo các chuyên gia, kể từ khoảng tháng thứ 5, trẻ có thể bắt đầu ăn dặm. Các bé chỉ bú mẹ nên bắt đầu ăn dặm từ tháng thứ 6, còn các bé đã ăn sữa bột, sữa công thức thì có thể bắt đầu từ giai đoạn 4 – 6 tháng tuổi.

Tùy theo sự phát triển khoang miệng, khả năng tiêu hóa, thải độc và bài tiết của trẻ, hành trình ăn dặm có thể được chia thành 4 giai đoạn: 4 – 6 tháng, 7 – 9 tháng, 10 – 12 tháng và từ 12 tháng trở lên. Trẻ càng lớn thì hình thức ăn dặm, các loại thực phẩm càng thay đổi và số bữa trong ngày cũng tăng dần.

Tất nhiên, không phải tất cả các bé đều ăn dặm giống hệt nhau trong cùng một giai đoạn, tuy nhiên, phần lớn các bé đều có quá trình phát triển tương tự nhau, vì vậy, các mẹ cũng không nên quá vội vã mà hãy tham khảo các giai đoạn ăn dặm và giúp bé yêu có đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển khỏe mạnh.

Các giai đoạn ăn dặm

Giai đoạn 1: trẻ từ 4 – 6 tháng (bắt đầu ăn dặm)

Hệ tiêu hóa của trẻ bắt đầu từ khoảng 5 tháng tuổi. Giai đoạn này bé sẽ tập làm quen với thức ăn và phát triển cơ hàm.

Mẹ có thể bắt đầu từ ninh nhừ gạo, sau đó dần tập cho bé ăn một lượng nhỏ ngũ cốc, rau củ xanh, các loại quả đã được nghiền nát, xay nhuyễn, bé cũng có thể ăn kết hợp các loại thực phẩm này trộn với sữa mẹ hay sữa công thức pha đúng tỷ lệ. Trong giai đoạn này, mẹ cũng nên chú ý phản ứng của bé, xem bé có dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào không.

Món ăn dặm giai đoạn 4 - 6 tháng
Giai đoạn này bé ăn dặm các món có độ loãng như sữa chua

Các món ăn dặm trong giai đoạn bắt đầu này chỉ nên lỏng như sữa chua của bé, ăn 1 lần khoảng 30 – 80ml mỗi ngày.

Giai đoạn 2: trẻ từ 7 – 9 tháng tuổi

Đây là giai đoạn mà lưỡi của bé bắt đầu phát triển, bé cũng cần được tăng cường bổ sung vi chất sắt và protein. Mẹ có thể tập cho bé ăn các món khô, cứng hơn, các loại thực phẩm giàu sắt và đạm với tần suất 2 bữa phụ/ngày bên cạnh sữa.

Một số thực đơn ăn dặm cho bé ở giai đoạn này mẹ có thể tham khảo:

  • Các thực phẩm giàu đạm như: trứng, thịt nạc, thịt gia cầm, đậu Hà Lan, sữa,…
  • Cháo xay nhuyễn, loãng rồi dần dần để hạt cháo to hơn
  • Rau, củ xanh nghiền to hơn so với giai đoạn ban đầu.
  • Các loại trái cây, các loại hạt nghiền nhỏ, có thể trộn với sữa chua
  • Nước ép trái cây nhưng hạn chế nước ép cam và dâu.

Giai đoạn 3: trẻ từ 10 – 12 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, răng bé đã mọc, khả năng nhai và tiêu hóa của bé đã phát triển, mẹ có thể cho bé ăn các món đa dạng các loại nguyên liệu khác nhau với 3 bữa phụ một ngày. Mẹ có thể nấu cháo có độ đặc và gợn hơn, các món thức ăn cũng nên được chế biến rắn hơn để bé tập nhai và phát triển cơ hàm. Mặc dù vậy, mẹ cũng không nên cho bé ăn cháo quá đặc và nấu nhạt thôi nhé!

Ăn dặm 10 – 12 tháng tuổi
Ăn dặm giúp bé tập nhai khi bé ở giai đoạn 10 – 12 tháng tuổi.

Giai đoạn 4: trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên

Bé cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng khi được 1 tuổi, để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Thực đơn ăn dặm 3 bữa một ngày của bé cần được đảm bảo 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất xơ.

Bé 1 tuổi đã ăn được hầu hết các loại thực phẩm nên mẹ có thể nấu được rất nhiều món cháo khác nhau. Bằng cách hầm các nguyên liệu, thái nhỏ, sau đó nấu cháo đặc và cho các nguyên liệu đã thái vào đun sôi khuấy đều là đã được các món cháo rất ngon rồi đấy!

Lưu ý khi nấu cháo, mẹ cũng nên cho thêm phô mai, dầu ăn và bắt đầu từ giai đoạn này, bé có thể ăn muối được rồi, mẹ nêm các gia vị dành cho trẻ em để tạo vị giác cho bé. Các bé cũng nên ăn thức ăn riêng với kích thước vừa phải, tráng miệng bằng các loại trái cây cắt nhỏ, sinh tố xay nhuyễn.

Ăn dặm đa dạng từ 12 tháng tuổi
Ăn dặm đa dạng các loại thực phẩm khi bé từ 12 tháng tuổi trở lên.

Khi cho bé ăn dặm, mẹ cũng phải đảm bảo rằng dù ở giai đoạn nào, các bữa ăn của bé cũng cần đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Hơn nữa, ăn dặm chỉ là bữa ăn phụ, lúc này bữa chính của bé vẫn là sữa mẹ hay sữa công thức, vì thế, bé vẫn càn được bú mẹ hay uống sữa đầy đủ. Ngoài ra, mẹ cũng nên thay đổi thực đơn ăn dặm hàng ngày để vị giác của bé phát triển tốt hơn và có hứng thú với việc ăn dặm, mẹ nhé!

Hành trình ăn dặm của bé tuy có nhiều “áp lực” nhưng chỉ cần tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm và hiểu chính con yêu, mẹ và bé có thể dễ dàng vượt qua mà không còn cảm thấy ăn dặm là một cuộc chiến nữa. Làm mẹ không khó như bạn nghĩ phải không? Chúc các mẹ thành công!

Thực hiện

Vũ Phương Anh – 16052240