10 phong tục ngày Tết không thể thiếu của người Việt

Phong tục ngày Tết Việt Nam được phân làm 3 khoảng thời gian: Tất niên, Giao thừa và Tân niên. Mỗi khoảng thời gian đều được chuẩn bị lễ nghi thiêng liêng với những hình thức khác nhau, nhằm xóa bỏ những điều không tốt của năm cũ, đón chào những điều tốt đẹp, may mắn và hạnh phúc của Năm mới. Vì vậy hãy cùng tìm hiểu những phong tục ngày Tết không thể thiếu của người Việt Nam dưới đây nhé.

10 phong tục ngày Tết không thể thiếu của người Việt

1. Cúng ông Công ông Táo

Phong tục Cúng ông Táo là phong tục ngày Tết không thể không kể đến. Ông Táo (Táo quân hay Thổ Công) là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ “thần Bếp” chuyên cai quản việc bếp núc.

phong tục ngày Tết

Phong tục ngày Tết – Cúng ông Công ông Táo

Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao… thả. Bởi ngụ ý “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng”, cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.

2. Chơi hoa dịp Tết

Chơi hoa cũng là phong tục ngày Tết không thể thiếu. Tết Nguyên đán chính là khởi đầu của mùa xuân tràn trề nhựa sống. Tùy theo phong tục ngày Tết của mỗi vùng miền, người dân thường chưng rất nhiều loại hoa khác nhau, trong đó 2 loại hoa nổi bật đặc trưng của ngày Tết là hoa đào theo phong tục ngày Tết miền Bắc và hoa mai theo phong tục ngày tết miền Nam.

Phong tục ngày Tết hoa Đào

Phong tục ngày Tết – Chơi hoa đào

Trước hết, đào được coi là tinh hoa của Ngũ hành, có thể xua đuổi bách quỷ mang đến cho con người cuộc sống bình an, hạnh phúc. Không chỉ vậy, hoa đào còn tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Ai cũng mong muốn có một năm an khang thịnh vượng, làm ăn thuận lợi, phát tài, gia đình vui vẻ. Hoa đào như gieo vào lòng người niềm tin, hi vọng về những điều tốt đẹp trong tương lai.

Phong tục ngày Tết - Hoa mai

Phong tục ngày Tết – Chơi hoa mai

Từ xưa, hoa Mai đã được chọn là biểu tượng cho sức sống mùa xuân; tuy mảnh dẻ nhưng cứng cáp, thuần khiết; mùi thơm nhẹ nhàng, kín đáo. Người xưa lấy các khí phách của Mai ví như người quân tử. Người cao tuổi chuộng cái già nua của lão Mai, mong muốn tuổi già khỏe mạnh, trường thọ. Còn vóc dáng của hoa Mai thì được ví như người con gái quyền quý, khuê các.

Chi tiết: Sự tích hoa đào hoa mai ngày Tết

3. Gói bánh chưng

Bánh chưng là một phong tục ngày Tết có từ nền văn minh lúa nếp đời vua Hùng Vương thứ 18. Bánh chưng được người Việt sáng tạo ra gắn liền với sự tích Bánh chưng bánh giầy. Ngày nay, vào tầm 28 – 29 Tết, các gia đình thường tụ tập gói bánh chưng, bánh tét để làm quà biếu Tết hoặc để thưởng thức trong gia đình. Nguyên liệu làm bánh bao gồm gạo nếp, thịt ba chỉ heo, đỗ xanh là lá dong.

Phong tục ngày Tết - Gói bánh chưng

Phong tục ngày Tết – Gói bánh chưng

Bánh chưng tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ, chính vì thế mới có phong tục ngày tết Việt Nam dùng bánh chưng làm quà biếu dâng lên cha mẹ. Đi cùng với bánh chưng bánh dày, trong ngày tết bày mâm ngũ quả thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc.

Chi tiết Cách gói bánh chưng

4. Thăm mộ tổ tiên

Truyền thống tâm linh người Việt Nam tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân. Phong tục ngày Tết Việt Nam có tục thăm mộ tổ tiên như một nét văn hóa nhắc nhớ con cháu phải nghĩ đến ông bà gia tiên mỗi độ xuân về.

Phong tục ngày Tết - Thăm mộ

Phong tục ngày Tết – Thăm mộ tổ tiên

Tuỳ theo phong tục ngày tết từng nơi mà tạ mộ diễn ra mang tính chất gia đình nhỏ, hoặc đi theo dòng họ. Thời gian tạ mộ thường là từ sau lễ Táo quân chầu Trời, kéo dài tới 30 tháng Chạp âm lịch, để kết hợp mời ông bà về ăn Tết vào trưa 30 Tết. Công việc trong lễ tạ mộ là dọn dẹp sạch sẽ, thoáng đãng mộ phần của người đã mất. Là mộ đất có thể đắp lại nấm cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại, cây hoang mọc trùm lên mộ, cũng là cách giảm bớt rắn, chuột đào hang, làm tổ. Các cụ già thì lo việc cúng khấn tổ tiên nơi phần mộ.

5. Cúng tất niên

Tất niên cắt nghĩa ra có nghĩa là: “tất” là xong, hết, “niên” là năm. Có thể gọi tất niên là kết thúc một năm và những ngày này rơi vào khoảng 29 nếu tháng thiếu, 30 nếu tháng đủ tháng 12 âm lịch. Ngày này mọi người quây quần, sum họp bên nhau. Người làm ăn xa trở về bên gia đình của họ, tận hưởng không khí sum vầy của tết.

Phong tục ngày tết - tất niên

Phong tục ngày Tết – Cúng Tất niên

Vào dịp này, mỗi gia đình thường sẽ làm 2 mâm cỗ cúng, một đặt lên bàn gia tiên, 2 đặt một mâm cúng giữa trời, cúng trước nhà mình. Việc soạn sửa trang hoàng bàn thờ gia tiên là một việc làm gắn kết tâm linh của hai thế giới, thể hiện chữ hiếu với ông bà, tổ tiên. Tùy theo tín ngưỡng, phong tục ngày Tết từng vùng mà cách trang hoàng bàn thờ, nhà cửa cũng khác nhau.

6. Đón giao thừa 

Đêm Giao thừa là một đêm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là phong tục ngày Tết không thể thiếu. Một năm mới đến, người già thêm trường thọ và người trẻ thêm trưởng thành. Đêm Giao thừa đến mang ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỷ, mọi điều xấu xa trong năm cũ đi và rước nhiều may mắn thành công đến cho năm mới. Đây được coi là khoảng thời gian của sự yên nghỉ, là lúc giũ bỏ những muộn phiền, là đêm của tĩnh lặng và thiêng liêng.

Phong tục ngày tết - Giao thừa

Phong tục ngày Tết – Đón giao thừa

Lễ Giao thừa được cúng vào đúng giờ chính tý tức 00 giờ ngày 1 tháng 1 trong năm. Theo phong tục ngày Tết Việt Nam từ cổ xưa, bàn cúng Giao thừa được chia làm 2 mâm: một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Sau khi cúng Giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Thần, Phật phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình trong năm mới. Nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm.

7. Hái lộc cầu xuân 

Đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có phong tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là “lấy lộc” của Trời đất, Thần Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.

Phong tục ngày tết - Hái lộc

Phong tục ngày Tết – Hái lộc cầu xuân

Hái lộc Xuân là một phong tục đã có từ rất lâu của người Việt Nam, trong thời khắc giao hòa giữa đất trời thì việc hái lộc về nhà là điều mà nhiều người rất thích, đó là quan niệm mong muốn mang về những điều tốt đẹp với ý nghĩa ”Tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

8. Xông đất 

Theo phong tục từ xưa đến nay, sau thời điểm giao thừa thì người nào bước vào nhà của gia chủ đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất. Với quan niệm rằng trong ngày mùng Một Tết nếu được người có vận khí tốt đến nhà thì cả năm mọi việc sẽ may mắn, suôn sẻ. Người xông đất được coi là người đại diện mang tới cho chủ nhà sự may mắn và an lành cho một năm.

Phong tục ngày tết - Xông đất

Phong tục ngày Tết – Xông đất

Hầu hết ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, phong tục xông đất, xông nhà đều tương tự như nhau. Người đến xông đất thường đem theo những phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ con, người già và chúc mừng năm mới đến toàn thể gia đình. Sau đó, người xông đất sẽ được gia chủ chúc mừng năm mới và ngồi chơi nói chuyện chỉ khoảng 5 đến 10 phút rồi xin cáo từ chứ không nên ở lại lâu.

Chi tiết: Xem tuổi xông nhà 2021

9. Chúc Tết và mừng tuổi 

Sáng ngày mồng Một – ngày đầu tiên của năm mới, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ về bên nội để chúc thọ cha mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Theo tục lệ, cứ năm mới tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người đều tăng lên một tuổi. Bởi vậy, ngày mồng một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà, cha mẹ. Con cháu trong nhà, lần lượt từ người lớn đến trẻ nhỏ nói lời chúc tụng ông bà, cha, mẹ sức khỏe và những điều tốt lành.

Phong tục ngày tết - Chúc tết mừng tuổi

Phong tục ngày Tết – Chúc Tết và Mừng tuổi

Ông bà, cha mẹ chúc Tết lại con cháu, kèm theo những đồng tiền mừng tuổi để trong giấy hồng (ngày nay gọi là phong bao “lì xì”) cầu chúc cho con trẻ một tuổi mới may mắn, nhiều niềm vui. Mừng tuổi ngày đầu năm là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt cũng như nhiều nước, với mong muốn có thế nhận được nhiều may mắn và những điều tốt đẹp nhất đến với nhau vào ngày đầu năm mới. Bên cạnh đó mừng tuổi đầu năm còn tượng trưng cho tài lộc, dù là người nhận hay người cho đi càng nhiều thì chứng tỏ tài lộc bạn nhận được rất nhiều.

10. Đi lễ chùa đầu năm 

Phong tục ngày tết - Đi lễ chùa đầu năm

Phong tục ngày Tết – Đi lễ chùa đầu năm

Đi lễ chùa đầu năm là phong tục ngày Tết đã có từ rất lâu. Bất cứ ai khi đến chùa đều mong tìm sự bình an cho gia đình trong năm mới và nghiệm ra những Nhân quả thông qua giáo lý nhà Phật. Từ đó có thể dạy lại cho con cháu sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Đi lễ chùa lễ Phật đầu năm không chỉ đơn giản để ước nguyện, để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những tháng ngày vất vả mưu sinh, mong tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ.

Kết luận:

Ý nghĩa của phong tục ngày Tết là sự đoàn viên. Đã từ lâu những phong tục ngày Tết đã đi sâu vào tiềm thức trở thành phong tục không thể thiếu. Hy vọng sau bài viết này các bạn sẽ có thêm thông tin chi tiết về phong tục ngày Tết ở Việt Nam.

Tham khảo thêm:

Top 5 nét văn hóa Hàn Quốc nổi bật nhất

Lễ hội té nước Songkran Thái Lan: 5 điều có thể bạn chưa biết

Top 4 lễ hội văn hóa đặc sắc ở Ấn Độ

Văn hóa đặc sắc Trung Quốc: Lễ hội Thuyền Rồng

Top 5 điều bất ngờ về văn hóa đạo Hồi của “xứ sở vạn đảo” Indonesia mà bạn chưa biết