Với việc mỹ phẩm đang ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng bởi chị em phái đẹp, thì việc mở một cửa hàng mỹ phẩm là một ý tưởng hết sức hấp dẫn. Tuy nhiên, với tính cạnh tranh cao và nhu cầu người dùng ngày càng gia tăng cả về mặt chất và lượng, đòi hỏi nhà kinh doanh phải có chiến lược hết sức rõ ràng. Bài viết này nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản cho việc mở cửa hàng mỹ phẩm: những thủ tục, nhóm khách hàng mục tiêu, lựa chọn vị trí …
>>>ĐỌC THÊM CÁC BÀI VIẾT VỀ CHỦ ĐỀ MỸ PHẨM:
Dị ứng mỹ phẩm- 10 mẹo ngăn ngừa và chữa dị ứng mĩ phẩm mới nhất 2023
9 sai lầm khiến cho sử dụng kem trị nám Dongsung không hiệu quả/
Nội dung bài viết
1. Xác định đối tượng và mặt hàng kinh doanh của cửa hàng mỹ phẩm
Có rất nhiều loại hàng mỹ phẩm trên thị trường như son phấn, kem dưỡng da, kem chống nắng hay thậm chí là cả dầu gội hay sữa tắm… Bạn có thể kinh doanh nhiều mặt hàng cho nhiều loại đối tượng khác nhau, nhưng đó là khi cửa hàng mỹ phẩm của bạn đã có được một vị trí đứng nhất định trên thị trường, với một tập khách hàng trung thành.
Còn với một cửa hàng mỹ phẩm mới bắt đầu kinh doanh, tốt hơn là bạn hãy xác định một số loại mặt hàng mang tính “mũi nhọn” trước khi có ý định mở rộng, từ đó xác định được các vấn đề tiếp theo như vốn, nguồn cung, kênh phân phối. Để xác định mặt hàng mũi nhọn, bạn cần có các phương pháp để điều tra, khảo sát khu vực lân cận, tìm ra những xu hướng chung về thu nhập, nhân khẩu học,… Ví dụ, nếu khu vực xung quanh có nhiều học sinh sinh viên, họ sẽ ưa sử dụng các loại sản phẩm giá rẻ, dễ dùng thay vì các thương hiệu đắt tiền. Còn nếu là một khu vực gần những khu đô thị cao cấp, hay có nhiều người ngoại quốc, có thu nhập ổn định thì sẽ hợp lý nếu bạn chọn nhắm đến các thương hiệu có uy tín như Maybelline, Revlon, Nature Republic…
2. Xác định quy mô và vốn của cửa hàng mỹ phẩm
Đối với kinh doanh, lợi nhuận luôn là ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, để đạt được thành công, cửa hàng mỹ phẩm của bạn cần xác định được nguồn vốn phải đảm bảo cả hai điều sau: không quá ít để tránh việc bạn không thể trả các chi phí phát sinh, nhưng cũng không được quá nhiều bởi nếu không kinh doanh sẽ bị lỗ.
Một số lưu ý khác bao gồm:
-Không có quy định cụ thể về số vốn bạn bắt buộc phải có để mở một cửa hàng mỹ phẩm.
-Mức vốn của cửa hàng sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố: một là nguồn lực sẵn có (như việc bạn có mặt bằng hay phải đi thuê), hai là quy mô kinh doanh (bạn muốn buôn bán bao nhiêu sản phẩm, thuê bao nhiêu nhân công).
-Theo kinh nghiệm thị trường, số vốn cần có để kinh doanh cửa hàng mỹ phẩm thường cần ít nhất 50 triệu. Nếu bạn có 50-100 triệu, quy mô của cửa hàng mỹ phẩm chỉ nên có quy mô nhỏ hoặc/và kết hợp bán hàng online (qua Shopee, Tiki, Zalo…). Với 200 triệu trở lên, cửa hàng mỹ phẩm có thể có quy mô tương đối lớn và kết hợp bán qua website chính thức.
3. Hoạch định nguồn cung cho cửa hàng mỹ phẩm
Sau khi xác định được về đối tượng, mặt hàng kinh doanh cũng như nguồn vốn, thì điều quan trọng là việc bạn cần xác định được nơi để bạn lấy được hàng. Với một người mới bắt đầu kinh doanh thì bạn có những cách nhập hàng như:
-Làm đại lý cho các hãng mỹ phẩm. Bạn sẽ có nguồn hàng và chất lượng đảm bảo, tuy nhiên nếu hãng có vấn đề thì cửa hàng mỹ phẩm của bạn sẽ phải chịu thiệt hại liên đới
-Nhập từ nước ngoài. Đây là phương thức có chi phí đắt, dễ chịu rủi ro nên cần phải chọn những nguồn cung ứng thực sự uy tín.
-Lấy từ các cửa hàng bán buôn khác. Nguồn hàng sẽ đảm bảo tuy nhiên có thể xảy ra kém chất lượng.
-Thuê gia công sản phẩm. Cần chọn các đơn vị chuyên nghiệp, trách nhiệm và uy tín. Bạn cần chú ý kỹ các điều khoản hợp đồng, tránh sau này phải kiện tụng pháp lý.
4. Lựa chọn mặt bằng cho cửa hàng mỹ phẩm
Lựa chọn mặt bằng là một công việc hết sức quan trọng trong việc kinh doanh. Vị trí có ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của bạn. Kinh nghiệm là bạn nên lựa chọn những vị trí đông đúc (gần khu dân cư, chợ), có mặt tiền. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc giá thuê, tránh chọn những tuyến phố quá sầm uất (bởi lẽ ở đây sẽ rất đắt, nhiều chủ thuê thậm chí còn thách giá cao gấp nhiều lần giá trị thực). Bên cạnh đó, có thể cân nhắc thuê ở vị trí gần nhiều cửa hàng mỹ phẩm khác, nhờ đó kích thích tính hiếu kỳ của người tiêu dùng.
5. Chuẩn bị thủ tục cho cửa hàng mỹ phẩm
Các thông tin cần được hoạch định một cách vô cùng rõ ràng, nhằm tránh những rắc rối về thủ tục pháp lý sau này. Những thông tin cần được chuẩn bị bao gồm:
-Tên cửa hàng mỹ phẩm: Không được trùng lặp với các cửa hàng khác đã đăng ký kinh doanh. Cách dễ nhất để kiểm tra là lên Google, đánh tên mà bạn định đặt để xem có cửa hàng nào trùng tên không. Tên cửa hàng cần phù hợp với thuần phong mỹ tục và không nên quá ngắn (dưới 3 kí tự) hoặc quá dài (trên 4 từ).
-Thông tin chủ cửa hàng: Bạn cần cung cấp đủ các thông tin về họ, tên, địa chỉ cư trú, sao công chứng số chứng minh thư.
-Địa chỉ: Cần cung cấp chính xác địa chỉ kinh doanh, không dùng địa chỉ giả
-Hợp đồng thuê mặt bằng (nếu bạn đi thuê) hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
-Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ cá thể: có ghi rõ các thông tin chủ cửa hàng, địa chỉ kinh doanh, số vốn, tên cửa hàng, ngành nghề kinh doanh.
Bên cạnh đó, để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của mỹ phẩm sẽ cần đến các giấy tờ như sau:
-Giấy tờ công bố tiêu chuẩn chất lượng mỹ phẩm, giấy tờ chứng minh chất lượng mỹ phẩm mà cửa hàng bạn muốn kinh doanh.
– Hóa đơn, phiếu mua hàng hoặc tờ khai hải quan…trong trường hợp nhập khẩu hoặc xách tay mỹ phẩm.
Sau khi bạn nộp đủ các giấy tờ và lệ phí 100.000đ, kết quả sẽ được trả sau 5 ngày làm việc. Bạn có thể đủ điều kiện kinh doanh hoặc phải nộp bổ sung hoặc sửa những điều chưa hợp lệ trong bộ hồ sơ. Trong trường hợp nhận được giấy phép đăng ký hộ kinh doanh cá thể, bạn cần làm thủ tục kê khai ba loại thuế là thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định
6. Tuyển dụng và quản lý nhân viên
Nhân viên chính là bộ mặt của cửa hàng, ảnh hưởng đến doanh thu và hình ảnh của shop trong mắt công chúng. Chính vì vậy, khâu này đòi hỏi sử cẩn thận, tỉ mỉ đến từ chủ kinh doanh. Phù hợp nhất là chọn các nhân viên dao động trong khoảng từ 18 đến 25 tuổi, có khả năng giao tiếp tốt, ngoại hình ưa nhìn và ưu tiên các bạn trẻ có một số kinh nghiệm và hiểu biết trong lĩnh vực kinh doanh cũng như các bạn có vốn ngoại ngữ tốt (các bạn có ngoại ngữ tốt có thể giải thích giúp khách hàng những nội dung trên bao bì mà họ không dịch được).
Một loại ứng cử viên tiềm năng khác cần được ưu tiên trong quá trình tuyển chọn là các bạn trẻ có kỹ năng về bảng biểu, số liệu (Excel). Với những chức năng của Excel, cửa hàng có thể dễ dàng quản lý thu chi, chấm công, tạo ra tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, tối đa hoá lợi nhuận.
Chủ kinh doanh có thể dùng nhiều hình thức khác nhau để tuyển dụng nhân viên. Tuy nhiên, cần chú ý tới những khu vực có sự tham gia, hoạt động tích cực của các bạn trẻ. Ví dụ, chủ doanh nghiệp nên in và dán các loại tờ quảng cáo ở gần các trường đại học, khu nhà trọ sinh viên, trạm xe buýt… Đồng thời tích cực tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Gmail…
7. Áp dụng các chương trình khuyến mãi:
Điều này là đặc biệt quan trọng đối với các cửa hàng mới đi vào hoạt động, là một cách gây ấn tượng ban đầu với thị trường để giúp khách hàng nhận diện thương hiệu. Thời gian đầu tiên, cách dễ nhất là cung cấp các khuyến mãi như mua 1 tặng 1, giảm giá 30-50% hay tặng kèm sản phẩm. Các nội dung về khuyến mãi nên được in rõ trên các hoá đơn bán hàng. Nếu có thể, nên ngỏ lời, nhờ khách hàng giới thiệu cửa hàng mỹ phẩm và các loại sản phẩm với người quen.
Các nội dung về khuyến mãi cần được thiết kế bắt mắt, rõ ràng, thể hiện rõ nội dung của khuyến mãi, trên một nền màu sáng. Sau khi đã có một vị thế tương đối vững chắc trên thị trường, thì các khuyến mãi kiểu như vậy không nên được áp dụng thường xuyên mà chỉ nên vào những dịp thực sự đặc biệt, khi người bán đoán trước được một lượng cầu tăng đột biến. Nếu áp dụng quá nhiều hình thức khuyến mãi, sẽ khiến người tiêu dùng nghi ngờ hàng giả, hàng kém chất lượng hay hàng tồn kho.
Kết luận
Bài viết đã cho chúng ta một cái nhìn tổng thể về 7 điều đáng chú ý để mở một cửa hàng mỹ phẩm thành công. Có thể thấy, việc lên kế hoạch, chuẩn bị hồ sơ và bắt tay vào kinh doanh đều là những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao. Do vậy, chủ kinh doanh cần phải vừa trung thành với kế hoạch của mình, lại vừa cần biết nhanh nhẹn, hiểu biết và nắm bắt thời cuộc để “hoà nhập chứ không hoà tan”. Đây cũng chính là phẩm chất để thành công của con người ở thời đại mới. Chúc bạn gặp nhiều may mắn trong việc kinh doanh cửa hàng mỹ phẩm của mình!
>>>THAM KHẢO CÁC BÀI KHÁC:
Chi tiết thủ tục mở cửa hàng mỹ phẩm theo quy định mới nhất
HƯỚNG DẪN 6 bước mở CỬA HÀNG MỸ PHẨM của riêng bạn
Mở cửa hàng mỹ phẩm – Quy trình thành công trong 7 bước