38 quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt mà bạn nên biết

Bạn đã từng tự hỏi tại sao văn hóa ứng xử trong bữa ăn gia đình Việt Nam lại có ý nghĩa đặc biệt và quan trọng như thế? Bài viết sau sẽ giúp bạn khám phá và tôn vinh những nét đẹp văn hóa ứng xử đậm chất Việt Nam qua 38 quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt.

Từ khi còn bé, chúng ta đã được gia đình dạy dỗ, rèn luyện những quy tắc ứng xử tôn trọng, biết ơn và đồng cảm trong lúc ngồi chung bàn ăn. Văn hóa ứng xử trong bữa ăn gia đình Việt không chỉ đơn thuần là những quy tắc cứng nhắc, nó mang trong mình những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, tạo nên bản sắc độc đáo của dân tộc. Hãy cùng nhau khám phá và ngợi ca những nét đẹp văn hóa ứng xử đậm chất Việt trong những khoảnh khắc thân thương bên gia đình qua bài viết dưới đây. 

 

I. Nguồn gốc văn hóa ứng xử trong bữa ăn của gia đình Việt 

Gia đình truyền thống Việt Nam dựa trên ba nguyên tắc chính: “gia đạo”, “gia lễ” và “gia phong”. 

  • “Gia đạo” thể hiện đạo đức trong gia đình, bao gồm hiếu thảo, tôn trọng ông bà, cha mẹ, vợ chồng và anh em. 
  • “Gia lễ” bao gồm những nghi lễ, tập tục và cách ứng xử truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, mà con cháu phải tuân theo với lòng kính trọng và tôn trọng. 
  • “Gia phong” là những thói quen, tập quán và giáo dục trong gia đình, là nền tảng riêng của mỗi gia đình.

Vì vậy, văn hóa ứng xử trong bữa ăn thuộc phần “gia phong” với ý nghĩa luôn đề cao tinh thần hướng về cội nguồn, khuyến khích thể hiện lòng hiếu thảo, dành sự chăm sóc cho cha mẹ, tôn kính tổ tiên, quý trọng gia đình, duy trì tình anh em đoàn kết và thân thiết.

Chú trọng lời nói lịch sự và biểu cảm kính trọng trong bữa ăn gia đình - Văn hóa ứng xử
Chú trọng lời nói lịch sự và biểu cảm kính trọng trong bữa ăn gia đình – Văn hóa ứng xử

Những bữa ăn gia đình là khoảnh khắc mọi người quây quần bên nhau, cùng thưởng thức món ngon và chia sẻ những câu chuyện, những niềm vui, khó khăn của cuộc sống. 

Ngày nay, xã hội cũng dần nới lỏng những quy tắc cứng nhắc trong việc ăn uống, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng một số quy tắc “bất thành văn” vẫn được áp dụng hàng ngày. Đặc biệt nếu bạn là một vị khách đến thưởng thức bữa ăn tại gia đình Việt, hãy lấy sổ tay và lưu lại ngay những quy tắc dưới đây.  

Bữa ăn gia đình - Nét đẹp văn hóa Việt Nam thể hiện qua lòng biết ơn và lòng trân trọng đối với nhau
Bữa ăn gia đình – Nét đẹp văn hóa Việt Nam thể hiện qua lòng biết ơn và lòng trân trọng đối với nhau

II. Các quy tắc ứng xử trong ăn uống 

1. Quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt khi dùng đũa 

  • Khi gắp thức ăn không đưa thẳng lên miệng mà phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn. 
  • Không và quá 3 lần khi đưa bát cơm lên miệng.
  • Không dùng thìa, đũa cá nhân của mình nhúng vào tô chung.
  • Không xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn.
  • Không cắm đũa dựng thẳng đứng vào bát cơm.
  • Phải trở đầu đũa khi muốn gắp thức ăn cho người khác. 
  • Không nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm.
  • Không được cắn răng vào đũa, thìa, miệng bát, không liếm đầu đũa. 

Không vừa cầm bát và đũa bằng 1 tay, không ngậm đũa để rảnh tay – nếu đôi đũa chưa được dùng đến phải gác vào mâm hoặc đồ gác đũa (nếu có).

Món ăn ngon tràn đầy niềm vui - Bữa ăn gia đình mang đậm giá trị văn hóa ứng xử của người Việt
Món ăn ngon tràn đầy niềm vui – Bữa ăn gia đình mang đậm giá trị văn hóa ứng xử của người Việt

2. Quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt trong khi ăn 

  • Ngồi ăn không rung đùi, đây là tướng bần tiện của nam, dâm dục của nữ và cực kỳ vô lễ. 
  • Không ngồi quá sát hoặc quá xa mâm, bàn ăn. 
  • Không để tay dưới bàn và không chống tay trên bàn để bưng bát, cầm đũa. Khi chưa bưng bát, cầm đũa thì cổ tay để trên bàn nhẹ nhàng. 
  • Giữ thẳng lưng khi ngồi dù trên ghế hay ngồi trên chiếu. 
  • Tránh nói chuyện khi trong miệng ngậm đầy thức ăn.
  • Không ngồi chống cằm trên bàn ăn.
  • Muỗng múc canh nên để úp trong bát chứ không được để ngửa. 
  • Không ăn trước người lớn tuổi, chờ người lớn bưng bát lên mới được ăn. 
  • Khi chấm vào bát nước chấm, chỉ nhúng phần thức ăn, không nhúng đầu đũa vào bát chấm, miếng đã cắn dở không được chấm. 
  • Không nói chuyện, uống nước, húp canh khi miệng còn cơm
  • Không gõ đũa, thìa vào bát. 
  • Không tạo tiếng ồn lớn khi ăn (ví dụ húp soàm soạp).
  • Tuyệt đối không nhai chóp chép.
  • Không gắp liên tục một món dù món đó là khoái khẩu của mình. 
  • Phải ăn hết thức ăn trong bát không để sót một hạt cơm nào.
Bữa cơm đoàn viên - Văn hóa ứng xử trong tình thân và lòng trân trọng
Bữa cơm đoàn viên – Văn hóa ứng xử trong tình thân và lòng trân trọng
  • Dù là khách hay là thành viên gia đình, tuyệt đối không chê món ăn khi không hợp khẩu vị. Điều này không chỉ đơn thuần là phép lịch sự mà còn thể hiện sự giáo dưỡng của một con người. Món ăn ngon hay dở còn tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người, đặc biệt còn thể hiện sự trân trọng đối với công sức và thành quả lao động để hoàn thành món ăn đó. 
  • Trẻ em muốn ăn món mà ở xa tầm gắp phải có người lớn lấy hộ chứ không được nhoài người trên mâm. 
  • Không để vật dụng cá nhân trên bàn ăn. Điện thoại di động là vật bất lịch sự và mất vệ sinh. 
  • Để phần người ăn sau vào chén đĩa riêng chứ không để phần ăn dở ở đĩa.
  • Chú ý tay áo khi gắp đồ ăn. 
  • Ăn từ tốn, không vừa đi vừa nhai. 
  • Nếu gặp xương hoặc vật lạ trong thức ăn, cần từ từ lấy ra chứ không được nhè ra toàn bộ ngay trên bàn. 
  • Không để thức ăn vương vãi.
  • Không ăn quá no, không uống quá chén. 
  • Khi đang ăn mà có việc phải xin phép rồi mới rời mâm.
  • Nếu muốn hắt xì quay ra ngoài, hoặc xin phép ra ngoài để hắt. 
  • Ăn xong cần tô son thì vào nhà vệ sinh, không tô son trên bàn ăn trước mặt người khác. 
  • Tránh va chạm tay với người cùng mâm.
  • Nếu thấy thức ăn lớn nên cắt nhỏ để mọi người được thuận tiện. 
Nhường nhịn khi ăn uống - Tinh hoa văn hóa ứng xử trong gia đình Việt
Nhường nhịn khi ăn uống – Tinh hoa văn hóa ứng xử trong gia đình Việt

 

III. Ý nghĩa và giá trị văn hóa ứng xử trên bàn ăn của gia đình Việt 

Văn hóa ứng xử trên bàn ăn của gia đình Việt Nam là một phương diện thiêng liêng trong văn hóa dân tộc, mang theo mình những giá trị và ý nghĩa sâu sắc.

Đầu tiên, tại bàn ăn gia đình, văn hóa ứng xử thông qua quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt thể hiện tình cảm hòa hợp và tạo nên sự thân mật giữa các thành viên. Những thói quen như nhường nhịn, chia sẻ thức ăn và tránh nói chuyện khi ăn đều tạo ra bầu không khí ấm áp và gắn kết gia đình, tạo nên một môi trường hòa thuận, đoàn kết.  

Thứ hai, văn hóa ứng xử trên bàn ăn còn phản ánh sự tôn trọng và lòng kính mến đối với người lớn và người già. Những hành động như cúi đầu khi uống nước, trả lời lời mời bằng lời cảm ơn và không để lại đồ ăn dư thừa… đều thể hiện sự biết ơn với công sức nấu nướng của người đứng bếp, tạo nên mối quan hệ gần gũi và đáng quý. 

Cuối cùng, những quy tắc này còn thể hiện giá trị văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Những quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt thể hiện thói quen và tập tục truyền thống trong ăn uống gia đình đã truyền tụng qua nhiều thế hệ, tạo nên bản sắc văn hóa đặc thù không thể nào thay thế. Duy trì và giữ gìn văn hóa, quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt là trách nhiệm của mỗi gia đình, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống và truyền cảm hứng tinh thần cho thế hệ sau.

Cha mẹ hướng dẫn con thực hiện quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt
Cha mẹ hướng dẫn con thực hiện quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt

Dưới tác động của thời đại hiện đại, công nghệ và văn hóa quốc tế, quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt cũng đang dần thay đổi. Môi trường sống nhanh và áp lực từ xã hội có thể làm cho mọi người quên đi những quy tắc ứng xử cơ bản. Do đó, duy trì và bảo tồn giá trị văn hóa ứng xử trong bữa ăn gia đình là vô cùng quan trọng trong thời đại hiện đại.

 

IV. Lời kết 

Quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là tinh hoa của tình thương, lòng biết ơn và sự tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình. Những quy tắc, thói quen và tập tục truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và truyền dạy giá trị văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ.

Hy vọng rằng bữa ăn gia đình sẽ tiếp tục là không chỉ nơi chia sẻ thức ăn mà còn là nơi gắn kết tình thân và truyền dạy giá trị văn hóa ứng xử cho thế hệ tiếp theo.

 

Bài viết bạn có thể tham khảo: 

Văn hóa ứng xử tinh tế trong mâm cơm của người Việt. 

Tất tần tật kinh nghiệm du lịch Paris – Pháp tự túc 2023 ! 

Những địa điểm Du lịch Việt Nam có 1-0-2 nhất định cần ghé thăm!!! 

10 Bãi biển đẹp nhất Việt Nam nên đi vào hè này 

 

 

Thực hiện bởi sinh viên: Nguyễn Thị Thu Hiền 

MSV: 20050272

Lớp: QH-2020-E QTKD CLC2

Mã lớp: INE3104 2