Ikebana, hay truyền thống cắm hoa của Nhật Bản, có một lịch sử lâu đời bắt nguồn từ thế kỷ thứ 7. Cách thức của cắm hoa phong cách Ikebana là một phương pháp lấy thiên nhiên làm nền tảng trở thành các tác phẩm nghệ thuật, được biết đến với sự đơn giản của chúng. Bằng cách sử dụng cành, hoa và lá để xây dựng hình dạng và tính cách, Ikebana có thể được sử dụng để thể hiện cảm xúc.
Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản ikebana. Ảnh: Shozo Sato, Sunamono Ikebana
Ông Shozo Sata là một nghệ nhân ikebana hàng đầu Nhật Bản. Suốt 50 năm qua, ông đã chăm chỉ giới thiệu nghệ thuật cắm hoa ikebana đến với thế giới phương Tây. Dưới đây là những giải thích cơ bản nhất của ông về ikebana, để những người mới học cắm hoa vỡ lòng có thể dễ dàng nắm bắt các kỹ thuật thiết yếu.
Nội dung bài viết
1. Cắm hoa Ikebana là gì?
Kết nối thiên nhiên với không gian sống một cách thơ mộng và ẩn chứa những triết lý về nhân sinh quan, nghệ thuật cắm hoa Ikebana là một phần của văn hóa Nhật Bản ngày càng phổ biến trong cuộc sống.
Cũng như các nghệ thuật truyền thống khác của Nhật Bản như thư pháp, trà đạo và sân khấu, Ikebana mang dáng vẻ thanh tao của thiền định. Ra đời từ thế kỉ thứ 6 bởi những nhà sư Trung Quốc đến Nhật Bản để truyền đạo với ý nghĩa ban đầu là dâng hoa cho Phật, loại hình nghệ thuật này được lưu truyền cho đến nay, không chỉ trong nước mà ngày nay còn phổ biến ra khỏi phạm vi nước Nhật.
Ikebana (生花) có nghĩa là “làm cho hoa lá trở nên sống động”. Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản được mô tả là tinh tế và nhạy cảm hơn những phương pháp cắm hoa của các nước khác. Nghệ thuật cắm hoa ikebana được đặt ngang hàng với hội họa và điêu khắc.
Được biết đến với tên gọi khác là “kado” (Tiếng Nhật nghĩa là nghệ thuật thổi hồn cho hoa), Ikebana ban đầu không ra đời với mục đích đơn giản chỉ là cắm hoa đẹp mà hơn thế nữa là thể hiện lòng kính trọng đến tự nhiên, khơi dậy những phẩm chất đẹp đẽ của hoa lá và cảm xúc thông qua những quy tắc bài trí.
Nghệ thuật cắm hoa ikebana đơn giản đã xuất hiện từ thế kỷ thứ VII, khi Phật giáo từ Trung Hoa du nhập vào Nhật Bản. Đó là phong tục sắp xếp hoa trước hình ảnh của Đức Phật. Theo thời gian, phong cách cắm hoa ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp.
Giống các bộ môn đối kháng, Ikebana đòi hỏi tinh thần tập trung cao độ. Tác phẩm của các Samurai phản ánh sự sinh tồn của họ, đồng thời là niềm tin rằng sự kết nối với thiên nhiên sẽ làm sạch tinh thần và tâm hồn, bình ổn cảm xúc trước khi đưa ra những quyết sách quan trọng. Ảnh: Tranh khắc gỗ Samurai cắm hoa của Toyokuni III/Kunisada.
2. Các quy tắc cơ bản của cắm hoa Ikebana
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana có một số quy tắc cơ bản cổ xưa. Cành và hoa phải được đặt ở các góc cụ thể, tượng trưng cho trời (ten), đất (chi), và con người (jin) để qua đó thể hiện sức mạnh, nét duyên dáng, và cả sự phù du của những đời sống.
Khác với nghệ thuật cắm hoa phương Tây vốn ưa kết hợp nhiều loại hoa và nhấn mạnh tính đối xứng, Ikebana tập trung nhiều vào cấu trúc bất đối xứng (thường là 3/7), sự tinh giản và cần nhiều khoảng trống để khơi dậy sự cân bằng, hài hòa.
Có thể nói, đây là một loại hình nghệ thuật có kỷ luật, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau, thấm đẫm triết lý phát triển sự gần gũi với thiên nhiên.
Hình dạng cắm hoa cũng như màu sắc, cũng nói lên ý nghĩa và mang tính biểu tượng. Do gió lớn ở Nhật Bản xảy ra vào tháng 3, những mẫu hoa được thực hiện trong thời gian này sẽ có các nhánh cong để phản chiếu sự chuyển động của gió.
Hoa trắng được dùng để chúc mừng cho một tân gia, vì chúng tượng trưng cho nước và tránh mọi đám cháy có thể có trong nhà. Ngược lại, người ta sẽ muốn tránh những bông hoa màu đỏ trong tình huống này vì họ tượng trưng cho lửa. Ngôn ngữ của hoa, được gọi là hanakotoba, giúp gán ý nghĩa cụ thể cho cây và hoa của Nhật Bản.
Khi ikebana trở thành một phần của văn hóa Nhật Bản thông qua Phật giáo, có nhiều khía cạnh triết học xuất phát từ tôn giáo. Các học viên của ikebana tin rằng cắm hoa nên được thực hiện với sự kiên nhẫn trong im lặng. Khía cạnh thiền định này cho phép các học viên có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về thiên nhiên và sự tập trung cao của họ cho sự sắp xếp tổng thể, cuối cùng đưa họ đến gần hơn với thiên nhiên và nghệ thuật.
3. Cắm hoa Ikebana trong thế giới hiện đại
Một lần đặt chân vào thế giới nghệ thuật Ikebana, bạn sẽ nhận ra rằng cắm hoa không đơn thuần là một thú vui tao nhã hay một hình thức trang trí nhà cửa nữa. Những bông hoa trở nên sống động và có linh hồn, ẩn chứa bên trong đủ “hỉ, nộ, ái, ố”.
Về cơ bản thì Ikebana không đơn thuần hướng đến việc đưa một phần thiên nhiên vào trong ngôi nhà, mà xa hơn là muốn cho thấy cả một thế giới nhiên bao trùm, bằng cách tạo ra một mối liên kết chặt chẽ giữa trong nhà và ngoài trời.
Ngày nay, Ikebana không chỉ được xuất hiện trong những không gian trang nghiêm và sang trọng mà nó có thể xuất hiện trong chính không gian sống. Có thể xem nghệ thuật cắm hoa này như một cách trang trí nhà cửa, một thú vui tao nhã hay một liệu pháp thiền định, chúng ta hoàn toàn có thể tự tay thực hiện một tác phẩm hoa tại nhà của mình.
4. Những điều cần chú ý khi cắm hoa Ikebana
Dụng cụ căn bản cần có là kéo bấm cành, băng keo sáp (hoặc dây kẽm mảnh) để cố định, chân cắm hoa và bình hoa. Với các loại hoa, Ikebana truyền thống thường sử dụng những loại hoa đặc trưng của Nhật Bản như anh đào, cúc, thủy tiên, cẩm tú cầu và các loại lá như tre, thông, tùng…
Với Ikebana hiện đại, người ta sử dụng các giống hoa một cách phong phú và tự do hơn. Để thực hành tại nhà, bạn có thể chọn các loại hoa theo mùa hoặc đặc trưng của khu vực sinh sống. Điều quan trọng nhất cần lưu ý đó là kích thước của hoa với bình và toàn bộ tác phẩm với không gian cần phải có sự hài hòa và cân đối.
Nghệ thuật cắm hoa ikebana Nhật Bản không chỉ bao gồm thành quả cuối cùng, mà đó là toàn bộ quá trình sống chậm và tận hưởng từ lúc bạn chọn hoa, hái hoa, thêm lá cho đến cắt tỉa cây cành. Bình hoa ikebana không chỉ đẹp về hương sắc mà nó còn có linh hồn. Đó là một sinh vật sống, giúp tinh thần của bạn nở hoa.
Đinh Khánh Huyền
MSV: 21050872
Lớp: INE3104_4