Chuyến phiêu lưu gia vị qua văn hóa ẩm thực Á – Âu: Top 10 món ăn đặc trưng

Văn hóa ẩm thực Á-Âu

Văn hóa ẩm thực thường là nơi chứa đựng toàn bộ những nét tinh hoa độc đáo của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Sự khác biệt trong mỗi nền văn hóa đã tạo ra những đặc trưng riêng trong từng món ăn tại mỗi vùng miền. Điều này trở thành đề tài nghiên cứu đặc biệt thu hút được sự chú ý của giới chuyên môn. 

Bài viết sau đây chính là chìa khóa mà bạn cần để khai phá hành trình kỳ diệu và sự đa dạng của thế giới ẩm thực Á – Âu, nơi mà văn hóa, hương vị và mùi thơm hòa quyện. 

1. Sự khác biệt trong văn hóa 02 nền ẩm thực 

 Sự khác biệt trong văn hóa ăn uống giữa châu Á và châu Âu xuất phát chủ yếu từ những nét đặc trưng của mỗi khu vực, điều kiện tự nhiên khác nhau dẫn tới sự khác nhau về thực phẩm cũng như thói quen, khẩu vị ăn uống.

1.1 Nguyên liệu và kỹ thuật chế biến

Bị ảnh hưởng bởi các tập quán nấu ăn và truyền thống của một nền văn hóa cụ thể, thực phẩm châu Á và thực phẩm phương Tây đã phát triển tự nhiên khác biệt theo nhiều cách.

Đồ ăn châu Á được biết đến với nhiều loại nguyên liệu và hương vị đa dạng. Do đa phần các nước châu Á chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới nên các thành phần phổ biến thường có trong thức ăn sẽ gồm gạo, tỏi, hạt vừng, hành, … Hấp, luộc và xào là phương pháp chế biến phổ biến tại các quốc gia phương Đông. Đáng chú ý là các món châu Á đều ít nhiều được phục vụ ấm hoặc nóng và hiếm khi sống và lạnh (sushi là ngoại lệ phổ biến).

Ngược lại, do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ôn đới, nhiều món ăn phương Tây thường được chế biến từ lúa mạch hoặc lúa mì. Xà lách, sữa chua và pho mát là những lựa chọn phổ biến của người dân phương Tây. Đồng thời, với khí hậu khắc nghiệt, những món cung cấp nhiều năng lượng sẽ được ưa chuộng hơn. Người châu Âu cũng chuộng hình thức chiên hoặc nướng trong các đồ ăn của họ từ gà rán, pizza, cá và khoai tây chiên, parmigiana, bánh nướng thịt và thịt cừu nướng… 

1.2 Hương vị của các món ăn

Một sự khác biệt nữa giữa 2 nền văn hóa ẩm thực đó là sự kết hợp gia vị trong các món. Đối với châu Á những loại nguyên liệu như muối, đường, hạt nêm, nước mắm… sẽ là những nguyên liệu được sử dụng phổ biến nhất. Trong khi đối với người phương Tây, mỗi món sẽ có một loại nước sốt khác nhau. 

Là vùng đất của hương liệu nên đồ ăn châu Á thường sử nhiều loại gia vị khác nhau, tạo nên hương vị thơm và đậm đà. Chúng thường có các thành phần được sử dụng làm nổi bật mùi vị như giấm, bột ngũ vị, rượu nấu ăn, nước sốt,, xì dầu và nước tương. Gừng, ớt và tỏi cũng là nguyên liệu chính trong nhiều bữa ăn ở các nước phương Đông.

So với châu Á, đồ ăn phương Tây có thể có khẩu vị nhạt nhẽo hơn. Nước sốt chế biến dường như được phục vụ nhiều hơn với thực phẩm phương Tây. Sốt cà chua, mù tạt, sốt mayonnaise, sốt thịt nướng là một số loại nước sốt phổ biến người ta tìm thấy với các món của Mỹ, châu Âu và Úc. Những loại nguyên liệu có hương vị tương tự nhau sẽ được hạn chế, thay vào đó những nguyên liệu có hơi hướng đối nghịch nhau lại được kết hợp phổ biến

1.3 Phong cách ăn uống

Trong văn hóa của người châu Âu, một món sẽ không tuân theo bất kỳ một nguyên tắc chuẩn mực nào, thay vào đó là sự sáng tạo và tính tiện lợi. Trong khi đó, với những nét cầu kì truyền thống, đồ ăn châu Á thường được chế biến theo những công thức nhất định với những chuẩn mực riêng. Một món ăn được coi là ngon không chỉ dựa vào hương vị mà nó còn phải mang tính truyền thống dân tộc ở trong đó.

Trong văn hóa Á Đông, hầu hết các món được thiết kế để dùng chung với cơm hoặc mì, và gạo và mì được cho là món ăn chính và thiết yếu trong mỗi bữa ăn. Người châu Á có truyền thống quây quần trong bữa cơm và chia sẻ thức ăn. Do đó khi ăn, mỗi người đều sẽ có một bát cơm trắng và ba đến bốn món ăn được đặt ở giữa bàn – mọi người đều được thử mọi thứ và điều này đồng nghĩa với sự san sẻ, yêu kính lẫn nhau trong văn hóa.

Ngược lại, người phương Tây thường chú trọng hơn vào tự do và cá nhân nên các món ăn riêng lẻ phổ biến hơn trong các nền văn hóa phương Tây. Người châu Âu cũng thường đặt các món ăn khác nhau vào đĩa của mình hoặc ăn theo từng phần đã được phân chia sẵn. Điều này có mặt tích cực là tạo nên sự công bằng và thuận tiện hơn trong các bữa tiệc đông người.

Ngoài ra, những người châu Á thường đánh giá món ăn thông qua hương vị, màu sắc, hình thức, đề cao tính ngon miệng hơn là giá trị dinh dưỡng. Còn đối với những người châu Âu, giá trị dinh dưỡng của món ăn lại được chú trọng hàng đầu, họ ít khi quan tâm đến mùi vị, hình thức và màu sắc ra sao.

Trong ăn uống, người phương Tây dùng dao, thìa, đĩa thì những người châu Á lại ưu tiên sử dụng đũa.

Ngày nay nhờ vào sự giao thoa về văn hóa giữa các quốc gia đã trở nên phổ biến, các món ăn cũng được kết hợp đa dạng giữa Đông và Tây dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo nên nhiều hương vị độc đáo và hấp dẫn. Tuy nhiên các món ăn truyền thống vẫn là nét đặc trưng, thể hiện tinh hoa văn hóa, ẩm thực của từng quốc gia, từng nền văn hóa, bất kể là Âu hay Á.

2. Điểm mặt một số món ăn đặc sắc tại châu Á 

2.1 Tom Yum – Món ăn Thái Lan

Tom Yum là món súp truyền thống của Thái Lan, có vị cay, chua, mặn và vị ngọt nhẹ rất đặc trưng.

 

Món ăn Thái Lan
Canh TomYum – Thái Lan

Nguyên liệu chính của Tom Yum bao gồm nước dùng từ xương hầm, tôm hoặc gà, nấm, lá chanh, cà chua, ớt tươi, gừng, tỏi, và nước cốt chanh, nước cốt dừa. Một số phiên bản của Tom Yum có thêm các loại hải sản như cá, mực, hàu, hoặc ếch.

Tom Yum có một vị chua, cay, mặn, ngọt và thơm ngon đặc trưng và là món ăn được yêu thích ở nhiều quốc gia trên thế giới.

2.2 Phở – Món ăn Việt Nam

Đứng trong top đầu bảng xếp hạng các món ăn ngon nhất trên thế giới theo đánh giá của trang Business Insider, thật vinh dự khi món phở của Việt Nam nhận được nhiều sự khen ngợi, yêu thích từ bạn bè trên thế giới.

Phở có hương vị đậm đà, thơm ngon và đầy dinh dưỡng. Nước dùng phở được nấu từ xương ống bò, hành, gừng, đinh hương, tinh dầu hoa hồi và một số gia vị khác.

Các nguyên liệu này được hầm trong nước từ 6 đến 8 tiếng để tạo ra hương vị đặc trưng của phở. Bánh phở được làm từ bột gạo, nước và muối, sau đó được cắt thành những sợi mỏng.

Phở được ăn kèm với rau thơm như rau quế, rau húng, rau mùi và ngò gai, cùng với ớt, chanh và nước mắm để tạo ra hương vị đậm đà và thơm ngon. Phở là món ăn được ưa chuộng và được coi là biểu tượng của ẩm thực Việt Nam.

Phở bò Hà Nội

2.3 Sushi – Món ăn Nhật Bản 

Đây được xem như một món ăn truyền thống của người Nhật Bản. Từ ngàn xưa, người Nhật hay có thói quen ủ cá, thịt, tôm vào cơm để làm tăng hương vị thơm ngon cho món ăn. Họ cũng thường cho thêm vào đó một ít giấm để tạo vị chua chua, ngọt ngọt, tăng thêm sức hấp dẫn. Và từ đó, món sushi đã ra đời.

Sushi – Món ăn truyền thống của người Nhật

Khi làm sushi, người ta sẽ ủ cơm đến một độ chua nhất định, hoặc cho thêm vào đó một ít giấm để làm tăng khẩu vị, không bị ngán. Đi kèm theo là các món phụ, mà người Nhật hay gọi là Neta. Neta đó có thể là thịt cá hồi, trứng cá hồi, trứng sắt sợi, hải sản,…Nhưng có lẽ phổ biến nhất chính là các loại hải sản. Tùy theo cách chế biến và trình bày khác nhau, sushi được chia ra làm năm loại (cuộn, nắm, gói, lên men, rán). Nước chấm đi kèm với sushi thường là mù tạt (wasabi) hay nước tương Nhật Bản, tất cả đều rất ngon.

2.4 Halo Halo – Món ăn Philippines

Halo Halo là một món tráng miệng phổ biến tại Philippines. Món này có vị ngọt, mát và bắt mắt với nhiều màu sắc khác nhau.

Halo Halo được làm từ nhiều loại nguyên liệu như: đậu đỏ, đường, bánh kẹo, trái cây tươi, sữa đặc, kem tươi, đá viên và nhiều loại thạch.

Halo-halo – món tráng miệng phổ biến của Philippines

Các nguyên liệu được trộn lẫn với nhau và ăn kèm với sữa đặc. Halo Halo cũng thường được trang trí bằng các loại mứt trái cây và nhiều loại hạt như đậu phộng, hạnh nhân và hạt sen.

Với vị ngọt, mát và đa dạng về màu sắc và nguyên liệu, Halo Halo là món tráng miệng giải nhiệt, đặc biệt vào mùa hè khi thời tiết nóng bức.

2.5 Dimsum – Món ăn Trung Quốc 

Dimsum, hay còn được biết đến như “điểm tâm” trong văn hóa thực phẩm của Trung Quốc, có nguồn gốc từ những vùng đất mộng mơ như Guangzhou và Hong Kong. Không chỉ là một bữa ăn ngon miệng, dimsum còn là biểu tượng của sức sáng tạo, nơi mà các nguyên liệu được kết hợp một cách tinh tế.

Hương vị của dimsum như một bức tranh tinh tế. Từ những viên tôm tươi ngon, thịt gà mềm mại, đến hương vị độc đáo của nấm, mỗi chiếc bánh nhỏ như một tác phẩm nghệ thuật, đưa người thưởng thức vào một hành trình của sự cân bằng và hài hòa vị giác.

Món đặc sắc của ẩm thực Trung Hoa
Món Dimsum – Trung Quốc

Dimsum không chỉ là một món, mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật. Những chiếc giỏ dimsum mềm mại và trong suốt như những viên ngọc, chứa đựng những bánh nhỏ với đủ màu sắc và hình dáng khác nhau. Từ những chiếc bánh xôi mịn màng, bánh hargao trắng tinh tế, đến những chiếc bánh bao béo ngon, mỗi chiếc đều là một tác phẩm nghệ thuật nhỏ bé, tô điểm cho bữa tiệc Trung Quốc với vẻ đẹp tự nhiên và dễ thương.

3. Một số món ăn đặc sắc tại châu Âu 

3.1 Borscht Soup – Ẩm thực Ukraine

Borscht là một trong những món ăn đặc trưng, truyền thống trong văn hóa của Ukraine. Nguyên liệu chính là làm từ củ cải đường, cà chua băm nhuyễn nấu thành súp, sau đó cho thêm thịt, cá, gia vị,… để tạo nên hương vị thơm ngon.

đồ ăn
Món súp Borscht

Nước dùng của Borscht chua chua ngọt ngọt, có thể ăn kèm với khoai tây hoặc trứng luộc tùy sở thích mỗi người. Đặc biệt, khi ăn Borscht Soup người ta sẽ cho thêm một ít kem chua trên bề mặt, tạo vị béo và chua thanh độc đáo.

3.2 Sunday Roast – Anh

Sunday Roast hay còn được gọi là Sunday Roast Dinner, là một món ăn truyền thống và phổ biến của Anh. Sunday Roast bao gồm các nguyên liệu chính như: khoai tây nướng, thịt nướng và một số loại rau củ quả khác. Món nướng này thường được ăn kèm cùng với nước sốt tỏi tây, nước sốt chua ngọt và bánh Yorkshire.

Món ăn Châu Âu
Món thịt nướng Sunday Roast

Tùy theo sở thích của mỗi người, mà Sunday Roast cũng có thể ăn kèm với hạt bí và hạt dẻ. Mặc dù tất cả nguyên liệu của món ăn khá đơn giản nhưng Sunday Roast nhận được rất nhiều sự yêu thích từ thực khách bởi màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon.

3.3 Spaghetti – Ý

Không chỉ là món ăn truyền thống của người dân nước Ý, Spaghetti còn là một phần quan trọng làm nên thương hiệu các món ăn Châu Âu trong lòng thực khách thế giới. 

Món mì hấp dẫn với những sợi mì dài và nhỏ thường ăn cùng với nước sốt cà chua đậm đà. Người Ý thường dùng chung món này với một vài loại pho mát xay như: Parmesan, Pecorino Romano, Asiago. 

Ẩm thực Châu Âu
Mì Ý sốt bò bằm

Bên cạnh món Spaghetti truyền thống nói trên, mì Ý còn có nhiều biến thể với những cách chế biến khác nhau làm nên những loại Spaghetti cũng thơm ngon và nổi tiếng không kém như: Spaghetti hải sản hay Spaghetti sốt kem,…

Du lịch nước Ý, dừng chân ở bất cứ nơi đâu, bạn cũng đều có thể tự thưởng cho mình một phần Spaghetti ngon miệng để bù lại năng lượng đã mất sau một thời gian vu vi đến với các điểm đến tại quốc gia xinh đẹp này. 

Xem thêm: Bí quyết để có món mì Spaghetti ngon đúng điệu | VinID

3.4 Soupe à l’oignon – Pháp 

Đây là món súp khai vị truyền thống với những hương vị vô cùng tuyệt vời rất nổi tiếng nơi đây.

Soupe à l’oignon được làm từ những nguyên liệu như: hành tây, thịt bò, bánh mì nướng, nước hầm thịt và phô mai. Thưởng thức món ngon này bạn sẽ cảm nhận vị hơi hăng hăng của hành tây, thoang thoảng mùi rượu brandy/sherry do được thêm vào phần cuối trong quá trình nấu nướng.

Soupe à l’oignon – Súp hành kiểu Pháp

Nghe có vẻ đơn giản, xong chưa có một thực khách nào có thể làm lơ trước hương vị đặc biệt và sự đậm đà hấp dẫn của món súp đứng vào hàng món ăn Châu Âu nổi tiếng thế giới này!

Xem thêm: Soupe à l’Oignon: Vị ngon nồng nàn của súp hành kiểu Pháp – Dydaa, Travel & Lifestyle

3.5 Fondue – Thụy Sỹ

Fondue hay còn được gọi là lẩu phô mai. Có thể nói khi nhắc đến Thụy Sĩ người ta thường nghĩ ngay đến những ngôi làng bình yên đẹp tựa tiên cảnh, những thị trấn với sắc xanh ngự trị, dãy Alps tuyết phủ trắng xóa, các thương hiệu đồng hồ cao cấp bậc nhất thế giới và dĩ nhiên sẽ không quên được món lẩu phô mai thơm ngon, béo ngậy – một trong những món ăn Châu Âu nổi tiếng nhất trên thế giới.

Fondue không chỉ đơn giản là món ăn nổi tiếng của riêng Thụy Sĩ, mà nó đã vượt ra khỏi biên giới của đất nước này và chạm vào dạ dày của nhiều thực khách. 

Fondue – Lẩu phô mai của Thụy Sỹ

Lẩu phô mai là món ngon gồm một hoặc nhiều loại phô mai được đun chảy trên một chiếc nồi nhỏ. Để giữ được độ ấm nóng và duy trì ở thể dạng lỏng, chiếc nồi này sẽ được đặt trên một bếp cồn hoặc nến.

Bạn có thể sử dụng những món ăn như bánh mì cắt nhỏ, thịt hun khói, salami, rau củ hoặc xúc xích để nhúng vào trong nồi pho mai.

Lời kết

Mỗi món ăn trong nền văn hóa hai miền Á – Âu, đều mang những vẻ đẹp đặc trưng rất riêng, rất khác và thấm đượm hơi thở bản sắc dân tộc trong chúng. Nếu văn hóa trong phong vị châu Á mang sự tinh tế trong việc kết hợp các loại gia vị, nâng cao nét truyền thống lâu đời, thì văn hóa Châu Âu lại là tỏa sáng bởi sự hiện đại, phóng khoáng và sáng tạo trong việc chăm chút tỉ mỉ từ nguyên liệu đến cách trình bày món ăn.

Ngay cả khi có sự đối lập, hai nền văn hóa Á – Âu lại gặp gỡ nhau ở một điểm: Sự đam mê, tận tụy của người nấu. Những món ăn có khả năng trở thành cầu nối giữa người với người, là nơi giao thoa của những tâm hồn cách xa về mặt địa lý, nơi hòa quyện của những sự khác biệt. 

Trải qua bài viết trên, hy vọng bạn có thêm những hiểu biết thú vị về sự đặc trưng riêng biệt của nền văn hóa ẩm thực Á – Âu. 

Ngoài ra, bạn cũng có khám phá thêm những thông tin thú vị khác về văn hóa tại:

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Khánh Linh 

Mã sinh viên: 20050869 

Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 5 

Mã lớp học phần: INE3104_2