Là những báu vật vô giá, đại diện cho tinh hoa văn hóa, lịch sử của dân tộc, Bảo vật quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Mỗi một bảo vật đều mang trong mình những câu chuyện lịch sử, văn hóa riêng, góp phần làm sáng tỏ thêm bức tranh về quá khứ hào hùng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bài viết này sẽ dẫn dắt bạn bước vào thế giới diệu kỳ của những Bảo vật quốc gia, nơi lưu giữ những câu chuyện lịch sử ẩn chứa bên trong, những giá trị văn hóa độc đáo và tinh hoa nghệ thuật được thể hiện qua từng hiện vật. Hãy cùng khám phá hành trình đầy thú vị này để hiểu thêm về cội nguồn và bản sắc của đất nước, để thêm yêu và trân trọng những gì mà cha ông ta đã gìn giữ qua bao thế hệ nhé!
Nội dung bài viết
Bảo vật quốc gia là gì?
Theo khoản 7 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009), bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.
Trong đó, bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt và được nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua bảo vật quốc gia. Theo Khoản 1 Điều 42 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009)
Với bảo vật quốc gia, Điều 41a Luật Di sản văn hoá 2009 quy định các tiêu chí bắt buộc như sau:
a) Là hiện vật gốc độc bản;
b) Là hiện vật có hình thức độc đáo;
c) Là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.
Xem thêm các bài viết liên quan đến bảo vật quốc gia:
Danh sách 29 bảo vật quốc gia của Việt Nam vừa được công nhận
Bảo vật quốc gia là gì? 18 bảo vật quốc gia vô giá nhất Việt Nam
Bảo vật quốc gia: Chiếc trống đồng được mua bảo hiểm 2 triệu USD
Vén màn 10 bảo vật quốc gia không phải ai cũng biết
1. Bảo kiếm An Dân
2. Thẻ bài cung nữ
Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long được các cán bộ Viện Khảo cổ học phát hiện năm 2021 tại phía đông bắc điện Kính Thiên, cách điện 100m. Khi đó, thẻ còn nguyên vẹn, bề mặt ăn mòn do bị ô xy hoá, lớp đất bám vào và lớp ăn mòn mỏng, không ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc của hiện vật, chữ còn rõ. Đây là hiện vật đặc biệt được phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long năm 2022 và được công nhận là Bảo vật quốc gia vào đầu năm 2024.
Đây là hiện vật duy nhất còn sót lại cho đến nay minh chứng cho hệ thống quản lý cung nữ chặt chẽ và nghiêm ngặt thời Lê Sơ. Qua thẻ bài, chúng ta có thể hình dung được phần nào về đời sống, sinh hoạt của các cung nữ trong cung cấm. Hiện nay, Thẻ bài cung nữ được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, được trưng bày trong Phòng Trưng bày báu vật hoàng cung, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
3. Linga – Yoni
Trong quan niệm tôn giáo Chămpa, Linga và Yoni là thế giới linh vật tượng trưng cho dương và âm. Linga là bộ sinh thực khí nam, tượng trưng cho thần Siva – một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo – biểu tượng cho dương tính và năng lực sáng tạo. Còn Yoni là bộ sinh thực khí nữ, tượng trưng cho thần Uma – vợ của thần Siva – biểu tượng cho âm tính.
Linga – Yoni là một di vật tiêu biểu, cực kỳ quý hiếm không chỉ phản ánh được diện mạo đời sống văn hóa xã hội, đặc biệt là trong tôn giáo, tín ngưỡng phồn thực của cư dân Óc Eo trong lịch sử mà còn là một cứ liệu quan trọng minh chứng cho một giai đoạn phát triển, giao lưu và tiếp biến văn hóa của cư dân cổ ở vùng đất Nam Bộ nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung. Linga – Yoni hiện lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ.
4. Đao cẩn tam khí thời Trần
Đao cẩn tam khí thời Trần là một hiện vật đặc biệt được phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long năm 2002 và được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2024. Hiện nay, Đao cẩn tam khí thời Trần được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội. Du khách đến đây có thể chiêm ngưỡng thanh đao và tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Đao cẩn tam khí thời Trần – Siêu phẩm binh khí và biểu tượng tinh hoa văn hóa Đại Việt, là một trong những bảo vật quốc gia đặc biệt tiêu biểu, không chỉ bởi giá trị lịch sử mà còn bởi giá trị nghệ thuật và minh chứng cho trình độ kỹ thuật rèn đúc và chế tác kim loại tinh xảo của người thợ thủ công thời Trần. Không giống bất kỳ thanh đao nào khác được phát hiện. Tại Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ phát hiện một số kiếm, đao, giáo, nhưng không hiện vật nào có cấu trúc tương tự như thanh đao này.
5. Tượng Phật Giồng Xoài
Tượng Phật Giồng Xoài là một trong hai hiện vật được phát hiện tại di tích Giồng Xoài (ấp Sơn Hòa, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) được công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 9 năm 2020.
Tượng Phật Giồng Xoài ở Kiên Giang là một phác thảo chưa hoàn chỉnh. Tượng trong tư thế lệch hông phải, đầu gối trái chùng, tay trái giơ lên, bàn tay không thể hiện rõ nét, tay phải buông xuôi dọc thân, khuôn mặt đầy đặn, thon dài, cằm tròn, chỏm Usnisa nhọn. Cổ hơi to ngang, bụng hơi lớn, sau lưng phẳng bẹt. Trang phục dài sát cổ chân, tạo thành tà ngang dưới chân. Bệ đơn giản, có dạng hình tròn trơn. Đôi chân cũng thuộc dạng phác thảo không thể hiện ngón.
Tượng Phật gỗ Giồng Xoài là sản phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình nói chung và điêu khắc Nam Bộ nói riêng; là tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật chế tác thủ công được hình thành và phát triển trong Văn hóa Óc Eo. Tượng chế tạo theo quy chuẩn của tượng Phật giáo Theravada có nguồn gốc từ Ấn Độ, song về chất liệu, đặc điểm khuôn mặt và các chi tiết thể hiện cho thấy tượng là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa diễn ra rất mạnh mẽ trong thời kỳ Văn hóa Óc Eo.
6. Khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và năm mươi đồng
Khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và năm mươi đồng được chế tác vào năm 1947, là một trong những hiện vật đặc biệt được công nhận là Bảo vật quốc gia vào đầu năm 2024. Hiện nay, hai bảo vật được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, là minh chứng cho tinh thần quật cường và ý chí độc lập của nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Tháng 7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cho phép chính quyền Nam Trung bộ in và phát hành tín phiếu ở vùng tự do Liên khu 5 (có giá trị như giấy bạc Việt Nam). Sau đó, ông Phạm Văn Đồng và Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ quyết định lập xưởng in tín phiếu đặt tại xóm Xà Nay, thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham, huyện Sơn Trà. Quảng Ngãi là nơi đầu tiên đặt xưởng in tín phiếu phục vụ kháng chiến chống Pháp.
Xem thêm bài viết có liên quan tại đây
7. Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu, còn được gọi là Mâm bồng gốm men ngũ sắc, là một hiện vật đặc biệt được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2020. Mâm bồng hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là hiện vật bằng gốm, có niên đại khoảng thế kỷ XV, được sử dụng để đặt các lễ vật trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là hiện vật có hình thức độc đáo với phần trên mặt trong và ngoài hiện vật được trang trí 42 cánh sen tạo tổ hợp các dải băng hoa sen đơn và kép với các lớp so le giống hình một bông hoa sen đang nở rộ. Bảo vật quốc gia này là một tác phẩm nghệ thuật nổi trội về giá trị thẩm mỹ, khẳng định bước phát triển đột biến trong kỹ thuật, mỹ thuật của người thợ gốm.
8. Trống đồng Cẩm Giang
Còn có tên gọi khác là “Trống Vịt”. Đây là một tên gọi dân dã, nhưng ít nhiều phản ánh tính độc đáo và khác biệt của trống này trong phức hợp trống đồng Việt Nam nói chung và trống đồng Đông Sơn nói riêng. Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thanh Hiền cho biết điểm đặc biệt làm nên giá trị của trống đồng Cẩm Giang chính là 4 khối tượng vịt trên mặt trống, khiến nó trở thành chiếc trống đồng độc nhất ở Việt Nam.
Khi được tìm thấy, trống chỉ còn hai tượng vịt nguyên vẹn, một con đã mất hẳn, con còn lại bị sứt mẻ. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang trưng bày hàng trăm chiếc trống đồng cổ, trong đó độc đáo nhất là trống đồng tượng vịt Cẩm Giang được công nhận bảo vật quốc gia vào ngày 30/12/2013.
9. Bia đá “Đại Bi Diên Minh tự bi”
Bia cung cấp thông tin quý giá về lịch sử địa phương, về quá trình trùng tu chùa Đại Bi, về đời sống xã hội, văn hóa và tôn giáo thời Trần. Bia đá là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá có giá trị cao, thể hiện trình độ kỹ thuật điêu khắc tinh xảo của người thợ thủ công thời Trần. Bia đá “Đại Bi Diên Minh tự bi” là một bảo vật quốc gia đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị.
10. Trống đồng Sao Vàng
Trống đồng Sao Vàng – Biểu tượng văn hóa Đông Sơn rực rỡ, được phát hiện năm 2006 tại khu vực sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những chiếc trống đồng lớn nhất và tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn. Với niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 – 2.000 năm, Trống đồng Sao Vàng mang giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn và được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2024.
Với kích thước lớn, hình dáng cân đôi, hoa văn trang trí phong phú, sinh động, trống đồng Sao Vàng được đánh giá là một hiện vật có giá trị, là một trong những bảo vật quốc gia quan trọng của Việt Nam. Với ý nghĩa độc đáo trong sưu tập trống đồng Đông Sơn mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện lưu giữ, trưng bày, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc.
Như vậy, bài viết này đã giải đáp cho bạn đọc hiểu được bảo vật quốc gia là gì và giải mã thông tin về 10 bảo vật quốc gia Việt Nam mà không phải ai cũng biết. Mỗi một bảo vật là những viên ngọc quý của dân tộc, là minh chứng cho lịch sử hào hùng và tinh thần quật cường của cha ông ta. Chúng là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam và cần được gìn giữ, bảo vệ cho thế hệ mai sau.
Xem thêm các bài viết liên quan tại:
Kho tàng 5 di sản văn hóa vật thể: Hành trình khám phá vẻ đẹp và giá trị văn hóa
Văn hóa vùng miền ở Việt Nam: 3 sắc màu đa dạng, phong phú
Văn hóa dân tộc trong âm nhạc hiện đại: Top 4 MV triệu view
Thực hiện bởi
Sinh viên Hoàng Phương Thảo
Mã sinh viên 22051808
Lớp học phần INE3014_2