Ô nhiễm nước sông Đà: Tạm giữ 3 nghi phạm đổ dầu thải

Ô nhiễm nước ở Hà Nội: Nước sinh hoạt bỗng nhiên có mùi lạ

Trong thời gian gần đây, nguồn cấp nước cho Nhà máy nước của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà được cho là có dấu hiệu bị ô nhiễm, có mùi hơi khét, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực cấp nước do không đảm bảo chất lượng. Sự cố ô nhiễm nước khiến người dân sinh sống tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông phải xếp hàng chờ lấy nước sạch từ xe bồn như thời bao cấp.

Ô nhiễm nước ở Hà Nội: Người dân xếp hàng lấy nước sinh hoạt
Ô nhiễm nước ở Hà Nội: Người dân xếp hàng lấy nước sinh hoạt. Ảnh: Beatvn

Điều tra nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước Sông Đà

Ngày 14/10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – ông Hoàng Văn Thức đã cho biết những thông tin đầu tiên về nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn cấp nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà: “Con kênh dẫn nước vào Nhà máy nước Sông Đà thông với một con sông nhỏ chảy qua địa bàn xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đêm ngày mùng 8, rạng sáng ngày mùng 9/10, người dân quanh khu vực đã phát hiện một xe có trọng tải khoảng 2,5 tấn đổ dầu thải trái phép ra một khe núi thuộc xã Phúc Tiến.”

Ông Hoàng Văn Thức khẳng định: “Vào thời điểm ấy, khu vực tỉnh Hòa Bình có mưa to nên dầu từ khe núi đã chảy xuống sông thuộc địa bàn xã Phú Minh, chỉ cách kênh dẫn nước vào Nhà máy nước sạch sông Đà khoảng 800m và từ đó lan vào kênh dẫn nước này, gây ô nhiễm nước.”

Xem thêm: Dầu loang ở nước đầu nguồn: Lãnh đạo Công ty nước Sông Đà nói không bưng bít

Ông cũng cho biết, ngày 10/10, công nhân nhà máy nước sạch Sông Đà phát hiện ra vết dầu loang trên kênh dẫn và đã được huy động đi vớt dầu. Hiện nay số dầu loang đang được tích cực xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình cũng đang khẩn trương tiến hành lấy mẫu nước để phân tích, kiểm tra.

Đổ trộm dầu thải ở khu vực thượng nguồn
Người dân phát hiện hành vi đổ trộm dầu thải ở khu vực thượng nguồn nhà máy. Ảnh: Zing.vn

Ngày 15/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo việc xử lý ô nhiễm nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình ngay lập tức chỉ đạo khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt cho nhân dân. Ngoài ra, UBND tỉnh Hòa Bình cần có giải pháp xử lý, thay thế nguồn nước ô nhiễm và cung cấp đủ nước sạch để ổn định đời sống cho nhân dân trong khu vực.

Tối ngày 17/10, một ngày sau khi khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015 và căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập, tạm giữ hai nghi phạm là Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám để điều tra, làm rõ việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nước sông Đà. Ngày 20/10, nghi phạm thứ ba là Lý Đình Vũ tự ra đầu thú.

3 nghi phạm đổ dầu thải
3 nghi phạm đổ dầu thải vào nguồn nước sạch sông Đà. Ảnh: Vietnamnet

Đại và Thám khai báo, ngày 6/10 hai người được Lý Đình Vũ thuê lái xe từ Bắc Ninh đến Công ty gạch Thanh Hà ở Phú Thọ để lấy 10m3 chất thải. Sau đó, ngày 8/10, Đại, Thám và Vũ đổ trộm số chất thải này ở khe núi xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Số chất thải này đã chảy lan xuống suối Trâm – là một nguồn nước chính của Nhà máy nước sạch sông Đà.

Dầu thải chảy vào suối Trâm
Dầu thải chảy vào suối Trâm, một trong ba nguồn nước chính của Nhà máy. Ảnh: Bá Đô

Ngày 19/10, đoàn kiểm tra của Cục Cảnh sát môi trường thuộc Bộ Công an phối hợp với cơ quan chức năng địa phương đã đến công ty gốm sứ Thanh Hà làm việc, thu thập tài liệu để phục vụ cho công tác điều tra. Đoàn kiểm tra kết luận, Công ty gốm sứ Thanh Hà đã có hành vi quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, có kho chứa nhưng lại bảo quản dầu thải ở kho vật tư; chuyển giao chất thải nguy hại cho người không có chức năng xử lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước.

Hệ lụy từ dầu thải

Kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước là do chất xylene, có tỷ lệ cao hơn 1,3 – 3,6 lần so với mức bình thường.

Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đây là một thành phần chính có trong xăng, dầu và phản ứng với các chất oxy hóa mạnh. Xylene có thể gây dị ứng với da và mắt. Nếu tiếp xúc trong thời gian dài với hàm lượng cao, chất này có thể hấp thu vào trong cơ thể người gây hại gan, thận, thần kinh. Do đặc tính hòa tan trong nước, đây được xem là một hợp chất nguy hiểm có thể gây ô nhiễm nguồn nước.

Ông Thịnh cho biết thêm, việc xử lý nguồn nước ô nhiễm dầu thải để trở thành nước sinh hoạt rất tốn kém và công nghệ xử lý nước mặt của Việt Nam hiện nay chưa có quy trình để xử lý nguồn nước bị ô nhiễm do dầu thải.

Theo thống kê, nguồn nước sạch bị ô nhiễm gây ảnh hưởng cuộc sống của hơn 250.000 hộ dân, tương đương 18% số hộ dân trên địa bàn Hà Nội.

 

Lê Anh Thu Hà – MSSV: 16040107

1 thoughts on “Ô nhiễm nước sông Đà: Tạm giữ 3 nghi phạm đổ dầu thải

  1. Pingback: Dân Hà Nội "VẬT LỘN" 15 ngày cùng nước sinh hoạt có mùi

Comments are closed.