Ẩm thực 3 miền – Nét đẹp văn hóa ẩm thực Việt Nam

Đặc sắc ẩm thực 3 miền

Sự phong phú, đa dạng với những điểm chung và riêng giữa ẩm thực 3 miền đã tạo nên một nét đặc trưng riêng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Có thể nói, nền ẩm thực 3 miền đã chịu tác động mạnh mẽ từ nhiều yếu tố, đặc biệt là lịch sử, tự nhiên và con người. Chính vì vậy mà ẩm thực Việt ngày càng trở nên độc đáo theo một cách rất riêng.

1. Tổng quan về ẩm thực Việt Nam

Ẩm thực Việt Nam là thuật ngữ được dùng để bao hàm tất cả các món ăn được chế biến, pha trộn nguyên liệu và thói quen ăn uống của người Việt nói chung.

Văn hóa ẩm thực 3 miền Việt Nam chịu ảnh hưởng về phong tục, tập quán, thói quen, địa lý, điều kiện khí hậu và đặc biệt là quan niệm của con người. Chạy dọc theo đất nước hình chữ S từ Bắc đến Nam với 63 tỉnh thành và 54 dân tộc anh em, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền văn hóa ẩm thực độc đáo, hoang dã nhưng lại vô cùng tinh tế không thua kém các nước trên thế giới.

Người Việt Nam từ xa xưa đã hiểu được rằng, ăn cũng là một văn hóa cần phải học, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nói đến văn hóa ẩm thực, không phải đơn giản chỉ là các món ăn thông thường mà còn là cách giao tiếp, ứng xử và sự thể hiện tinh thần dân tộc.

2. Nét tương đồng về ẩm thực 3 miền

Đều xuất phát từ dấu ấn của nền nông nghiệp lúa nước, bất kể một bữa ăn bình thường hay các ngày lễ đặc biệt, thực đơn của người Việt không thể thiếu hình ảnh của cơm trắng.

Bữa ăn người Việt không thể thiếu bát cơm trắng
Bữa ăn người Việt không thể thiếu bát cơm trắng

Ngoài ra, các món ăn Việt Nam chủ yếu đều từ rau, quả, củ khá thanh đạm; người Việt thường không thích các món nhiều thịt hay nhiều dầu mỡ như đồ của phương Tây hay các món người Hoa. Không có quá nhiều các gia vị như Ấn Độ, khi chế biến thức ăn, người Việt thường nêm vào nồi chút nước mắm, hạt tiêu cùng các gia vị thiên nhiên… tạo hương vị đậm đà.

Ngay cả khi dùng kèm, các loại nước chấm phong phú cũng tạo mùi vị đặc trưng cho từng món ăn.

Những món ăn Việt đậm đà hương vị với các loại mắm là đặc sản riêng theo từng vùng miền khác nhau.
Những món ăn Việt đậm đà hương vị với các loại mắm 

Người Việt thường dùng các gia vị như gừng, nghệ, hành, tỏi, sả và các loại rau thơm… chứ không dùng gia vị khô hoặc qua chế biến. Các gia vị được sử dụng một cách tương sinh hài hòa và thường thuận theo nguyên lý “âm dương phối triển và ngũ hành tương sinh”, kết hợp được 2 nguyên tắc này trong nấu nướng món ăn vừa đạt được vẻ đẹp hài hòa theo đúng tiêu chuẩn mỹ học lại có tác dụng như những vị thuốc đông y giải độc.

Một trong những văn hóa về ẩm thực Việt Nam 3 miền đều tương tự nhau là thói quen dùng chén, đũa và dọn lên mâm. Mâm cơm Việt là một nét đặc trưng từ lâu đời và gắn liền với người dân theo năm tháng.

Mâm cơm Việt thể hiện sự đầm ấm, hạnh phúc, no đủ của một gia đình mỗi khi quây quần bên nhau
Mâm cơm Việt thể hiện sự đầm ấm, hạnh phúc, no đủ của một gia đình mỗi khi quây quần bên nhau

Với người Việt, sự quay quần giữa các thành viên trong gia đình bên mâm cơm thể hiện một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, ấm no. Trong bữa ăn, người Việt Nam sẽ dọn tất cả các món lên cùng một lúc để tất cả mọi người cùng thưởng thức. Từ những bát thức ăn chung, mỗi người sẽ tự múc thức ăn vào trong bát riêng. Hơn nữa, trước khi ăn sẽ có lời mời với mỗi thành viên hay khách đến nhà.

Dù bạn có là một người khách lạ đến chơi nhà thì trong mâm cơm Việt cùng cảm nhận được sự gần gũi, cởi mở của từng thành viên. Đây vốn dĩ là bản tính của dân tộc Việt Nam, sự chân thành, lối sống tình cảm, chan hòa với tất cả mọi người xung quanh.

3. Những đặc trưng riêng của ẩm thực 3 miền

3.1 Ẩm thực miền Bắc: vị trung tính, giản dị mà đậm đà

Ẩm thực miền Bắc giản dị nhưng vẫn đủ tinh tế
Ẩm thực miền Bắc giản dị nhưng vẫn đủ tinh tế

Từ xưa, người dân Việt đã có câu: “Ăn Bắc mặc Nam”. Chính từ những nét truyền thống của người Bắc Bộ, ông cha ta đã mang ẩm thực đi dọc theo các vùng miền, không ngừng sáng tạo để thích nghi với từng vùng đất khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó mà dễ hiểu vì sao miền Bắc lại có rất nhiều những món ăn truyền thống và luôn được người dân gìn giữ cẩn thận.

Miền Bắc nước ta là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng từ các triều đại phong kiến, trong đó, thủ đô Hà Nội chính là nơi lưu giữ nhiều nét tinh hoa ẩm thực đặc trưng. Điểm chung của ẩm thực miền Bắc đó là sự đơn giản nhưng lại vô cùng tinh tế từ công đoạn chế biến, trình bày cho đến tên gọi của các món ăn.

Khẩu vị của người miền Bắc từ xa xưa đã được coi là chuẩn mực bởi được sàng lọc kỹ lưỡng từ bao đời. Họ chuộng món ăn thanh đạm, nhẹ nhàng và một chút chua. Các món rau và các loại thủy hải sản nước ngọt cũng khá phổ biến trong các món ăn miền Bắc. Các gia vị được tiết chế vừa phải, có sự tương hỗ với nhau, không cay xé lưỡi như các món ăn miền Trung cũng không ngọt như trong món của người Nam.

Các món đặc trưng của người miền Bắc: phở Hà Nội, bún thang Hà Nội, bún chả Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, bún ốc, thịt đông, xôi cốm vòng, chả giò, miến xào cua bể…

Món ăn trứ danh ẩm thực miền Bắc - Phở Hà Nội
Món ăn trứ danh ẩm thực miền Bắc – Phở Hà Nội

Ẩm thực miền Bắc lại in đậm cốt cách của một nền văn hóa lâu đời. Đến với điểm hẹn từng là kinh đô của nhiều triều đại, Hà Nội được xem như tinh hoa ẩm thực miền Bắc. Món ăn miền Bắc từ cách chế biến cho đến trình bày nhìn khá đơn giản nhưng lại thể hiện sự tinh tế rất riêng.

Khi nhắc đến ẩm thực Miền Bắc mà không nhắc tới ẩm thực của vùng núi Tây Bắc thì quả là một thiếu sót rất lớn. Ẩm thực Tây Bắc với sự độc đáo và đa dạng, đa số các món ăn đều mang hương vị đặc trưng của núi rừng, có thể kể đến như: hạt mắc khén, hạt dổi, mật ong rừng, Gạo Séng Cù, Miến dong Phia Đén…

Nộm hoa ban
Nộm hoa ban

Xem thêm:  Ẩm Thực Hà Nội – Top 5 Món Ăn Đậm Đà Hương Vị Hà Thành

                   Khám phá văn hóa ẩm thực miền Bắc qua 6 món đặc sản thơm ngon

3.2 Ẩm thực miền Trung: vị cay nồng đặc trưng

Ẩm thực miền Trung - ấm nồng hấp dẫn
Ẩm thực miền Trung – ấm nồng hấp dẫn

Bạn có từng thắc mắc: Tại sao trong ẩm thực 3 miền, các món miền Trung lại thường cay và mặn?

Nhắc đến thành phố của biển, nắng và gió thì những món ăn nơi đây cũng thể hiện phần nào rõ nét được nguồn gốc nơi chúng xuất xứ. Tuy không được thiên nhiên, khí hậu ưu đãi, thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, nhưng ẩm thực miền Trung lại khiến du khách thập phương không khỏi đắm lòng với những món ngon được chế biến công phu và mang những hương vị đặc trưng rất riêng và đậm chất miền Trung.

Nói đến các món ăn miền Trung, hầu như ai cũng sẽ nhớ ngay cái vị cay xé nồng nàn đến tận cổ họng. Người miền Trung có thói quen ăn cay và hầu hết các món đều sử dụng gia vị này. Do đó mà có thể hiểu được vì sao, trong bữa ăn của người miền Trung luôn có một chén mắm ớt tỏi hay một dĩa ớt trái tươi đi kèm.

Bữa ăn người miền Trung luôn có dĩa ớt trái tươi đi kèm
Bữa ăn người miền Trung luôn có dĩa ớt trái tươi đi kèm

Người miền Trung sử dụng cay nhiều nhưng độ ngọt lại ít hơn miền Nam. Đặc biệt là người Huế, từ món ăn dành cho người bình dân hay vua chúa đều rất nhiều món, nhiều gia vị và đặc biệt là vị chua và cay như mắm cà, mắm tôm… Các món đặc trưng của người miền Trung: bún bò Huế, bánh bèo, bánh xèo, bánh đập, chả ram, bún cá, bánh tráng thịt luộc…

Bún bò Huế
Bún bò Huế

Là thủ phủ 1 thời của Việt Nam triều đại phong kiến, dường như ẩm thực miền Trung cũng phần nào chính là sự đan xen của 2 nền ẩm thực độc đáo: chính là ẩm thực dân gian kết hợp với ẩm thực của cung đình Huế ngày ấy. Nếu ẩm thực dân gian là những món ăn bình dị, dân dã và quen thuộc nhưng không kém phần đặc sắc thì ẩm thực cung đình chính là sự lễ nghi, cầu kì và sang trọng, từ hình thức, cách trình bày cho đến cả tên gọi của món.

Mảnh đất Miền Trung vốn cằn cỗi là thế và cũng không được thiên nhiên ưu ái như các vùng đất khác. Chính vì vậy, con người nơi đây luôn biết trân trọng và biến những sản vật tuyệt vời đó thành những món ăn mang những hương vị rất riêng, mà ai đã một lần thưởng thức nó sẽ không thể nào quên.

Xem thêm : Khám phá ẩm thực miền Trung với 39 món ngon không thể cưỡng lại

3.3 Ẩm thực miền Nam: vị ngọt dân dã đa dạng

Ẩm thực miền Nam mang nét đặc trưng bình dị
Ẩm thực miền Nam mang nét đặc trưng bình dị

Không còn đậm nét văn hóa của nền ẩm thực lâu đời của miền Bắc, đi qua khỏi sự cổ kính của ẩm thực miền Trung, ẩm thực miền Nam chính là sự giản dị, gần gũi nhưng hương vị đậm đà, khó phai.

Ẩm thực miền Nam vốn được giao thoa từ rất nhiều nền ẩm thực như: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan… Chẳng hạn, như món hủ tiếu được biến tấu từ rất nhiều cách nấu nhưng có không ít ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Ẩm thực miền Nam là sự chế biến, đa dạng của nhiều nền ẩm thực khác nhau để tạo nên cho mình những hương vị rất riêng, đặc trưng và độc đáo. Món ngon miền Nam thường mang hương vị ngòn ngọt, thơm thơm bởi sử dụng các loại rau củ quả cho phần nước thêm đậm đà, sử dụng nước dừa cho hương thơm thuần khiết, thanh mát cùng đó kết hợp tạo nên vị beo béo cho món ăn thêm phần đặc sắc.

Nhắc đến sự đậm đà của món ngon miền Nam lại không thể nào không nhắc đến một số món ăn đã nhiều lần được đánh giá cao trên các mặt báo quốc tế như: Hủ tiếu Nam Vang, cơm tấm, bánh mì,…

Hủ tiếu Nam Vang món ăn không thể bỏ lỡ khi đến miền Nam
Hủ tiếu Nam Vang món ăn không thể bỏ lỡ khi đến miền Nam

Nhắc đến ẩm thực miền Nam sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu thiếu cái tên Bánh tráng Tây Ninh. Đây là món ăn gần gũi với hầu hết mọi người nhất, là thành phần chính của món bánh tráng trộn. Đặc biệt là món không thể thiếu trong các ngày lễ, tết của người dân miền Nam. Bánh tráng trắng được dùng để làm Bánh tráng trộn, cuốn nem tai, nem thính hoặc cuốn rau, chả giò, gỏi cuốn,…

Ẩm thực miền Nam có đặc điểm đặc trưng nhất là hầu hết các món ăn đều sử dụng đường và nước dừa hoặc nước cốt dừa. Các món ăn đặc trưng của ẩm thực miền Nam có thể kể đến ở đây là: bánh in, bánh men, bánh ít, bánh bò, chè kiếm, chè chuối, xôi, nem nướng, cháo gà, gà rô ti,…

Chè chuối hấp
Chè chuối hấp

Xem thêm: Top 10 món ngon miền Nam mà tín đồ ẩm thực không thể bỏ lỡ

Lời kết

Ẩm thực 3 miền Việt Nam là một nét đẹp văn hóa đặc sắc, thể hiện sự đa dạng và phong phú của đất nước và con người Việt Nam. Mỗi miền có những đặc trưng riêng, nhưng đều mang đậm hương vị của quê hương, đất nước. Ẩm thực Việt Nam đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Nó không chỉ là món ăn ngon, mà còn là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt.

Tuy đặc điểm món ăn của từng miền có những nét khác biệt, nhưng vẫn có những điểm tương đồng như đơn giản, không cầu kỳ, gia vị được phối trộn một cách tinh tế và sử dụng những nguyên liệu da dạng tạo nên sự hấp dẫn cho mỗi món ăn. Những điểm tương đồng ấy còn được thể hiện qua cơ cấu bữa ăn, nguyên tắc chế biến như nước dùng, nước mắm, các loại nước chấm chế biến đa dạng, mỗi món ăn lại có một loại nước chấm riêng, phù hợp với hương vị.

Ẩm thực 3 miền Bắc – Trung – Nam của nước ta vô cùng phong phú và đa dạng. Không cần phải đặt chân tới các đất nước xa xôi, ẩm thực trên dải đất hình chữ S Việt Nam cũng đã chứa đựng nhiều tinh hoa quý của đất trời. Nếu có cơ hội trải nghiệm, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội nếm thử các món ăn ngon đặc sản này.

Ngoài ra các bạn cũng có thể khám phá ẩm thực thế giới nói chung cũng như của Châu Á nói riêng

Chi tiết dưới đây:

Ẩm Thực Singapore – Sự giao thoa giữa 4 nền văn hóa ẩm thực

Văn hóa ẩm thực Nhật Bản: 1 nét tinh hoa xứ Phù Tang

Ẩm thực Hàn Quốc – Top 5 nét văn hóa đặc trưng bạn chưa biết

 

Tác giả: Nguyễn Thị Hà Phương

Mã sinh viên: 21051462

Lớp: QH – 2021 E KTPT CLC 2

 

 

 

 

 

1 thoughts on “Ẩm thực 3 miền – Nét đẹp văn hóa ẩm thực Việt Nam

  1. Pingback: Ẩm Thực Hà Nội – Top 5 Món Ăn Bạn Nhất Định Phải Thử

Comments are closed.