Nội dung bài viết
Ô nhiễm môi trường – Báo động viễn cảnh tương lai của Việt Nam
Chỉ trong một tháng gần đây, Việt Nam phải bàng hoàng trước những vụ ô nhiễm môi trường chưa từng xảy ra trong lịch sử: Ô nhiễm không khí Top đầu Thế giới ở mức báo động; Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt khiến người dân lao đao,…Đi đến đâu, ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đổ xô ra đường với trang bị kín mít để tránh khỏi ảnh hưởng của sự ô nhiễm môi trường nặng nề này.
Liệu đây có phải giải pháp tốt nhất và lâu dài cho tình trạng ô nhiễm hay chỉ là đối phó với vấn nạn nguy hại này. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ đi về đâu nếu ô nhiễm không được khắc phục và ngày càng gia tăng?
Ô nhiễm môi trường nước
Ở Việt Nam, việc xả chất thải sinh hoạt,chất thải công nghiệp, xả rác ra hồ, nguồn nước có lẽ không còn xa lạ. Việc xả rác vô phép tắc khiến cho nguồn nước trở nên ô nhiễm nặng nề, gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và cảnh quan.
Ô nhiễm môi trường đất
Ô nhiễm đất là việc trong môi trường đất xuất hiện các chất xenobiotic gây hại ảnh hưởng tới đời sống của con người và động vật. Các chất này hình hình thành bởi hoạt động công nghiệp, hoá chất nông nghiệp… Mức độ ô nhiễm còn tuỳ thuộc vào mức độ sử dụng hoá chất và công nghiệp hoá.
Ở Việt Nam, ô nhiễm đất thường xảy ra ở những nơi tập trung xử lí rác thải, khu nông nghiệp, … do xả chất hóa học và xử lí chưa đúng cách.
Ô nhiễm môi trường không khí
Ô nhiễm không khí là sự góp mặt của một chất lạ hoặc sự thay đổi thành phần không khí khiến không khí có mùi khó chịu, không sạch sẽ, làm giảm khả năng quan sát do bụi.
Theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ, Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.
Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam
Theo tiến trình phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nhiều đất nước đã đánh đổi yếu tố môi trường để thu về những lợi ích và bước tiến trong phát triển kinh tế. Một số yếu tố gây ra ô nhiễm môi trường có thể kể đến dưới đây.
Ô nhiễm môi trường do các chất bảo vệ thực vật
Việc phóng xả dư thừa lưu lượng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học mà người dân sử dụng trong quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp sẽ ngấm dần vào nguồn nước ngầm dưới lòng đất, ao hồ… Điều này gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nước ngầm và là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng “thuỷ triều đỏ” trên biển…
Ô nhiễm môi trường do chất thải rắn được tạo ra trong quá trình sinh hoạt
Trong sinh hoạt của người dân, từ khu chế xuất hay cơ sở y tế, việc xả thải rác và chất thải là không thể tránh khỏi. Các chất thải này không được xử lý đúng quy trình trước khi thải ra môi trường gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm đất, đồng thời còn gây ảnh hưởng trầm trọng đến hệ sinh thái.
Ô nhiễm môi trường do khí thải
Có thể nói đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí. Tình trạng này thường xảy ra tại các thành phố lớn có mật độ dân cư và phương tiện giao thông đông đúc…
Ô nhiễm môi trường do chất thải từ nhà máy, khu công nghiệp
Các nhà máy, xí nghiệp thải các chất thải môi trường chưa qua quá trình xử lý. Bên cạnh đó là việc sử dụng các nhiên liệu hoá thạch làm chất đốt trong quá trình sản xuất tạo ra các khí CO2, CO, N0, SO2… cũng gây ô nhiễm không khí trầm trọng, nguyên nhân gây nên hiệu ứng nhà kính.
Việt Nam sẽ đi về đâu nếu ô nhiễm môi trường không được giải quyết
Không khí ô nhiễm có thể giết chết nhiều cơ thể sống trong đó có con người. Ô nhiễm ozone có thể gây bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch, viêm họng, đau ngực, tức thở. Ô nhiễm nước gây ra xấp xỉ 14.000 cái chết mỗi ngày, chủ yếu do ăn uống bằng nước bẩn chưa được xử lý ở các nước đang phát triển. Ước tính có khoảng 500 triệu người Ấn Độ không có nhà vệ sinh đúng cách, và khoảng 580 người Ấn Độ chết mỗi ngày vì ô nhiễm nước. Gần 500 triệu người Trung Quốc thiếu nguồn nước uống an toàn.
Một phân tích năm 2010 ước tính rằng 1,2 triệu người chết sớm/yểu một năm ở Trung Quốc do ô nhiễm không khí. Năm 2007, ước tính ở Ấn Độ, ô nhiễm không khí được tin là gây nên 527.700 ca tử vong. Các nghiên cứu ước tính số người chết hàng năm ở Hoa Kỳ có thể hơn 50.000. Các chất hóa học và kim loại nặng nhiễm trong thức ăn nước uống có thể gây ung thư không thể chữa trị.
Ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường vẫn đang ngày một gia tăng và chưa có dấu hiệu suy giảm. Ô nhiễm môi trường được xem là một trong những tác nhân hàng đầu có nguy cơ tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sinh thái.
Mặc dù chính quyền các cấp trung ương địa phương cũng đã có những quy định và hình thức xử phạt, đồng thời cũng đưa ra những giải pháp cải thiện môi trường nhưng vô hình chung vẫn chưa đem lại hiệu quả lâu dài. Rác vẫn ngày ngày thải ra các ngõ ngách, con đường, dòng sông. Nước xả thải chưa qua xử lí từ các doanh nghiệp, khu chế xuất vẫn tồn tại mà chưa được xử lí,… Tất cả đã đem đến nguy cơ không lường cho cuộc sống của chúng ta. Và câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ đi về đâu nếu không hành động kịp thời để bảo vệ môi trưởng?
Bởi vậy, điều quan trọng và cấp thiết bây giờ là chúng ta, những công dân của Việt Nam, hãy chung tay và hành động để bảo vệ môi trường và cải thiện môi trường sống của chính chúng ta. Mỗi hành động nhỏ để bảo vệ môi trường của bạn sẽ là một tia sáng mới, một hi vọng mới cho một thế giới xanh không khói bụi, không ô nhiễm.
Bài viết liên quan:
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội cuối năm 2019
Thảm họa “ô nhiễm trắng” tại Việt Nam năm 2019
Nguyễn Tuấn Kiệt – 17050607