Công nghệ đã làm thay đổi đáng kể hành vi của con người. Hiện nay, không khó để có thể bắt gặp một người sử dụng điện thoại thông minh với đa dạng các tính năng, tiện ích đem lại sự thuận tiện cho người sử dụng.
Không đứng bên lề của xu hướng này, ngành ngân hàng – một trong những ngành đầu tàu của nền kinh tế cũng phải thay đổi để thích nghi với hành vi mới của khách hàng.
Cùng nhìn lại lịch sử bốn cuộc cách mạng công nghiệp mà thế giới đã trải qua. Vào thời kỳ đầu, quy trình nhận, gửi tiền và cho vay tiền đều phải ghi chép vào sổ cái và phải thực hiện tại chi nhánh ngân hàng.
Nhưng sau hai cuộc cách mạng tiếp theo, những phát minh như máy tính, internet hay máy tự động (ATM) đã châm ngòi cho một kỷ nguyên tự động hóa và những ngân hàng “không ngủ”. Giờ đây, các hoạt động ngân hàng đã được quản lý bởi máy tính, tăng độ chính xác và hiệu quả lên đáng kể.
Cho đến cuộc cách mạng 4.0, con người đang hướng đến một tương lai số hóa toàn diện, không cần chi nhánh và mọi hoạt động của ngân hàng sẽ được đưa lên nền tảng trực tuyến giúp người dùng có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, chuyển đổi số – cuộc đua giữa các ngân hàng hiện nay là một sự bị động trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Họ buộc phải tạo sự tiện lợi để thu hút và giữ chân khách hàng.
Nội dung bài viết
1. Ngân hàng chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số trong ngân hàng là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng. Sự tích hợp này cho phép tạo mới hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và mong muốn của khách hàng.
2. Vì sao các ngân hàng truyền thống phải thực hiện chuyển đổi số?
2.1 Cạnh tranh với các công ty công nghệ tài chính (Fintech)
Cùng với sự phát triển của công nghệ và internet, các công ty Fintech nhanh chóng phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến và thu hút khách hàng thông qua ứng dụng di động và nền tảng kỹ thuật số.
Tại thị trường Việt Nam, một trong những ông lớn dẫn đầu trong ngành Fintech không thể không kể đến MoMo – siêu ứng dụng với hơn 31 triệu người Việt tin dùng. Hệ sinh thái phủ khắp 63 tỉnh thành với hơn 50.000 đối tác, 140.000 điểm chấp nhận thanh toán và hợp tác trực tiếp với hơn 70 đối tác ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm…
Với hệ sinh thái đa dạng và phong phú tiện ích hàng đầu trên thị trường, MoMo đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt cho người dùng Việt Nam ngay trên siêu ứng dụng của mình: Chuyển/Nhận tiền, Gửi tiết kiệm, Vay nhanh, Đặt vé du lịch – đi lại, Mua vé xem phim, Đổ xăng, Mua sắm thương mại điện tử, Thanh toán tiện ích hàng ngày, đi siêu thị, ăn uống, Đóng học phí – viện phí – dịch vụ công…
Bên cạnh Momo còn có các đối thủ khác như: VNPay, Viettel Pay, Zalo Pay,.. Có thể thấy ngành dịch vụ thanh toán điện tử đang hoạt động rất sôi động. Vì vậy, để cạnh tranh với Fintech và không bị lạc hậu, các ngân hàng truyền thống phải đầu tư vào công nghệ và phát triển ứng dụng để cung cấp các dịch vụ tương tự và cạnh tranh trên thị trường.
2.2 Sự thay đổi thói quen người dùng bởi công nghệ
Người dùng ngày càng trở nên phụ thuộc vào công nghệ và ứng dụng thông qua điện thoại di động của họ, smartphone đã trở thành “vật bất ly thân” của nhiều người. Họ mong đợi có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi và bất kỳ thiết bị nào. Để đáp ứng nhu cầu này và cung cấp trải nghiệm thuận tiện cho khách hàng, ngân hàng phải đầu tư vào phát triển ứng dụng di động.
Khi đại dịch Covid 19 xuất hiện, khiến cho giao dịch bằng tiền mặt trở thành một vấn đề, các giao dịch trực tuyến lên ngôi trong thời gian dài giãn cách xã hội, thanh toán trực tuyến bùng nổ, quá trình chuyển đổi số ngân hàng cũng được rút ngắn và có những bứt phá thần tốc.
2.3 Cải thiện trải nghiệm
Ứng dụng di động mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Khách hàng có thể thực hiện các giao dịch, xem thông tin tài khoản, thanh toán hóa đơn và nhận thông báo ngay trên điện thoại di động của mình. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và tạo sự thuận tiện cho khách hàng, từ đó nâng cao sự hài lòng và độ trung thành của họ.
2.4 Tiết kiệm chi phí và tăng hiệu suất
Khi các hoạt động của ngân hàng được số hóa trên nền tảng trực tuyến giúp giảm thiểu chi phí và tăng cường hiệu suất hơn bởi sẽ không cần phải xây dựng và vận hành nhiều chi nhánh vật lý. Đồng thời, các quy trình tự động hóa có thể giảm thiểu sai sót và tăng tốc độ xử lý giao dịch.
2.5 Theo kịp xu hướng công nghệ
Công nghệ và ứng dụng di động đang ngày càng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày. Bằng cách đầu tư vào ứng dụng di động, ngân hàng có thể theo kịp xu hướng công nghệ và đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu và mong muốn của khách hàng.
3. Thực trạng chuyển đổi số ngành ngân hàng
Hơn 15.000 tỷ đồng – đó là con số mà các ngân hàng truyền thống tại Việt Nam bỏ ra để chuyển đổi số trong năm 2022. Trước sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen người dùng, các ngân hàng đang phải dồn tiền làm app, chạy đua với công nghệ.
3.1 Thanh toán điện tử qua QR Code tăng trưởng 200% cả về số lượng và giá trị giao dịch
So với cùng kỳ năm 2022, trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và 18,55% về giá trị. Đến cuối tháng 3/2023, số lượng ATM toàn thị trường đạt 21.347 máy; POS 430.625 máy….
Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng triển khai rộng rãi. Đến cuối năm 2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã phục vụ hơn 4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,53 nghìn tỷ đồng. Có khoảng 61% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị. Trong đó: lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đạt: 42% (tăng 5% so với năm 2021); chế độ bảo hiểm xã hội một lần đạt: 92% (tăng 7% so với năm 2021); trợ cấp thất nghiệp đạt: 96% (tăng 3% so với năm 2021).
3.2 Nhiều quy định pháp luật chưa theo kịp tốc độ chuyển đổi số
Các quy định pháp lý hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng,… còn cần phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới.
Hiện nay, tội phạm lợi dụng hoạt động thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp xảy ra trong nhiều ngành, lĩnh vực (cờ bạc, lừa đảo, gian lận thương mại, trốn thuế, ma túy, mại dâm…). Tuy nhiên, hoạt động thanh toán chỉ là khâu cuối cùng để hoàn tất một giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ; việc quản lý và xác định tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước đối với hàng hóa, dịch vụ đó.
Trên thực tiễn, ngành ngân hàng không thể xác định tính hợp pháp của các hàng hóa, dịch vụ để có thể thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn phù hợp; do đó, cần có sự phối hợp, cung cấp thông tin thường xuyên và chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan.
4. Giải pháp cho ngành ngân hàng
Ngân hàng cần phát triển một chiến lược rõ ràng và chi tiết để định hướng quá trình chuyển đổi số, bao gồm mục tiêu, kế hoạch hành động và lộ trình thực hiện.
Nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua các ứng dụng di động, trang web tương tác, dịch vụ ngân hàng trực tuyến và tự động hóa quy trình, …
Áp dụng các biện pháp bảo mật kỹ thuật số, kiểm tra định kỳ và đào tạo nhân viên về an ninh thông tin. Ngoài ra, việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn an ninh là quan trọng để bảo vệ ngân hàng và khách hàng khỏi các mối đe dọa an ninh.
Ngân hàng cần đầu tư vào các công nghệ mới và tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT và phân tích dữ liệu. Các công nghệ này có thể giúp tăng cường hiệu suất hoạt động, tăng cường quy trình tự động và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Đồng thời việc hợp tác với các công ty công nghệ fintech có thể mang lại lợi ích về sáng tạo và tiến bộ.
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Cuộc Cách Mạng Công Nghệ: Sức Mạnh Tự Động Hóa Trong Kỷ Nguyên 4.0
Khám phá 4 tiềm năng điện toán đám mây
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VẬN HÀNH CHUỖI CUNG ỨNG THẾ NÀO?
Top 4 Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo(AI) trong đời sống con người