Trong thời đại ngày nay, quan hệ kinh tế giữa các nước là vấn đề cần thiết và tất yếu trên cơ sở tận dụng lợi thế so sánh của từng nước nói riêng. Một trong vấn đề quan trọng của quan hệ kinh tế giữa các nước ngày nay, đặc biệt giữa các nước tiên tiến, các nước đang phát triển với các nước nông nghiệp lạc hậu là vấn đề chuyển giao công nghệ. Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đối mặt với vấn đề này.
Nội dung bài viết
Chuyển giao công nghệ là gì?
Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu công nghệ hoặc quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận(Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Luật số 07/2017/QH14).
Ví dụ: Hãng xe hơi Mazda (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ sản xuất ô tô cho Công ty Trường Hải để mở rộng thị trường tại Việt Nam. Với việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật từ Mazda, Trường Hải được phép sản xuất và lắp ráp những chiếc ô tô hoàn chỉnh theo công nghệ của Mazda, sau đó bán cho người tiêu dùng.
Bên giao công nghệ gồm một hoặc nhiều tổ chức kinh tế, khoa học và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân hoặc cá nhân có công nghệ. Bên nhận công nghệ gồm một hoặc nhiều tổ chức kinh tế khoa học, công nghệ và tổ chức khác có tư cách pháp nhân hoặc cá nhân tiếp nhận công nghệ.
Như vậy chuyển giao công nghệ có thể diễn ra giữa 2 bên: từ một ngành công nghiệp này sang ngành công nghiệp khác; từ một tổ chức này sang một tổ chức khác ở quy mô quốc tế; giữa hai nước phát triển; giữa hai nước đang phát triển; giữa một nước phát triển và một nước đang phát triển.
Lợi ích của chuyển giao công nghệ đối với Việt Nam
Thứ nhất, giúp thu hút được vốn đầu tư nước ngoài kèm theo chuyển giao công nghệ.
Khi đầu tư vào một nước nào đó, chủ đầu tư không chỉ đầu tư vốn hiện vật như máy móc thiết bị, hoặc nguyên vật liệu (còn gọi là phần cứng) lẫn trí thức khoa học, bí quyết quản lý, năng lực tiếp cận thị thường (còn gọi là phần mềm) mà còn chuyển cả vốn bằng tiền, do vậy đứng về lâu dài đây chính là lợi ích lâu dài nhất đối với nước nhận đầu tư.
Các nước không chỉ được nhận lợi ích về công nghệ mới mà còn nhận được phần vốn đầu tư nước ngoài giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, từ đó đời sống người dân cũng được cải thiện hơn và đưa vị thế của đất nước trên thị trường quốc tế ngày càng cao.
Và ngược lại, hoạt động FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) cũng có tác động thúc đẩy phát triển công nghệ trong nước trong bối cảnh có sự canh tranh của cơ chế thị trường. Thông qua hoạt động FDI, nhiều công nghệ mới đã được thực hiện chuyển giao và nhiều sản phẩm mới đã được sản xuất trong các xí nghiệp FDI; nhiều cán bộ, công nhân đã được đào tạo mới và đào tạo lại để cập nhật kiến thức phù hợp với yêu cầu mới.
Thứ hai, chuyển giao công nghệ giúp tiết kiệm chi phí lớn về R&D và hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất.
Số tiền đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất mới hoặc sản phẩm mới (R&D) là một chi phí khá lớn vì phải đầu tư vào nhân sự, kỹ sư, nhà nghiên cứu; đầu tư vào trang thiết bị dụng cụ thiết bị thử nghiệm; đầu tư vào sản phẩm hư và sản phẩm lỗi; đầu tư vào máy nguyên mẫu, duy trì phòng R&D,… Và đấy là một khoản chi phí khổng lồ đủ để làm nản lòng ham muốn tạo ra được sản phẩm và “ăn mòn” luôn thời gian dành cho những việc khác của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khi bắt tay vào việc nghiên cứu và phát triển một công nghệ sản xuất mới, doanh nghiệp sẽ phải tiến hành thử nghiệm nhiều lần để tìm ra giải pháp tốt nhất. Như vậy rủi ro trong quá trình này cũng cao hơn.
Tuy nhiên, nhờ việc chuyển giao công nghệ đã có sẵn những giải pháp và máy móc thiết bị, quy trình sản xuất,… nên thời gian để sản xuất và đưa ra sản phẩm sẽ rút ngắn còn tính theo ngày thay vì doanh nghiệp phải mất hàng tháng trời thậm chí hàng năm trời mà vẫn chưa tung ra được sản phẩm nào. Ngoài ra, khi mua sản phẩm từ quá trình chuyển giao công nghệ thì sản phẩm đã được kiểm nghiệm và nghiên cứu kỹ càng từ đơn vị trước.
Thứ ba, chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng được ngay những công nghệ tiên tiến hơn những công nghệ đang có trong nước.
Phần lớn các nhà đầu tư đồng thời là bên giao công nghệ và đặc biệt phát triển dưới hình thức công ty mẹ chuyển giao công nghệ cho công ty con thông qua các dự án 100% vốn FDI. Ngoài ra, quan hệ thương mại được mở rộng, tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận được những thành tựu mới của KHCN, từ đó đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao khả năng canh tranh của sản phẩm, trình độ tay nghề của người lao động và năng suất lao động được nâng lên.
Điều này giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp với xu hướng trên thị trường, chiếm lĩnh thị phần các sản phẩm mới, nhanh chóng phát triển và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Thứ tư, chuyển giao công nghệ giúp cho việc khai thác và sử dụng những nguyên vật liệu trong nước trở nên hữu hiệu hơn.
Sản xuất vật liệu công nghiệp có quy mô càng lớn thì giá thành càng rẻ, lợi nhuận và giá trị gia tăng càng cao. Phát triển sản xuất vật liệu công nghiệp cũng sẽ khắc phục được tình trạng xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô giá rẻ; qua đó sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao khả năng gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm nguồn lực cho đất nước cả trước mắt lẫn lâu dài.
Bên cạnh đó, đây là tiền đề tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ta có chỗ đứng vững chắc, liên danh, liên kết hợp tác phát triển, nâng cao hiệu quả trong các chuỗi giá trị toàn cầu, hạn chế tình trạng Việt Nam chỉ tận dụng được lợi thế lao động giá rẻ nhưng giá trị gia tăng thấp, không chủ động được việc bảo vệ môi trường ngay từ trong nhà máy, đơn vị sản xuất.
Thứ năm, chuyển giao công nghệ giúp tạo công ăn việc làm cho những lao động có trình độ cao, và tạo điều kiện để Việt Nam ngày càng có nhiều lao động trình độ cao.
Thông qua FDI và chuyển giao công nghệ, trình độ công nghệ sản xuất trong nước đã được nâng cao một cách rõ rệt so với thời kỳ trước đây. Một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến với trình độ hiện đại của thế giới như bưu chính – viễn thông, dầu khí, xây dựng, cầu đường,…
Mặt khác, khu vực FDI tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3 – 4 triệu lao động gián tiếp, có tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Doanh nghiệp FDI được xem là tiên phong trong việc đào tạo tại chỗ và đào tạo bên ngoài, nâng cao trình độ của công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý.
Thứ sáu, việc chuyển giao công nghệ giúp thay thế nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu và tăng thu nhập ngoại tệ.
Các doanh nghiệp sản xuất nhận được chuyển giao công nghệ có khả năng sản xuất ra những mặt hàng cạnh tranh hơn, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, thay thế những sản phẩm nhập khẩu hiện tại để giảm áp lực nhập khẩu.
Từ những điều kiện ban đầu đó, doanh nghiệp càng có khả năng mở rộng sản xuất và về sau đẩy mạnh tiêu thụ sang các thị trường nước ngoài, mở rộng biên giới cho các mặt hàng của Việt Nam.
Về dài hạn, đây là những mục tiêu tốt mà doanh nghiệp nên hướng đến giúp cho doanh nghiệp của chính mình phát triển nói riêng và còn giúp việc giao lưu, hội nhập quốc tế của đất nước được mở rộng, sâu sắc hơn, giúp cho nền kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài và tăng nguồn thu nhập ngoại tệ.
Tạm kết
Có thể thấy, việc áp dụng chuyển giao công nghệ giúp đem lại một bước tiến mới cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, quá trình chuyển giao công nghệ nên thực hiện một cách “chậm mà chắc”, có giải pháp cụ thể, phù hợp với sự phát triển kinh tế của chính doanh nghiệp và của đất nước, hạn chế việc tiếp nhận công nghệ mới từ các nước tiên tiến mà không có chiến lược, định hướng rõ ràng. Việc này có thể sẽ khiến quá trình chuyển giao công nghệ bị phản tác dụng, hiệu quả kinh tế bị đẩy lùi về sau.
Xem thêm
FDI tại Việt Nam – 3 vai trò quan trọng của việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Ưu, nhược điểm và 5 Vai trò của ODA đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam
5 tác động của hiệp định thương mại tự do EVFTA đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU