Khám phá du lịch Hà Giang, viên ngọc quý của Tây Bắc Việt Nam, không chỉ là một điểm đến du lịch, mà còn là một chuyến phiêu lưu huyền bí đưa du khách lạc vào thế giới của những ngọn đèo cao ngất, những cánh đồng hoa rực rỡ, và văn hóa độc đáo của những dân tộc bản địa. Bài viết này sẽ làm bạn hiểu rõ hơn về vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí của Hà Giang.
Nội dung bài viết
1. Cao nguyên đá Đồng Văn – “Thiên đường xám” của Hà Giang
Nằm ở độ cao trung bình từ 1000 – 1600m so với mực nước biển, cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu GGN của UNESCO, cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.
Năm 2010, cao nguyên này đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với du khách và những nhà nghiên cứu khoa học bởi chúng chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, những cảnh quan đặc sắc, tính đa dạng sinh học cao.
Theo khảo sát của các nhà khoa học Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thì Cao nguyên đá Đồng Văn có 11 hệ tầng địa chất gồm: Chang Pung, Lutxia, Sika, Làng Xảng, Si Phai, Tốc Tát, Lũng Nậm, Bắc Sơn, Đồng Đăng, Sông Hiến và Hồng Ngài, trong đó Chang Pung là hệ tầng cổ nhất có niên đại hơn 545 triệu năm.
Địa chỉ: Trải dài 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
2. Đèo Mã Pì Lèng – “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam
Mã Pì Lèng hay Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng đều mang nghĩa “sống mũi con ngựa” theo tiếng của dân tộc Mông. Có ý kiến gán nghĩa bóng cho tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa.
Con đường dài khoảng 20 km chạy qua đèo Mã Pì Lèng được đặt tên là con đường Hạnh Phúc. Đường Hạnh Phúc được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 – 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng cm để làm trong 11 tháng.
Năm 2009, khu vực Mã Pì Lèng được chính thức công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó, danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng bao gồm: Đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan, khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam, Hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Địa chỉ: Quốc lộ 4C, xã Pả Vi và Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
3. Hoàng Su Phì – Niềm tự hào nơi cực Bắc
Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của mảnh đất địa đầu Hà Giang, Hoàng Su Phì được xem như một trong những lại thế du lịch của tỉnh này bởi nằm trên tuyến vòng cung du lịch Lào Cai- Hà Giang- Cao Bằng. Với điều kiện khí hậu đặc trưng, Hoàng Su Phì có cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ hay nhiều di tích, si sản được xếp hạng cấp quốc gia,…
Với địa hình chia cắt mạnh nên Hoàng Su Phì có nhiều tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng và cảnh quan thiên nhiên khác nhau. Mùa xuân là thời điểm các lễ hội độc đáo của Hoàng Su Phì được tổ chức với các vườn đào, lê, đồi chè. Khoảng từ giữa tháng 4 đến tháng 6 là mùa cấy lúa sẽ được chiêm ngưỡng thắng cảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trong mùa nước đổ. Từ giữa tháng 9 hàng năm là bắt đầu vào mùa lúa chín các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nói riêng, với ruộng bậc thang trải dài ngút ngàn trên các sườn núi.
Cuối năm, khi bước sang mùa đông miền Bắc. Nếu không ngại cái lạnh, các bạn có thể lên Hoàng Su Phì khám phá Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi để săn mây, săn tuyết. Nếu yêu thích một Hà Giang lãng mạn thì nhất định bạn không thể bỏ lỡ cơ hội săn mây và tuyết này.
Địa chỉ: Huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang
4. Cột Cờ Lũng Cú – Dấu ấn thiêng liêng nơi địa đầu Tổ Quốc
Trước đây, cột cờ Lũng Cú được xây dựng dưới thời nhà Lý với hình dạng chỉ bằng một cây sa mộc. Đến năm 1887, Pháp cho xây dựng lại. Sau đó vào những năm 1992, 2000 và đặc biệt là 2002 thì cột cờ này được trùng tu nhiều lần với kích thước và quy mô lớn dần theo thời gian. Trong đó phải kể đến năm 2002, khi đó cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn.
Hơn thế, trên đỉnh cột cờ có cán cờ cao 9m, cắm quốc kỳ Việt nam với chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54 mét vuông. Mãi cho đến sau này khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Đồng Văn tiến hành phục dựng và tôn tạo thành hình bát giác với độ cao trên 30m và được khánh thành vào ngày 25/09/2010.
Đường lên cột cờ Lũng Cú có tổng cộng 839 bậc được chia làm 3 chặng khác nhau. Điều đặc biệt là giữa các chặng còn có nhà chờ để bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Nhìn trên cao, cột cờ Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi cao, lá cờ sao vàng tung bay trong gió. Hơn thế, trên đường chinh phục những bậc đá thì bạn còn có thể tận mắt nhìn ngắm những tuyệt tác của thiên nhiên tạo nên trên cao nguyên đá Đồng Văn – thiên đường xám của Hà Giang. Nét đẹp tuy hoang sơ, bình dị nhưng vô cùng cuốn hút khách du lịch khi tới thăm Hà Giang.
Địa chỉ: thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
5. Dinh thự họ Vương – Huyền thoại vùng cao Hà Giang
Căn nhà cổ này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành). Ông Vương Chính Đức (1886 – 1962) là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông nên còn được gọi với cái tên đầy quyền lực là Vua Mèo. Còn con trai ông là người đi theo con đường cách mạng, nhờ những cống hiến cho đất nước nên được bầu làm đại biểu Quốc hội 2 nhiệm kỳ đầu tiên.
Công trình được bắt đầu xây dựng vào năm 1898 và chính thức hoàn thành vào năm 1907, tiêu tốn một khoảng tiền khổng lồ là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 150 tỷ VNĐ ngày nay. Dinh thự được thiết kế và xây dựng bởi những người thợ Vân Nam Trung Quốc kết hợp với đồng bào người Mông, tạo ra một công trình rộng hơn 1200m2 trên diện tích khoảng 3000m2.
Nhờ lịch sử lâu đời và giá trị văn hóa không thể bàn cãi, Dinh thự Vua Mèo đã được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 1993, sau gần 1 thế kỉ tồn tại. Ngoài ra dinh thự này cũng mất đến 5 năm để khởi công xây dựng bởi và tất cả đều được xây dựng bằng sức người chứ không hề dùng phương tiện máy móc gì.
Đây từ lâu đã trở thành địa điểm mà khách du lịch không thể bỏ qua khi đến du lịch Hà Giang. Tìm hiểu thêm chi tiết về kết cấu, cấu trúc và sự độc đáo của DInh thự họ Vương – Hà Giang tại đây.
Địa chỉ: thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
6. Núi đôi Quản Bạ – Vẻ đẹp phồn thực
Trường tồn hàng triệu năm, hai quả núi có hình dáng tròn đối xứng, nằm sát nhau, hiện lên độc đáo giữa núi rừng Tây Bắc trùng điệp và những thửa ruộng bậc thang xen lẫn như tô thêm phần sống động cho khung cảnh thiên nhiên vừa tráng lệ, huyền ảo vừa hùng vĩ, hoang sơ. Mỗi mùa, nơi đây lại khoác lên mình một sắc màu quyến rũ: mùa xuân rực rỡ sắc hoa, mùa hè đồng lúa xanh rì, mùa thu lúa chín vàng và sắc hồng thanh khiết của những thảm hoa tam giác mạch.
Núi đôi Quản Bạ không chỉ được biết đến là một tuyệt tác thiên nhiên của đất trời Hà Giang, mà còn cuốn hút du khách bởi truyền thuyết cảm động về tình yêu, tình mẫu tử gắn liền với quá trình kiến tạo của ngọn núi “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở vùng đất này có chàng trai người H’mông với tài thổi đàn môi đã làm lay động một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào, nàng đã trốn xuống trần gian và tình yêu của họ đơm hoa kết trái với sự ra đời của một bé trai bụ bẫm, dễ thương.
Thế nhưng, hạnh phúc chưa được bao lâu, Ngọc Hoàng đã phát hiện ra chuyện nàng Hoa Đào bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm trần và ra lệnh bắt nàng về. Vì thương con thơ thiếu dòng sữa mẹ, lại không thể trái lệnh, nàng Hoa Đào đã để lại hai bầu sữa dưới hạ giới cho con.
Trải qua thời gian đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu sữa mẹ, tròn trịa và đều đặn đến lạ thường mà ngày nay gọi là Núi Đôi Quản Bạ. Và nước mắt của nàng Hoa Đào chảy thành dòng sông Miện xanh trong, mơ màng trôi trên biển đá tai mèo, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại. Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng tiên mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái Đào, Mận, Lê, Hồng, lúa ngô và rau trái luôn tươi tốt, trù phú.
Địa chỉ: quốc lộ 4C, thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang
7. Sông Nho Quế – Tuyệt tác của thiên nhiên
Sông Nho Quế bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc), chảy trên dải đất Việt Nam khoảng 46 km, qua lớp đá tai mèo của hệ thống Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tạo nên dòng chảy mạnh với vô số thác ghềnh trắng xóa. Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp khu vực này là Di tích danh lam thắng cảnh Việt Nam, sông Nho Quế – Hà Giang được vinh danh là một trong những “Thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị” của Việt Nam.
Đứng trên đèo Mã Pí Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” hùng vĩ, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc ngoạn mục của dòng sông Nho Quế với màu xanh rêu độc đáo, lạ mắt. Sông Nho Quế chảy qua hai dãy núi lớn tạo nên con hẻm mang tên Tu Sản, còn được biết đến là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á. Khung cảnh nơi đây được hòa quyện giữa nét mềm mại dịu dàng của dòng sông và sự hùng vĩ, hiểm trở của vách đá tai mèo đã tạo nên điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá Hà Giang.
Địa chỉ: Thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú và Má Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
8. Làng Lô Lô Chải – Ngôi làng cổ tích
Nằm ngay dưới chân núi Rồng và cách Cột cờ Lũng Cú Chỉ tầm 1km, Làng Lô Lô Chải là nơi sinh sống của tộc người Mông lẫn người Lô Lô xuyên suốt các thập kỷ. Không hề sở hữu nhà cao tầng hay những khu trung tâm thương mại hiện đại, sầm uất, Làng Lô Lô Chải lưu giữ biết bao giá trị văn hóa cộng đồng của các tộc người trên cao nguyên đá Đồng Văn xinh đẹp.
Có đến 90% cư dân trong lòng là đồng bào dân tộc thiểu số Lô Lô. Làng Lô Lô Chải nhờ những con người chân chất ấy mà vẫn còn lưu giữ lại được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc cho đến tận ngày nay. Trong 54 dân tộc anh sống trên lãnh thổ Việt Nam, người Lô Lô vẫn luôn có một nền văn hóa, phong tục tập quấn rất riêng, đủ để người ta phải ghi nhớ.
Ngôi làng này được ví như là thế giới cổ tích bởi sở hữu những nếp nhà bình yên, xinh đẹp tựa như trong các quyển truyện chúng ta thường được nghe từ thuở nhỏ. Đối với những ai đang mong muốn tìm kiếm một địa chỉ để trốn khỏi thành phố đầy khói bụi, Làng Lô Lô Chải tựa như cổ tích này sẽ là điểm đến lý tưởng mà bạn có thể lưu lại trong cẩm nang du lịch Hà Giang của mình.
Bước vào ngôi làng, du khách cảm tưởng như bước vào thế giới cổ tích với những ngôi nhà tường trình lợp mái lá, những cô gái ngồi dệt bên khung cửi hay những chàng trai Lô Lô khỏe mạnh đang đẽo gỗ làm mộc,… tất cả đã khiến cho bức tranh về Lô Lô Chải tràn đầy sắc màu cuộc sống. Những lễ hội truyền thống trong làng như: lễ mừng lúa mới, lễ cúng thần rừng,… cũng đang thu hút được sự chú ý của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến khám phá du lịch Hà Giang.
Địa chỉ: thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang