Làng cổ Đường Lâm – Dấu ấn 1000 năm trên mảnh đất xứ Đoài

Làng cổ Đường Lâm

Khi nói tới không gian văn hóa Xứ Đoài, người ta thường nhắc tới làng cổ Đường Lâm – vùng đất cổ có bề dày văn hóa, lịch sử hàng ngàn năm. Đây là nơi không chỉ gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng, danh nhân văn hóa dân tộc như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), mà còn là nơi mang đậm giá trị văn hóa dân gian, làng nghề truyền thống với những nếp nhà cổ san sát được xây bằng đá ong rêu phong cổ kính.

Hãy cùng Ezcomclass lên chuyến xe du lịch đi tìm hiểu sâu về mảnh đất cổ kính mang những dấu ấn xưa rất riêng này nhé!

I. Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội)

Đường Lâm chỉ cách Hà Nội 50km về hướng Tây, được biết đến với tên gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng. Nơi đây có những ngôi đình nổi tiếng thể hiện tâm linh văn hóa đặc sắc, sự dung hợp, hội hợp tín ngưỡng dân gian Nho – Phật – Đạo.

Tuy gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng nghìn năm nay không hề thay đổi. Đầu thế kỷ 19, Đường Lâm là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Tây.

cổng làng cổ Đường Lâm sáng sớm - làng cổ Đường Lâm
Cổng làng cổ Đường Lâm

Truyền thống làng cổ Đường Lâm xưa với những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt: cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi. Điều đặc biệt, hệ thống đường xá của Đường Lâm mang dáng hình xương cá. Bởi vậy, với cấu trúc này, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh.

II. Vẻ đẹp ẩn giấu trong kiến trúc cổ

Đường Lâm còn giữ được cổng làng cổ làm bằng đá ong với kiến trúc hai mái đốc và nhiều công trình nổi tiếng khác. Cùng chúng mình điểm một vài địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến Đường Lâm nhé

1. Đình Mông Phụ

Đình làng cổ ở thôn Mông Phụ - làng cổ Đường Lâm
Đình làng thôn Mông Phụ

Ngôi đình Mông Phụ được xây dựng năm 1684 là một một công trình tiêu biểu mang đậm nét văn hóa của nông thôn Bắc Bộ. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng. Nơi đây mang đậm nét kiến trúc Việt – Mường, khiến đình Mông Phụ khác biệt so với những ngôi đình khác.

Tìm hiểu thêm về đình Mông Phụ tại đây: http://www.didulich.net/gia-tri-lich-su/dinh-mong-phu–noi-tho-phung-son-thanh-tan-vien-21333

2. Sùng Nghiêm Tự (Chùa Mía)

Chùa Mía - làng cổ Đường Lâm
Chùa Mía

Ngôi chùa Mía nổi tiếng tên chữ là Sùng Nghiêm tự, (崇嚴寺). Xưa kia, vùng này là Cam Giá, tên Nôm là Mía, nên chùa này được quen gọi là chùa Mía. Đây là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam (287 tượng).

Ban đầu, chùa có quy mô nhỏ, được xây dựng từ xa xưa. Năm 1632, Phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng là Ngô Thị Ngọc Diệu (còn có tên là Nguyễn Thị Ngọc Dong) thấy miếu bị hoang phế điêu tàn nên đã cùng cha mẹ và người dân các làng thuộc tổng Cam Giá (tức Tổng Mía) cùng nhau tôn tạo lại.

Phi tần Ngọc Dong vốn là người làng Nam Nguyễn (Nam An) trong Tổng Mía, nên được người mến mộ gọi là “Bà Chúa Mía”, đồng thời đã tạc tượng đưa vào phối thờ ở chùa và còn có đền thờ riêng. Về sau chùa được tu bổ nhiều lần, song đến nay quy mô tôn tạo thời Bà chúa Mía dường như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

3. Lăng Ngô Quyền

Lăng vua Ngô Quyền - làng cổ Đường Lâm
Lăng vua Ngô Quyền

Công trình lăng Ngô Quyền được xây vào năm Tự Đức thứ 27 (1874). Lăng được xử lý về mặt phong thủy rất nghiêm ngặt theo lý thuyết phong thủy của trường phái Tam Nguyên Cửu Vận, kết hợp với hình thế địa lý cụ thể của trường phái Loan đầu.

Theo đó lăng được xây dựng tọa Tây, hướng Đông, đây là sự lựa chọn tối ưu cho xây dựng Âm phần. Mặt khác hình thế địa lý cụ thể của khu đất được chọn để xây Lăng cũng rất đắc địa, Minh đường rộng rãi, Thanh long, Bạch hổ cân phân, thật xứng đáng với bậc mở đầu cho nền Vương nghiệp của người Việt.

4. Nhà cổ truyền thống

Nhà cổ truyền thống - làng cổ Đường Lâm
Nhà cổ Đường Lâm

Đường Lâm có tới 956 ngôi nhà truyền thống. Căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ hơn 400 năm vẫn lưu giữ được bài văn cúng tế bằng chữ nho được viết bằng mực tàu trên một tấm ván. Bên cạnh đó là những chiếc giếng cổ. Giếng không phải kè thành mà miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi.

III. Địa điểm gắn với điển tích xưa

Rặng duối có từ bao giờ, không ai rõ. Chỉ biết rằng khi vua Ngô Quyền sinh ra, lớn lên rồi dựng nghiệp lớn, rặng duối này đã có. Nghìn năm qua, dân Cam Lâm luôn một lòng tôn kính, coi rặng cây này là bậc thánh linh với bao huyền tích.

Rặng duối - làng cổ Đường Lâm
Rặng duối Đường Lâm

Gắn với sự nghiệp của Ngô Vương là rặng duối cổ bao gồm 18 cây duối nay vẫn tốt tươi, đứng sừng sững một hàng thẳng tắp ở làng Cam Lâm, cách đền – lăng Ngô Quyền chừng 100 m.

Theo tính toán của các nhà khoa học, rặng duối này đã có tuổi thọ nghìn năm được công nhận rặng duối là Cây di sản Việt Nam năm 2011. Tương truyền, rặng duối này là nơi Ngô Quyền từng buộc voi chiến, ngựa chiến sau những lần tập trận để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh đuổi quân Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc.

IV. Đặc sản xứ Đoài

1. Tương

Tương gạo - làng cổ Đường Lâm
Tương gạo Đường Lâm

Vào mùa rảnh rỗi, trong khi chờ vụ thu hoạch, người dân lại cần mẫn làm tương. Những vại tương được ủ, phơi nắng kín sân, thơm phức làng. Chất lượng tương của làng không hề thua kém tương làng Bần (Hưng Yên), Cự Đà (Thanh Oai, Hà Tây).

Tìm hiểu thêm về tương Đường Lâm tại đây: https://dantri.com.vn/van-hoa/dac-san-tuong-nep-o-ngoi-lang-co-ngoai-thanh-ha-noi-20210724163846679.htm 

2. Kẹo lạc, kẹo dồi

Kẹo dồi - làng cổ Đường Lâm
Kẹo dồi

Bên cạnh đó, nấu kẹo lạc, kẹo dồi cũng là một nghề truyền thống nổi tiếng Đường Lâm. Kẹo lạc, kẹo dồi Đường Lâm đã trở thành một món quà quê, một đặc sản của vùng được tỏa đi nhiều nơi.

Kẹo dồi có lớp vỏ màu trắng đục bên ngoài rất giòn và ngọt đậm nhưng không quá gắt. Bên trong lớp vỏ là phần nhân gồm những viên lạc, hay còn gọi là đậu phộng đã được rang nên rất thơm.

Cùng với đó là những thanh kẹo lạc giòn tan, có vị thơm ngậy đặc trưng của vừng lạc hòa quyện với độ ngọt thanh của đường, nó là thứ đồ ăn vặt bình dị, truyền thống nhất nức tiếng vùng quê này. Người ta thường thưởng thức kèm kẹo với trà nóng.

Kẹo lạc - làng cổ Đường Lâm
Đặc sản kẹo lạc xứ Đoài

Ở nơi miền quê cổ, vẫn giữ được những nét truyền thống, bên những gốc đa cổ kính là phản tre, chõng tre với những gói kẹo lạc kẹo dồi hấp dẫn cùng với những ly trà xanh, râm ran vài ba câu chuyện làng xóm là thú vui tao nhã của người dân làng cổ cũng như du khách thập phương tới đây.

3. Chè Lam

Chè Lam - làng cổ Đường Lâm
Chè Lam

Tới Đường Lâm, một món quà cũng không thể bỏ lỡ là chè Lam. Bạn đi bất kì đâu cũng đều sẽ bắt gặp những nhà làm chè Lam hay những sạp quán bán chè Lam. Ở đây, chè Lam là đặc sản dân giã mà bạn có thể thưởng thức, mùi vị của món này chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.

Điểm qua những di tích lâu đời, những đặc sản truyền thống ở Đường Lâm để nói lên vùng đất nơi đây đã có một bề dày lịch sử, văn hóa nổi tiếng bởi những trầm tích văn hóa vừa độc đáo, vừa đa dạng. Những nét đặc sắc của văn hóa làng cổ Đường Lâm đã làm cho vùng đất này gợi nhiều cảm hứng về văn chương, nghệ thuật, cả bác học lẫn dân gian, cuốn hút mọi du khách thập phương. Khiến cho bất cứ ai đến đây đều không nỡ rời đi, chỉ muốn tận hưởng mãi không gian bình yên, cổ xưa này.

Tham khảo một số bài viết khác:

 

Sinh viên thực hiện: Trịnh Yến Nhi

Mã sinh viên: 20050908

Mã học phần: INE3104-2

One thought on “Làng cổ Đường Lâm – Dấu ấn 1000 năm trên mảnh đất xứ Đoài

  1. Thích Đàm Thanh says:

    Đúng là cô gái “Xứ Đoài” hiểu và yêu quê hương lắm đó. Mọi người hãy về Đường Lâm “Địa Linh nhân kiệt”, mảnh đất yêu dấu thông qua bài viết của Yến Nhi.

Comments are closed.