Không chỉ là bước tiến vượt bậc trong viễn thông mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho các hệ thống thông minh siêu kết nối, mạng 5G hứa hẹn tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí và nâng cao hiệu suất – đưa Việt Nam tiến gần hơn đến một nền công nghiệp hiện đại và bền vững. Cùng tìm hiểu mạng 5G có những ưu thế nào để trở thành bước ngoặt đột phá trong kỷ nguyên công nghệ số tại Việt Nam nhé!
Nội dung bài viết
1. Mạng 5G là gì?
Mạng 5G là thế hệ thứ năm của công nghệ di động không dây, cung cấp tốc độ tải lên và tải xuống nhanh hơn, kết nối ổn định hơn và dung lượng được cải thiện so với các mạng trước đây. 5G nhanh hơn và đáng tin cậy hơn nhiều so với các mạng 4G phổ biến hiện nay và có tiềm năng thay đổi cách chúng ta sử dụng internet để truy cập các ứng dụng, mạng xã hội và thông tin.
Ví dụ: công nghệ như xe ô tô tự lái, ứng dụng trò chơi tiên tiến và phương tiện truyền phát trực tiếp yêu cầu kết nối dữ liệu tốc độ cao, đáng tin cậy sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ kết nối 5G.
Khi đưa công nghệ 5G vào ứng dụng trong đời sống, các nhà mạng phải sử dụng nhiều anten hơn để có thể đạt độ phủ sóng mạnh như bây giờ, nhờ vậy mà bảo đảm tốc độ và tính ổn định với các tín hiệu sóng milimet. Mạng 5G sẽ sử dụng các trạm HAPS, đó là những chiếc máy bay treo lơ lửng tại một vị trí cố định 2km ở cách mặt đất 17km-22km và hoạt động như một vệ tinh. Do đó, đường truyền tín hiệu được thẳng hơn và giảm thiểu hiện tượng bị cản bởi những tòa nhà cao tầng.
2. Ưu điểm của mạng 5G so với 4G
2.1. Tốc độ cao
Mạng 5G có thể đạt tốc độ 10 gigabit mỗi giây, khiến những mạng này nhanh gấp 10 lần các mạng 4G. Điều đó có nghĩa là các tác vụ tốn nhiều tài nguyên trước đây, chẳng hạn như tải xuống một bộ phim hoặc sao lưu cơ sở dữ liệu, sẽ nhanh hơn rất nhiều so với trước.
2.2. Độ trễ thấp
Một lý do chính sau bước nhảy vọt trong tốc độ là độ trễ thấp. Độ trễ là sự chậm trễ giữa việc gửi và nhận thông tin. Mạng 4G chỉ có thể đạt được độ trễ khoảng 200 mili giây. Với 5G, độ trễ này giảm còn một mili giây.
2.3. Băng thông lớn hơn
5G có thể chạy trên nhiều dải băng tần hơn (băng tần thấp, băng tần trung, băng tần cao) bằng cách mở rộng tài nguyên phổ tần vô tuyến, từ tần số dưới 3 GHz được sử dụng trong 4G đến 100 GHz và hơn thế nữa. 5G có thể hoạt động ở cả băng tần thấp hơn và mmWave, tăng đáng kể dung lượng, thông lượng nhiều Gbps và độ trễ thấp. Băng thông này có nghĩa là có thể kết nối nhiều thiết bị hơn để gửi và nhận dữ liệu cùng một lúc.
3. Lợi ích của mạng 5G tại Việt Nam trong thời đại công nghệ số
3.1. Lợi ích kinh tế của mạng 5G
Với những ưu điểm vượt trội so với mạng 4G, công nghệ 5G có thể hỗ trợ, thúc đẩy sự đổi mới của sản phẩm dịch vụ và giúp doanh nghiệp cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Giải pháp di chuyển tự động
Trước đây, ô tô tự lái hoàn toàn chưa khả thi vì thời gian chờ để xe gửi và nhận thông tin quá dài. Tuy nhiên, với độ trễ thấp của mạng 5G, xe tự lái giờ đây có thể trở nên phổ biến hơn. Các con đường sẽ được kết nối với các trạm phát và cảm biến, giúp gửi và nhận thông tin đến xe chỉ trong 1/1.000 giây. Thời gian phản hồi nhanh này rất quan trọng để công nghệ AI và radar có thể nhận diện và phân tích các đối tượng như xe cộ, người đi bộ, biển báo giao thông, rồi điều khiển xe an toàn và chính xác.
Nhà máy thông minh
Mạng di động 5G là một cơ hội để các nhà sản xuất tạo ra các nhà máy thông minh siêu kết nối. 5G hỗ trợ Internet vạn vật, nghĩa là các nhà máy có thể kết nối không dây với hàng ngàn thiết bị thông minh như camera và cảm biến để tự động thu thập dữ liệu theo thời gian thực. Các nhà máy có thể phân tích và xử lý dữ liệu này để làm hoạt động hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn.
Ví dụ: công nghệ cảm biến thông minh có thể đưa ra dự đoán chính xác về vòng đời của thiết bị, cung cấp thông tin cho các quyết định lập kế hoạch và dự đoán khi nào máy móc cần bảo trì.
Lĩnh vực công nghiệp
Trong công nghiệp, việc kết nối mạng 5G để vận hành các máy móc hạng nặng mà sức lực của con người không thể làm được sẽ giúp nâng cao hiệu suất trong công việc, đồng thời giảm tải áp lực cho các công nhân.
Trong mô hình nhà máy thông minh, việc theo dõi và phản hồi nhanh chóng giúp nhà máy hạn chế được các lỗi trong quá trình sản xuất và tăng năng suất của công nhân.
Các robot trong công nghiệp đang dần thay thế con người làm những công việc nặng nhọc và phức tạp hơn. Bằng cách trao đổi dữ liệu với các thiết bị khác và nhận lệnh từ người chỉ huy, robot dễ dàng thích ứng được với các thay đổi trong nhà máy mà vẫn không làm giảm năng suất của công việc.
Công nghệ thực tế ảo
Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường (VR/AR) cho phép điện thoại di động, tai nghe, kính thông minh và các thiết bị được kết nối khác thêm lớp phủ kỹ thuật số vào chế độ xem trực tiếp. VR/AR có một loạt các trường hợp sử dụng bao gồm bảo trì có hướng dẫn, sửa chữa, vận hành trong các cơ sở công nghiệp, đào tạo tại nơi làm việc, bán hàng và tiếp thị cũng như cộng tác trong thời gian thực. Độ trễ thấp và băng thông rộng của công nghệ di động 5G sẽ giúp VR/AR có thể tiếp cận với nhiều doanh nghiệp và trường hợp sử dụng hơn.
3.2. Lợi ích xã hội của mạng 5G
Sự phát triển của mạng 5G được dự đoán sẽ tạo ra hàng nghìn tỷ đô la giá trị kinh tế và hàng triệu việc làm, nhưng cũng có nhiều lĩnh vực mà mạng 5G có thể mang lại lợi ích cho xã hội.
Lĩnh vực giáo dục
Mạng 5G đã mở đường cho xu hướng lớp học thông minh dựa trên các nền tảng hỗ trợ cho việc học từ xa. Giáo viên và học sinh có thể kết nối và cùng trao đổi với nhau qua các ứng dụng học tập mà không cần phải trực tiếp đến trường. Với số lượng lớn người truy cập, 5g sẽ giúp chúng ta có một kết nối hoàn hảo giảm thời gian chết do bị tắc nghẽn mạng, các buổi học diễn ra theo đúng thời gian và tiến độ.
Mặt khác, công nghệ 5G sẽ thúc đẩy công nghệ IoT được sử dụng nhiều hơn, dần dần kết hợp robot vào lớp học trong vai trò là trợ lý giảng dạy.
Cụ thể, ở Phần Lan, các trường học đang thí điểm ý tưởng này thông qua Elias, một chú robot hỗ trợ trong môn toán và ngôn ngữ. Robot Elias cho phép học sinh nhỏ tuổi tham gia vào các cuộc hội thoại tự nhiên, đồng thời tạo thêm sự hứng khởi thông qua những bài múa sôi động và trò chơi thú vị.
Lĩnh vực y tế
Mạng 5G kết hợp với công nghệ điện toán biên (Điện toán biên được thiết kế và xây dựng nhằm tối ưu hoá hệ thống điện toán đám mây bằng cách cho phép xử lý, tính toán dữ liệu tại vùng biên – nơi gần với nguồn phát sinh dữ liệu và nhận yêu cầu xử lý nhất), giúp cho việc hỗ trợ các bác sĩ trong việc phẫu thuật từ xa có thể thực hiện được bằng cách sử dụng các cánh tay robot kết hợp với cảm biến xúc giác chính xác và tiết kiệm thời gian
Bên cạng đó, mạng 5G không chỉ các máy móc trong việc phẫu thuật cũng như nội soi tới địa điểm chính xác của các vùng bị thương mà còn có thể hỗ trợ khách hàng trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân tại nhà, theo dõi chế độ ăn uống, tim mạch từ đó đưa ra giải pháp cân bằng nó.
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh, hệ thống xe cứu thương trên cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức. Các xe cấp cứu sử dụng mạng 5G để thực hiện một cách hiệu quả việc trực quan hóa các hoạt động cứu chữa bệnh cho các bệnh nhân khi đang đang di chuyển. Điều này đã thay đổi phương thức vận chuyển bằng xe cứu thương truyền thống và nâng cao hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp.
Lĩnh vực giao thông công cộng
Trên các phương tiện giao thông công cộng, khách hàng có thể sử mạng 5G với tốc độ dữ liệu cao trong lúc di chuyển. Điển hình như ở Trung Quốc đã áp dụng xe bus chạy bằng công nghệ 5G tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc. Hành khách có thể tận hưởng dịch vụ Wifi 5G với tốc độ dữ liệu cao trong lúc di chuyển trên tuyến xe bus số 16 qua trung tâm thành phố Nam Ninh.
Ngoài ra, hệ thống xe ô tô điện kết nối với công nghệ 5G không chỉ giúp điều khiển xe mà còn có thể dự báo tình trạng giao thông, nâng cao tính chủ động cho người lái. Đây chính là giải pháp thông minh cho các chủ xe khi đi lại trong các đô thị đông đúc.
Môi trường
Mạng 5G có tiềm năng giúp giảm khí thải toàn cầu. Một trong những lợi ích của 5G là độ hiệu quả của việc truyền dẫn và mức tiêu thụ năng lượng thấp so với các mạng trước đây. 5G cũng sẽ hỗ trợ giám sát thời gian thực về khí thải, chất lượng không khí, chất lượng nước và các chỉ số môi trường khác. 5G cũng sẽ giúp thúc đẩy phát triển xe điện, tòa nhà thông minh, các dự án lưới điện thông minh và làm việc từ xa, tất cả đều sẽ mang lại lợi ích cho hành tinh thông qua việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm ô nhiễm.
4. Các khu vực phủ sóng mạng 5G ở Việt Nam
Mạng 5G đã chính thức ra mắt tại Việt Nam vào tháng 6 năm 2020. Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong ngành công nghệ viễn thông, mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho các nhà mạng và người dùng tại Việt Nam. Với ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với các công nghệ tiền nhiệm đặc biệt là ở tốc độ truyền tải dữ liệu siêu nhanh, độ trễ cực thấp và khả năng kết nối nhiều thiết bị cùng lúc của mạng 5G, người dùng có thể xem video ở cấu hình 4K/8K, trải nghiệm công nghệ thực tế ảo vô cùng mượt mà.
Hiện tại, các nhà mạng lớn tại Việt Nam bao gồm MobiFone, Viettel, VNPT đều đã cung cấp dịch vụ 5G cho khách hàng. Tuy nhiên, tốc độ triển khai của 5G chưa đồng đều trên toàn quốc và vẫn còn có nhiều địa phương chưa được phủ sóng hoặc phủ sóng không đầy đủ.Tốc độ triển khai 5G chưa đồng đều do nhiều yếu tố khác nhau và một trong những yếu tố quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng viễn thông. Việc này đòi hỏi các nhà mạng phải đầu tư số lượng lớn cơ sở hạ tầng mới bao gồm: Các trạm phát sóng, thiết bị mạng và cáp quang.
Bạn có thể kiểm tra khu vực phủ sóng mạng 5G tại Việt Nam bằng cách sử dụng các trang web hoặc ứng dụng của các nhà mạng. Tuy nhiên, phủ sóng mạng 5G tại Việt Nam vẫn đang được triển khai và mở rộng, do đó thông tin về phủ sóng có thể thay đổi theo thời gian. Dưới đây là một số cách để kiểm tra phủ sóng mạng 5G tại Việt Nam
- Kiểm tra trên trang web của các nhà mạng: Các nhà mạng như MobiFone, Viettel, VNPT đã cung cấp thông tin về phủ sóng mạng 5G trên trang web của họ. Bạn có thể truy cập trang web của từng nhà mạng và tìm kiếm thông tin về phủ sóng mạng 5G tại khu vực bạn quan tâm.
- Sử dụng ứng dụng của các nhà mạng: Các nhà mạng cũng cung cấp các ứng dụng để kiểm tra phủ sóng mạng 5G. Bạn có thể tải về và cài đặt ứng dụng của nhà mạng và sử dụng tính năng kiểm tra phủ sóng mạng 5G.
- Sử dụng trang web bản đồ phủ sóng mạng 5G: Các trang web như Ookla và Opensignal cung cấp thông tin về phủ sóng mạng 5G tại nhiều địa điểm trên toàn cầu. Bạn có thể truy cập trang web này và tìm kiếm thông tin về phủ sóng mạng 5G tại Việt Nam.
5. Kết luận
Với những lợi ích và ứng dụng vượt trội của 5G, sự gia tăng khổng lồ về lượng dữ liệu do lượng nhu cầu truy cập internet cùng với sự xuất hiện của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), và tự động hóa đang thúc đẩy được tạo ra sẽ được giải quyết. Sự xuất hiện của mạng 5G sẽ góp phần tối ưu hóa tiềm năng và thay đổi nền kinh tế toàn cầu và cuộc sống xã hội.
Tham khảo thêm
Cùng tham khảo thêm những bài viết khác về chủ đề công nghệ tại đây:
- Cuộc Cách Mạng Công Nghệ: Sức Mạnh Tự Động Hóa Trong Kỷ Nguyên 4.0
- Khám phá 4 tiềm năng điện toán đám mây
- Điện toán lượng tử – cuộc cách mạng tính toán của nền công nghiệp 5.0