Nội dung bài viết
Nếu bạn là một tín đồ yêu nhạc K-Pop, chắc chắn bạn không còn xa lạ gì với các thế hệ Kpop từ những thập niên 80 tới 2000 đã đưa nền văn hoá Kpop của Hàn Quốc lan rộng ra toàn thế giới.
Nền văn hoá Kpop bắt đầu được ra mắt từ những thập niên 80 và trở nên lớn mạnh tới thế hệ trẻ ngày nay. Đối với những người hâm mộ K-Pop, các ngôi sao thực sự là thần tượng của họ, là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Do đó, những nghệ sĩ K-Pop cũng luôn nỗ lực hết mình để có thể chăm sóc, tạo nên cộng đồng người hâm mộ bền vững, đồng thời luôn cố gắng tạo mối liên hệ đặc biệt với fan.
Văn hóa thần tượng thực tế đã bắt đầu hình thành từ chính thế hệ thần tượng đầu tiên. Tuy nhiên, xuyên suốt thời gian dài, văn hóa hâm mộ đã được phát triển với sự thay đổi đáng kinh ngạc. Đây có thể là một văn hóa tiên phong cho việc ủng hộ thần tượng và làm nên thương hiệu của cộng đồng người hâm mộ K-Pop.
Nền văn hoá Kpop vào thập niên 80
Trước khi được gọi là K-Pop như hiện tại, thậm chí kể cả trước khi khán giả bắt đầu phân chia “thế hệ K-Pop”, văn hóa hâm mộ đã bắt đầu được hình thành từ thập niên 80. Lúc này, những người hâm mộ không có tên cộng đồng chính thức, không có những tấm ảnh bo góc hiếm có mà người hâm mộ ráo riết kiếm tìm. Tuy nhiên, họ vẫn có cách riêng để ủng hộ thần tượng của mình.
Ở thập niên này, những người hâm mộ thường xếp hàng dài tại những cửa hàng đĩa bằng cách mua CD, băng cassette và thậm chí là cả bản ghi băng số của nghệ sĩ họ yêu thích. Đây là cách phổ biến nhất để khán giả ủng hộ cho thần tượng của mình.
Bắt đầu từ thập niên 90, bắt đầu có sự xuất hiện của các công ty giải trí như SM Entertainment và DSP cho ra mắt và xây dựng các thế hệ đầu tiên cho nền văn hoá Kpop.
Thập niên 90 – Nền văn hoá thần tượng K-Pop thế hệ đầu tiên
Những nhóm nhạc thần tượng đầu tiên của K-Pop khuấy đảo thị trường âm nhạc.
Nói tới thế hệ Kpop đầu tiên không thể không kể đến những cái tên đình đám như H.O.T. Theo giới truyền thông Hàn Quốc, H.O.T chính là ngôi sao đặt nền móng phát triển cho thể loại nhạc Kpop và văn hóa hâm mộ thần tượng tại quốc gia này. Nối bước H.O.T, một số công ty giải trí mới thành lập khác như DSP Media bắt đầu cho ra mắt nhóm nhạc thần tượng để cạnh tranh trực tiếp cùng SM Entertainment. Những cái tên một thời như H.O.T, Sechs Kies, Fin.K.L hay S.E.S đã tạo nên thế hệ đầu tiên trong Kpop.
Khi âm nhạc Hàn Quốc trở nên phát triển hơn và toàn bộ ngành công nghiệp giải trí cũng trở nên bớt bảo thủ hơn, một thế hệ đầu tiên chính thức ra đời. Cùng nhau, họ chiếm lĩnh ngành công nghiệm âm nhạc, đây cũng là lúc cộng đồng fan xuất hiện và những “fandom” đầu tiên được hình thành. Một vài fandom lớn có thể kể đến như Club của H.O.T hay Fangod của G.O.D.
So với thập niên 80, những thế hệ K-Pop đầu tiên xuất hiện có lợi thế khi được gọi tên người hâm mộ bằng những tên riêng. Khán giả gia nhập các câu lạc bộ hâm mộ chính thức của riêng nhóm nhạc. Ngoài CD, album, ảnh, khán giả cũng bỏ tiền mua những nhãn dán có hình thần tượng một cách đầy tự hào.
Ở thời điểm này, mỗi nhóm đều có một biểu tượng màu sắc riêng, trong đó người hâm mộ sẽ ủng hộ thần tượng và phân biệt lẫn nhau bằng màu bóng bay khi tới tham dự concert. Cho đến nay, biểu tượng màu sắc này vẫn còn tồn tại trong các nhóm nhạc Hàn Quốc.
Thập niên 2000 – Nền văn hoá K-Pop thế hệ thứ hai
Trước khi thế hệ Kpop thứ 2 bắt đầu, ngành công nghiệp âm nhạc xứ kim chi trải qua “thời kỳ thử nghiệm” ngắn cùng thế hệ 1,5. Shinhwa, Click-B, g.o.d, Chakra, Jewelry và BoA đều thuộc thế hệ này.
Năm 2002, album đầu tiên của nữ ca sĩ BoA được phát hành tại Nhật Bản, mang tên “Listen to My Heart” (Lắng nghe trái tim tôi), đã nhanh chóng leo lên vị trí số một trên bảng xếp hạng âm nhạc Oricon của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một ngôi sao nhạc pop Hàn Quốc đạt được thành tích này, khởi đầu cho một cơn sốt hâm mộ âm nhạc Hàn Quốc. Trên đà này, BoA đã tiến công sang các thị trường khác như Trung Quốc và Đông Nam Á và chinh phục công chúng nơi đây bằng khả năng vũ đạo và giọng hát tuyệt vời của mình.
Thế hệ 1,5 đánh dấu thời điểm Kpop dần phát triển. Văn hóa thần tượng Hàn Quốc trở nên phổ biến hơn tại Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Á khác. Thuật ngữ “Hallyu”, hay còn gọi là “làn sóng Hàn Quốc”, ra đời vào khoảng thời gian này khi một số báo chí quốc tế bắt đầu đưa tin về Kpop và thần tượng Hàn Quốc.
Sau đó, thế hệ thứ hai của Kpop xuất hiện trong bối cảnh Hàn Quốc rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế.Tuy nhiên, khi ấy, bản thân Kpop đã cực kỳ thương mại hóa. Kpop trở thành một trong số ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận cao nhất trong nước. Kinh tế Hàn Quốc đã trở nên giàu có hơn trong 2 thập niên qua. Economic Times trích báo cáo của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) năm 2017 chỉ ra rằng xuất khẩu K-pop đã đưa âm nhạc nước này thành một ngành trị giá khoảng 5 tỷ USD.
Thế hệ thứ hai cũng là thế K-Pop hoàn toàn bùng nổ và trở thành trào lưu giới trẻ, đặc biệt là tại châu Á. Thế hệ thứ hai cũng đánh dấu thời điểm ngành công nghiệp thần tượng Hàn Quốc thực sự phát triển ra thị trường quốc tế. Ý tưởng để nhóm nhạc thần tượng thực hiện “chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới” xuất hiện từ thời kỳ này.
Thời kỳ này cũng được coi như thời kỳ “bản hit liên tiếp bản hit” đến từ nhiều nhóm nhạc khác nhau như DBSK, Big Bang, Super Junior, SHINee, Beast, SNSD, T-ara, KARA…Thậm chí, dù bạn không phải fan của một nhóm nhạc thì chắc chắn bạn vẫn từng nghe qua các ca khúc của nhóm nhạc đó.
Không giống thế hệ đi trước, nhóm nhạc thế hệ hai quyết định từ bỏ phong cách “người nổi tiếng bí ẩn không thể chạm tới” và bắt đầu theo đuổi hình ảnh “ngôi sao thân thiện như hàng xóm”. Thần tượng tích cực xuất hiện trên chương trình truyền hình, sản xuất show thực tế riêng của họ, hay thậm chí là thử sức với diễn xuất thông qua phim truyền hình.
Bóng bay cổ vũ đã được thay bằng lightstick trong các concert của nhóm nhạc K-Pop.
Đây cũng là lúc công nghệ phát triển hơn và bóng bay trong concert dần biến mất. Thay vào đó, người hâm mộ sử dụng gậy phát sáng gọi là lightstick để cổ vũ thần tượng. Một nhóm nhạc sẽ có một lightstick riêng mang màu sắc riêng của nhóm. Ngoài ra, các loại hàng hóa được ra đời để cổ vũ thần tượng ngày càng phong phú hơn. Thậm chí, hình ảnh của các thần tượng còn được sử dụng cho đồ dùng học tập, băng đô, quần áo… Người hâm mộ đều cố gắng để thu thập tất cả đồ dùng liên quan tới thần tượng của mình.
Các cửa hàng bán đồ liên quan đến K-Pop ra đời với nhiều loại mặt hàng.
Thập niên 2010 – Nền văn hoá K-Pop thế hệ thứ ba
Thế hệ thứ ba đã thực sự thổi bùng lên nền văn hóa và thể loại Kpop trên toàn thế giới. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của nhóm nhạc thế hệ 3 so với đàn anh, đàn chị là “khán giả mục tiêu”.
Thế hệ 3 đánh mạnh vào thị trường âm nhạc quốc tế. Các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến như Twitter, Instagram, cùng với nền tảng phát video, nhạc trực tuyến như YouTube và Naver góp phần thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa của Kpop.
Thêm vào đó, thần tượng thế hệ 3 đầu tư nhiều hơn vào xây dựng câu chuyện, “vũ trụ riêng” xoay quanh phong cách nhóm theo đuổi để thu hút những người hâm mộ “muốn và cần nhiều hơn là âm nhạc đơn thuần”. Ví dụ điển hình có thể kể đến EXO cùng concept siêu năng lực – mỗi thành viên trong nhóm mang một siêu năng lực khác nhau.
Kpop chứng kiến sự phát triển chưa từng có về chất lượng của không chỉ bài hát, mà còn cả vũ đạo, video âm nhạc, nội dung quảng bá, hàng hóa, vật phẩm liên quan đến thần tượng… Các nhóm như EXO, NU’EST, VIXX, BTS, GOT7, Red Velvet, TWICE, BlackPink, GFriend đi tiên phong trong thế hệ này.
Nếu như ở thế hệ K-Pop trước, người hâm mộ thường chỉ mua một album và sưu tầm đồ dùng liên quan đến thần tượng thì mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi ở thế hệ ba này.
Từ năm 2010 cho tới nay, văn hóa hâm mộ K-Pop đã bắt đầu với việc khán giả cố gắng mua nhiều album nhất có thể. Động thái này thực chất là để thu thập ảnh thẻ, ảnh bo góc của mọi thành viên hoặc cố gắng có được tấm ảnh hiếm nhất của thành viên mà họ yêu thích. Một lí do khác là những người hâm mộ muốn mang về thành tích cho thần tượng về mảng album vật lý. Đây là thước đo cho sự nổi tiếng của nhóm và cũng có thể đánh giá mức độ “chịu chi” của mỗi fandom.
Một người hâm mộ có thể sở hữu nhiều bản album nhằm tìm kiếm chiếc ảnh thần tượng mà mình yêu thích nhất.
Thế hệ K-Pop thứ ba cũng chứng kiến sự thay đổi về mặt thành tích, điển hình là công cuộc “cày view”. Văn hóa “cày view” này đã trở thành điều phổ biến. Các fandom ganh đua nhau về số lượt xem MV, số lượt nghe ca khúc của các nhóm nhạc, điển hình nhất là BLACKPINK với cộng đồng fan Blink và EXO với cộng đồng EXO – L của mình.
Một điều mới mẻ nữa trong thời kỳ này là phương tiện truyền thông mạng xã hội. Những nền tảng trực tuyến giúp nghệ sĩ có thể giao lưu với người hâm mộ thông qua các ứng dụng chuyên biệt. Ngoài những hoạt động offline được tổ chức, những nghệ sĩ vẫn thường xuyên trò chuyện với fandom của mình mà không cần tốn quá nhiều công sức.
Thập niên 2020 – Sự bắt đầu cho một thế hệ K-Pop mới
Năm 2016, Kpop bước sang thế hệ mới, với series show thực tế tuyển chọn thành viên nhóm nhạc Produce 101 trở thành hit lớn trên khắp thị trường Hàn Quốc và quốc tế.
Người hâm mộ, đối tượng khách hàng tiêu dùng chính của ngành công nghiệp thần tượng, bắt đầu có tiếng nói và sức ảnh hưởng hơn. Đặc biệt, với thế hệ này, trọng tâm phát triển của Kpop chuyển thành lắng nghe và đáp ứng nhu cầu từ người hâm mộ.
Các nhóm như Seventeen, Monsta X, NCT, Wanna One, I.O.I và WJSN là những ngôi sao thế hệ 3,5 hoạt động trong khoảng thời gian Kpop thay đổi một cách nhanh chóng, dồn dập.
Bắt đầu vào năm 2020, văn hóa hâm mộ tiến lên một tầm cao hơn toàn mới. Người hâm mộ có một kết nối đặc biệt với nghệ sĩ hơn do họ có thể ngắm nhìn thần tượng mỗi ngày thông qua các ứng dụng mạng xã hội. Thậm chí, khi COVID-19 bắt đầu tấn công, những sự kiện trực tuyến và sự kiện số ảo cũng được tổ chức nhằm thỏa mãn nhu cầu của khán giả đối với các nhóm nhạc K-Pop. Nhờ công nghệ và internet, những người hâm mộ và nghệ sĩ đến gần nhau hơn bao giờ hết.
Kpop hiện bước qua thế hệ thứ tư. Nếu các thế hệ trước lấy Hàn Quốc làm trọng tâm phát triển, thì thần tượng thế hệ 4 có xu hướng nghiêng về thị trường quốc tế.
Bảng xếp hạng, giải thưởng quốc tế, điển hình Billboard, bắt đầu được coi trọng hơn. Công ty giải trí tận dụng mọi nền tảng truyền thông xã hội để giảm thiểu khoảng cách giữa thần tượng và người hâm mộ quốc tế.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa thị trường nội địa bị bỏ quên hoàn toàn. Danh tiếng tại Hàn Quốc vẫn là một trong số tiêu chí chính để các công ty đánh giá vị thế của nghệ sĩ, và người hâm mộ nước ngoài cũng quan tâm sát sao tới thành tích bán album trong nước, bảng xếp hạng âm nhạc, chương trình âm nhạc và lễ trao giải cuối năm.
Một số ngôi sao tiêu biểu của thế hệ 4 có thể kể đến TXT, The Boyz, ITZY, Stray Kids, Enhypen, aespa, IVE, StayC, (g)i-dle…
Hơn 2 năm kể từ khi thế hệ K-Pop thứ 4 ra đời, hiện vẫn còn là quá sớm để đưa ra thêm những bình luận, nhận xét về văn hóa hâm mộ. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy sự thay đổi và phát triển nhanh chóng trong nền văn hoá công nghiệp tỷ đô na. Người hâm mộ vẫn đang tiếp tục gây bất ngờ cho chính những nghệ sĩ bằng cách ủng hộ mới mẻ và độc đáo của họ. Đây cũng là điều tạo nên sự khác biệt của K-Pop với các thể loại âm nhạc khác.
Nếu bạn mong muốn tìm kiếm thêm những chủ đề tương tự, hãy theo dõi chúng tôi tại đây:
(1) Top 5 địa điểm du lịch ở Seoul nổi tiếng mà bạn nên tới năm 2023
(2) 12 địa điểm du lịch Hàn Quốc nhất định bạn phải ghé thăm!
(3) BTS – Giải mã tầm ảnh hưởng TOP 1 của Global Superstar BTS đến du lịch Hàn Quốc
Hoàng Thị Thanh An
MSV: 21051330