Ô nhiễm không khí là gì? Hà Nội ô nhiễm chưa từng thấy, nhiều người đổ bệnh vì ô nhiễm không khí. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Nội dung bài viết
1. Ô nhiễm không khí là gì?
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí, chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí lạ được đưa vào không khí, có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và cũng có thể gây hại cho sinh vật khác như động vật và cây lương thực, và có thể làm hỏng môi trường …
- Hà Nội ô nhiễm chưa từng thấy:
Ngày 12-11, kết quả quan trắc tại nhiều điểm ở Hà Nội ô nhiễm lên tới ngưỡng báo động, mức cao nhất trong bậc thang ô nhiễm không khí, ô nhiễm lớn nhất từng xảy ra trong năm 2019.
Kết quả quan trắc chất lượng không khí ở nhiều tỉnh thành phía Bắc gần như tất cả đều màu tím, thể hiện chất lượng không khí xấu, báo động.
Theo TS Hoàng Dương Tùng (chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam), ô nhiễm không khí chưa từng thấy khi màu tím ở hầu hết các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội, thậm chí có nơi còn ghi nhận ở ngưỡng nâu, mức báo động.
“Ô nhiễm tới mức này là gay go lắm rồi” – TS Hoàng Dương Tùng lo lắng.
Theo ghi nhận, tại thời điểm 6h sáng 12-11, điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ ghi nhận chất lượng không khí (AQI) lên tới 341, ngưỡng cao nhất thể hiện màu nâu và là ngưỡng nguy hại theo cách tính chất lượng không khí của Việt Nam.
Đây cũng là ngưỡng ô nhiễm cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe tất cả người dân.
Với mức ô nhiễm này, cơ quan chức năng khuyến cáo tất cả người dân bao gồm cả trẻ em và người già, người mắc bệnh hô hấp và nhóm khỏe mạnh đều hạn chế ra ngoài đường.
Hệ thống quan trắc không khí PAMAIR cũng ghi nhận ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng vào ngày 12-11 khi điểm đo ở ngưỡng nâu – nguy hại với chỉ số chất lượng không khí lúc 6h sáng lên tới 324.
Nhiều điểm quan trắc khác cũng cho thấy gần ngưỡng nâu như khu vực Thanh Xuân là 299, Cầu giấy là 295
Các trạm quan trắc của thành phố Hà Nội ghi nhận hầu hết các điểm quan trắc đều cho chỉ số chất lượng không khí màu tím, thể hiện chất lượng không khí xấu, có hại cho sức khỏe mọi người.
Không chỉ Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng trong, sáng nay ở nhiều tỉnh miền Bắc như Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình đều ô nhiễm, xấp xỉ ngưỡng tím.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, ô nhiễm không khí liên tiếp gia tăng. Theo ông Tùng, nguy hại hơn chính là vấn đề chưa thấy những biện pháp giảm ô nhiễm quyết liệt như các nước trong khi tình hình ngày càng đáng lo ngại.
Theo Tổng cục Môi trường, trong những ngày tới, Hà Nội đang trong giai đoạn hanh khô, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng, đó là các điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí không thể phát tán lên cao và đi xa.
Những ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức kém, đặc biệt là khoảng thời gian ban đêm và sáng sớm. Người dân không nên, hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng và nên sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.
2. Nhiều người đổ bệnh do ô nhiễm không khí
Ông Vũ Văn Giáp, phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai – cho hay vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, chỉ số ô nhiễm cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên tim mạch, hô hấp cũng tăng cao.
“Những người bị ảnh hưởng rõ rệt nhất là người có sẵn bệnh lý tim mạch, hô hấp. Người bệnh thấy khó thở, kèm theo tức nặng ngực, ho nhiều hơn và các dấu hiệu của một bệnh cấp tính” ông Giáp nói.
Ông Giáp cũng dẫn các nghiên cứu cho đến nay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết ô nhiễm không khí liên quan tới 30% ca tử vong do ung thư phổi, 25% các ca đột quỵ não và bệnh lý tim mạch. Riêng bệnh lý hô hấp, có đến 435 ca tử vong do bệnh lý hô hấp là có liên quan tới ô nhiễm không khí.
3. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Theo ông Hoàng Dương Tùng, khi chỉ số chất lượng không khí lên tới ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người như những ngày vừa qua, bụi mịn sẽ tấn công phổi của con người
Các nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm:
- Khí xả thải từ ô tô xe máy
- Đun bếp than tổ ong
- Phá dở các công trình
- Vận chuyển vật liệu
- Mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước
- Mùi từ các trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm
- Thu gom rác thải chưa tốt
- Khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố
- Tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa
Ông Tạ Ngọc Sơn, phó trưởng phòng tổng hợp Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên – môi trường) cho rằng:
- Các nguồn gây ô nhiễm không khí từ xe cộ, xây dựng, cần phải có lộ trình mới có thể giảm được. Tuy nhiên, những giải pháp về thí điểm hạn chế phương tiện cá nhân với mục tiêu giảm ùn tắc, giảm nguồn phát thải gây ô nhiễm, dư luận cũng chưa ủng hộ.
- Trước tình trạng đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành Hà Nội, Sở Tài nguyên – môi trường đã tổ chức đợt kiểm tra các huyện nhằm tuyên truyền, đề nghị chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể vào cuộc để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ.
- Trong khoảng 3 năm qua Hà Nội đã “cắt” dịch vụ công ích là rửa đường, đồng thời không hề có biện pháp giảm phát bụi từ các xe vận chuyển đất đá, công trình xây dựng không tuân thủ quy định che chắn, nhiều tuyến đường của Hà Nội thì liên tục đào lên – lấp xuống, mỗi khi lấp lại hết sức sơ sài, khiến bụi phát sinh. Đây hoàn toàn là lỗi của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng.
Thực hiện: Hà Văn Huy (17050326)