SLOW FASHION – MẶC “CHẬM” SAO CHO KHÔNG NHÀM CHÁN?

Slow fashion – Thời trang chậm liệu có phải là một xu hướng khó mặc và chóng tàn? Bài viết này sẽ giúp bạn diện đồ “chậm” một cách đơn giản và đẹp mắt.

Những điều bạn nên hiểu về Slow Fashion trước khi mang chúng vào tủ đồ | Nguồn: Pinterest
Những điều bạn nên hiểu về Slow Fashion trước khi mang chúng vào tủ đồ | Nguồn: Pinterest

Trong thập kỷ vừa qua, và đặc biệt là hai năm trở lại đây, đã có rất nhiều cuộc tranh luận về thời trang và tác động của chúng đối với môi trường diễn ra. Đứng trước vô vàn ý kiến, dường như thời trang chậm đang dần được quan tâm và từng bước len lỏi vào cuộc sống của người tiêu dùng. 

Không chỉ đơn giản là một xu hướng, thời trang chậm hướng đến sự bền vững để tạo ra những ảnh hưởng tích cực và lâu dài lên đời sống và toàn bộ ngành công nghiệp thời trang.

Có thể được nghe nhiều nhưng bạn có biết cách ứng dụng thời trang chậm vào cuộc sống? Đôi khi cách tốt nhất để giúp đỡ thế giới là thật sự hiểu rõ ý nghĩa của những cụm từ “trending”.

Hiểu “chậm” sao cho đúng?

Thời trang chậm chỉ việc sản xuất và mua sắm các mặt hàng có giá trị sử dụng lâu dài và thân thiện với môi trường. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa “thời trang bền vững” và “thời trang chậm.” Thế nhưng theo Claudia Manley, tác giả cuốn sách Fashion Writing: A Primer, thời trang bền vững là một phần của thời trang chậm.

Nếu thời trang bền vững chỉ tập trung vào việc bảo vệ môi trường và chi phí nhân công trong việc sản xuất, thời trang chậm còn xoay quanh chất lượng của một món đồ có sử dụng được lâu dài hay không.

Thời trang chậm quan tâm đến độ bền của chất liệu | Nguồn: Pinterest
Thời trang chậm quan tâm đến độ bền của chất liệu | Nguồn: Pinterest

Thời trang chậm không chỉ sinh ra như một tiếng nói nhạt nhoà và rồi biến mất. Nó hơn cả một xu hướng thời trang mà còn quan tâm đến sự lâu dài và các giá trị tốt đẹp cho môi trường và con người. Nhìn xa hơn, thời trang chậm đòi hỏi một sự thay đổi ở lối sống. Nó đòi hỏi những lựa chọn có ý thức từ khi chúng ta thức dậy cho đến khi đi ngủ.

Một bài báo đăng tải trên tờ British Vogue vào năm 2020 đã nhận định rằng thời trang chậm chính là bước chuyển chậm rãi, chống lại các xu hướng thời trang đang rầm rộ hiện nay. Ý thức được những tác hại của ngành thời trang nhanh, các chất liệu thân thiện với môi trường với đặc tính bền bỉ đã được ra đời và sử dụng rộng rãi như: cotton sạch, vải làm từ lá dứa, đá hoa, da thuộc làm từ nấm, vải tencel, len hay linen. 

Các sản phẩm được sản xuất theo từng đợt nhỏ bởi các nhà thiết kế hoặc nghệ nhân địa phương. Với lịch trình sản xuất chậm hơn, các bộ sưu tập nhỏ và những thiết kế không tạo ra chất thải (zero waste design), các thương hiệu thời trang chậm hướng tới giảm thiểu chất thải dệt may mà thường hay làm tắc nghẽn các bãi rác của chúng ta. 

Thay vì theo đuổi xu hướng, các nhãn hàng này tận dụng những phong cách bền bỉ với thời gian và có thể layering với nhau, tạo ra những phục trang mang tính cổ điển và linh hoạt. Chính điều này đã mang đến cho người tiêu dùng khả năng giữ món hàng này đến trọn đời.

Thời trang chậm có “soán ngôi” thời trang nhanh?

Thời trang nhanh (fast fashion) hiện diện ở khắp nơi khiến chúng ta cảm thấy thời trang chậm (slow fashion) chỉ là tiếng nói yếu ớt. Tuy nhiên, thời trang chậm ra đời thật ra không nhằm mục đích soán ngôi hay cạnh tranh với thời trang nhanh.

Nó mang ý nghĩa phản ánh lại những cách mà con người thích nghi trước những biến động kinh tế, ô nhiễm môi trường, thay đổi phong cách sống dưới góc nhìn thời trang.

Tài chính cá nhân từ tủ quần áo

Ở khía cạnh tài chính cá nhân, thời trang chậm đã ra đời với triết lý giúp người tiêu dùng lựa chọn tủ đồ thấu đáo hơn, thay vì chỉ mua các món đồ theo xu hướng mà không có giá trị bền vững, lâu dài.

Trong nhiều thập kỷ, thời trang nhanh luôn tập trung vào các xu hướng thời trang hiện tại nhanh chóng cập nhật, nhanh chóng thiết kế, nhanh chóng sản xuất, nhanh chóng tiêu thụ, vì vậy các bộ trang phục thường bị đào thải chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. 

Động lực cho thương hiệu nội địa

Slow fashion còn mở ra cánh cửa phát triển thời trang địa phương (local fashion). Đây là cách những thương hiệu nội địa tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, tìm kiếm những giá trị độc đáo ở nơi mình sống và đưa vào thời trang.

Bên cạnh đó, khi mua sắm tại các thương hiệu nội địa, người tiêu dùng sẽ có cơ hội được biết thêm về nguồn gốc của các bộ trang phục và các chất liệu và được truyền cảm hứng để sống xanh, sống bền vững hơn. Điều này tạo nên một trải nghiệm thời trang mới mẻ, vốn là điều khách hàng thế hệ trẻ đang tìm kiếm.

Thời trang chậm giúp các thương hiệu nội địa với nguồn lực tài chính hạn chế có cơ hội phát triển | Nguồn: SAN design garden
Thời trang chậm giúp các thương hiệu nội địa với nguồn lực tài chính hạn chế có cơ hội phát triển | Nguồn: SAN design garden

Chậm lại để hiểu cá tính bản thân

Đối mặt với guồng quay hối hả của thời trang nhanh, người dùng có xu hướng bị ép  vào các khuôn mẫu của những người nổi tiếng, các KOLs, KOCs trên mạng xã hội, khiến phong cách của chúng ta mất đi tính độc đáo và nguyên bản. Trong khi đó thời trang chậm  thúc đẩy người tiêu dùng định hình phong cách cá nhân thông qua việc chọn lựa kỹ lưỡng tủ đồ của mình.

Nó giúp giới mộ điệu thời trang có quyền quyết định thứ mình muốn mặc, tự tạo nhịp điệu cho phong cách bản thân và không cảm thấy mệt mỏi khi phải chạy theo những xu hướng thay đổi chóng mặt.

Cách mặc “chậm” thoải mái

Một số người cho rằng thời trang chậm đòi hỏi công sức tìm kiếm thương hiệu, quan tâm chất liệu… Tuy vậy, ứng dụng thời trang chậm đơn giản hơn bạn tưởng. Để trở thành một người tiêu dùng thông minh và ứng dụng thời trang chậm đúng cách, bạn có thể bắt đầu từ những bước cơ bản nhất.

Đừng vội lấp đầy tủ đồ với thời trang chậm

Trước tiên, bạn sắp xếp lại tủ đồ của mình. Đây sẽ là cơ hội để bạn chọn ra những bộ trang phục có thể phối lại với nhau, hoặc cho đi những món đồ không còn mặc được nữa.

Tiếp đến, bạn cần xác định hệ giá trị và phong cách thời trang của bản thân trước khi đưa ra các quyết định mua sắm. Từ đó hạn chế tình trạng mua sắm ngẫu hứng (impulsive buying), tránh lãng phí về sau.

Theo đuổi thời trang chậm không có nghĩa bạn cần thay đổi hoàn toàn tủ đồ của mình| Nguồn: Pinterest
Theo đuổi thời trang chậm không có nghĩa bạn cần thay đổi hoàn toàn tủ đồ của mình| Nguồn: Pinterest

Một điều cần lưu ý rằng theo đuổi thời trang chậm không đồng nghĩa với việc chạy ra ngoài và lấp đầy tủ đồ bằng những bộ quần áo bền vững mới mua, mà là tận dụng tối đa các bộ trang phục bạn đang có.

Có thể bạn đã từng chạy theo các xu hướng nổi bật mà mang về hàng loạt bộ trang phục chỉ mặc được vài lần. Vậy hãy thử chỉnh sửa chúng lại hay kết hợp các mảnh quần áo khác nhau để ra những bộ trang phục mới, hoặc cho đi để chúng có thể tiếp tục vòng đời của mình.

Thuật ngữ chuyên ngành gọi đó là ‘‘upcycling’’ vừa tái xử lý vừa nâng cấp sản phẩm, chế biến một mặt hàng mới từ những vật liệu có chất lượng vượt trội. Ngành sản xuất y phục may sẵn đã tạo thói quen cho người tiêu dùng và đôi khi đó là những ‘‘tật xấu’’. Áo quần đôi khi được bán với giá rẻ tới mức không ai nghĩ tới chuyện may vá lại quần áo bị rách, mà lại có thói quen vứt bỏ đi rồi mua liền một cái khác. Thế nhưng, tìm lại những thói quen ngày xưa ấy có lẽ cũng là một điều nên làm, bên cạnh giảm bớt mua sắm.

Học cách kéo dài tuổi thọ của quần áo

Nhiều người phải mua thêm quần áo mới chỉ vì không biết cách bảo quản dẫn đến việc chúng dễ hư hỏng, nhanh xuống cấp. Để có thể giữ quần áo mặc được lâu hơn, bạn cần chăm sóc đúng cách tủ đồ của mình.

Đầu tiên là lựa chọn màu sắc và chất liệu vải phù hợp khi nấu nướng hoặc ăn uống, chẳng hạn như những trang phục sáng màu hay chất vải len, lụa sẽ khó tẩy rửa hơn nếu bị dính bẩn.

Đối với các chất liệu vải mỏng, dễ hỏng như lụa, len, linen, ren,.. cần được bỏ vào túi lưới bảo vệ khi bỏ vào máy giặt. Từng loại chất liệu sẽ có hướng dẫn giặt giũ trên nhãn mác, bạn cần nắm rõ cách đọc ký hiệu và tuân theo các chỉ dẫn để tránh giặt quá tay làm hỏng chất liệu.

Không để quần áo tiếp xúc với nhiệt độ cao bằng cách phơi khô tự nhiên (bạn có thể lộn trái quần áo để tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời) thay vì dùng máy sấy.

Thời trang chậm không phải là mặc đồ nhàm chán

Theo đuổi thời trang chậm không có nghĩa là ăn mặc lỗi thời hay lạc hậu. NTK Stella McCartney chia sẻ rằng: “Tôi không nghĩ rằng mọi thứ phải trông xấu xí vì chúng là sản phẩm bền vững. Tại sao chúng không thể xinh đẹp? Tôi không nghĩ chúng ta nên nói rằng thiết kế này chưa đẹp lắm vì nó thân thiện môi trường, và bạn đừng mua chiếc áo đẹp kia chỉ vì nó là sản phẩm không bền vững.”

Một thiết kế đẹp không liên quan đến việc nó thuộc thời trang nhanh hay thời trang chậm | Nguồn: Yunhanwang
Một thiết kế đẹp không liên quan đến việc nó thuộc thời trang nhanh hay thời trang chậm | Nguồn: Yunhanwang

Hiện nay, trên thế giới và cả ở Việt Nam đã có hàng loạt thương hiệu gắn liền với sự bền vững. Ví dụ như ở Việt Nam, San Design Garden hay More Than Blue là hai thương hiệu thời trang đi theo hướng thời trang “chậm”, cũng cho phép khách hàng có thể pre-order sản phẩm thủ công của mình. Khách hàng có thể đặt hàng trước, sau đó nhận hàng sau vài tuần.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, các thương hiệu cũng dần chuyển mình để thích nghi với sự thay đổi. Bên cạnh đó, các sản phẩm được sản xuất từ các quy trình bền vững vẫn đảm bảo tiêu chí đẹp, thẩm mỹ độc đáo cho người mua.

Thời trang chậm đến cuối cùng vẫn là cách con người phản hồi lại những vấn đề của đời sống, xã hội. Mặc dù ngày càng có nhiều sự ủng hộ đối với thời trang chậm, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để thay đổi cách ngành công nghiệp thời trang đang vận hành.

Tuy vậy, thông qua việc ủng hộ những thương hiệu thời trang văn minh, đơn giản hóa tủ quần áo và nhiều cách làm khác, chúng ta sẽ đưa phong cách thời trang của mỗi cá nhân trở về một tốc độ vừa phải hơn.

Dần dần, khi bạn nhận ra bản thân có thể thong thả với tủ đồ của mình thì các thương hiệu thời trang cũng không thể ép chạy theo những phù phiếm được.

Cùng tham khảo một số bài viết liên quan đến thời trang: tại đây<<<

NGỠ NGÀNG TRƯỚC 3 ẢNH HƯỞNG KHỦNG KHIẾP CỦA FAST FASHION LÊN MÔI TRƯỜNG

Light Academia – Phong cách của những quý cô thanh lịch thế kỷ 19

 

 Người thực hiện: Bùi Ngọc Mai

Mã sinh viên: 20050877

Bài tập lớn_INE3104 1

9 thoughts on “SLOW FASHION – MẶC “CHẬM” SAO CHO KHÔNG NHÀM CHÁN?

  1. Thế Duy says:

    Bài viết rất hay và bổ ích, trong thời đại 4.0 hiện nay, rất cần những con người tài năng như thế này <3 Good Job

  2. Phan Văn Đỉnh says:

    Tôi nghĩ bài viết không thể hoàn hảo hơn được nữa

  3. Thảo Nguyễn says:

    Thời trang chậm nên là một xu thế trong bối cảnh xã hội hiện đại. Cảm ơn tác giả bài viết với thông tin hữu ích

Comments are closed.