Trong dòng chảy nghệ thuật, thời trang không chỉ tự khẳng định vị thế riêng của nó mà còn để lại nhiều dấu ấn trong các tác phẩm văn học, hội hoạ, sân khấu,… Đặc biệt trong điện ảnh, thời trang luôn hiển rõ nét những vẻ đẹp tinh hoa nhất của nó qua từng thời kỳ. Không chỉ dừng lại ở việc làm mãn nhãn người xem bởi hàng loạt trang phục đẹp mắt và sành điệu, mỗi bộ phim thời trang đều ẩn chứa những thông điệp ý nghĩa để bạn có thể học hỏi và khơi nguồn cảm hứng thời trang.
Vượt qua giới hạn của thời gian, loạt phim điện ảnh về thời trang dưới đây đã ghi lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của công chúng và trở thành “cuốn sách vỡ lòng” cho bất cứ ai đi trên con đường trở thành một fashionista chính hiệu. Hãy cùng chiêm ngưỡng những “xu hướng thời trang” không bao giờ lỗi mốt qua 5 bộ phim này nhé!
Nội dung bài viết
1. Thời trang trên màn bạc
Từ khi nào mối nhân duyên sâu đậm giữa thời trang và điện ảnh đã bắt đầu nảy nở, thăng hoa và trải dài gần một thế kỷ?
Bạn có thể tìm đọc: Những bộ trang phục trong điện ảnh
1.1. Thời trang – một chất liệu truyền cảm hứng sáng tác cho các nhà làm phim
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của điện ảnh, những nhà thiết kế thời trang đã dày công nghiên cứu và sử dụng những “bộ trang phục” nhằm tái hiện lại bối cảnh không gian – thời gian diễn ra trong tác phẩm. Những bộ trang phục với những kiểu dáng, màu sắc, chất liệu khác nhau đã trở thành “bộ nhận diện” cho độ tuổi, tính cách, giới tính, giai cấp, vùng miền, tư tưởng văn hóa của nhân vật.
Thời trang không chỉ đơn thuần là vải vóc được đắp lên những nhân vật, nó là biểu trưng cho giai cấp, cuộc sống, tính cách, mối quan hệ hay thậm chí là tâm trạng của nhân vật đó.
Cũng có lúc thông qua thời trang, đạo diễn có thể xây dựng nên bối cảnh của không gian – thời gian cho cả tác phẩm, hay nói cách khác, những bộ trang phục cần thể hiện được bối cảnh lịch sử của cốt truyện. Thời trang chính là tấm gương phản chiếu xã hội đương thời một cách cụ thể nhất. Từ những đôi giày cao gót đế thô những năm 70 đến bộ bikini lưng cao của năm 40, những kiểu dáng trang phục của thập kỷ trước giờ vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thiết kế thời trang ngày nay.
1.2. Điện ảnh – định hướng và hồi sinh phong cách thời trang
Nhờ vào sự lung linh tỏa sáng của diễn viên và những thước phim đẹp, thời trang được tạo dựng qua phim ảnh tạo ra sức ảnh hưởng mang tính đại chúng, cực nhanh và cực rộng. Khi các phương tiện truyền thông ngày càng phát triển mạnh mẽ, phim ảnh dần cho chúng ta nhận thấy được sức ảnh hưởng của nó tới xu hướng thời trang một cách mạnh mẽ hơn.
Khi làn sóng phim ảnh Hollywood trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết, sự tác động của thời trang trong phim vào đời sống trở nên rõ nét hơn. Các minh tinh màn bạc trở thành hình ảnh kiểu mẫu của công chúng, cách họ ăn vận ra sao, theo đuổi xu hướng thời trang gì, hoặc trang điểm làm tóc như thế nào,… tất cả đã định hình nên phong cách thời trang mới tại thời điểm đó. Nếu trước đây khuynh hướng được tạo ra qua sưu tập của các nhà may cao cấp Pháp thì nay thời trang phim ảnh đã tạo nên cú lột xác mới trong ngành thời trang.
Bạn có thể tìm đọc: Thời trang điện ảnh: Phim ảnh đã thay đổi cách chúng ta ăn mặc như thế nào
2. Top 5 bộ phim nhất định phải xem của các tín đồ thời trang
2.1. The Devil Wears Prada
Sau 18 năm kể từ khi ra mắt, The Devil Wears Prada vẫn là một tượng đài của dòng phim xoay quanh chủ đề thời trang trong lòng khán giả. Không nhà phê bình nào thể phủ nhận về sức ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của The Devil Wears Prada lên văn hóa đại chúng.
Đầu những năm 2000 đánh dấu thời điểm thời trang cao cấp thâm nhập mạnh mẽ vào văn hóa đại chúng, The Devil Wears Prada đã khéo léo nắm bắt tất cả các xu hướng thời trang và các thiết kế cao cấp thời bấy giờ. Những thiết kế thời trang xa hoa và sành điệu đến từ các thương hiệu cao cấp như Prada, Chanel, Dior,… không chỉ tạo ra một thế giới thị giác đẹp mắt, bộ phim còn giống như lớp học thời trang vỡ lòng của hàng triệu cô gái với những bí quyết để biến một cô gái bình thường trở thành fashionista.
Đôi boot nâu của Christian Louboutin, mũ baker boy Chanel, áo khoác trắng Yigal Azrouel hay chiếc trench coat xanh phối da báo ở cổ và gấu tay thời thượng – lấy cảm hứng từ Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy,… trở thành những thước phim về thời trang đầy ấn tượng, tạo nên những khoảnh khắc khó phai trong lòng khán giả.
Thời trang không chỉ đơn giản là khoác lên người những bộ cánh hàng hiệu. Việc phối đồ thông minh – mix & match – mới là cách giúp nâng tầm outfit và các món thời trang và phụ kiện khi được mang ở đúng vị trí sẽ thực sự hô biến một cô gái bình thường và xuề xòa như Andy trở nên lộng lẫy, đáp ứng tiêu chuẩn về cái đẹp của Hollywood.
2.2. Funny Face
Funny Face là một tác phẩm điện ảnh hoàn hảo về thời trang, là sự quyến rũ, đầy hoài niệm về một thời hoàng kim của thời trang. “Siêu phẩm” của làng điện ảnh này đã được đông đảo tín đồ thời trang yêu thích bởi câu chuyện cổ tích “vịt hóa thiên nga” đầy lãng mạn và thú vị giữa kinh đô Pháp hoa lệ.
Funny Face mang đến những khung hình điện ảnh giàu chất nghệ thuật với tâm điểm là phong cách thời trang với các bộ trang phục được thiết kế thanh lịch, tinh tế và tuyệt đẹp bởi hai nhà thiết kế lừng danh Edith Head và Hubert de Givenchy. Những bộ trang phục của nhân vật Jo Stockton (Audrey Hepburn) đã trở thành huyền thoại, nhiều bộ đồ đến bây giờ vẫn đẹp kinh điển, là nguồn cảm hứng thời trang khiến bao người mê mẩn.
2.3. Cruella
Khía cạnh thời trang là một trong những yếu tố được chú ý nhất của bộ phim “Cruella”. Lấy bối cảnh thành phố London thập niên 1970, đó là khi làn sóng thời trang Punk tại London mới ra đời, do vậy các yếu tố trang phục đặc trưng của thời trang Punk Rock xuất hiện xuyên suốt trong phim.
Nhà thiết kế Jenny Beavan đã tạo ra những bộ trang phục mang đậm phong cách thời trang với những đường cắt táo bạo, những màu sắc nổi bật và những chất liệu độc đáo như kim loại, da. Họa tiết đốm trên một bộ váy của Cruella cũng được khéo léo thêm thắt vào trang phục.
Bộ phim truyền cảm hứng cho hàng loạt thiết kế thời trang khắp các sàn diễn, nơi mà gam đơn sắc đang xuất hiện trở lại. trên các sàn diễn, những gam màu đỏ, đen và trắng quỷ dị đang thống trị các bộ sưu tập thời trang mùa thu năm 2021.
2.4. Breakfast at Tiffany’s
Nhắc đến Breakfast at Tiffany’s, không thể bỏ qua khâu thời trang đã biến bộ phim trở thành huyền thoại. Xuyên suốt bộ phim, nữ diễn viên Audrey Hepburn đã diện nhiều trang phục bắt mắt khác như áo sweater dài tay, áo măng tô hay chiếc áo khoác bằng len cao cấp, nhưng kinh điển nhất vẫn là chiếc váy Little Black Dress – biểu tượng của thời trang mang đậm nét thanh lịch vượt thời gian.
Chiếc đầm đen nhỏ xuất hiện cùng Audrey Hepburn trong phần mở đầu của bộ phim được xem là một trong những trang phục biểu tượng của thế kỷ 20, và có thể là một trong những chiếc đầm đen nhỏ nổi tiếng nhất mọi thời đại. Với chiếc váy dài đen không tay, trơn dài, tóc búi cao với chuỗi ngọc trai, mũ rộng vành và kính gọng đen bản lớn, Audrey Hepburn đã tạo ra một hình tượng điển hình của người phụ nữ thanh lịch, quyền lực. Chính những điểm đặc biệt ấy đã khiến Little Black Dress trở thành chiếc đầm dự tiệc cho nhiều thế hệ phụ nữ.
Tác phẩm trở thành nguồn cảm hứng dạt dào về thời trang và phong cách trong nhiều năm sau đó. Đến năm 2012, phim được Thư viện Quốc hội Mỹ bảo quản vì giá trị đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ. Đậm chất nữ tính và tràn đầy sự mỹ miều, đến nay Breakfast at Tiffany’s vẫn giữ nguyên giá trị như một tác phẩm bất hủ, đặc biệt với khán giả nữ.
2.5. Phantom Thread
Trong bối cảnh vào những năm 1950, Phantom Thread khiến cho khán giả mãn nhãn với rất nhiều cảnh quay đậm chất thời trang cao cấp cùng với những tác phẩm vô cùng lộng lẫy. Không những thế, người xem còn được chứng kiến quy trình thiết kế, đo đạc, tạo ra chúng một cách chi tiết tỉ mỉ đến từng đường may, sợi chỉ thông qua những thước phim chỉn chu. Mỗi bộ váy trong phim đều sở hữu nét thanh lịch vượt thời gian.
Với ai yêu thích âu phục phương Tây vào thập kỷ 1950, chắc hẳn sẽ không còn xa lạ với dáng đầm nổi tiếng của Cristobal Balenciaga. Khán giả của “Phantom Thread” sẽ được chiêm ngưỡng nhiều các thiết kế váy, đầm mang đậm dấu ấn của Balenciaga. Từ phom váy bồng bong bóng, đầm thụng bao bố, đầm lưng cao hay kiểu cổ áo ngang, hở vai và xương cổ, giấu eo và cắt ngắn bớt tay áo đều là những cuộc cách mạng thời trang của Balenciaga.
Ngoài Balenciaga, trang phục trong phim cũng được lấy cảm hứng từ một loạt các nhà thiết kế thời trang lớn tại London thời điểm bây giờ như John Cavanagh, Digby Morton hay Michael Sherard. Năm 2018, phim nhận 4 giải thưởng cho Thiết kế thời trang danh giá nhất bao gồm: Oscar, BAFTA, Lựa chọn của giới phê bình và giải Satellite.
3. Kết luận
Thời trang không chỉ là một yếu tố trang trí cho những thước phim thêm đẹp mắt, mà còn là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng nhân vật và câu chuyện. Thông qua Top 5 bộ phim tượng đài về thời trang mà các fashionista phải nằm lòng, rõ ràng là thời trang không chỉ là câu chuyện của hàng hiệu, chất liệu hay kiểu dáng,… mà nó là cả một câu chuyện về phối đồ, phong cách và thể hiện cá tính.
Những bộ phim kinh điển đã chứng minh rằng thời trang không chỉ phản ánh xu hướng và phong cách của từng thời kỳ mà còn là công cụ mạnh mẽ để thể hiện cá tính và tạo dấu ấn trong văn hóa đại chúng. Những bộ phim “gối đầu giường” của các fashionista trên đây sẽ truyền cảm hứng sáng tạo cái đẹp và là kim chỉ nam hữu ích cho các cô gái trên con đường “nhập môn” tìm hiểu về thời trang.
Bạn có thể tìm đọc:
Top 7 phim thời trang hay nhất mọi thời đại
Xu hướng thời trang thịnh hành năm 2024
Thời trang Minimalism: 1 cách định nghĩa lại sự tinh tế
5 Phong cách thời trang để nàng tự tin tỏa sáng ngày tựu trường
Sinh viên thực hiện: Ngô Thùy Trang
Mã sinh viên: 21051040