Văn hóa doanh nghiệp và mô hình tảng băng trôi được sử dụng như một phép ẩn dụ phổ biến. Khi bạn nhìn thấy một tảng băng trôi, phần có thể nhìn thấy trên mặt nước chỉ là một phần nhỏ trong một tổng thể lớn. Sâu bên dưới “mặt nước” là một khối khổng lồ, vô hình, chứa đựng mọi văn hóa doanh nghiệp ăn sâu, đó là hệ tư tưởng hoặc giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về mô hình tảng băng trôi trong văn hóa doanh nghiệp và cách lý thuyết này có thể giúp thúc đẩy thành công của doanh nghiệp như thế nào.
Nội dung bài viết
Văn hóa doanh nghiệp là gì từ góc nhìn mô hình tảng băng trôi
Văn hóa doanh nghiệp là gì? Câu trả lời được bắt nguồn từ năm 1976, khi Edward T Hall (tiểu sử E. T. Hall) đã phát triển “Mô hình văn hóa tảng băng trôi” và giải thích rằng văn hóa doanh nghiệp hay tổ chức giống như một tảng băng trôi được tìm thấy ở vùng biển cực. Bởi trong khi một số khía cạnh của văn hóa có thể dễ dàng cảm nhận từ bên ngoài, thường được gọi là văn hóa bề nổi, thì những gì tạo nên nền tảng của một nền văn hóa mạnh thường chìm sâu hơn trong các giá trị và niềm tin của tổ chức, được gọi là “văn hóa cốt lõi”.
Các khía cạnh như môi trường làm việc, quy định về trang phục, hệ thống, chính sách và quy trình có thể nhìn thấy ngay lập tức, song các yếu tố như giá trị, niềm tin được chia sẻ, thái độ đối với cấp trên, tính cạnh tranh và các quy tắc ngầm mới là điều hình thành nên văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp. Vậy văn hóa doanh nghiệp thể hiện thế nào ở phần nổi và phần chìm của tảng băng cũng như các gợi ý ứng dụng để đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ phần nổi của tảng băng
Gợi ý 1. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ đặc quyền và lợi ích
Hầu hết các doanh nghiệp thành công đều cố gắng xây dựng văn hóa doanh nghiệp đảm bảo nhân viên của họ cảm thấy thoải mái trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Đặc quyền và lợi ích của nhân viên đóng một vai trò rất lớn trong việc biến điều này thành hiện thực.
Cho dù làm việc tại nhà, làm việc tại văn phòng hay sắp xếp công việc linh hoạt, các đặc quyền và lợi ích đều tác động đáng kể đến hành vi và sự gắn kết của nhân viên. Một nghiên cứu cho thấy rằng 48% số người chuyển việc sẽ cân nhắc đến các đặc quyền như một phần thiết yếu trong quá trình ra quyết định của họ.
Gợi ý đầu tiên để xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở đây là hãy thực sự quan tâm đến nhân viên, hiểu những gì nhân viên muốn và đưa ra một kế hoạch phúc lợi cho họ. Đầu tư vào các đặc quyền, lợi ích có ý nghĩa như chi phí sinh hoạt, học tập, sức khỏe, thể chất,… có thể giúp khắc sâu hơn văn hóa doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tổ chức tiến tới thành công.
Gợi ý 2. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ trang phục và ngoại hình
Phong cách ăn mặc và ngoại hình của nhân viên có thể có tác động lớn đến cách nhìn nhận về văn hóa doanh nghiệp. Ngày nay, hầu hết các công ty đang nới lỏng quy định về trang phục để khuyến khích nhân viên ăn mặc giản dị và cảm thấy thoải mái khi làm việc, từ đó giúp gia tăng năng suất.
Gợi ý thứ 2 để xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở đây là hãy đặt ra một số quy tắc cơ bản và truyền đạt những gì được chấp nhận và những gì không. Với những vị trí có vai trò tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cần được yêu cầu cụ thể về trang phục và ngoại hình, hãy cho nhân viên thấy doanh nghiệp muốn thể hiện mình với tư cách là một thương hiệu.
Gợi ý 3. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ ngôn ngữ
Ngôn ngữ thể hiện văn hóa thông qua phong cách nói, hành vi, cách truyền đạt và lựa chọn từ ngữ. Cách chúng ta chọn giao tiếp với những người khác có thể tác động đáng kể đến cách mọi người hình thành và xây dựngvăn hóa doanh nghiệp. Do đó, hãy chọn tập hợp từ ngữ, cử chỉ, giọng điệu và nền tảng giao tiếp phù hợp.
Gợi ý thứ 3 để xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở đây là hãy ghi lại một số quy định rõ ràng về ngôn ngữ, giọng điệu có thể chấp nhận và cách chúng được sử dụng trong công ty. Ngoài ra, bất cứ khi nào có thể, hãy tạo một danh mục các mẫu giao tiếp cho các tình huống khác nhau (mẫu email cho ngày sinh nhật/kỷ niệm, gia nhập, nghỉ hưu,…) để đảm bảo ngôn ngữ nhất quán.
Gợi ý 4. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ khen thưởng và công nhận
Phần thưởng và sự công nhận có tác động to lớn đến trải nghiệm của nhân viên và văn hóa doanh nghiệp. Chúng tạo ra nhận thức của mọi người về giá trị và niềm tin của tổ chức. Phần thưởng và sự công nhận củng cố rằng công việc của họ có ý nghĩa và mang lại giá trị cho công ty. Nó giúp nhân viên tìm thấy sự tập trung và mục đích trong các hoạt động hàng ngày của họ.
Gợi ý thứ 4 để xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở đây là hãy sử dụng công nghệ để thực hiện các chương trình khen thưởng và công nhận có hệ thống, qua đó giúp tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, một lực lượng lao động gắn kết và có động lực cao.
Vai trò của văn hóa doanh nghiệp hình thành từ phần chìm của tảng băng
Gợi ý 5. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp qua quyền ra quyết định
Hầu hết các doanh nghiệp thành công đều có sự liên quan đến ý kiến của nhân viên trong quá trình ra quyết định. Họ sẵn sàng lắng nghe và phản hồi nhân viên, điều này tác động đáng kể đến vai trò của văn hóa doanh nghiệp.
Nhân viên cảm thấy vô cùng có giá trị khi quan điểm của họ được lắng nghe và được khuyến khích tham gia vào quá trình ra quyết định. Cảm giác có giá trị khi họ tham gia vào các cuộc thảo luận và nhiệm vụ có tác động lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp, dẫn đến mức độ hài lòng trong công việc cao hơn.
Gợi ý thứ 5 để phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp ở đây là hãy sử dụng mạng nội bộ của doanh nghiệp để tạo các cuộc thảo luận. Điều này có thể giúp thu thập ý kiến của nhân viên và thông tin đầu vào của họ khi đưa ra các quyết định quan trọng của công ty.
Gợi ý 6. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp qua sức khỏe và phúc lợi
Các doanh nghiệp trên toàn cầu ngày càng nhận ra vai trò quan trọng của phúc lợi nhân viên trong việc gắn kết và nuôi dưỡng vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Có thể là sức khỏe thể chất, cảm xúc, tinh thần hoặc tài chính, chúng tác động đáng kể đến sự gắn kết và văn hóa của nhân viên.
Những nhân viên vui vẻ và khỏe mạnh đã được chứng minh là giúp thúc đẩy năng suất tốt hơn, đồng thời giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và tỷ lệ rời bỏ công việc. Một chương trình phúc lợi cho nhân viên là rất quan trọng để xây dựng một lực lượng lao động hạnh phúc.
Gợi ý thứ 6 để phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp ở đây là hãy thiết lập một phòng tập thể dục trong nhà, bày những món ăn nhẹ lành mạnh như trái cây và các loại hạt trong quầy thức ăn nhanh, đầu tư vào bàn làm việc đứng. Ngoài ra, cung cấp hỗ trợ tài chính trong những lúc cần thiết hoặc hướng dẫn đầu tư có thể là một bước tiến trong việc xây dựng văn hóa hạnh phúc giữa các nhân viên trong công ty.
Gợi ý 7. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp qua mục đích và sứ mệnh
Giúp nhân viên hiểu sứ mệnh của doanh nghiệp, giúp họ gắn kết và khiến họ nhận ra rằng họ là một phần của điều gì đó lớn lao là điều tối quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Khi nhân viên biết lý do tại sao họ đang làm những gì họ đang làm, điều đó có thể thúc đẩy sự gắn kết, động lực và kết quả kinh doanh phi thường.
Gợi ý thứ 7 để phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp ở đây là hãy tổ chức các chương trình đào tạo và quản lý hiệu suất để củng cố văn hóa của doanh nghiệp và các giá trị cốt lõi giữa các nhân viên.
Gợi ý 8. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp qua giao tiếp
Giao tiếp là một phần không thể thiếu trong văn hóa doanh nghiệp. Một doanh nghiệp áp dụng lối giao tiếp cởi mở, minh bạch, tích cực và mạnh mẽ sẽ thúc đẩy các mối quan hệ công việc lành mạnh dẫn đến ít xung đột và tiêu cực hơn. Một nền văn hóa doanh nghiệp giao tiếp lành mạnh và hiệu quả cũng đồng thời mở ra các kênh để trao đổi các ý tưởng, đề xuất và phản hồi.
Gợi ý thứ 8 để phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp ở đây là hãy giao tiếp cởi mở, dù là về thành công hay thất bại, thách thức hay rào cản với toàn bộ nhóm. Nhân viên luôn đánh giá cao sự minh bạch và các doanh nghiệp trung thực.
Gợi ý 9. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp qua học tập và phát triển
Nếu có một đặc điểm văn hóa doanh nghiệp mà mọi nhà lãnh đạo thành công sẽ chứng minh, thì đó là ưu tiên học tập và phát triển giữa các nhân viên. Điều này không chỉ thúc đẩy tư duy đổi mới và sáng tạo mà còn cải thiện sự linh hoạt của doanh nghiệp để tự đứng vững trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay.
Gợi ý thứ 9 để phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp ở đây là hãy khắc sâu văn hóa học tập trong doanh nghiệp bằng cách giới thiệu cho nhân viên một chương trình học tập chi tiết. Chương trình học tập và phát triển phải được cá nhân hóa cao và phù hợp với kế hoạch phát triển, lộ trình phát triển nghề nghiệp và sở thích của từng cá nhân.
Gợi ý 10. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp qua làm việc nhóm
Nuôi dưỡng tinh thần đồng đội và sự hợp tác là một phần của văn hóa doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức. Các doanh nghiệp xây dựng văn hóa làm việc theo nhóm tin rằng việc lập kế hoạch, suy nghĩ và ra quyết định diễn ra tốt hơn khi được thực hiện tập thể thay vì cá nhân. Để việc hợp tác và làm việc theo nhóm trở thành một phần văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi phải có sự đồng tình của tất cả nhân viên.
Gợi ý cuối cùng để phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp ở đây là hãy thành lập một nhóm đa chức năng để giải quyết các vấn đề thực tế trong công việc. Công nhận tinh thần đồng đội, công khai chúc mừng thành công của nhóm để khuyến khích tinh thần đội nhóm cho nhân viên.
Kết luận
Như vậy, bằng cách hiểu và phân tích mô hình tảng băng trôi trong văn hóa doanh nghiệp, chúng ta có thể tìm ra nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề trong công ty và chuyển đổi hành vi của con người trên quy mô lớn. Văn hóa doanh nghiệp có tác động to lớn đến sự gắn kết, năng suất, hiệu suất và trải nghiệm tổng thể của nhân viên.
Mặc dù chỉ một phần nhỏ của văn hóa doanh nghiệp được phản ánh trên bề mặt có thể cảm nhận được, song những giá trị và niềm tin sâu xa hơn mới là điều thúc đẩy doanh nghiệp tới thành công sâu sắc. Hành vi lãnh đạo, niềm tin và hành động đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp và thúc đẩy các chiến lược của công ty.
Ngoài bài viết trên, các bạn cũng có thể tham khảo thêm một số bài viết như 5 loại hình văn hóa doanh nghiệp phổ biến hay Văn hóa doanh nghiệp-6 bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp hoặc 9 lời khuyên cải thiện văn hóa doanh nghiệp và 8 lý do tại sao văn hóa doanh nghiệp lại quan trọng để có được thông tin hữu ích cho doanh nghiệp của mình nhé!
Người thực hiện: Trần Thị Thanh Trúc
Mã sinh viên: 20051380
Bài tập lớn_INE_3104 6