Phong tục Nhật Bản – Nhật Bản là một đất nước xinh đẹp với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. Nơi đây có núi Phú Sĩ, biểu tượng của đất nước, với vẻ đẹp hùng vĩ được mệnh danh là “nữ hoàng của những ngọn núi”.
Vẻ đẹp của Nhật Bản không chỉ dừng lại ở thiên nhiên mà còn được thể hiện qua các thành phố hiện đại, sôi động như Tokyo, Osaka, Kyoto. Những thành phố này là nơi hội tụ của những công trình kiến trúc hiện đại, những trung tâm mua sắm sầm uất, những khu phố ẩm thực nhộn nhịp. Điều đặc biệt nhất đem lại sự mới mẻ, thích thú và gây sự tò mò đối với mọi du khách đó là phong tục Nhật Bản.
Vậy hãy cùng tìm hiểu xem phong tục Nhật Bản có điều gì đặc biệt mà lại thu hút được nhiều du khách đến vậy qua TOP 15 Điều Thú Vị Nhất này nhé!
Nội dung bài viết
PHONG TỤC NHẬT BẢN TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
1. Văn hóa cúi chào của người Nhật
“Nghệ thuật cúi đầu” hay Ojigi ở Nhật Bản có nguồn gốc sâu sắc trong văn hóa và truyền thống Nhật Bản. Cúi đầu là một cách thể hiện sự tôn trọng khi chào hỏi hoặc xin lỗi người khác.
Trong phong tục Nhật Bản, một cái cúi chào có thể từ một cái gật đầu nhỏ hoặc một cái cúi đầu sâu tới eo. Một cái cúi chào sâu hơn và lâu hơn thể hiện sự tôn trọng, ngược lại, một cái gật đầu nhỏ là chào hỏi thông thường. Ở các cửa hàng và nhà hàng, khách hàng thường được chào đón bởi nhân viên với lời chào “irasshaimase”. Không cần khách hàng phải đáp lại, một nụ cười và một cái gật đầu là đủ cho những người muốn đáp lại lời chào đó với nhân viên.
2. Văn hóa xếp hàng tại nơi công cộng
Có thể coi, văn hóa xếp hàng – là văn hóa hàng đầu của người Nhật, bởi vì:
– Đó là cách nghĩ “đương nhiên”. Họ cho rằng những sản phẩm được nhiều người xếp hàng nhất định là thứ có giá trị.
– Xếp hàng ở Nhật Bản là một sinh hoạt thường nhật và là hoạt động ngày thường, vì vậy, người tham gia xếp hàng không hề cảm thấy nặng nề, mà xem đó như một phần của cuộc sống.
– Trẻ em Nhật Bản được dạy rằng xếp hàng là một quy định và là đạo đức công cộng cần tuân thủ. Thói quen xếp hàng cứ như vậy mà hình thành một cách tự nhiên.
– Xếp hàng là một biểu hiện của sự bình đẳng. Người Nhật thường hành động theo quy tắc nhất định, như vậy tất cả sẽ có trật tự và ngăn nắp.
3. Luôn nhận và đưa đồ bằng hai tay
Nhận và trao đồ bằng hai tay là một trong những phép lịch sự cơ bản trong văn hóa Nhật Bản. Hành động này thể hiện sự tôn trọng, trân trọng đối với người đối diện, cũng như sự chu đáo, cẩn thận của người thực hiện.
Tại Nhật Bản, việc nhận và trao đồ bằng hai tay được áp dụng trong mọi trường hợp, từ việc trao đổi quà tặng, đồ ăn, thức uống, cho đến việc trao trả đồ dùng, tiền bạc, v.v. Ngay cả với những đồ vật nhỏ, nhẹ nhàng, người Nhật cũng sẽ cố gắng dùng hai tay để nhận và trao.
4. Văn hóa đọc sách
Tại một nước yêu sách như Nhật Bản, những cửa hàng bán sách hiện diện ở mọi nơi. Số lượng sách và tạp chí phát hành tại Nhật Bản vẫn gia tăng một cách đều đặn, trên 7% mỗi năm.
Ngày nay, mỗi năm Nhật Bản xuất bản 43.000 đầu sách. Mỗi năm trung bình một người dân Nhật Bản đọc hơn 10 cuốn sách. Đặc biệt, người Nhật có thói quen tranh thủ đọc sách ở mọi không gian chờ như: Đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm… Thói quen này đã hình thành văn hóa đọc đứng “Tachiyomi” độc đáo của người dân đất nước mặt trời mọc.
5. Luôn đến đúng giờ
Đối với người Nhật văn hóa đúng giờ là một trong những điều vô cùng quan trọng trong văn hóa kinh doanh nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói chung. Văn hóa đúng giờ trong quan niệm của người Nhật không phải là bạn đến sát nút giờ hẹn mà bạn nên đến trước giờ hẹn khoảng 5-15 phút để có thời gian chuẩn bị, ổn định và có thể giải quyết những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn.
Đối với người Nhật, để xây dựng được mối quan hệ tốt với đối phương thì văn hóa đúng giờ chính là nền tảng để tạo nên mối quan hệ đó. Người Nhật quan niệm rằng người không biết tuân thủ giờ giấc, không đến đúng hẹn là người không biết giữ lời hứa.
6. Không đi giày vào trong nhà
Một trong những lý do chính đơn giản là sự sạch sẽ. Cởi giày trước khi bước vào sẽ giúp bụi bẩn từ giày của bạn chỉ nằm ở cửa. Với người Nhật Bản, dường như mọi sinh hoạt của họ thường tập trung trên sàn nhà. Vì thế họ luôn giữ chúng được sạch sẽ và ấm cúng. Điều này đặc biệt phù hợp với thói quen trải sàn bằng chiếu tatami truyền thống của người Nhật. Loại chiếu này rất dễ bị hư hỏng, bị bẩn và khó loại bỏ vết bẩn.
Ngoài lý do sạch sẽ, cởi giày cũng được coi là một dấu hiệu của sự tôn trọng khi vào nhà hoặc nơi kinh doanh của ai đó.
7. Tuyệt đối không gây tiếng ồn nơi công cộng
Nhật Bản vốn nổi tiếng là quốc gia thanh bình. Kể từ năm 2000, chính phủ nước này đã ban hành luật quy định về tiếng ồn để bảo vệ môi trường, và sức khỏe người dân. Theo đó, tiếng ồn không được lớn hơn 45 decibels ở nơi công cộng, tương đương với tiếng chim hót.
Ở Việt Nam bạn có thể dễ dàng bắt gặp các tình huống như tiếng chuông điện thoại reo khi đi xe bus của một ai đó hay tiếng nói chuyện ồn ào trên tàu hay ô tô thì ở Nhật điều này cũng thuộc vào cấm kỵ. Bạn sẽ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Do đó, khi đi tàu điện ngầm hay sử dụng phương tiện công cộng hãy nhớ giữ trật tự và tắt chuông điện thoại nhé.
PHONG TỤC TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN
8. Thiệp chào năm mới
Tại Nhật Bản, một trong những phong tục đón năm mới đó là gửi nengajo(年賀状) – thiệp chúc mừng năm mới tới người thân, thầy cô giáo, bạn bè đồng nghiệp, đối tác. Bức thiệp với lời cám ơn cho sự hợp tác giúp đỡ trong một năm và những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới.
Ngày Tết là ngày đoàn viên, nhưng không phải ai cũng được về nhà với gia đình, có thể là vì công việc, hoặc vì hoàn cảnh không cho phép. Và để lấp đầy khoảng trống, sự xa cách với gia đình, họ tìm đến một phương pháp đã có từ lâu đời: Nengajo.
9. Văn hóa trà đạo
Nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản từ lâu đã trở thành một nét đặc sắc làm nên “thương hiệu” của xứ sở Phù Tang. Văn hóa trà đạo Nhật Bản không chỉ độc đáo bởi sự tỉ mỉ, tinh tế về phong cách pha chế mà còn là cảm thức nghệ thuật được hàm chứa bên trong.
Ý nghĩa hàng đầu của trà đạo Nhật Bản thực tế không phải là việc thưởng thức trà mà thông qua phương thức chuẩn bị, pha chế và các nghi thức để hòa mình vào thiên nhiên mộc mạc, giúp tâm hồn được thanh lọc, tĩnh lặng trở lại.
Do đó, không gian thực hiện trà đạo của Nhật Bản là rất quan trọng. Người Nhật thường xây các phòng trà và bài trí sao cho gần gũi nhất với thiên nhiên, giúp người thưởng thức có thể ngắm được cảnh vật thiên nhiên 4 mùa. Người Nhật cho rằng môi trường thưởng trà như vậy giúp họ tìm kiếm được vẻ đẹp trong cõi thế tục, gia tăng khả năng giác ngộ và đánh thức sự trân trọng cái đẹp.
10. Trang phục truyền thống Kimono
Kimono không chỉ là phục trang mang giá trị truyền thống mà còn là linh hồn của nền văn hóa Nhật Bản. Trải qua hàng ngàn năm thay đổi và phát triển, kimono vẫn luôn giữ được nét riêng và mang giá trị này đến toàn thế giới.
Màu sắc của trang phục Nhật Bản truyền thống thường để biểu thị các mùa trong năm, mỗi một tầng lớp trong xã hội cũng có một loại màu áo kimono riêng. Áo kimono cho phụ nữ thường có họa tiết hoa, lá và các biểu tượng thiên nhiên khác, phản ánh tình yêu thiên nhiên của người Nhật Bản.
11. Văn hóa Manga – Anime
Nếu như Hollywood là vũ trụ của phim Marvel, Disneyland là thế giới thần tiên thu nhỏ thì ở châu Á mà cụ thể là Nhật Bản nổi tiếng với Manga và Anime. Manga là bộ truyền tranh với những khái niệm thú vị và cốt truyện độc đáo. Trong những câu chuyện được thể hiện trên Manga sẽ có những giá trị về văn hóa và tinh thần của xứ sở Phù Tang.
Anime là một biến thể của Manga. Các nhà làm phim Nhật Bản đã đưa các tài liệu Manga vào phim ảnh, biến các nhân vật trở nên sống động với những chuyển động và âm thanh khác nhau. Anime có nhiều tập hơn Manga và nó thay đổi dựa trên sự điều chỉnh của tác giả.
12. Con người của nghệ thuật – Geisha
Geisha nổi tiếng thế giới như một biểu tượng của văn hóa và lịch sử Nhật Bản. Với những bộ kimono sặc sỡ, kiểu tóc phức tạp và lối trang điểm nổi bật, họ đại diện cho vẻ đẹp và sự sang trọng của Nhật Bản. Nhiều người đến thăm đất nước mặt trời mọc với hy vọng được tận mắt nhìn thấy một geisha, tuy nhiên, những năm gần đây, geisha thực sự ngày càng trở nên hiếm hoi tại đây.
Vì cách mà các geisha thường được miêu tả trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, nên có rất nhiều huyền thoại về việc họ là ai và họ làm gì. Geisha là những nghệ sĩ giải trí được đào tạo và có tay nghề cao tham gia các bữa ăn tối và các sự kiện xã hội để trò chuyện, chơi trò chơi, khiêu vũ hoặc chơi một loại nhạc cụ.
PHONG TỤC KỲ LẠ CHỈ CÓ TẠI ‘ĐẤT NƯỚC MẶT TRỜI MỌC’
13. Phụ nữ thanh toán hóa đơn tại cuối bữa ăn
Điều đặc biệt nữa ở Nhật mà du khách có thể thấy đó chính là phụ nữ sẽ là người thanh toán hóa đơn các bữa ăn trong các quán ăn, nhà hàng. Lí do là bởi trong các gia đình ở đây, người chồng sẽ đưa toàn bộ lương để người vợ quản lý, chi tiêu trong gia đình. Và thông thường nhất là suất người nào thì người đó thanh toán khi đi ăn theo nhóm bạn.
14. Nói không với tiền ‘boa’
Tiền boa (hay tiền tip) cho nhân viên phục vụ tại các nhà hàng là việc hết sức bình thường và phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng ở Nhật Bản, nếu bạn để lại một chút tiền boa cho nhân viên, họ có thể sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng khách hàng vẫn rất áy náy và muốn cảm ơn hay tỏ lòng trân trọng dịch vụ hoàn hảo mà mình được hưởng, họ đã nghĩ ra một cách để lại tip một cách hết sức sáng tạo và tinh tế.
Và đúng theo phong cách tinh tế, ý nhị của người Nhật, họ để lại trên bàn ăn những món quà nhỏ bé rất cảm ơn và bày tỏ sự đánh giá cao, khích lệ người phục vụ. Đó được gọi là Origami Tip, những tác phẩm gấp giấy nghệ như chứa đựng tấm lòng của người gấp giấy. Khác với sự thực dụng của việc cảm ơn bằng tiền bạc, đây là nét đẹp trong văn hóa người Nhật, đầy chân thành và ấm áp.
15. Văn hóa quà tặng
Với người Nhật Bản, tặng quà đã trở thành một thói quen hiện hữu trong cuộc sống, người Nhật tặng quà cho nhau không những trong các dịp lễ đặc biệt mà ngay cả trong những sinh hoạt hàng ngày, việc tặng quà giữa người Nhật với nhau cũng rất thường xuyên. Trong văn hóa Nhật Bản, tặng quà đã trở thành một phong tục rất quan trọng, vì thế mà Nhật Bản còn được biết đến với tên gọi “Thiên đường tặng lễ vật cho nhau”.
Bên cạnh giá trị sử dụng của các món quà, quà tặng của người Nhật còn mang tính biểu trưng rất cao, như: quà tặng là xôi đậu đỏ biểu trưng cho sự may mắn, tốt lành; hay người Nhật cũng rất thích tặng nhau đũa, vì trong nhận thức của họ, đũa lúc nào cũng có đôi có cặp, và với công dụng với đũa là “gắp lấy”, người Nhật hình tượng hóa lên với ý nghĩa rằng với đôi đũa họ sẽ “gắp lấy” được những điều tốt đẹp trong cuộc sống như sẽ được lấy một cơ hội tốt, lấy một nghề nghiệp tốt, lấy một người yêu tốt…
LỜI KẾT
Phong tục tập quán Nhật Bản rất đa dạng, được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Mỗi phong tục đều có những ý nghĩa và giá trị riêng, phản ánh những nét đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Việc tìm hiểu về sự đa dạng của phong tục tập quán Nhật Bản sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đất nước và con người Nhật Bản.
Phong tục tập quán Nhật Bản cũng là một phần không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản. Nó phản ánh những giá trị và niềm tin của người dân Nhật Bản, đồng thời góp phần tạo nên bản sắc riêng của đất nước này. Việc tìm hiểu và nắm vững các phong tục tập quán Nhật Bản là điều cần thiết đối với những người muốn tìm hiểu về đất nước và con người Nhật Bản.
Để có hiểu biết thêm về vẻ đẹp và giá tị trong đất nước và con người Nhật Bản, bạn đọc có thể tham khảo thêm các bài viết tương tự:
- Văn hóa trà đạo của Nhật Bản
- Top 9 lễ hội truyền thống tại Nhật Bản
- 5 CÁCH CÚI CHÀO TẠI NHẬT BẢN – VĂN HÓA OJIGI
- TINH HOA ẨM THỰC NHẬT BẢN: TOP 5 NHỮNG MÓN NHẬT MÀ BẠN NÊN THỬ
- Top 10+ anime tình cảm được yêu thích nhất mọi thời đại: Cảm xúc thăng hoa cùng những câu chuyện tình yêu bất hủ
Sinh viên thực hiện: Bùi Thị Phương Thảo
Mã sinh viên: 21051011
Lớp: QH-2021-E KTQT CLC 6
Mã lớp học phần: INE3104 2