Nội dung bài viết
1. Hiện tượng nóng lên toàn cầu là gì?
Khái niệm nóng lên toàn cầu không còn quá xa lạ với tất cả nhân loại chúng ta. Hiện tượng nóng lên toàn cầu còn được gọi là hiện tượng trái đất nóng lên. Trong thế kỳ XX, nhiệt độ trung bình của không khí gần mặt đất đã tăng từ 0,2 – 0,6 độ C.
Ngoài ra, nóng lên toàn cầu là hiện tượng nóng lên của hệ thống khí hậu trên Trái Đất do các hoạt động của con người, chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch. Thuật ngữ nóng lên toàn cầu thường được sử dụng thay thế cho thuật ngữ biến đổi khí hậu, mặc dù nó đề cập đến sự nóng lên toàn cầu.
2. Biểu hiện của hiện tượng nóng lên toàn cầu
2.1. Thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt
Thời tiết thay đổi, ngày càng trở nên khắc nghiệt là minh chứng rõ rất của hiện tượng trái đất nóng lên. Toàn thế giới đang phải đối mặt, chống chọi với các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, khô hạn, nắng nóng và bão tuyết.
Tình trạng nóng lên toàn cầu khiến tình trạng thiếu nước ở nhiều khu vực càng trở nên trầm trọng, đồng thời làm gia tăng nguy cơ hạn hán nông nghiệp và hệ sinh thái, ảnh hưởng đến mùa vụ và khiến hệ sinh thái càng dễ bị tổn thương
Trên thực tế, chúng ta đã và đang phải đón nhận những mùa mưa dữ dội hơn vào mùa hè, bão tuyết khủng khiếp hơn vào mùa đông và động đất, nắng nóng, khô hạn thường xuyên xảy ra và kéo dài.
2.2. Nước biển dâng cao
Theo thống kê, mực nước biển đang dâng với tốc độ trung bình là 1,8 mm/ năm trong một thế kỷ qua. Từ năm 1993 đến năm 2000, mực nước biển đã dâng vào khoảng 2,9 – 3,4 ± 0,4 – 0,6 mm/ năm.
Hiện tượng nước biển tăng cao chủ yếu là do sự giãn nở của nhiệt, bầu không khí nóng lên khiến băng tan chảy. Khi băng tan, một lượng nước lớn sẽ đổ vào đại dương và làm nhấn chìm một số hòn đảo, vùng đất đã tồn tại hàng trăm năm. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, các hòn đảo, vùng đất có thể sẽ không còn có mặt trên bản đồ.
2.3. Hiện tượng tan băng ở hai cực
Hiện tượng tan băng ở 2 cực là hiện tượng nghiêm trọng đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Qua nghiên cứu thực nghiệm, vùng biển Bắc cực đã nóng lên nhanh gấp 2 lần mức nóng trung bình trên toàn cầu. Cho thấy, diện tích của Bắc cực được bao phủ bởi băng trong mỗi mùa hè đang dần bị thu hẹp lại.
Theo trung tâm Dữ liệu Băng tuyết quốc gia Hoa Kỳ, tính đến ngày 16/09/2012, diện tích băng ở Bắc cực chỉ còn 3,4 triệu km vuông. Hay nói cách khác, băng tại biển Bắc cực đã bị mất đi đến 80% khối lượng của nó ở thời điểm hiện tại.
2.4. Nhiệt độ thay đổi liên tục
Biểu hiện thứ 4 của hiện tượng trái đất nóng lên chính là nhiệt độ thay đổi liên tục trong những năm gần đây. Theo thống kê, vào 10 năm đầu của thế kỷ XXI đã đánh dấu sự gia tăng nhiệt độ lớn nhất với sức nóng kỷ lục của Trái đất từ trước đến nay.
Theo ước tính, nhiệt độ trung bình tính trên mặt đất và nước biển đã tăng khoảng 0,74 độ C trên toàn thế giới trong thế kỷ qua. Theo các nhà khoa học thuộc trường đại học tiểu bang Oregon và đại học Harvard (Hoa Kỳ), nhiệt độ trái đất đã tăng cao nhất trong 11.000 năm qua.
Đặc biệt, có thể còn tăng thêm 5 độ C nữa trong vòng 100 năm tới. Đây là một điều đáng báo động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sống và phát triển của trái đất.
2.5. Nồng độ Carbon dioxide chạm ngưỡng kỷ lục
Cuối cùng, biểu hiện đáng lo ngại của hiện tượng nóng lên toàn cầu chính là nồng độ Carbon dioxide trong khí quyển tăng cao. Thông qua nghiên cứu và phân tích các bong bóng khí trong băng ở Nam cực và Greenland, các nhà khoa học đã kết luận rằng, trong vòng 650.000 năm qua, nồng độ khí carbon dioxide (CO2) dao động từ 180 – 300 ppm.
Ppm là đơn vị đo lường để diễn đạt nồng độ theo khối lượng và tính theo phần triệu. Việc phân tích các đồng vị của CO2 trong khí quyển cho thấy, sự gia tăng CO2 là kết quả của việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và đốt rừng.
Chúng không hề liên quan đến quá trình tự nhiên. Chính vì vậy, việc này là do chính con người gây ra và chúng ta phải nhanh chóng khắc phục chúng. Như đã biết, Carbon dioxide là một khí nhà kính. Nó làm tăng tính hiệu ứng nhà kính của khí quyển và do đó dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.
3. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu
3.1. Nguyên nhân tự nhiên
Nguyên nhân tự nhiên đã và đang góp phần vào sự nóng lên toàn cầu của trái đất trong hàng ngàn năm qua. Tuy nhiên, những nguyên nhân này không đủ quan trọng để làm phát sinh thay đổi khí hậu.
3.1.1. Hoạt động năng lượng mặt trời
Một trong những nguyên nhân tự nhiên dẫn đến sự nóng lên của trái đất chính là do hoạt động năng lượng mặt trời. Theo nghiên cứu, mặt trời của chúng ta ngày càng lớn hơn và nó cũng tạo ra nhiều bức xạ hơn trong quá trình hoạt động tổng hợp hạt nhân của nó.
Các tia mặt trời có hại bị lệch hướng nhờ vào tầng ozon và từ trường trái đất. Tuy nhiên, nó cũng góp phần gây ra biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Bởi, một phần bức xạ này vẫn còn trong khí quyển được lưu trữ dưới dạng nhiệt và làm tăng nhiệt độ trung bình của hành tinh.
3.1.2. Hơi nước
Cũng nằm trong nguyên nhân tự nhiên gây ra biến đổi khí hậu chính là hơi nước. Sự gia tăng của hơi nước trong khí quyển khiến nhiệt độ trung bình tăng theo thời gian và góp phần làm cho hiện tượng nóng lên toàn cầu trở nên rõ rệt.
Hơi nước cũng là một loại khí nhà kính có khả năng giữ nhiệt một cách tự nhiên. Nhờ vào hơi nước, chúng ta có thể tồn tại trong nhiệt độ dễ chịu để hình thành sự sống. Tuy nhiên, con người đang thay đổi chu trình của nước và tạo ra nhiều hơi nước hơn. Vậy nên, chúng ta cũng có thể nói hơi nước vừa là nguyên nhân nhân tạo và cũng là nguyên nhân tự nhiên.
3.1.3. Chu kỳ khí hậu
Chu kỳ khí hậu thường xuyên qua trái đất. Các chu kỳ này cùng với tia nắng mặt trời sẽ thúc đẩy sự tăng nhiệt độ.
3.2. Nguyên nhân nhân tạo
Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân nhân tạo là những nguyên nhân do chính con người gây ra. Mặc dù các nguyên nhân tự nhiên đóng vai trò chủ yếu trong sự nóng lên toàn cầu nhưng nguyên nhân nhân tạo lại gây ra những tàn phá nặng nề đối với trái đất.
3.2.1. Tăng phát thải khí nhà kính
Các khí thải carbon dioxide là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Chúng là kết quả của việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Phần lớn sự đốt cháy này do sản xuất điện và do khí đốt những người sử dụng ô tô, xe máy hàng ngày.
Dân số tăng cao cũng là nguyên do khiến chúng ta sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn đối với trái đất.
Chắc hẳn bạn đã biết, động lực học khí quyển là một thứ liên tục dao động do sự tập trung của nhiều loại khí khác nhau trong khí quyển. Khí CO2 không phải lúc nào cũng tồn tại giống nhau. Bởi vậy, có nhiều sinh vật thực hiện quang hợp và sử dụng nó để tồn tại, phát triển.
3.2.2. Nạn phá rừng
Như chúng ta đã biết, cây cối sử dụng CO2 thông qua quá trình chuyển đổi thành oxy cho quá trình quang hợp. Vì vậy, chúng ta phá rừng là chúng ta đang phá hủy “lá phổi xanh” của trái đất. Nạn phá rừng xảy ra diện rộng trên toàn thế giới khiến nồng độ CO2 trong khí quyển tăng cao.
Từ đó, dẫn đến sự nóng lên toàn cầu với nhiệt độ tăng cao hơn trong các năm qua. Ngoài ra, phá rừng còn kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh học do sự chia cắt và phá hủy môi trường sống tự nhiên của nhiều loài. Dự kiến đến năm 2050, với nạn phá rừng như hiện nay, một nửa diện tích rừng nhiệt đới Amazon sẽ bị tàn phá.
3.2.3. Phân bón dư thừa
Lạm dụng phân bón trong nông nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng quá mức của nhiệt độ trên trái đất.
Trong những loại phân bón này chứa hàm lượng cao oxit nito. Chúng có hại hơn rất nhiều so với carbon dioxide. Một lần nữa chúng ta lại phải nhắc lại vấn đề về gia tăng dân số. Dân số tăng cao khiến nhu cầu về thực phẩm tăng, khiến diện tích canh tác tăng và sử dụng phân bón cho quá trình này cũng nhiều hơn.
Ngoài ra, để cung cấp một lượng lương thực lớn trong phạm vi toàn cầu khiến nhu cầu thu hoạch nhanh chóng tăng. Từ đó dẫn đến việc sử dụng bừa bãi phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng và mọi thứ liên quan đến việc tối ưu hóa sự tăng trưởng, phát triển cây trồng.
3.2.4. Khí metan tăng cao
Nguyên nhân cuối cùng cần phải xem xét chính là khí metan. Khí metan (CH4) có các đặc tính gây hiệu ứng nhà kính lớn gấp nhiều lần so với CO2. CH4 được tạo ra thông qua quá trình phân hủy của chất thải chôn lấp. Chất hữu cơ bị phân hủy và trong điều kiện thiếu oxy sẽ sản sinh ra khí metan. Khí này ngày càng tăng nồng độ và có khả năng tích trữ nhiệt rất lớn. Từ đó mà hiện tượng nóng lên toàn cầu gia tăng.
4. Hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu
Từ những thông tin bên trên, có lẽ hậu quả lớn nhất chính là biến đổi khí hậu. Hãy nói cách khác, hiện tượng trái đất nóng lên tác động đến các hiện tượng biến đổi khí hậu.
4.1. Thảm họa thiên nhiên gia tăng
Cách mà nóng lên toàn cầu thể hiện nó rõ ràng nhất chính là thời tiết. Như đã nói ở trên thời tiết càng cực đoan sẽ kéo nhiều thiên tại và hậu quả mà chúng để lại rất nguy hiểm: như bão, sóng thần, cháy rừng do khô hạn, hạn hán, …
Cụ thể, những đợt nắng nóng kéo dài và tăng đỉnh điểm ở Việt Nam cũng cao gấp nhiều lần so với trước đây. Không chỉ gây thiệt hại về của cải vật chất, mà còn thiệt hại về người và sinh vật.
Các số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong vòng 30 năm gần đây, những cơn bão mạnh, gió giật cấp độ cảnh báo cực kỳ nguy hiểm tăng lên và có xu hướng mạnh hơn qua các năm. Những vùng nước ấm đã làm tăng sức mạnh cho các cơn bão. Chính mức nhiệt cao trên đại dương và trong khí quyển, đẩy tốc độ cơn bão đạt mức kinh hoàng.
4.2. Mất đa dạng sinh học và nguy cơ tuyệt chủng của động thực vật
Sự nóng lên toàn cầu sẽ làm thay đổi môi trường sống của các loại sinh vật. Theo sự biến đổi toàn cầu này, các loài sinh vật phải thích nghi và đáp ứng với môi trường sống đầy khắc nghiệt này. Tuy nhiên, chúng không thể thích nghi kịp và dần dần biến mất.
Dưới tác động của nhiệt độ, không khí và băng tan, số lượng các rạn san hô ngày càng có xu hướng giảm. Điều đó cho thấy, cả hệ sinh thái trên cạn và dưới nước đều đang phải hứng chịu những tác động từ lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, cũng như hiện tượng axit hóa đại dương.
Sự thay đổi hệ sinh thái dẫn đến mất đa dạng sinh học là một trong những nguyên tố chính của tác hại biến đổi khí hậu. Khi lượng CO2 trong khí quyển vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn. Gây ô nhiễm không khí và lượng nước ngọt dần trở nên cạn kiệt đi, môi trường sinh thái bị hạn hẹp.
Ngoài ra, con người cũng tác động đến môi trường, chúng ta săn bắt và chiếm không gian để xây dựng công trình phục vụ chính chúng ta khiến không gian sống của các loài động vật bị thu hẹp và chúng có nguy cơ bị tuyệt chủng.
4.3. Dịch bệnh và ảnh hưởng đến con người
Chính chúng ta đang làm hại chúng ta. Sức khỏe con người đang bị đe dọa nghiêm trọng khi bệnh tật xuất hiện ngày càng nhiều. Nắng nóng, mưa nhiều chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi sinh vật phát triển.
Đồng thời, các chất thải, khí thải cũng gia tăng bệnh tật và làm giảm hệ miễn dịch của chúng ta. Hàng loạt các đại dịch mới xuất hiện gây ra một cuộc khủng hoảng y tế mạnh mẽ diễn ra toàn cầu, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cộng động nhân loại toàn cầu.
Ta có thể nhìn thấy rõ nhất vào đại dịch COVID 19 vừa qua đã hoành hành, làm thế giới chao đảo mà lịch sử chưa từng chứng kiến. Ngoài ra, làm việc ở nhiệt độ cao rất nguy hiểm khí cơ thể không kịp để làm mát. Ngày nay, số lượng người chết vì nắng nóng ngày càng kéo dài.
4.4. Thay đổi mực nước biển toàn cầu
Hiện nay, các vùng cực đặc biệt nhạy cảm với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực tăng nhanh gấp đôi các vùng khác và băng cũng đang tan rất nhanh. Điều này sẽ làm cho lượng nước biển tăng cao và dẫn đến nạn hồng thủy. Trong tương lai, một số quốc gia sẽ không có tên trên bản đồ vì mực nước biển dâng cao.
Theo ước tính, năm 2020, trái đất mất 28 nghìn tỷ tấn băng trong 23 năm qua do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu còn tiếp diễn mà không có sự can ngăn của con người. Dự đoán vào những năm 2050, sẽ có nhiều thành phố bị chìm dưới nước.
Hiện tượng băng ở hai cực dần tan chảy cũng là một ảnh hưởng mà con người có thể cảm nhận được ngay lúc này. Chúng ta dễ dàng nhận thấy diện tích của các dòng sông băng trên toàn thế giới đang dần bị thu hẹp lại.
Vùng lãnh nguyên (vùng đất cao nơi cây cối không thể sinh trưởng và phát triển) từng bị lớp băng vĩnh cửu bao phủ, nay dưới tác động của nhiệt độ cao và nóng lên toàn cầu, lớp băng đã tan chảy và sự sống của các loài thực vật trên vùng đất này cũng đã xuất hiện.
5. Kịch bản khủng khiếp nào đang chờ Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia nằm ở vùng nhiệt đới, luôn là nơi đón nhận những cơn bão nhiệt đới, vì vậy nếu chúng ta nhìn vào số lượng các cơn bão ngày càng tăng, và mức độ tàn phá cũng ngày càng tăng, thì rõ ràng Việt Nam đang chịu tác động của những yếu tố như tốc độ gió ngày càng mạnh và những hậu quả khủng khiếp mà nó mang lại.
Theo các kịch bản nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam sẽ tăng thêm 20C vào năm 2050 và 2,50C vào năm 2070 so với trung bình thời kỳ 1961 – 1990. Dự tính đến năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng khoảng 30C. Nhiệt độ trung bình tăng sẽ làm tăng số đợt nắng nóng và số ngày nắng nóng hàng năm.
Về cơ bản, gió mùa nhiệt đới sẽ yếu đi do hoàn lưu kinh hướng suy giảm vì chênh lệch nhiệt độ giữa vĩ độ cao và vĩ độ thấp giảm đi. Điều đó dẫn đến phân bố lại nhiệt độ và lượng mưa, cũng như thời tiết các mùa ở nước ta.
Điều gì đang xảy ra với gió mùa ở châu Á là việc còn phải bàn, và tác động lên những con sông như sông Mekong vẫn cần phải tiếp tục quan sát, vì những trận hạn hán ở các vùng nhiệt đới cũng có thể sẽ trở nên ngày càng thường xuyên hơn, do những thay đổi gần đây ở các đại dương như Thái Bình Dương, hiện tượng El Nino và những gì tương tự.
Mực nước biển trung bình có thể tăng 35cm vào năm 2050, 50cm vào năm 2070 và dự tính đến năm 2100, có thể tăng khoảng 1m. Sự nóng lên toàn cầu và tan băng ở các vùng cực và trên núi cao tác động đến hoàn lưu khí quyển và hoàn lưu biển. Đại dương là một kho giữ nhiệt khổng lồ của trái đất. Một sự thay đổi nhỏ về nhiệt của đại dương cũng có thể gây ra biến đổi lớn về thời tiết toàn cầu.
Nhiệt độ nước biển tăng lên còn làm tăng sự trao đổi nhiệt và ẩm giữa khí quyển và đại dương, qua đó điều chỉnh lại phân bố năng lượng giữa các vùng trên trái đất thông qua hoàn lưu khí quyển, đồng thời các hoạt động đối lưu mạnh mẽ hơn dẫn đến những biến động về thời tiết, nhất là mưa, tố, lốc ở nhiều nơi.
Nhiệt độ nước biển tăng làm mở rộng các vùng biển có điều kiện nhiệt độ thích hợp cho việc hình thành bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông, có thể dẫn đến tăng tần số và cường độ của bão ảnh hưởng đến nước ta. Việt Nam cũng có rất nhiều vùng đất thấp và các vùng châu thổ rộng lớn, vì vậy mực nước biển dâng cao sẽ có những tác động lớn, đặc biệt những vùng này lại là những nơi đất đai màu mỡ.
Có thể nói rằng Việt Nam là một trong những nước nằm ở top đầu bị ảnh hưởng bởi hiện tượng trái đất nóng lên. Do đó, cần phải có những điều chỉnh phù hợp và sự vào cuộc triệt để, mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
6. Giải pháp cho hiện tượng nóng lên toàn cầu
Thứ nhất, trồng thêm nhiều cây xanh. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả và đơn giản nhất trong việc làm giảm sự nhiệt độ tăng cao trên toàn cầu. Chắc hẳn bạn đã biệt, cây xanh sẽ giúp hấp thụ CO2 thông qua quá trình quang hợp. Từ đó, lượng CO2 – khí nhà kính sẽ giảm đáng kể. Giúp giảm hiện tượng hiệu ứng nhà kính hiện nay. Hiện nay, chính phủ các nước cũng đang triển khai trồng rừng diện tích lớn. Trong đó, Việt Nam cũng đang dần làm tốt việc này.
Thứ hai, thực hành tiết kiệm nguồn năng lượng. Tiết kiệm năng lượng chúng ta đang sử dụng là một cách giảm nóng lên toàn cầu hiệu quả. Điện năng được sản xuất từ việc đốt các nguyên liệu, nhiên liệu hóa thạch. Trong quá trình sản xuất năng lượng này, một lượng lớn khí CO2 được thải ra môi trường. Vì vậy, tiết kiệm điện là một cách giảm hiệu ứng, giảm ô nhiễm không khí.
Thứ ba, tối ưu hóa các phương tiện di chuyển. Các phương tiện truyền thông như ô tô, xe máy,… là nguyên nhân chính sản sinh ra khí CO2, N2O và khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, bạn có thể bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế các loại phương tiện này mà thay vào đó là đi xe đạp hoặc đi bộ.
Thứ tư, sử dụng nguồn năng lượng sạch. Nguồn năng lượng sạch là nguồn năng lượng từ gió, năng lượng mặt trời. Việc sử dụng nguồn năng lượng này sẽ giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường và hạn chế được nóng lên toàn cầu.
Cuối cùng, chúng ta cần tích cực tuyên truyền bảo vệ môi trường. Việc đẩy mạnh các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Cần cung cấp kiến thức cho người dân về hiện tượng trái đất nóng lên, tầm quan trọng và tác hại của nó tới sự sống trên hành tinh của chúng ta. Đồng thời, nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của mỗi người dân vì con người và các loại sinh vật.
KẾT LUẬN
Nóng lên toàn cầu là một chủ đề môi trường luôn được nhân loại quan tâm và chú trọng. Môi trường là chính cuộc sống của chúng ta, vì thế cần phải hành động ngay, áp dụng các biện pháp vào thực tiễn để đẩy lùi ô nhiễm, ngăn ngừa biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu có thể xảy ra. Khi môi trường trong xanh thì mới đem lại sự phát triển toàn diện, bền vững cho nền kinh tế, xã hội và cuộc sống của người dân.
Để biết thêm chi tiết về nóng lên toàn cầu và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tham khảo thêm các bài viết dưới đây:
HIỆU ỨNG NHÀ KÍNH: 1 MỐI ĐE DỌA VỚI TRÁI ĐẤT
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO – 1 “ĐỒNG MINH” MỚI TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU?
9 HẬU QUẢ CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
XÓI MÒN SẠT LỞ ĐẤT LÀ KẺ THÙ SỐ 1 CỦA SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
HẬU QUẢ CỦA VIỆC TRÁI ĐẤT TIẾP TỤC NÓNG LÊN
VIỆT NAM NỖ LỰC CÙNG THẾ GIỚI CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Người thực hiện: Nguyễn Tùng Lâm
Mã sinh viên: 20051290
Bài tập lớn_INE3104 6