10 quốc gia – 10 “văn hóa ăn uống” khác nhau

Ở Việt Nam, khi còn nhỏ, các “cậu ấm, cô chiêu” chúng ta chắc hẳn đều đã được bố mẹ dạy về văn hóa ăn uống. Nào là trước khi ăn phải mời mọi người trong mâm, ăn uống phải từ tốn, nhường nhịn người khác, khi ăn phải khép miệng, rồi đến cách cầm đũa sao cho đúng, ăn cơm thế nào mới là đúng cách, v.v.. Dần dần, các phép tắc, văn hóa này trở thành một chuẩn mực trong đời sống hằng ngày, ăn sâu vào tiềm thức và hành động của mỗi người Việt chúng ta.

Văn hóa ăn uống luôn tồn tại và được xem trọng ở gần như là tất cả mọi quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam. Dẫu vậy, giống như mọi mặt khác của văn hóa, cách cư xử trên bàn ăn sẽ thay đổi tùy theo quốc gia cũng như phong tục tập quán, và dù ít hay nhiều thì sự khác biệt này cũng có thể khiến một “quý ông” ở Việt Nam trở thành một kẻ kém duyên, vô lễ khi dùng bữa ở một nơi khác.

Ví dụ, ở Chi Lê, sử dụng tay để ăn bất cứ một món nào cũng sẽ bị coi là xấu. Điều này có nghĩa là bánh mỳ Việt Nam, khi đem sang Chi Lê, sẽ phải được cắt nhỏ ra làm nhiều khúc và ăn bằng dĩa hoặc ít nhất là công cụ nào đó mà không phải là bàn tay. Ngược lại, người E-ti-ô-pi-a lại cho rằng chỉ khi ăn bằng tay – đặc biệt là tay phải, con người mới thưởng thức được món ăn một cách toàn diện cũng như không lãng phí, chính vì vậy sử dụng dao, dĩa hay thìa để ăn đều trở thành một “tội ác” ở quốc gia này.

Có thể thấy rằng, tuy là một quan niệm chung đã tồn tại từ lâu đời, nhưng văn hóa ăn uống luôn thay đổi tùy vào địa điểm và các nền văn hóa khác nhau. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về sự khác biệt này, chúng tôi đã tổng hợp lại một số các phép tắc ăn uống từ một số nước trên thế giới.

1. Văn hóa ăn uống của Afghanistan: Hãy hôn miếng bánh mỳ đã rơi xuống đất

Văn hóa "tôn trọng" bánh mỳ ở Afghanistan
Văn hóa “tôn trọng” bánh mỳ ở Afghanistan

“Thôi vứt đi”, đó chắc là câu mà chúng ta nói khi một đồ ăn rơi xuống đất và bị dính bẩn. Tuy vậy, ở Afghanistan, khi một miếng bánh mỳ bị rơi xuống đất, người ta không chỉ tiếp tục ăn nó, mà trước đó họ còn nâng nó lên và hôn nó.

2. Văn hóa của Nam Mỹ: Hãy tôn trọng mẹ thiên nhiên

Ở một vài nơi thuộc Peru, Argentina, Chile và Bolivia, trước khi ăn mọi người thường tỏ lòng kính trọng với “Mẹ Trái Đất” Pachamama bằng cách đổ một chút rượu xuống đất và nói “Para la Pachamama”. Nghi lễ này được gọi là “Ch’alla”.

3. Văn hóa ăn uống của Chile: Không bao giờ ăn bằng tay

Văn hóa ăn uống của người Chile luôn luôn sử dụng dao, dĩa cũng như các dụng cụ nhà bếp trọng mọi trường hợp, bất kể món ăn hay hoàn cảnh nào. Việc ăn uống bằng tay được coi là đặc biệt vô ý ở Chile.

4. Văn hóa của Trung Quốc: vô ý lại là … tốt?!

Văn hóa bàn ăn ở Trung Quốc, những hành động “vô ý vô tứ” nhất có thể trên bàn ăn lại được coi là một điều tốt.

Thứ nhất, chủ nhà hiểu rằng bạn rất thích bữa ăn nếu bạn ăn uống thỏa thích và để lại một mớ hỗn độn trên bàn ăn.

Thứ hai, việc để thừa lại một chút đồ ăn khiến người ta hiểu rằng bữa ăn là vừa đủ với bạn.

Thứ ba, “ợ hơi” được hoan nghênh tại Trung Quốc bởi đó là dấu hiệu bạn đã có một bữa ăn ngon.

Tuy nhiên, điều tối kị ở Trung Quốc đó là thức ăn thì có thể thừa, nhưng cơm thì bạn chắc chắn phải ăn hết đến hạt cuối!

5. Văn hóa ăn uống Nhật Bản: Ăn uống càng ồn ào càng tốt!

Cũng gần tương tự với người Trung Quốc, khi thưởng thức một bữa ăn của người Nhật, hãy đừng ngần ngại tạo ra những tiếng động thật to, đặc biệt là khi bạn thưởng thức các món ăn có nước như mì ramen, súp hay canh. Những tiếng động tưởng chừng vô ý như là tiếng húp nước, tiếng “ợ hơi” hay một tiếng “hà” thật to sau khi ăn xong lại mang ý nghĩa rằng bạn đang rất thích thú với món ăn và giúp đầu bếp hiểu rằng món ăn họ nấu là hoàn hảo.

6. Văn hóa ăn uống của Ai Cập: Đừng tự rót đầy cốc của bạn

Việc đợi người khác rót đầy cốc của bạn và ngược lại – bạn rót đầy cốc của người cùng bàn đã trở thành một lẽ thường ở Ai Cập. Mỗi khi một ly rượu vơi đi một nửa cũng đồng nghĩa với việc nó cần được rót thêm.

Nếu như người ngồi cạnh bạn quên không rót rượu cho bạn, bạn luôn có thể “nhắc nhở” họ một cách nhẹ nhàng bằng cách rót một chút rượu vào cốc của họ. Tuy vậy, tuyệt đối không được tự rót rượu nhé, nếu không coi như bạn đã phạm phải trọng tội!

7. Văn hóa ăn uống của Anh: Luôn truyền chai rượu sang bên tay trái bạn

Ở Anh, chai rượu luôn được truyền sang cho người bên phía tay trái bạn – điều này được cho rằng bắt nguồn từ truyền thống hải quân, tuy nhiên thực chất nó bắt nguồn từ đâu thì không ai biết. Chai rượu sẽ không bao giờ được giao cho người bên phải, và thứ hai, nếu người trước chưa truyền cho bạn chai rượu, thì việc nhắc nhở họ sẽ bị coi là thô lỗ.

Thay vì vậy, khi người trước quên không truyền chai rượu, người sau thường sẽ đùa rằng: “Bạn có biết vị giám mục của Norwich không?”. Nếu người trước trả lời là không, bạn có thể nói rằng: “Anh ấy là một người tốt, nhưng lại luôn quên truyền rượu cho người sau.”

8. Văn hóa ăn uống của Bồ Đào Nha: Đừng tự ý “thêm thắt” vào món ăn

Đừng tự ý “nêm” thêm vào món ăn trừ khi được cho phép.

Nói đến người Bồ Đào Nha, phải kể đến rằng họ rất kị việc hỏi xin thêm muối, tiêu hoặc bất kì loại gia vị nêm nào khác trừ khi chúng được đem ra kèm với món ăn. Điều này thể hiện rằng vị khách đang “chê” món ăn hay có ý mỉa mai tay nghề nấu ăn của đầu bếp.

9. Văn hóa ăn uống Hàn Quốc: Hãy lễ phép khi nhận được đồ ăn

Nhớ nhận đồ ăn bằng cả hai tay để thể hiện sự “lễ phép” nhé!

Tưởng chừng đơn giản nhưng lại dễ thực hiện sai, tại Hàn Quốc người ta cực kì coi trọng việc nhận đồ ăn bằng cả hai tay bởi hành động đó góp phần thể hiện phép lịch sự và kính trọng đối với người mời hoặc cho mình miếng ăn. Nếu bạn đã lỡ nhận đồ ăn bằng một tay, ít nhất hãy nhớ để bàn tay trái dưới cổ tay phải để giữ lịch sự nhé.

10. Văn hóa ăn uống Việt Nam: Lịch sự, tế nhị và chú trọng đến tiểu tiết

Bữa cơm truyền thống của Việt Nam

Nói đến Việt Nam, chắc hẳn chúng ta đã quá quen với việc sử dụng đũa trong khi ăn chứ không phải dùng tay hay dao dĩa. Thêm nữa, người Việt rất coi trọng việc ăn uống từ tốn, nhẹ nhàng, không như những người anh em Nhật Bản hay Trung Quốc. Ngoài ra, những chi tiết nhỏ trong bữa ăn cũng góp phần đánh giá một con người, ví dụ như cách họ cầm đũa, cách họ sử dụng đũa có đúng hay không (cụ thể, không được phép cắm thẳng đũa giữa bát cơm, không được khua, khuấy đũa và tuyệt đối không được dùng đũa để gắp đồ ăn cho người khác).

Kết luận

Trên đây là 10 văn hóa ăn uống nổi bật của 9 nước trên thế giới. Tuy nhiên, văn hóa và phong tục luôn thay đổi theo từng quốc gia, thậm chí từng vùng miền, chính vì vậy mà ngoài 9 quốc gia kể trên, vẫn còn tồn tại vô vàn văn hóa ăn uống khác nhau mà tác giả chưa thể tổng hợp hết. Để tìm hiểu thêm về các văn hóa ăn uống, bạn đọc có thể tham khảo thêm các bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu thêm về văn hóa ăn uống: http://ezcomclass.com/tim-hieu-van-hoa-an-uong-cua-6-nuoc-tren-the-gioi/

Văn hóa rượu vang – 5 nguyên tắc cơ bản khi uống rượu

Tác giả: Trần Hoàng Minh

Mã SV: 18050525

Ngày sinh: 05-09-2000