Đối với chúng ta, việc giặt giũ đã trở thành một công việc quá đỗi cần thiết và thường nhật song không phải ai cũng biết cách thực hiện công việc ấy một cách đúng nhất. Vậy bạn đã giặt giũ đúng cách chưa? Bài viết sau sẽ hướng dẫn cho bạn cách để thực hiện công việc ấy hiệu quả hơn rất nhiều.
Nội dung bài viết
Chọn đúng loại chất giặt phù hợp
Hai loại chất giặt phổ biến và quen thuộc với mọi gia đình nhất hiện nay là bột giặt và nước giặt.
Bột giặt là chất giặt tẩy rửa có dạng rắn, bột màu trắng hoặc xanh, có mùi thơm nhẹ. Trong bột giặt có chứa các hạt tẩy màu xanh và màu đỏ, 50% thành phần trong bột giặt là các chất hoạt động bề mặt, đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch quần áo, giúp tẩy sạch vết bẩn. Trước khi giặt máy, cần phải hòa tan bột giặt với nước nếu không sẽ để lại cặn trên quần áo và trong máy giặt.
Khác với bột giặt, nước giặt là chất giặt ở dạng lỏng, thường có màu xanh dương, trắng hoặc hồng, vì là dạng lỏng nên nước giặt ngấm vào quần áo tốt hơn và để lại mùi hương lâu hơn so với bột giặt.
Vậy khi nào chọn bột giặt? Khi nào chọn nước giặt?
Vì chứa loại chất tẩy mạnh hơn nên bột giặt phù hợp với giặt tay khi cần loại bỏ những vết bẩn cứng đầu như vết ố vàng, bùn đất, màu phai của quần áo khác khi giặt chung… Cũng vì chứa chất tẩy mạnh nên giặt đồ bằng bột giặt dễ làm phai màu quần áo sau nhiều lần giặt. Bột giặt cũng chứa nhiều bọt khiến cho việc giặt quần áo trở nên mất thời gian và tốn nước hơn.
Không như bột giặt, nước giặt hòa tan tốt kể cả khi giặt máy lẫn giặt tay, không gây vón cục và tạo cặn. Nước giặt cũng thân thiện với da hơn và giúp bạn tiết kiệm nước hơn khi chỉ cần 1-2 lần xả để hết bọt xà phòng. Nước giặt phù hợp với công việc giặt giũ hàng ngày của bạn khi bạn chỉ cần giặt các loại quần áo thông thường như: đồ ngủ, đồ văn phòng, đồ lót… mà không cần phải tẩy rửa mạnh những vết bẩn cứng đầu bằng cách giặt tay.
Bạn có thể tham khảo thêm về cách chọn nước giặt tại đây
Phân loại quần áo trước khi giặt
Bạn đã bao giờ thấy chiếc áo yêu thích của mình bị phai màu loang lổ? Hay chiếc áo màu đỏ mà bạn mới mua giờ đã chuyển thành màu hồng? Đó là do bạn chưa phân loại quần áo trước khi giặt giũ đúng cách. Việc phân loại quần áo rất quan trọng và không hề đơn giản, nếu phân loại không đúng cách, không những bạn có thể làm hỏng quần áo của mình mà còn có thể làm giảm đáng kể tuổi thọ của máy giặt.
Vậy làm cách nào để có thể phân loại quần áo của mình trước khi giặt?
Trước tiên, bạn cần đọc kĩ những ghi chú, kí hiệu trên nhãn mác quần áo để biết được: sản phẩm này giặt tay hay giặt máy, cần giặt ở chế độ nào, có được sử dụng chất tẩy không, nhiệt độ giặt phù hợp là bao nhiêu…
Tiếp theo, bạn cần phân loại những quần áo cần giặt theo loại vải, màu sắc, độ bẩn để gom chúng giặt theo từng mẻ tránh việc làm hỏng quần áo, làm phai màu quần áo sáng màu sang quần áo tối màu hay vết bẩn của bộ đồ này dính sang bộ đồ khác…
Những loại vải khác như chăn ga, gối đệm, màn võng… nên được giặt riêng với quần áo hàng ngày vì chúng rất dễ bị phai màu từ quần áo.
Cuối cùng, bạn cần lựa chọn khối lượng đồ giặt hợp lí, không được giặt quá tải tránh gây nhàu nát, hỏng quần áo thậm chí là làm hư máy giặt.
Ví dụ với loại máy giặt 10kg. Con số này được hiểu là 10kg đồ giặt khô có thể cho vào máy giặt, nếu bạn cho quá khối lượng này, quần áo sau khi giặt xong sẽ khó sạch và làm cho máy giặt phải chạy quá sức khiến tuổi thọ máy giảm. Để kéo dài tuổi thọ máy giặt nhà mình, mỗi lần giặt bạn chỉ nên cho 80% khối lượng đồ mà máy giặt cho phép.
Không nên làm công việc giặt giũ quá thường xuyên
Nghe có vẻ vô lí nhưng điều này lại khá chính xác với rất nhiều loại quần áo. Nhiều người thường có thói quen mặc quần áo trong một thời gian ngắn rồi thực hiện giặt giũ ngay sau đó. Thói quen này có vẻ khá sạch sẽ và có ích nhưng chỉ đối với những loại quần áo mỏng và đơn giản như áo phông, áo sơ mi hay một số loại quần short mỏng, còn đối với những món đồ như áo len, áo khoác hay quần áo lông thú thì việc giặt giũ liên tục có thể gây tổn hại đến chất lượng và độ bền của quần áo. Bởi những loại trang phục này đều được tạo ra một cách cầu kì và không thích hợp cho việc vò vắt nhiều lần.
Việc giặt giũ liên tục có thể khiến cho quần áo bị bục chỉ, rời chỉ hoặc thậm chí là rách. Vậy nên các bạn không nên giặt những loại quần áo dễ hỏng quá thường xuyên mà chỉ nên giặt chúng theo chu kỳ nhất định để tránh làm tổn hại đến độ bền của chúng.
Không nên lạm dụng hóa chất khi giặt giũ
Các hóa chất tẩy rửa nói chung và chất giặt nói riêng đã trở thành một phần không thể thiếu trong công việc giặt giũ hàng ngày nhưng việc lạm dụng quá nhiều hóa chất tẩy rửa vô hình chung mang lại những tác hại vô hình mà ta không lường trước được
Thứ nhất, hóa chất tẩy rửa tuy tẩy sạch được vết bẩn nhưng đồng thời có thể làm hỏng quần áo. Một số loại hóa chất có chứa clo mạnh tuy dễ dàng làm sạch quần áo của bạn nhưng khi dùng quá lượng cần thiết sẽ làm hỏng chất vải và màu của quần áo. Lúc này bạn chỉ còn cách vứt bỏ chiếc áo hoặc chiếc quần yêu thích của mình đi mà thôi.
Thứ hai, lạm dụng chất tẩy còn gây ảnh hưởng đến người sử dụng khi tiếp xúc và sử dụng lâu dài. Đa số các chất tẩy đều là hóa chất công nghiệp chứ không phải “chiết xuất từ thiên nhiên” hay “chiết xuất từ chanh” như lời quảng cáo, và những loại hóa chất này đa số đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Chúng gây tổn thương da, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ miễn dịch, hệ thần kinh, thậm chí có thể gây ra ung thư. Đừng để công việc giặt giũ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn
Vậy nên, trước khi lựa chọn sử dụng những chất tẩy, chất giặt, các bạn phải đọc kĩ nội dung của sản phẩm, lựa chọn những sản phẩm mà thành phần hóa chất được liệt kê rõ ràng, đầy đủ, hạn chế sử dụng quá nhiều chất tẩy khi giặt quần áo, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân.
Đừng quên vệ sinh máy giặt
Làm sao có thể đảm bảo quần áo sau giặt giũ luôn sạch sẽ tinh tươm nếu bạn không vệ sinh chiếc máy giặt thực hiện công việc ấy ?
Sau mỗi lần giặt, lồng giặt của máy sẽ luôn đọng lại nước giặt, những chất bẩn hoặc xơ vải rơi ra từ quần áo tạo thành cặn bẩn trong lồng giặt. Sau thời gian dài không dọn rửa, những cặn bẩn này sẽ lại bám vào quần áo làm cho quần áo của bạn sau khi giặt còn bẩn hơn. Thậm chí, chúng còn có thể làm máy giặt dễ hỏng hơn do cặn bẩn làm cho lồng giặt bị kẹt và xóc khi quay.
Để tránh nguy cơ này, sau khi giặt xong quần áo, bạn cần mở nắp giặt để nước trong máy bay hơi hết, tránh tù đọng, úng nước trong máy. Sau 2-3 tháng sử dụng, máy cũng cần phải được vệ sinh, đánh rửa sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dấm ăn để loại bỏ hết cặn bẩn trong máy.
Trên đây là những lưu ý giúp công việc giặt giũ của bạn trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Chúc bạn thành công!
Các bạn có thể tham khảo các bài viết tương tự về thời trang tại đây
Các bạn có thể tham khảo các bài viết tương tự về nội thất tại đây