Ngày 10/12, UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức ký kết trực tuyến với tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS) về cam kết loại bỏ việc sử dụng, buôn bán thịt chó, mèo. Đây chính là thành phố đầu tiên tại Việt Nam loại bỏ việc sử dụng thịt chó, mèo và chấm dứt nạn buôn bán 2 loại động vật kể trên.
Hội An nổi tiếng với vẻ đẹp kiến trúc truyền thống của những con phố cổ, những ngôi nhà và cả những bức tường. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, phố cổ Hội An vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, từng mái ngói, viên gạch, hàng cây đều phủ đầy rêu phong …
Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch TP. Hội An công nhận Hội An là thành phố di sản với bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống, là nơi hội nhập, đan xen của nhiều nền văn hóa trong và ngoài nước.
“Hội An được biết đến với truyền thống “nhân tình thuận hậu”, nếp sống giản dị. Vì vậy dự án xây dựng Hội An thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo và hỗ trợ loại trừ bệnh dại là hoàn toàn phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch của Hội An”, ông Hùng nói.
Nội dung bài viết
Thành phố Hội An thỏa thuận với Four Paws
Hội An được biết đến với truyền thống ‘nhân tình thuận hậu’, nếp sống giản dị. Đây là thành phố đầu tiên tại Việt Nam đã có hành động nhằm chấm dứt nạn buôn bán và nói không với tiêu thụ thịt chó, mèo. Thỏa thuận này nhấn mạnh mục tiêu cải thiện phúc lợi vật nuôi thông qua các chương trình tiêm chủng và loại trừ bệnh dại, giúp ngăn chặn hiểm họa có thể bùng phát đại dịch. Thỏa thuận có hiệu lực từ cuối năm 2021 và kéo dài trong 2 năm.
Thành phố Hội An thấy sẽ không thể xóa sổ bệnh dại nếu không giải quyết triệt để nạn buôn bán thịt chó, mèo. Các nội dung khác trong thỏa thuận hợp tác này bao gồm một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng tại địa phương và giải cứu chó, mèo khỏi các vụ buôn bán.
Hội An có thể định vị mình là “thành phố đầu tiên của Việt Nam không buôn bán thịt chó mèo” thông qua các biện pháp như tiêm phòng trừ bệnh dại, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho động vật trong cộng đồng, cũng như thực thi các quy định và chế tài luật để giúp loại bỏ việc buôn bán thịt chó, mèo và các hoạt động liên quan.
Theo tổ chức FOUR PAWS, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán và giết để lấy thịt. Điều này gây nguy hại đến quyền lợi động vật và sức khỏe cộng đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Kết quả của các cuộc điều tra do FOUR PAWS thực hiện, chỉ có khoảng 6,3% người Việt Nam ăn thịt chó, trong khi 88% công chúng ủng hộ Chính phủ ban hành lệnh cấm buôn bán thịt chó, mèo. Đặc biệt, khoảng 75% các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện có nguồn gốc từ động vật.
FOUR PAWS đã và đang hợp tác với các cơ quan chính quyền trên toàn khu vực, vận động ban hành lệnh cấm ăn thịt chó, mèo sau rất nhiều hành vi độc ác đối với động vật cũng như những nguy cơ sức khỏe đến từ bệnh dại và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm từ động vật cho cộng đồng.
Bà Julie Sanders – Giám đốc phụ trách Vật nuôi của FOUR PAWS, cho biết: “Đây là thời điểm quan trọng, mang tính khởi phát ở Việt Nam và trong khu vực. Mỗi năm Việt Nam có hơn năm triệu cá thể chó và một triệu cá thể mèo bị buôn bán và giết để lấy thịt, gây nguy hại đến quyền lợi động vật và sức khỏe cộng đồng. Hội An là thành phố tiên phong thực hiện để các địa phương khác trên cả nước nối tiếp”.
Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết: “Để thực hiện dự án vận động tiến đến giảm thiểu tối đa việc ăn thịt chó, mèo, thành phố sẽ xúc tiến thủ tục để xin ý kiến UBND tỉnh. Sau buổi lễ này sẽ có kế hoạch giữa hai bên để thực hiện trong 2 năm. Xây dựng hình thành thói quen yêu thương, bảo vệ, tôn trọng động vật”.
Người dân tại Hội An nói gì?
Ông Hồ Phước Thiện (trú phường Minh An, TP. Hội An) cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ việc thành phố ký cam kết không tiêu thụ thịt chó, mèo. “Đây là việc làm rất nhân văn, tôi rất hoan nghênh thành phố ”, ông Thiện nói. Gia đình ông nuôi 2 chú chó, gắn bó hơn 10 năm nay nên luôn cảm thấy con vật này gần gũi, biết chia sẻ cảm xúc.
Bà Lê Thị Thu (trú phường Cẩm Thanh, TP. Hội An) cho biết bà rất đồng tình và ủng hộ khi thành phố ký cam kết nói “Không với thịt chó, mèo”. Theo bà, chó, mèo là những vật nuôi trung thành, sống tình cảm và gắn bó với con người. Gia đình bà cũng đang nuôi 1 chú chó hơn 10 năm nay và xem nó như thành viên trong gia đình. Do vậy, khi biết tin Hội An khuyến khích ngừng tiêu thụ thịt chó, mèo, bà và mọi người trong nhà đều hưởng ứng vì rất nhân đạo.
“Đây là việc làm rất nhân văn. Hi vọng, từ nay trên địa bàn sẽ giảm thiểu được số lượng chó mèo bị giết thịt và không còn nạn trộm chó nữa”, bà Thu bộc bạch.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tuấn (trú xã Cẩm Hà, TP. Hội An) cho biết, ông rất hoan nghênh và ủng hộ trước chủ trương đầy nhân văn này. Gia đình ông từng nuôi chú chó và bị “cẩu tặc” bắt trộm khiến bản thân rất bức xúc. Ngoài ra, ông và tất cả các thành viên trong gia đình 3 thế hệ của mình cũng không ai ăn thịt chó cả, bởi đây là loài động vật rất gần gũi và sống có tình cảm với con người.
“Riêng gia đình tôi rất tán thành việc chấm dứt nạn buôn bán, giết thịt chó, mèo. Có thể, đối với những người có thói quen ăn thịt chó, mèo thì họ xem đó là bình thường, nhưng với những người nuôi chó và quý chó như tôi thì việc đó rất đáng lên án”, ông Tuấn trải lòng.
Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Văn Thành (chủ quán thịt cầy Thành Bắc, ở đường Đỗ Đăng Tuyển, phường Cẩm Châu, Tp. Hội An) cho biết, đây là nguồn kinh tế chính của gia đình ông nên quán không thể nghỉ được. Trung bình mỗi ngày quán có khoảng 100 khách và tiêu thụ 3 con chó. Ông cho rằng sẽ đồng ý nếu thành phố có chủ trương này, tuy nhiên chính quyền thành phố cần có chính sách cụ thể hỗ trợ đối với những hộ kinh doanh như ông.
“Hiện tại quán của tôi vẫn kinh doanh bình thường vì đây là nguồn mưu sinh duy nhất của gia đình tôi. Nếu chủ trương chung thì mình chấp hành thôi, nhưng nếu vậy thành phố phải có chính sách gì đó để hỗ trợ cho những hộ kinh doanh tạo thu nhập thay thế vì lâu nay đây là nguồn thu nhập chính của gia đình”, ông chia sẻ.
Anh Công (chủ quán thịt chó đường Lý Thường Kiệt, phường Cẩm Phô, TP. Hội An) bày tỏ lo lắng khi nghe thông tin này. Anh cho biết, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên hôm nay quán của anh vẫn tiếp tục kinh doanh.
“Tôi cũng chỉ mới biết thông tin qua báo chí chứ chưa nghe chính quyền nói gì. Nhưng nếu buộc phải nghỉ bán thì hi vọng thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ thích đáng cho những hộ kinh doanh như chúng tôi”, anh Công nói.
Chính quyền Hội An giải đáp vấn đề của người dân
Liên quan đến vấn đề buôn bán của các cửa hàng thịt chó, ông Nguyễn Thế Hùng cho hay, dự án mà thành phố ký kết với FOUR PAWS chỉ mới là biên bản ghi nhớ để làm cơ sở xin chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam, nếu được thông qua thì mới thống nhất, lên kế hoạch cụ thể để triển khai trong 2 năm 2022 và 2023.
Ông Hùng nói: “Không ai mà cấm được. Pháp luật họ cho phép thì sao mà cấm được khi họ đầy đủ điều kiện kinh doanh. Giải pháp quan trọng nhất ở đây là tuyên truyền vận động và hi vọng người dân sẽ đồng tình, hưởng ứng”.
“Phúc lợi động vật là yếu tố quan trọng đối với cả khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt khi các vật nuôi, thú cưng đang ngày càng được coi là thành viên trong gia đình ở Việt Nam. Chúng tôi muốn vận động để người dân dần hình thành thói quen không ăn thịt chó, mèo. Dự án triển khai trên địa bàn là vì cái chung, xây dựng Hội An là thành phố sinh thái, du lịch nhân tình thuần hậu”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Phó Chủ tịch TP. Hội An cũng cho biết thêm, khi dự án được triển khai cụ thể thì chính quyền sẽ có các biện pháp để chuyển đổi ngành nghề cho những người kinh doanh, bán thịt chó trên địa bàn. Ngoài ra, việc quan trọng khác trong dự án là loại trừ bệnh dại, tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi.
UYỂN NHI
XEM THÊM
TOP 10 DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NỔI TIẾNG THẾ GIỚI ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN CỦA VIỆT NAM
CÙNG KHÁM PHÁ VĂN HÓA PHÁP VÀO MÙA GIÁNG
Top 12 lễ hội văn hóa nổi tiếng trên thế giới nhất định bạn phải tham gia một lần