Trong thời đại mạng xã hội hiện nay, Sự tự tin của giới trẻ dường như đang phụ thuộc nhiều vào cách họ nhìn nhận về bản thân. Cùng với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng truyền thông xã hội, việc so sánh và tự đánh giá đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Cái tôi của mỗi người, dù không hoàn hảo, thường bị đặt lên bàn cân và so sánh với tiêu chuẩn được thiết lập trên mạng xã hội.
Mạng xã hội không chỉ là nơi để chia sẻ những khoảnh khắc tươi đẹp, mà còn là môi trường giúp mỗi người xây dựng hình ảnh công cộng của bản thân. Tuy nhiên, việc này cũng đồng nghĩa với việc cái tôi không hoàn hảo của họ có thể bị nhòm ngó và soi mói một cách công khai, tạo áp lực tâm lý không nhỏ.
Nội dung bài viết
1. Giới thiệu chung về ảnh hưởng của mạng xã hội
Khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã nêu rõ:
Mạng xã hội (Social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
Theo định nghĩa này, mạng xã hội còn được gọi là social network và có thể hiểu một cách đơn giản đây là hệ thống (mạng lưới) giúp con người kết nối với những người khác. Thông qua mạng xã hội, mọi người có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, âm thanh… tìm kiếm bạn bè, kết nối với những người khác…
Mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa mọi người. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của MXH cũng đi kèm với những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của giới trẻ.
Các nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng quá nhiều thời gian trên MXH có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, tăng cường cảm giác thất vọng về bản thân khi so sánh với cuộc sống mà họ thấy trên mạng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như lo âu, trầm cảm và thậm chí suy nhược tinh thần.
2. Mạng Xã Hội và “Cái Tôi Không Hoàn Hảo”
2.1. Being a Loner – Cô độc và lạc lõng
Bất chấp sự xuất hiện của nhiều nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng hẹn hò và gặp gỡ, Gen Z được báo cáo là thế hệ cô độc nhất, dễ dàng mắc các bệnh về tâm lý hơn so với những thế hệ trước, theo như nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ.
Gen Z có cơ hội được sinh ra và lớn lên trong một kỷ nguyên tiên tiến, khi mà Internet đã mở ra khả năng truy cập thông tin, kiến thức từ khắp mọi nơi trên thế giới, xóa mờ các khái niệm về ranh giới địa lí, khu vực và châu lục. Mạng xã hội như Facebook, Instagram và Twitter ra đời còn giúp chúng ta nhanh chóng nhận được cập nhật về xã hội, về các mối quan hệ bên cạnh mình. Tất cả điều đó chỉ cần thông qua một cú “click”.
Ấy vậy, theo một khảo sát của tổ chức dịch vụ y tế toàn cầu Cigna thực hiện trên 20.000 người Mỹ trưởng thành năm 2018 (U.S. Loneliness Index Report, Cigna, 2018), cho biết những thanh thiếu niên từ 18 – 25 tuổi trong khảo sát đạt mức điểm rất cao trên thang đo đánh giá sự cô đơn UCLA (UCLA Loneliness Scale). Cụ thể, 43 là điểm chuẩn trong thang đo. Đối tượng thuộc Gen Z đạt 48.3 điểm, cao hơn thế hệ anh chị, bố mẹ của mình là Millennials – 45.3 điểm và Gen X – 45.1 điểm.
Sự thật, cô đơn là một cảm xúc rất tự nhiên của con người. Vì nó xuất phát từ một nhu cầu mang tính bản năng, đó là kết nối, nên thành ra trong đời, ai rồi cũng sẽ có lúc cảm thấy cô đơn. Đối với nhiều người, cảm giác cô đơn cũng không chỉ đến từ việc thiếu vắng mối quan hệ xã hội mà còn từ sự cảm thấy không được thấu hiểu hay chấp nhận.
Có những lúc, ngay cả khi có nhiều người xung quanh hay mạng xã hội hiện hữu khắp nơi, cảm giác này vẫn có thể hiện diện, cho thấy tính phức tạp và đa chiều của cảm xúc cô đơn ở mỗi con người.
Cô đơn và lạc lõng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với thế hệ Gen Z, đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội hiện nay. Dù luôn kết nối với nhau qua các nền tảng mạng xã hội, nhiều thành viên Gen Z vẫn cảm thấy cô đơn và cô lập. Sự cô đơn này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý mà còn có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe vật lý và tinh thần.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự quan tâm và hỗ trợ từ cả cá nhân và cộng đồng xã hội để xây dựng một môi trường kết nối, hỗ trợ và chia sẻ tốt hơn cho các thành viên Gen Z.
Xem thêm tại: Ảnh hưởng của công nghệ đối với đời sống cá nhân
2.2. Self-hatred – Cảm giác chán ghét bản thân
Đã có lúc nào bạn cảm thấy bản thân mình quá đỗi bình thường, những thành tựu bạn đạt được không làm bạn thấy vui hay tự hào bởi bạn nghĩ: “Cái này ai mà chả làm được, mình chả có tài cán gì cả”. Hay bạn thường xuyên cảm thấy mình là 1 cá nhân thật tệ hại và vô dụng, nhất là khi so sánh bản thân với người khác, và bạn nghĩ mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp?
Khi nói về sự thù ghét bản thân ở tuổi trẻ thì những con số thống kê có vẻ tiết lộ khá nhiều. Một nghiên cứu trên 3000 cô gái lứa tuổi thanh niên đã chỉ ra 7/10 trong số đó tin rằng họ chưa hài lòng về bản thân. Họ cảm thấy họ chưa hài lòng về ngoại hình, kết quả học tập và những mối quan hệ cá nhân.
Một nghiên cứu tương tự chỉ ra 75% những cô gái hay tự ti thường có liên quan đến những “hoạt động thiếu lành mạnh” như rối loạn ăn uống, tự hành xác, bạo hành học đường, hút sách, hoặc rượu chè khi họ cảm thấy tệ về bản thân.
Nhưng ngược lại với những gì thường được báo cáo, không phải chỉ có những người trẻ mới phải vật lộn với vấn đề lòng tự trọng (self-esteem). Năm 2011, tổ chức tâm lý học Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu rằng trong khi lòng tự trọng ngày càng tốt hơn trong lứa tuổi thiếu niên và tăng dần trong giai đoạn đầu trưởng thành, thì “không có sự khác biệt lớn về lòng tự trọng trong những giai đoạn này ở cả nam và nữ.”
Self-hatred là cảm giác liên tục chán ghét, tự kỷ và tự xét mình thấp hèn, không xứng đáng. Đây là một trạng thái tinh thần mà người bệnh thường cảm thấy họ không đủ tốt, thất bại và không có năng lực. Nguyên nhân chủ yếu của self-hatred bao gồm các trải nghiệm xấu từ thời thơ ấu, áp lực xã hội, tự ti, và các bối cảnh gia đình có thể tạo ra môi trường không ủng hộ. Cảm giác này thường dẫn đến các vấn đề về tâm lý như trầm cảm nặng và lạm dụng chất gây nghiện.
Không có lý gì để tiếp tục sống với những suy nghĩ ghét bỏ bản thân. Ngày hôm nay, bạn có thể bước những bước đầu tiên trong quá trình làm bản thân cảm thấy tốt hơn và sống một cuộc sống không bị lấp đầy bởi sự thù ghét chính mình và những dạng thức suy nghĩ tiêu cực.
Xem thêm tại: 5 cách cải thiện sức khỏe tinh thần – Chìa khóa cân bằng cuộc sống
2.3. Being an Overachiever – Luôn cầu toàn, ám ảnh với sự hoàn hảo
Ai cũng muốn được thành công và để đạt được điều đó, cố gắng là điều hiển nhiên. Tuy vậy, có bao giờ chúng ta tự hỏi bao nhiêu cố gắng là đủ và bao nhiêu là quá nhiều?
“Overachiever” là một thuật ngữ tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là người thành đạt quá mức. Từ này thường được sử dụng để mô tả những người luôn rất nỗ lực trong học tập và công việc. Họ thường sẽ là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo và sợ thất bại. Chính vì thế, họ thường đặt ra những mục tiêu rất cao, hoặc có thể nói xa tầm với, cho bản thân mình và cho những người xung quanh.
Tóm lại, “overachiever” là người có xu hướng vượt xa kỳ vọng hoặc đạt được nhiều thành công hơn so với đối thủ hoặc so với mình đặt ra, tuy nhiên, cần cân nhắc để duy trì một cân bằng lành mạnh trong cuộc sống và tránh căng thẳng không cần thiết.
Điều đáng tuyên dương và khích lệ nhất ở một overachiever đó là họ cực kỳ nghiêm túc và quan tâm đến sự thành công của bản thân. Tuy nhiên, sự đánh đổi trong ván cược thành công này lại là các mối quan hệ, sức khỏe và căng thẳng thường trực. Liệu có đáng không khi chẳng một giây phút nào bạn cảm thấy hạnh phúc chỉ vì theo đuổi một đích đến nào đó ở tương lai?
Tập kiểm soát, học cách chấp nhận, quan sát những gì mình đang có, đang làm ở hiện tại, bạn sẽ thấy hạnh phúc và thành công đơn giản chỉ là khi ta biết đủ và hài lòng với chính bản thân mình.
Xem thêm tại: Top 12 Thói Quen Tốt Để Phát Triển Bản Thân Hoàn Thiện Hơn Mỗi Ngày
2.4. Body Image – Lý tưởng hóa hình ảnh cơ thể trên mạng xã hội
Gen Z – thế hệ sống gắn bó mật thiết với các phương tiện truyền thông, đến mức khó tưởng tượng nổi một cuộc sống thiếu vắng mạng xã hội. Tuy nhiên, mạng xã hội bị cho là nguyên nhân gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự tin của giới trẻ, đặc biệt là vấn đề lý tưởng hóa hình ảnh cơ thể, một vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
Body Image là suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức của một người về vẻ đẹp hay sự hấp dẫn giới tính của cơ thể họ. Nói đơn giản, Body Image là cách bạn nhìn thấy bản thân trong gương, bao gồm:
- Niềm tin về ngoại hình của mình. Nếu bạn tự tin với những gì mình có, thì dù có khuyết điểm, vẻ đẹp của bạn vẫn không bị che lấp.
- Cảm nhận về cơ thể, bao gồm chiều cao, hình dáng và cân nặng.
- Cảm giác và cách kiểm soát cơ thể khi di chuyển. Nếu sau khi tập thể dục, bạn cảm thấy cơ thể mình nhẹ nhàng hơn, đó cũng là một phần của Body Image.
Sự không hài lòng với cơ thể không chỉ đơn giản là câu nói “tôi không thích cơ thể mình”; nó còn liên quan đến cảm giác xấu hổ, lo âu và tự nhận thức. Những người có mức độ không hài lòng cao thường cảm thấy cơ thể của họ thiếu sót hơn so với người khác và dễ bị trầm cảm, cô lập, cũng như thiếu tự tin hơn.
Truyền thông xã hội luôn đóng vai trò to lớn trong việc định hình nhận thức của phụ nữ về cơ thể của chính họ. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ đã phải đối mặt với hàng loạt các khuôn mẫu khắt khe nhằm áp đặt hình thể lý tưởng theo quan niệm của xã hội về sự hoàn mỹ. Chính sự áp đặt này đã trở thành nguyên nhân chính gây ra những khó khăn trong việc chấp nhận bản thân và vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần.
Theo một nghiên cứu tại Anh năm 2018, trong một năm, có hàng chục nghìn thiếu nữ có hành vi tự ngược đãi bản thân do thiếu tự tin vào ngoại hình. Sự thiếu tự tin xuất phát từ cảm xúc chán ghét và bài xích những đặc điểm ngoại hình của bản thân, chủ yếu gây nên bởi sự so sánh hoặc tự so sánh với một khuôn mẫu hoàn hảo của khái niệm “đẹp”.
Khuôn mẫu ấy tựa như một mối đe dọa chờn vờn khắp nơi, ăn sâu vào nhận thức và niềm tin, dần loại bỏ khả năng tin tưởng và đề cao bản thân của mỗi người. Đáng lo ngại thay, sự phát triển của truyền thông hiện đại càng kéo con người, đặc biệt là nữ giới, vào những ràng buộc khắt khe và nghiệt ngã của tiêu chuẩn đấy.
Xem thêm tại: 10 bài tập thể dục giảm mỡ toàn thân hiệu quả nhanh gọn tại nhà cho các nàng “lười”
3. Hành Trình Tìm Kiếm Sự Tự Tin Cho Giới Trẻ
Gen Z hiện nay đang đối mặt với áp lực lớn từ các mạng xã hội (MXH), nhưng cũng là nơi họ có thể phát triển và gia tăng sự tự tin một cách hiệu quả.
- Xây dựng mối quan hệ tích cực: Tham gia các cộng đồng trực tuyến có tính xây dựng và tích cực như các nhóm học tập, diễn đàn chuyên đề. Đây là nơi Gen Z có thể chia sẻ ý tưởng, học hỏi từ người khác và khám phá những lĩnh vực mới.
- Đầu tư vào việc học hỏi và phát triển kỹ năng: Họ nên dành thời gian để nghiên cứu và học hỏi từ các nguồn đáng tin cậy trên MXH. Việc tích lũy kiến thức và kỹ năng sẽ giúp họ tự tin hơn trong giao tiếp và thực hiện các hoạt động xã hội.
- Giới hạn thời gian sử dụng MXH: Điều này giúp Gen Z tránh được sự phụ thuộc quá mức vào MXH và tập trung hơn vào việc phát triển bản thân ngoài không gian ảo. Thời gian dành cho các hoạt động ngoài trời, thể thao, và thực tế sẽ giúp cân bằng cuộc sống và tăng cường sự tự tin.
- Học cách quản lý áp lực và sự so sánh: Thay vì so sánh bản thân với người khác trên MXH, Gen Z nên tập trung vào việc phát triển điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của bản thân. Việc này sẽ giúp họ có thêm niềm tin và sự tự lựa chọn đúng đắn.
4. Kết Luận
Trong thời đại mạng xã hội, việc xây dựng sự tự tin của giới trẻ là một hành trình đầy thách thức nhưng không kém phần quan trọng. Qua bốn vấn đề chính, chúng ta thấy rằng sự tự tin không phải là sự hoàn hảo mà là sự chấp nhận và yêu thương bản thân, bất chấp những khuyết điểm.. Để thực sự tự tin, mỗi người cần học cách đối diện và hòa hợp với “cái tôi không hoàn hảo” của chính mình.
Có thể bạn sẽ thích: Sử dụng mạng xã hội quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần
THẤU HIỂU GEN Z: Vì sao thế hệ này dễ mắc bệnh tâm lý?
Thực hiện bởi:
Sinh viên: Hoa Cẩm Tú
MSV: 22051828
Lớp học phần: INE3104-1