Khi trẻ em ngày một lớn lên, trưởng thành hơn, hiện tượng nói dối có thể sẽ bắt đầu hình thành ở trẻ. Đây là vấn đề gây đau đầu cho nhiều bậc cha mẹ khi hầu hết đều bất ngờ, không biết phải xử trí ra sao cho hợp lý trước tính cách này của con mình mà trước đó chưa hề xảy ra.
Xét về mặt khoa học, có thể hiểu đây là dấu hiệu của sự trưởng thành, phát triển hơn về tính cách, nhận thức, sự phát triển về trí óc cũng như hiểu biết về mặt xã hội của một đứa trẻ mới lớn. Vì vậy các bậc cha mẹ cần có cách nhìn nhận,sự kiên trì để có thể xử lý vấn đề một cách đúng đắn để hiểu con hơn và biết cách tạo ra một môi trường yêu thương, để khuyến khích con suy nghĩ tích cực, trung thực và sẵn sàng chia sẻ những điều con mong muốn, suy nghĩ với ba mẹ hơn.
Nội dung bài viết
1. Nguyên nhân cho việc con nói dối
1.1 Áp lực của sự kỳ vọng từ cha mẹ
Nhiều bậc cha mẹ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái ngay từ khi trẻ còn nhỏ, từ việc học, việc nhà, ăn nói, phép tắc…
Trong đó một ví dụ điển hình ở các nước phương Đông là việc học. Các bậc cha mẹ luôn kỳ vọng, mong muốn trẻ phải học thật tốt, đạt thành tích cao nên vì thế đưa con cái đi học thêm hết chỗ này đến chỗ khác. Chính vì thế trẻ thường bị áp lực về điểm số, thành tích, dẫn đến việc học hành dễ bị giảm sút. Vì sợ không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, sợ làm cha mẹ thất vọng, thành ra trẻ có thể sẽ nói dối về điểm số, thành tích học của mình nếu không được cao.
1.2 Sợ bị cha mẹ la mắng, đánh đòn
“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là cách thức dạy con được áp dụng ở nhiều gia đình ngày nay bất cứ khi nào con mình mắc lỗi. Đây là cách dạy con vô cùng nghiêm khắc của các bậc cha mẹ, khiến trẻ đi vào quy củ, khiến trẻ sợ không dám sai phạm. Tuy nhiên điều này lại phản tác dụng ở chỗ sẽ hình thành một tâm lý trong trẻ: cứ sai là bị mắng, bị đánh. Điều này hiển nhiên sẽ khiến trẻ nói dối để tránh bị la mắng, đánh đòn.
1.3 Bắt chước theo những gì đã thấy, đã nghe
Khi trẻ lớn lên, khả năng nhận thức, quan sát của trẻ phát triển hơn và trẻ sẽ có khả năng bắt chước thông qua lắng nghe lời nói cũng như quan sát cử chỉ, hành động của người lớn. Đó là lý do tại sao chúng ta thường hay nói giảm nói tránh, tránh dùng các từ ngữ, hành động nhạy cảm, không phù hợp với độ tuổi khi ở quanh trẻ.
Nói dối đôi lúc chỉ là một sự tình cờ xảy ra trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, dù là vì mục đích gì thì dần dần cũng dễ bị trẻ bắt chước, học theo nếu chúng ta không để ý khi trẻ ở đó. Điều này có thể ảnh hưởng tới nhận thức đúng sai cũng như dễ hình thành thói quen nói dối ở trẻ.
1.4 Mong muốn sự chú ý đến từ người lớn
Khi còn nhỏ, một số trẻ có tâm lý hiếu thắng, đua đòi luôn muốn mình là sự trung tâm của mọi sự chú ý từ phía bậc cha mẹ, thầy cô hoặc người lớn nói chung để đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc
2. Cách xử lý từ phía bậc cha mẹ
2.1 Làm tấm gương tốt cho trẻ noi theo:
Trẻ nhỏ thường rất dễ bắt chước thói hư tật xấu từ phía người lớn bởi trí óc cũng như nhận thức của trẻ đang trong quá trình phát triển, chưa nhận biết, phân biệt rõ được trắng đen đúng sai. Vì vậy cách hiệu quả nhất để dạy con là ngay từ ban đầu bản thân các bậc cha mẹ nên là tấm gương để trẻ noi theo. Những người làm cha làm mẹ nên chú ý từ ngữ, hành động khi có trẻ xung quanh để trẻ hình thành những đức tính tốt ngay từ đầu.
2.2 Khuyến khích sự trung thực của trẻ
Việc sử dụng bạo lực chỉ đem lại sự phản tác dụng khiến cho trẻ càng trở nên sợ hãi và nói dối nhiều hơn. Là người lớn, bậc cha mẹ khi trẻ nói dối thì chúng ta cần giải thích, dùng từ ngữ làm sao để cho trẻ hiểu lợi ích sự nói thật đem lại và ngược lại, tác hại cũng như hậu quả của việc nói dối để khuyến khích sự thật thà từ trẻ. Khi phát hiện con nói dối, cha mẹ nên tìm cách nói, thỏa thuận với con để con thành thật sau đó sẽ tha thứ và bỏ qua, tạo lòng tin đối với con để con không tái phạm nữa.
2.3 Không tạo áp lực, đặt quá nhiều kỳ vọng từ quá sớm cho trẻ:
Tuổi thơ của một đứa trẻ thường rất đỗi hồn nhiên, trong sáng, là giai đoạn quan trọng đem lại những kỉ niệm, hình thành trí tuệ, nhận thức và cũng là quá trình hình thành tính cách của một con người, tuy nhiên nó cũng trôi qua rất nhanh. Việc tạo áp lực ngay từ sớm chỉ làm cho tâm lý, tính cách con cái sau này bị ảnh hưởng nặng nề hơn, thế nên bậc phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào còn khi con còn nhỏ để tạo cho con một tâm lý thoải mái hơn,để con có thể trưởng thành trong môi trường không bị quá nhiều áp lực từ phía cha mẹ.
Xem thêm về cách dạy con tại đây
Người thực hiện: Trịnh Phong – 16050794