Xây dựng 1 chiến lược truyền thông. Tại sao không?

Với doanh nghiệp, làm thế nào để ra mắt sản phẩm mới thành công là vô cùng quan trọng. Đó là lý do một chiến lược truyền thông ra mắt sản phẩm bài bản cần được doanh nghiệp chú trọng tập trung xây dựng. Vậy chiến lược truyền thông là gì? Làm thế nào để xây dựng một chiến lược truyền thông hiệu quả? Cùng tìm hiểu nhé!

Chiến lược truyền thông là gì?

Chiến lược truyền thông là các phương pháp, cách thức tiếp cận khách hàng mục tiêu, giúp cho khách hàng nhận biết thương hiệu, nhận biết về dịch vụ và sản phẩm, đồng thời cung cấp thông tin để khách hàng tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ, từ đó khách hàng dùng thử sản phẩm, quyết định mua sắm và trung thành với thương hiệu và sản phẩm của công ty.

Chiến lược truyền thông bao gồm những gì?

Chiến lược truyền thông bao gồm 2 phần chính:

Chiến lược nội dung: thông điệp mà công ty muốn gửi đến khách hàng là gì? Thông thường các doanh nghiệp dựa trên định vị sản phẩm, những điểm khác biệt của sản phẩm và thương hiệu mà đối thủ không có, để thông tin và thuyết phục khách hàng. Ngoài ra nội dung thông điệp cũng được gửi đến khách hàng thông qua hình thức trình chuyển tải thông điệp như: hình thức chuyển tải thông điệp qua bao bì sản phẩm, qua chất lượng hình ảnh, âm thanh của TVC, của hình thức thiết kế các mẫu quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.

Chiến lược sử dụng các phương tiện truyền thông: Sau khi có nội dung quảng cáo, các mẫu quảng cáo, vấn đề tiếp theo là các nhà hoạch định chiến lược cần nghiên cứu về thói quen truyền thông của khán giả mục tiêu để quyết định lựa chọn và sử dụng các phương tiện truyền thông, làm sao để truyền thông điệp của sản phẩm và thương hiệu đến người tiêu dùng một cách hiệu quả về chi phí.

Hoạt động truyền thông của công ty không chỉ thực hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mà còn thực hiện các hoạt động có phạm vi nhỏ hơn, như khuyến mãi, trưng bày sản phẩm, tổ chức hội thảo, phát quà tặng sản phẩm, dùng thử sản phẩm. Tất cả các hoạt động giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng và thuyết phục họ sử dụng tiêu dùng sản phẩm đều được xem là các hoạt động truyền thông.

Các hình thức chiến lược truyền thông

Khi triển khai xây dựng chiến lược truyền thông đến khách hàng, thông thường doanh nghiệp sẽ sử dụng rất nhiều các hình thức khác nhau. Trong đó, có hai hình thức cơ bản mà bạn có thể tham khảo:

  • Chiến lược truyền thông phi cá thể: Đây là một hình thức để quảng bá sản phẩm, dịch vụ thông qua cách quảng cáo hoặc trưng bày sản phẩm tại địa điểm bán hàng, quan hệ cộng đồng, truyền thông điện tử hay phát triển bán hàng…
  • Chiến lược truyền thông cá thể: Với hình thức này, doanh nghiệp sẽ gặp trực tiếp khách hàng và có thể triển khai hoạt động bán hàng tại điểm trưng bày hay bán hàng qua điện thoại.

Hiện nay, chủ yếu các doanh nghiệp sử dụng hình thức truyền thông phi cá thể là quảng cáo. Họ bỏ ra một số tiền rất lớn vào quảng bá thương hiệu trên các kênh báo chí, truyền hình hay poster để đẩy mạnh nhận diện thương hiệu đến khách hàng.

Tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược truyền thông

Để con người phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì việc giao tiếp và gắn kết với nhau về mặt xã hội có vai trò quan trọng thúc đẩy con người tin tưởng cùng nhau thực hiện công việc. Đối với việc xây dựng chiến lược truyền thông tốt, doanh nghiệp sẽ đạt được những lợi ích như sau.

  • Với việc đưa ra được những hình ảnh, giá trị tốt đẹp mà doanh nghiệp đang sở hữu thì sự tín nhiệm của khách hàng vào thương hiệu doanh nghiệp cung cấp sẽ được gia tăng đáng kể.
  • Xây dựng chiến lược truyền thông cho sản phẩm mới giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, mở rộng quy mô thị trường từ đó nâng cao hiệu quả bán hàng và tăng trưởng doanh thu

Quy trình của các bước xây dựng chiến lược truyền thông

Bước 1: Xác định đối tượng mục tiêu truyền thông

Trước khi bắt tay vào việc xây dựng chiến lược truyền thông trong marketing doanh nghiệp cần phải xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu sẽ tiếp nhận thông điệp từ doanh nghiệp. Khi xác định đúng tập khách hàng mục tiêu thì hoạt động tiếp thị mới thực sự đem lại hiệu quả.

Với từng tập khách hàng doanh nghiệp sẽ phải sử dụng các thông điệp và phương tiện truyền thông khác nhau, vì vậy doanh nghiệp cần phân định rõ giữa tập khách hàng hiện hữu của doanh nghiệp và tập khách hàng tiềm năng để có phương án tiếp cận hiệu quả.

Doanh nghiệp cũng cần dựa vào sự khác nhau giữa các yếu tố về nhân khẩu học, sở thích, tâm lý, lối sống,…để phân biệt giữa các đối tượng khách hàng. Việc xác định khách hàng mục tiêu càng cụ thể thì thông điệp truyền thông và phương án tiếp cận sẽ càng cụ thể và mang tính thuyết phục cao.

Xem “Cách phác họa chân dung khách hàng” tại đây

Bước 2: Xác định mục tiêu truyền thông Marketing

Doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu truyền thông marketing mà doanh nghiệp muốn đạt được là gì? Việc xác định rõ mục tiêu truyền thông giúp doanh nghiệp có cơ sở để đo lường hiệu quả chiến lược truyền thông.

Mục tiêu truyền thông marketing mà các doanh nghiệp thường đặt ra là hướng tới xây dựng hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm; gia tăng sự nhận biết của khách hàng về sản phẩm; thúc đẩy doanh số bán hàng…

Mục tiêu truyền thông phải là những con số đo lường được để nhằm mục đích đánh giá hiệu suất khi triển khai. Để đo lường được hiệu quả của hoạt động truyền thông, doanh nghiệp có thể so sánh hiệu quả mà hoạt động truyền thông đạt được với mục tiêu truyền thông đề ra ban đầu hoặc đo lường thông qua mô hình SMART.

Mô hình SMART
Mô hình SMART

Cách xác định mục tiêu theo nguyên tắc SMART tại đây

Bước 3: Xây dựng thông điệp trong Marketing

Thông điệp truyền thông là những yếu tố mà các nhà làm truyền thông muốn lưu lại trong tâm trí đối tượng nhận tin. Đây là những yếu tố cần thiết có ảnh hưởng, duy trì và làm thay đổi nhận thức, hành vi người tiêu dùng, đối tượng nhận tin.

Bằng cách xây dựng thông điệp bạn có thể chọn cho mình một vị trí trong tâm trí khách hàng. Có quá nhiều thông tin mà khách hàng phải tiếp nhận mỗi ngày, việc xây dựng một định vị thương tốt giúp bạn có cơ hội tìm được đường đi mới, ghi dấu ấn được trong tâm trí của khách hàng.

Bước 4: Lựa chọn phương tiện truyền thông

Kênh truyền thông có tác động lớn đến hiệu quả truyền thông của doanh nghiệp. Có 2 loại kênh truyền thông phổ biến đó là kênh trực tiếp và kênh gián tiếp. Với mỗi kênh truyền thông sẽ có cách thức tiếp cận và đem lại hiệu quả khác nhau.

Doanh nghiệp cần dựa trên mục tiêu đã xác định, đối tượng khách hàng và khả năng của doanh nghiệp để lựa chọn kênh truyền thông phù hợp. Doanh nghiệp cũng có thể tích hợp nhiều phương tiện truyền thông khác nhau trong chiến dịch truyền thông của mình.

Bước 5: Đo lường hiệu quả và hiệu chỉnh

Sau mỗi chiến lược truyền thông thì việc đánh giá hiệu quả là bước không thể thiếu. Để đo lường hiệu quả chiến dịch doanh nghiệp cần dựa trên các mục tiêu truyền thông đã xác định từ đầu để đánh giá xem hoạt động truyền thông có thực sự hiệu quả.

Doanh nghiệp cũng có thể đo lường dựa trên mức chi phí bỏ ra cho các phương tiện truyền thông với hiệu quả thu về để đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó doanh nghiệp có thể so sánh với các đối thủ cạnh tranh để xem hiệu quả chiến dịch của mình với các đối thủ thông qua mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh Michael Porter

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter

Với những số liệu đã phân tích doanh nghiệp có thể đưa ra đánh giá về hiệu quả của chiến dịch truyền thông và từ đó có những phương án hiệu chỉnh để phù hợp hơn.

Top 6 chiến lược truyền thông giới thiệu sản phẩm thành công

Tặng quà trước khi ra mắt chính thức

Để một sản phẩm sớm đạt được thành công sau khi ra mắt, doanh nghiệp cần tạo ra cảm giác mong chờ và gây phấn khích cho việc ra mắt sản phẩm bắt đầu từ vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước đó.

Một trong những chiến thuật phổ biến nhất để áp dụng điều này là thông qua các mini game cùng quà tặng trước khi ra mắt. Hãy triển khai một chương trình tặng sản phẩm cho những người tham gia , đổi lại đó là họ sẽ gián tiếp giúp quảng bá về thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội  có nhiều lựa chọn để triển khai các cuộc thi như trên nền tảng Instagram, Facebook, …

Cho dù doanh nghiệp lựa chọn nền tảng kỹ thuật số nào, hãy cố gắng đưa ra một nội dung hoặc ý tưởng có thể giúp sản phẩm được lan truyền một cách tốt nhất.

Xây dựng được nội dung có thể chia sẻ

Tạo nội dung nhất quán là một trong những chiến lược truyền thông ra mắt sản phẩm trên nền tảng kỹ thuật số quan trọng, đặc biệt trong trung và dài hạn.

Việc đầu tư thời gian vào tạo một blog với nội dung chất lượng nói về doanh nghiệp hoặc các chủ đề liên quan mà khách hàng quan tâm. Mục đích chính là khiến người dùng chia sẻ nội dung trên đó, mang lại lưu lượng truy cập trang web một cách thường xuyên mà không tốn quá nhiều chi phí quảng cáo.

Tăng tần số xuất hiện doanh nghiệp trên các kênh truyền thông

Dù doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực gì, thì việc xuất hiện nhiều trên các kênh truyền thông trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ luôn giúp doanh nghiệp tạo sự tin tưởng và nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh.

Một vài cách mà doanh nghiệp có thể sử dụng như: đầu tư vào các phần mềm quản lý nhân sự tốt hoặc tổ chức những buổi hội thảo trên web, livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Khi một doanh nghiệp càng xuất hiện nhiều, sự tương tác với khách hàng càng cao. Điều này rất quan trọng để một doanh nghiệp duy trì và phục hồi sự phát triển.

Thiết lập hệ thống người dùng giới thiệu

Truyền thông truyền miệng là một chiêu thức cực kỳ hiệu quả trong việc truyền bá tin tức về các sản phẩm hoặc dịch vụ mới trên thị trường. Người dùng sẽ nói chuyện với bạn bè họ về sản phẩm/dịch vụ đó một cách tự nhiên nhất. Do đó, doanh nghiệp cần triển khai hoạt động nhằm thúc đẩy vòng quay truyền miệng đó bằng cách tạo ra những chương trình khuyến khích giới thiệu.

Doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống “quà tặng cho người giới thiệu” bằng cách cung cấp tới những khách hàng này phiếu giảm giá, giao hàng miễn phí, điểm thường,.. để đổi lấy mã giới thiệu với bạn bè. Chiến thuật này được sử dụng phổ biến với các ứng dụng như Uber, Grab và AirBnb.

Tối ưu hóa tốc độ tải web

Đây là một thủ thuật đơn giản nhưng rất hiệu quả, doanh nghiệp hãy luôn đảm bảo rằng trang web của bạn đang chạy ở tốc độ tốt nhất.

Không có gì khó chịu hơn một trang web mất nhiều thời gian để tải. Một trang web có tốc độ tải trang tốt sẽ cải thiện trải nghiệm người dùng và giúp khách hàng có nhận thức tốt về thương hiệu. Để cải thiện tốc độ website sẽ có rất nhiều hạng mục cần xử lý liên quan đến mã nguồn và quy trình backup.

Do vậy lời khuyên được đưa ra là bạn nên trao đổi với một chuyên gia trong lĩnh vực này. Cùng với đó trong thời gian xử lý, cách khắc phục nhanh chóng có thể làm đó là đảm bảo hình ảnh trên web có chất lượng đủ tốt để có thể hiển thị rõ ràng nhưng với dung lượng nhỏ. Kích thước tệp ảnh càng lớn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tải trang càng chậm.

Chuẩn bị tài liệu các câu hỏi thường gặp trước khi ra mắt sản phẩm

Khi doanh nghiệp tung ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mới, người dùng chắc chắn sẽ có một loạt câu hỏi về cách thức hoạt động và những gì khách hàng có thể sử dụng sản phẩm như thế nào. Sản phẩm càng mới lạ càng phải cung cấp cho khách hàng nhiều sự chỉ dẫn.

Lời khuyên được đưa ra là hãy chuẩn bị và hoàn thành càng nhiều càng tốt tài liệu “”Frequently Asked Questions” đầy đủ và dễ tìm kiếm nhất. Hãy khuyến khích người dùng truy cập tới trang FAQs trước khi liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để họ có thể tự trả lời các câu hỏi về sản phẩm cũng như tạo ra traffic cho website.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đưa tài liệu FAQs lên nội dung mạng xã hội như một phương thức đón đầu các câu hỏi của người dùng mới và chia sẻ cách thức sản phẩm hoạt động.

Việc xây dựng và phát triển một chiến lược truyền thông sẽ cần nhiều công sức nhưng điều đó lại rất đáng giá. Và chiến lược truyền thông là công cụ chính để doanh nghiệp có thể truyền tải thông điệp đến các đối tượng quan trọng, phát triển các mối quan hệ hai bên cùng có lợi.  Một chiến lược truyền thông tốt sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng ra mắt sản phẩm thành công và đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.

Bài viết liên quan

Mô hình AIDA- Top 1 Nghệ thuật Marketing online

Chiến lược truyền thông là gì và quy trình xây dựng chiến lược hiệu quả

Chiến lược truyền thông sáng tạo, bước đi đột phá Vinamilk

Họ và tên: Trịnh Ngọc Mai

Mã sinh viên: 20050304

One thought on “Xây dựng 1 chiến lược truyền thông. Tại sao không?

Comments are closed.