Công nghệ Blockchain ra đời lần đầu vào năm 2008 và từ đó đến nay, nó đã trải qua một sự phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những xu hướng công nghệ quan trọng trong tương lai. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá chi tiết hơn về công nghệ Blockchain là gì? Công nghệ này ứng dụng vào những lĩnh vực nào? Nó sẽ thay đổi thế giới ra sao?
Nội dung bài viết
1. Công nghệ Blockchain (chuỗi khối) là gì?
1.1. Blockchain (chuỗi khối) là gì?
Blockchain là nền tảng công nghệ mà ở đó thông tin được lưu trữ trong các khối (Block), các Block được liên kết với nhau bằng “mã hóa” tạo thành một chuỗi (Chain). Mỗi khối trong hệ thống Blockchain sẽ được liên kết với khối trước đó, chứa thông tin về thời gian khởi tạo khối kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch.
Công nghệ Blockchain là một công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin mà không cần sự can thiệp của một bên trung gian duy nhất. Nó hoạt động thông qua một mạng lưới ngang hàng và tuân thủ các quy tắc rõ ràng được đặt ra. Thay vì phụ thuộc vào một tổ chức trung gian, Blockchain sử dụng cơ chế phân tán để xác minh và ghi lại thông tin.
Blockchain xuất phát từ tiền điện tử Bitcoin, nhưng không chỉ nằm ở lĩnh vực tài chính mà còn có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành khác. Điểm đặc biệt của Blockchain là khả năng đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật và khả năng xây dựng hệ thống phi tập trung.
Xem thêm: Lịch sử Blockchain: Quá trình hình thành và phát triển
1.2. Đặc điểm nổi bật của Blockchain
Công nghệ chuỗi khối có các đặc điểm chính sau:
Bất biến (Immutable)
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Công nghệ Blockchain là tính bất biến của dữ liệu. Hệ thống Blockchain hoạt động qua một mạng lưới các nút ngang hàng, trong đó mỗi nút lưu trữ một bản sao của sổ cái điện tử chứa các giao dịch đã được xác nhận và chứng minh là hợp lệ. Một khi một bản ghi đã được xác nhận, nó không thể bị thu hồi hoặc chỉnh sửa bởi bất kỳ tác nhân nào. Điều này khẳng định rằng Blockchain là một mạng lưới lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn và không thể thay đổi.
Phân tán (Distributed)
Blockchain cung cấp một sổ cái phân tán minh bạch thông tin về giao dịch cũng như thành viên tham gia trên cùng một mạng lưới. Sổ cái sẽ được phân tán đến tất cả các thiết bị người dùng hệ thống để cùng kiểm soát và duy trì hoạt động của mạng Blockchain. Từ đó đẩy nhanh tốc độ xử lý dữ liệu, đảm bảo được độ an toàn dữ liệu và ngăn chặn kịp thời các hành động tiêu cực ảnh hưởng đến hiệu quả của mạng lưới.
Phi tập trung (Decentralized)
Một Blockchain phi tập trung sẽ không phụ thuộc vào sự kiểm soát và chấp thuận của một máy chủ hay một trung ương quản lý. Thay vào đó, mạng lưới được duy trì và hoạt động bởi các nút tham gia. Mỗi nút có quyền truy cập trực tiếp vào dữ liệu trên mạng lưới và có thể tự quản lý dữ liệu của mình mà không cần phải xin phép. Ngay cả khi một cá nhân hoặc tổ chức bị ngắt kết nối hoặc gặp vấn đề, hệ thống vẫn tiếp tục hoạt động bình thường miễn là có ít nhất hai nút khác trong mạng lưới kết nối với nhau.
Tin cậy (Secure)
Tất cả các giao dịch trên Blockchain đều được mã hóa thông qua một cơ chế mật mã (Cryptography) để tăng cường lớp bảo vệ của dữ liệu thông tin. Trên Blockchain, giao dịch trong khối sẽ được cấp định danh duy nhất dưới dạng một đoạn mã có các ký tự số và chữ khác nhau nhưng luôn có độ dài nhất định (giá trị băm – hash value). Mỗi khối sẽ chứa giá trị băm của giao dịch và giá trị băm của khối trước đó. Chính vì thế việc thay đổi dữ liệu dường như là không thể vì nó dẫn đến thay đổi giá trị băm của tất cả các khối.
Đồng thuận (Consensus)
Mỗi Blockchain sẽ có một cơ chế đồng thuận riêng để người tham gia có thể đưa ra quyết định dễ dàng và đánh giá tính hợp lệ của một giao dịch. Sự đồng thuận trong mạng lưới Blockchain giúp duy trì tính phân quyền giữa các thành viên. Điều này đóng góp vào việc tăng giá trị của mạng Blockchain và xây dựng niềm tin giữa các thành viên và mạng lưới.
Xử lý nhanh chóng (Faster Settlement)
Blockchain đẩy nhanh tốc độ xử lý các giao dịch so với hình thức giao dịch truyền thống. Nhờ vào yếu tố hợp đồng thông minh (smart contract), Blockchain đảm bảo việc thực hiện các điều khoản giữa các tác nhân mà không cần phải thông qua sự can thiệp của bên thứ ba. Điều này giúp việc thanh toán và trao đổi dữ liệu trực tuyến nhanh chóng và chính xác hơn.
Sở hữu những đặc tính nổi bật khắc phục được phần lớn những rủi ro xảy ra trong môi trường giao dịch số, tiềm năng của công nghệ Blockchain trong đời sống thực tiễn là vô tận và mang lại những hiệu quả ngoài mong đợi của người dùng. Với xu hướng áp dụng công nghệ Blockchain phổ biến tại nhiều quốc gia như hiện nay, trong tương lai, Blockchain có thể phát triển trở thành nền tảng của các hệ thống lưu trữ thông tin, dữ liệu trên toàn thế giới.
Xem thêm: Khám phá Ưu và nhược điểm của Blockchain
2. Blockchain hoạt động như thế nào?
Bước 1 – Ghi lại giao dịch
Một giao dịch chuỗi khối cho thấy sự lưu động của các tài sản vật lý hoặc kỹ thuật số từ bên này đến bên khác trong mạng lưới chuỗi khối. Giao dịch được ghi lại dưới dạng một khối dữ liệu và có thể bao gồm các thông tin chi tiết như sau:
- Giao dịch gồm những ai tham gia?
- Điều gì đã xảy ra trong quá trình giao dịch?
- Giao dịch xảy ra khi nào?
- Giao dịch xảy ra ở đâu?
- Giao dịch xảy ra vì lý do gì?
- Phần tài sản được trao đổi là bao nhiêu?
- Có bao nhiêu điều kiện tiên quyết đã được đáp ứng trong quá trình giao dịch?
Bước 2 – Đạt được sự đồng thuận
Hầu hết những người tham gia trên mạng lưới chuỗi khối phân tán phải đồng ý rằng giao dịch được ghi lại là hợp lệ. Tùy thuộc vào loại mạng lưới, các quy tắc thỏa thuận có thể khác nhau nhưng thường được thiết lập khi bắt đầu mạng lưới.
Bước 3 – Liên kết các khối
Khi những người tham gia đã đạt được sự đồng thuận, các giao dịch trên chuỗi khối sẽ được viết vào khối, tương đương với trang giấy trong một cuốn sổ cái. Cùng với các giao dịch, một hàm băm mật mã cũng được thêm vào khối mới. Hàm băm đóng vai trò như một chuỗi liên kết các khối với nhau. Nếu nội dung của khối bị cố ý hoặc vô ý sửa đổi, giá trị băm sẽ thay đổi, mang đến một cách thức để phát hiện dữ liệu bị làm giả.
Do đó, các khối và chuỗi được liên kết an toàn và bạn không thể chỉnh sửa chúng. Mỗi khối được thêm lại tăng cường cho quá trình xác minh khối trước đó và do đó tăng cường cho toàn bộ chuỗi khối.
Bước 4 – Chia sẻ sổ cái
Hệ thống phân phối bản sao mới nhất của sổ cái trung tâm cho toàn bộ người tham gia.
3. Ứng dụng của Blockchain trong các lĩnh vực
Blockchain là một công nghệ mới nổi đang được các ngành khác nhau áp dụng theo cách thức sáng tạo.
3.1. Thị trường trò chơi
Thông thường hầu hết các game truyền thống đều sử dụng mô hình tập trung, trong đó người chơi không có quyền sở hữu thực sự tài khoản cũng như các vật phẩm trong game. Tuy nhiên, hiện nay với các ứng dụng của Blockchain, thị trường trò chơi giải trí đã đã có thể hiện thực hóa được quyền sở hữu trên nền tảng phi tập trung.
Với tài khoản được được liên kết với token trên Blockchain và được duy trì bởi mạng phân tán, người chơi có thể sở hữu vĩnh viễn và kiểm soát tài sản của mình trong trò chơi. Đồng thời người chơi cũng có thể trao đổi và mua bán các vật phẩm trong game để kiếm tiền và thực sự rút được tiền nhờ NFT (non-fungible token) – một ứng dụng của công nghệ của Blockchain.
3.2. Dịch vụ tài chính, ngân hàng
Một trong những khó khăn lớn nhất của lĩnh vực tài chính – ngân hàng đó là bảo mật thông tin cũng như kiểm soát sự trung thực của các bên trung gian. Với việc ứng dụng công nghệ Blockchain, những vấn đề này có thể được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.
Ví dụ: Singapore Exchange Limited, một tổng công ty về đầu tư cung cấp các dịch vụ giao dịch tài chính trên khắp châu Á, sử dụng công nghệ chuỗi khối để xây dựng một tài khoản thanh toán liên ngân hàng hiệu quả hơn. Bằng cách áp dụng chuỗi khối, họ đã giải quyết được nhiều thách thức, bao gồm xử lý hàng loạt và đối soát thủ công hàng nghìn giao dịch tài chính.
3.3. Y tế, chăm sóc sức khỏe
Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang thúc đẩy quá trình số hóa lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Trong đó ứng dụng công nghệ Blockchain được sử dụng rộng rãi nhờ các tính năng đột phá so với các công nghệ truyền thống.
Ví dụ: Singapore đã sử dụng Blockchain để quản lý bệnh án. Tại Diễn đàn Blockchain 2018, ông Tong Hsien-Hui, đại diện của Singapore có chia sẻ: “Ngay khi sử dụng, chúng tôi thấy công nghệ này rất hấp dẫn. Đó là lý do Blockchain được sử dụng để lưu trữ bệnh án trong ngành y tế. Nếu đi khám bệnh ở Sing, hồ sơ bệnh án của bạn sẽ được lưu trữ bằng công nghệ Blockchain. Toàn bộ thông tin được lưu trữ tuyệt mật”.
3.4. Logistics, chuỗi cung ứng
Công nghệ Blockchain giúp hỗ trợ ghi lại dữ liệu về toàn bộ vòng đời sản phẩm, bao gồm tất cả các bước của chuỗi cung ứng. Qua đó, giúp tăng hiệu quả trong quá trình trao đổi thông tin giữa các bên liên quan như theo dõi đơn đặt hàng, lưu trữ thông tin các biên lai, hoá đơn chứng từ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm,…
4. Blockchain thay đổi thế giới như thế nào?
Nhờ ứng dụng công nghệ blockchain để số hóa tài sản, nhà đầu tư có thể giao dịch các loại tài sản có giá trị lớn hoặc vô hình như bất động sản, chứng khoán, vàng, dịch vụ,… trên nền tảng kỹ thuật số an toàn, trong khi vẫn giữ được các đặc tính của tài sản.
Công nghệ blockchain có khả năng thay đổi cách chúng ta giao dịch tài sản, chuyển quyền sở hữu và xác minh giao dịch. Tại Việt Nam, một số đơn vị đã triển khai ứng dụng blockchain để token hóa tài sản, như Quỹ đầu tư GIG Capital với nền tảng GIG Dollar. Nền tảng này giúp các nhà đầu tư dễ dàng tham gia đầu tư tài sản số với rủi ro thấp, thông qua danh mục đầu tư được kiểm định kỹ lưỡng.
Token hóa tài sản đang thay đổi cách chúng ta tương tác với các tài sản có giá trị. Công nghệ blockchain cho phép bất kỳ tài sản nào được đại diện và lưu trữ trên chuỗi khối, do đó mang lại sự minh bạch và bảo mật cao. Tuy nhiên, do các quy định pháp lý về tài sản mã hóa khác nhau giữa các quốc gia, các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng và có kế hoạch rõ ràng trong xây dựng hệ thống chuyển giao giá trị toàn cầu, không biên giới.
Nếu trong tương lai, công nghệ blockchain được ứng dụng một cách hoàn chỉnh và chấp nhận bởi chính phủ, tài sản mã hóa sẽ trở thành xu hướng, là động lực giúp khôi phục nền kinh tế thế giới.
Một số bài viết có thể bạn quan tâm:
Khám phá những xu hướng trí tuệ nhân tạo AI năm 2023: dấu ấn của công nghệ trí tuệ nhân tạo
Top 7 xu hướng công nghệ hứa hẹn sẽ bùng nổ trong tương lai gần
Top 6 phần mềm giúp quản lý vận tải logistics dễ dàng
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thùy Linh
MSV: 21050918
Lớp học phần: INE3104 1
Khóa: QH-2021-E