Bạn chuẩn bị đạt học bổng du học hoặc mong muốn đi nước ngoài? Bạn đang băn khoăn mình cần chuẩn bị gì cho chuyến bay? Đi bằng hình thức nào? Bạn chưa xác định được sẽ đi du học ở đâu? Phải làm sao với những tình huống có thể xảy ra trong chuyến bay? Mọi thắc mắc của du học sinh sẽ được giải đáp ngay dưới đây.
https://www.idp.com/vietnam/preparing-to-go/
Nội dung bài viết
1. Mục tiêu – thời điểm – các hình thức và địa điểm du học
-
Lên mục tiêu rõ ràng cho bản thân
Mỗi du học sinh sẽ có một mục tiêu riêng cho chính mình, bởi lẽ du học là một ngã rẽ cuộc đời, nó thay đổi cả tương lai của bạn. Vì thế bạn cần xác định rõ mục tiêu cho chuyến du học này của bạn là để làm gì.
-
Thời điểm nào là tốt để du học?
Một thời điểm tốt là khi chúng ta có đủ vốn kiến thức, vốn ngoại ngữ, chuẩn bị kỹ tinh thần để có thể sống tự lập ở trong môi trường mới, đặc biệt là kinh nghiệm sống. Chứ không phụ thuộc vào một ngày tháng cụ thể nào cả.
-
Chọn hình thức du học
Có 3 loại hình thức chính là: Tự túc, học bổng và vừa học vừa làm.
Ở Việt Nam, học bổng là hình thức mà phần lớn du học sinh thường lựa chọn nhưng đổi lại nó đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn nhất.
Hình thức du học “nhàn” nhất có lẽ là du học tự túc nhưng nó cần dựa vào điều kiện của mỗi gia đình vì những chi phí phải bỏ ra là cực đắt đỏ.
Để vừa học vừa làm ở một nơi xa xứ, bạn cần trang bị cho mình kinh nghiệm sống tốt, một sức khỏe tốt, khả năng tiếp thu nhanh, sắp xếp thời gian hợp lý để cân bằng giữa học và làm.
-
Lựa chọn địa điểm du học
Đừng nên bắt theo trào lưu! Việc bạn chọn sai địa điểm sẽ làm ảnh hưởng đến cả quá trình du học của bạn.
Bạn có thể xem xét những tiêu chí sau để chọn địa điểm du học phù hợp nhất:
+ Có thể phát triển ngành học/lĩnh vực nghiên cứu
+ Biết sử dụng ngôn ngữ ở đây
+ Ưa thích ẩm thực, văn hóa và phong tục tập quán
+ Bạn đủ khả năng chi trả được các khoản phí (chi phí học tập, sinh hoạt, mức sống)?
+ Cơ hội làm việc/định cư sau khi học
+ Sự phù hợp về khoảng cách địa lý
+ Cơ hội để xin được Visa
+ An ninh, trật tự xã hội ở đó có ổn không?
2. Kinh nghiệm chuẩn bị trước khi lên đường
Các giấy tờ cần thiết
- Passport và Visa nhập cảnh của nước mình theo học.
- Thư mời nhập học (có thể kèm theo xác nhận đóng học phí cho trường).
- Bằng tốt nghiệp và học bạ/bảng điểm để làm thủ tục nhập học khi tới trường (tùy vào yêu cầu của trường).
- Photo, công chứng các loại giấy tờ tùy thân (giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ chiếu,…); đồng thời lưu lại bản sao trong điện thoại/máy tính/bộ nhớ đám mây và một bản cho gia đình ở Việt Nam để phòng những trường hợp cần thiết. Những giấy tờ bằng tiếng Việt cũng nên đi dịch sang tiếng Anh và công chứng.
- Hình thẻ 3×4 để sử dụng khi cần.
- Vé máy bay.
Chuẩn bị hành lý đầy đủ
Cần tự lập cho mình một danh sách ghi lại những thứ bạn sẽ mang đi để đem lên máy bay bao gồm những thứ cơ bản sau:
- Hộ chiếu (passport) và Visa du học sinh còn hiệu lực
- Giấy xác nhận ghi danh COE (Confirmation of Enrolment)
- Một ít tiền mặt: dành cho khi bạn mới đến
- Thuốc men và vật dụng y tế
- Bộ chuyển đổi điện áp du lịch: Dùng cho các món đồ điện tử
- Từ điển bỏ túi
- Bản đồ (nước bạn sẽ đến)
- Các vật dụng khác như: Máy ảnh, tai nghe, điện thoại; một vài bộ quần áo theo mùa (dùng trong trường hợp thất lạc hành lý ký gửi); Sổ ghi chép (thông tin về chỗ ở, sắp xếp người đón ở phi trường, danh sách điện thoại)
Ngoài ra cũng cần TRÁNH một số món đồ không nên mang theo gây lãng phí hoặc có vấn đề khi làm thủ tục xuất/nhập cảnh như dưới đây.
Về mặt tư tưởng khi đi du học
Chuẩn bị một tâm lý vững chắc, sẵn sàng cho hành trình cũng là vấn đề cần lưu tâm. Ở đâu, dù làm gì thì cũng đều có khó khăn, thử thách. Vì thế, là một du học sinh cần gạt bỏ tư tưởng “Du học là thiên đường của sự tự do, là miền đất hứa” để vượt qua mọi rào ải của nhớ nhà; áp lực học tập; khác ngôn ngữ, khác màu da và phong tục; cuộc sống bè bạn khi lệch múi giờ;… đều có thể làm bạn nản lòng, thậm chí là bỏ về nước đấy.
Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị thu xếp chu đáo cho khi đặt chân tới nơi:
-
- Sắp xếp người đón tại phi trường trước khi chuyến bay của bạn đến nơi
- Tải xuống một ứng dụng để bạn có thể liên lạc với gia đình và bạn bè khi dùng Wi-Fi
- Nắm rõ các thông tin chi tiết về thời gian, đường đi, các chi tiết liên hệ với trường nếu trường sắp xếp chuyến đi cho bạn.
- Nếu không có người thân bên nước ngoài thì nên ở trong ký túc xá. Khi đã làm quen dần có thể tìm chỗ trọ rẻ hoặc ở theo kiểu homestay với người bản xứ.
3. Những tình huống thường gặp trong chuyến đi và cách xử lý
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chuẩn bị để ứng phó với những tình huống hay gặp phải có thể xảy ra cho chuyến bay.
– Cân nặng hành lý: Kiểm tra trước cân nặng hành lý mà hãng hàng không cho phép. Để chắc chắn rằng không phải bỏ lại đồ hoặc đóng thêm phí.
- Chú ý: Những vật dụng như dao, kéo, chất lỏng cần đặt trong hành lý ký gửi vì lí do an ninh.
– Bị yêu cầu kiểm tra hành lý sau khi đi qua máy quét an ninh: Đó là một điều bình thường. Bạn hãy bình tĩnh và làm theo yêu cầu của nhân viên an ninh. Họ sẽ trực tiếp mở hành lý và dùng máy soi xác định vị trí vật khả nghi. Do đó, bạn nên biết trong va ly của mình có gì và trả lời câu hỏi của nhân viên an ninh là được.
– Thất lạc hành lý ký gửi: Với hệ thống sân bay lớn như nước ngoài, việc thất lạc là bình thường. Bạn cần tới khu vực “Lost and Found” ở sân bay và làm theo những chỉ dẫn của họ để mô tả hành lý và cung cấp thông tin cá nhân. Nên gắn thẻ ghi đầy đủ thông tin cá nhân để dễ nhận dạng hành lý của mình. Khoảng một tuần sau hành lý sẽ được sân bay gửi trả lại bạn mà không mất một khoản phí nào.
– Không tìm được cổng check-in chuyến bay kế tiếp hay bị lạc đường: Hãy để ý thông tin trên vé máy bay và nhìn những bảng chỉ dẫn, bạn có thể tìm được đường đi hoặc hỏi bất kỳ nhân viên sân bay nào (kể cả là nhân viên dọn vệ sinh), họ sẽ vui vẻ chỉ cho bạn, thậm chí trực tiếp dẫn bạn đi. Trong trường hợp gần trễ chuyến bay, họ còn có thể thông báo cho bộ phận bay chờ bạn thêm một chút.
Ngoài ra, bạn cũng đừng nói chuyện, giúp giữ đồ hay nhờ người lạ giữ đồ. Luôn để mắt đến hành lý và an toàn của bản thân. Vì nếu có chuyện xảy ra sẽ rất khó giải quyết và còn có thể làm bạn nhỡ chuyến bay, nhỡ cơ hội của mình.
Sau bài viết này, chắc hẳn bạn đã có phần nào những kỹ năng cho bản thân để chuẩn bị cho một chặng đường du học suôn sẻ. Để hiểu rõ hơn về cuộc sống của du học sinh, các bạn có thể xem Kinh nghiệm về cuộc sống của du học sinh, 5 khó khăn của du học sinh, du học – cú sốc văn hóa. Chúc bạn thành công!
Người thực hiện: Đoàn Thị Phương