Nội dung bài viết
Kinh tế Anh 2022 bị ảnh hưởng bởi Brexit như thế nào?
Đã hai năm kể từ khi cựu Thủ tướng Boris Johnson ký thỏa thuận thương mại Brexit và tuyên bố đắc thắng rằng nước Anh sẽ “thịnh vượng, năng động và mãn nguyện” sau khi hoàn tất việc rời khỏi Liên minh châu Âu.
Theo ông Johnson, thỏa thuận Brexit sẽ cho phép các doanh nghiệp của Anh “làm ăn nhiều hơn nữa” với Liên minh châu Âu và sẽ để Anh tự do thực hiện các thỏa thuận thương mại trên khắp thế giới trong khi tiếp tục xuất khẩu thuận lợi sang thị trường 450 triệu người tiêu dùng của EU.
Trên thực tế, cuộc trưng cầu dân ý rời EU khiến các gia đình nghèo hơn trong khi những bất ổn trong đàm phán Brexit giữa Anh và EU tác động xấu tới hoạt động đầu tư kinh doanh và các rào cản thương mại mới phá hỏng mối quan hệ kinh tế song phương.
Kể từ trước đại dịch COVID-19, Brexit đã gây khó khăn cho nền kinh tế Vương quốc Anh, vốn là thành viên của G7 – Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Và cho đến nay Anh là nền kinh tế duy nhất trong nhóm chưa phục hồi trở lại mức tăng trưởng của cuối năm 2019. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Anh trong 2 năm 2020 và 2021 sẽ phát triển kém hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến khác trừ Nga.
Tháng 8/2022, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo rằng nước này sẽ rơi vào suy thoái kinh tế cuối năm 2022 và không thoát khỏi viễn cảnh này cho đến đầu năm 2024, phần lớn là do mức sống bị ảnh hưởng từ việc tăng giá năng lượng.
Số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố hôm 19/10 cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tại Anh ghi nhận trong tháng 9 đã tăng từ 9,9% hồi tháng 8 lên 10,1%. Chỉ số này là mức lạm phát cao nhất trong 40 năm qua.
Các chuyên gia nhận định Brexit đã gây ra 3 tác động đối với sự thịnh vượng của Anh:
Kinh tế Anh 2022 – Đồng bảng Anh mất giá
Đồng bảng Anh mất giá hơn 10%, giảm 19% so với đô la Mỹ kể từ khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào ngày 23/06/2016. Sự sụt giảm này khiến giá nhập khẩu, chi phí kinh doanh và lạm phát tăng trong khi không giúp tăng lương và thúc đẩy xuất khẩu hoặc khả năng cạnh tranh của kinh tế Anh.
Tổ chức Resolution Foundation ước tính đồng bảng mất giá dẫn đến lương thực tế giảm 2,9%, khiến các hộ gia đình mất 870 bảng/năm.
Một bầu không khí u ám bao trùm nền kinh tế Vương quốc Anh bởi số lượng lớn những người lao động đình công, những người bỏ việc vì ảnh hưởng của lạm phát lên tiền lương của họ. Đồng thời, chính phủ đang cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để lấp lỗ hổng ngân sách.
Hoạt động đầu tư kinh doanh không tăng theo giá trị thực
Nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Panmure Gordon (Anh), Simon French, cho biết Brexit khiến chi phí vốn của các công ty Anh tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh doanh sụt giảm ở Anh.
Ông nhấn mạnh trong khi các quốc gia khác cũng ghi nhận đầu tư kinh doanh kém trong thời kỳ đại dịch, tác động này tệ hơn rất nhiều tại Anh, chỉ ra rằng so với xu hướng của EU và Mỹ, mức đầu tư tại Anh thấp hơn khoảng 6 tỷ bảng/năm.
Theo kết quả các nghiên cứu mới nhất về định lượng tác động thương mại của thỏa thuận hợp tác và thương mại (TCA) giữa Anh và EU, có hiệu lực vào đầu năm 2021, thương mại giữa hai bên giảm mạnh, chủng loại hàng hóa trao đổi cũng giảm, đồng thời mối quan hệ thương mại giữa các doanh nghiệp của hai phía bị cắt đứt.
Một số chuyên gia cho biết những sụt giảm rõ rệt trong thương mại của Anh trùng với thời điểm Brexit. Theo Giáo sư Martina Lawless tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Ireland, Brexit có tác động “tiêu cực đáng kể” tới Anh và thương mại của Anh lẽ ra đã tăng trưởng nếu không có thỏa thuận Brexit có hiệu lực vào tháng 1/2021. Theo ước tính của bà, nhập khẩu và xuất khẩu của Anh với EU giảm gần 20%.
Giáo sư kinh tế Jun Du tại Trường Kinh doanh Aston cho rằng nghiên cứu của bà cho thấy xuất khẩu của Anh sang EU hiện thấp hơn 26% so với trước đây khi không có những rào cản thương mại mới.
Tác động này có thể thấy rõ nhất trong thương mại hàng hóa, như xuất khẩu thực phẩm, nơi có các rào cản kỹ thuật và yêu cầu kiểm tra cửa khẩu chặt chẽ, số lượng hàng hóa giao dịch giảm mạnh trong khi chủng loại hàng giảm xuống còn 42.000 từ 70.000 trước khi các quy định mới có hiệu lực.
Các nhà kinh tế cho biết có những bằng chứng tương tự trong thương mại dịch vụ. Vào tháng trước, bà Dhingra, Phó Giáo sư Kinh tế tại Trường Kinh tế London và là thành viên bên ngoài của Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh, khẳng định trước Quốc hội có sự “đình trệ” trong xuất khẩu vì dữ liệu thương mại của lĩnh vực này không bị bóp méo bởi những thay đổi trong phương pháp thu thập dữ liệu.
Thiệt hại nặng nề về kinh tế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Jeremy Hunt tuần trước cho biết ông không chấp nhận ước tính của Văn phòng đối với ngân sách trách nhiệm (OBR) rằng Brexit đã khiến kinh tế Anh giảm 4%.
Ông khẳng định “có những cơ hội lớn để Anh trở nên giàu có hơn nhiều so với những gì đã có” viện dẫn các quyền tự do pháp lý và các thỏa thuận thương mại có thể đạt được với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính phủ không định lượng được những lợi ích tiềm năng này và với những thỏa thuận thương mại đã đạt được – như thỏa thuận với Australia – lợi ích của các thỏa thuận này ước tính rất nhỏ, chỉ giúp tăng sản lượng thêm 0,08%. Các nhà kinh tế cho rằng đây là khoản bù đắp ít ỏi cho những thiệt hại kinh tế mà đất nước phải gánh chịu cho đến nay.
Nhà kinh tế trưởng tại CBI Martin Sartorius cho biết: “Các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với một số trở ngại, với chi phí gia tăng, tình trạng thiếu lao động và nhu cầu sụt giảm góp phần tạo nên triển vọng ảm đạm cho năm tới.”
Vương quốc Anh được dự đoán là một trong những nền kinh tế hoạt động kém nhất vào năm tới trong số các quốc gia phát triển.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự đoán nền kinh tế Anh sẽ giảm 0,4%, chỉ đứng sau Nga bị trừng phạt. GDP ở Đức được dự báo sẽ nhỏ hơn 0,3%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo mức tăng trưởng GDP của Vương quốc Anh trong năm tới chỉ là 0,3%, chỉ đứng sau Đức, Ý và Nga, những nền kinh tế dự kiến sẽ giảm.
Cả hai tổ chức đều cho rằng lạm phát cao và lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Anh.
Giới chuyên gia nhận định, rõ ràng, Brexit đã phần nào làm yếu đi các nền tảng của sự ổn định tại Anh. Thêm nữa, đại dịch COVID-19 trong 3 năm qua và cả chiến sự tại Ukraine đã “giáng đòn” quyết định, khiến sóng gió bủa vây “xứ sở sương mù”.
Xem thêm các bài viết khác tại đây:
-> Kinh tế Trung Quốc sau Covid-19
-> Kinh tế Việt Nam 2022: Thành công nhưng không chủ quan
-> Tình hình kinh tế Việt Nam cuối 2022