“SỐC TẬN ÓC” VỚI TOP 10 MÔN THỂ THAO MẠO HIỂM TRÊN THẾ GIỚI

Trên thế giới có đa dạng các môn thể thao vừa giúp rèn luyện sức khỏe vừa mang tính giải trí, nhưng bạn đã bao giờ nghe đến những môn thể thao mạo hiểm mà khi chơi xong chỉ muốn “sốc tận óc” luôn chưa? Hãy cùng EZCOMCLASS tìm hiểu top 10 môn thể thao mạo hiểm giật gân trên thế giới nhé!

Tuy nhiên các bạn cũng đừng ham mạo hiểm mà chơi những môn thể thao mạo hiểm này nhé, các môn thể thao này chỉ nên chơi khi các bạn đã là dân “lành nghề” thôi nha!

1. Volcano Boarding: Đùa với “Thần lửa”

Trong khi mọi người cố gắng tránh xa núi lửa thì có một số người lại tìm đến nó và tạo nên một môn thể thao mạo hiểm mới – Volcano Boarding. Môn thể mạo hiểm này còn khá mới lạ và chưa được phổ biến rộng rãi.

 Chỉ với một tấm ván trượt mỏng bằng gỗ hoặc kim loại và một sợi dây được buộc chặt vào ván, có tay cầm bằng thanh gỗ tròn lăn được là bạn đã có thể dễ dàng tham gia. Điều quan trọng và thu hút của môn thể thao mạo hiểm này đó là địa điểm lý tưởng – sườn núi lửa. Người chơi sẽ tìm đến những ngọn núi lửa vừa nguội sau đợt phun trào và lựa chọn những bãi trượt tương đối an toàn, ít ghềnh, dốc. 

Mountain Boarding - môn thể thao mạo hiểm
Người chơi Mountain Boarding ở núi lửa Cerro Negro, Nicaragua

Người tham gia trượt phải có tư thế chắc chắn, người ngả về sau, hai tay nắm chắc tay cầm rồi lái theo hướng mình thích với vận tốc có thể lên đến 95km/h. Đối với những ai muốn thử thách bản thân hơn, họ sẽ không trượt theo đúng tư thế, có thể đứng trượt hoặc ngồi thẳng trượt mà không cần ngả về sau. Nhìn thì rất đơn giản nhưng độ nguy hiểm của môn thể thao này cực cao vì độ nóng còn lại của núi lửa hay độ sắc bén của những viên đá trên bãi trượt nên cần phải đeo kính và mặc đồ bảo hộ dày.

Núi lửa Cerro Negro ở Nicaragua là một trong những điểm đến thu hút rất nhiều người tìm đến với hoạt động trượt ván từ miệng núi lửa xuống phía dưới trên quãng đường dài hơn 700m. Ở Việt Nam cũng có loại hình gần tương tự như: trượt cát ở Quy Nhơn, Mũi Né và trượt cỏ ở Đồng Nai.

2. Wingsuit Flying

Wingsuit Flying có lẽ là môn thể thao mạo hiểm biến giấc mơ được bay trên đôi cánh của con người thành hiện thực, được phát minh vào cuối những năm 1990.

Wingsuit flying - môn thể thao mạo hiểm
Wingsuit Flying

Để tham gia người chơi sẽ sử dụng bộ đồ bay (wingsuit) được thiết kế đặc biệt với những chất liệu siêu nhẹ, cung cấp diện tích bề mặt lớn hơn so với cơ thể người tiêu chuẩn, tạo ra lực nâng lớn. Hai cánh tay, đôi chân cùng cơ thể tạo ra một mặt phẳng, cản gió giúp người chơi bay lượn trên không trung và tiếp đất bằng việc bung dù. Địa điểm để thực hiện thường là trên những đỉnh núi có độ cao trung bình trên 5000m, đỉnh các tòa nhà cao tầng, nhà chọc trời hoặc nhảy từ máy bay trực thăng.

 Wingsuit Flying cũng được đánh giá là đỉnh cao của các môn thể thao mạo hiểm. Tuy nhiên, Wingsuit Flying không được khuyến khích vì rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Có thể khẳng định, những người chơi môn thể thao này, phải có thể lực cực tốt và điều quan trọng hơn là họ cần có ”thần kinh thép”. Bởi khi rơi với vận tốc trung bình lên tới 100 km/h, nếu để xảy ra dù chỉ sơ xuất nhỏ, thì tính mạng của họ sẽ khó được đảm bảo.

Một số kỷ lục  đáng nhớ của Wingsuit Flying:

– Bay với tốc độ nhanh nhất: 363 km/h, do VĐV thể thao mạo hiểm người Nhật Shin Ito thiết lập vào ngày 28/5/2011, theo Guinness World Records.

– Thời gian lâu nhất và độ cao điểm xuất phát kỷ lục: Lần lượt là 9 phút 6 giây và 11.358 m do Jhonathan Florez (người Columbia) thiết lập vào 20 – 21/4/2012 tại La Guajira, Columbia.

– Hạ cánh không cần mở dù: Kỷ lục đặc biệt này do diễn viên đóng thế người Anh Gary Connery thiết lập ngày 23/2/2012.

3. Wing Walking 

Wing walking có lẽ là môn thể thao mạo hiểm trên không mang đến cảm nhận chân thực nhất, đã đời nhất trên bầu trời. Môn thể thao này trước đây chỉ dành cho các vận động viên chuyên nghiệp được huấn luyện đặc biệt nhưng sau này đã được mở rộng và được nhiều người yêu thích. 

Wing walking - môn thể thao mạo hiểm
Wing Walking

Người chơi khi thực hiện môn thể thao mạo hiểm này sẽ được cố định vào một cục kim loại trên nóc máy bay, được thắt nhiều loại dây an toàn khác nhau, đảm bảo giảm tối đa nguy cơ tai nạn. Đứng trên nóc máy bay, người chơi sẽ hòa nhịp theo chuyển động của máy bay (300 km/ 200 dặm/ giờ) với những pha nhào lộn thót tim. Đặc biệt, trước khi trải nghiệm những người tham gia đều bắt buộc phải tham gia khóa học ngắn hạn và trải qua bài kiểm tra kỹ năng cũng như kiểm tra sức khỏe. 

Năm 2013, được  mệnh danh “người không sợ chết” – cụ ông Tom Lackey đã trở thành người lớn tuổi nhất trên thế giới đi bộ trên thân máy bay trong khi nó đang bay qua biển Ailen. Năm 2005 ông được sách kỷ lục thế giới công nhận là người cao tuổi nhất đứng trên một chiếc máy bay. Khi đó ông 85 tuổi.

Wing walking - thể thao mạo hiểm
Cảnh tượng cụ ông Tom Lackey đứng trên nóc máy bay

Bạn có thể thưởng thức Wing Walking tại hai quốc gia nổi tiếng là Anh và Dubai (UAE). Và đây là một trong những môn thể thao mạo hiểm có chi phí tham gia rất đắt đỏ.

4. Nhảy Bungee

Cú nhảy Bungee hiện đại đầu tiên bắt đầu ngày 1/4/1979 được thực hiện nhảy từ Clinton cao 80m ở Bristol, Anh do hai thành viên câu lạc bộ thể thao nguy hiểm Oxford là David Kirke và Simon Keeling. Kể từ đó môn thể thao mạo hiểm này trở nên phổ biến rộng rãi, được nhiều người quan tâm, yêu thích và có mặt ở hầu hết các điểm đến trên thế giới.

Những pha nhảy Bungee thường được thực hiện từ các cây cầu, tòa nhà cao tầng, khinh khí cầu hay thậm chí là nhảy từ trên trực thăng xuống,… Người chơi sẽ được buộc dây đai quanh người rồi quăng mình xuống dưới mặt đất hoặc mặt nước. Khi chỉ còn cách bề mặt tiếp xúc không xa, bạn sẽ được kéo lên. Cảm giác chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân, chinh phục độ cao sẽ khiến bạn cực kỳ phấn khích.

Nhảy Bungee - môn thể thao mạo hiểm
Người chơi nhảy Bungee từ trên cầu

Có nhiều hình thức nhảy Bungee, thông thường là buộc dây vào chân, thả mình từ cao xuống, tận hưởng cảm giác không trọng lượng khi dây đai bật lại trong không trung. Bungee ngược xuất phát từ mặt đất, dây đai được kéo căng để người chơi bắn lên không trung. Với Bungee trampoline, người chơi được giữ ở giữa hai đầu dây lò xo kéo căng buộc vào hai đầu cột cao.

10 địa điểm nhảy bungee cao nhất thế giới theo bình chọn của đài CNN:
– Cầu Royal Gorge, Colorado, Mỹ cao 321m
– Tháp Macao, Ma Cao, Trung Quốc cao 233m
– Đập Verzasca, Ticino, Thụy Sĩ cao 220m
– Cầu Bloukrans, Western Cape, Nam Phi cao 216m
– Cầu Europabrucke, Innsbruck, Áo cao 19 m
– Cầu Niouc Bridge, Val d’Anniviers, Thụy Sĩ cao 190m
– Altopiano di Asiago, Vicenza, Italy cao 175m
– Đập Kolnbrein, Carinthia, Áo cao 169m
– Đập Vidraru, Curtea de Arges, Romania cao 166m
– The Last Resorst, sông Bhote Kosi, Nepal cao 16m

Tại Việt Nam, hiện nay môn thể thao mạo hiểm Bungee mới chỉ có tại Nha Trang với độ cao 15m. 

5. Leo núi băng trong đêm

Leo núi băng trong đêm được xem là một môn thể thao mạo hiểm rất ít người trên thế giới dám thử thách. Đây là một môn thể thao nghe tên còn khá mới lạ.

Leo núi băng trong đêm - môn thể thao mạo hiểm
 Người chơi leo núi băng trong đêm trên dãy núi Alpes

Địa điểm lý tưởng để leo núi băng trong đêm là những thác nước đóng băng cao hàng chục mét thuộc dãy núi Alpes – nơi nhiệt độ thường xuống tới âm 30 độ C. Người chơi thường chọn lúc đêm xuống để bắt đầu cuộc hành trình của mình. Cảnh tượng băng lung linh kết hợp với nền trời huyền ảo đã tạo ra một bức tranh thiên nhiên đẹp đến “nghẹt thở”.

Thách thức lớn nhất khi tham gia leo núi trong đêm là nhiều người cùng leo khiến những mảng băng rơi từ trên cao xuống và người phía dưới phải thật vững tinh thần mới vượt qua được nguy hiểm. Xem thêm tại: https://bit.ly/3F1P1i5

6. Highlining

Bạn có biết Highlining được coi là đỉnh cao của các môn thể thao mạo hiểm?

Highlining - môn thể thao mạo hiểm
  Người chơi Highlining sử dụng dây an toàn

Highlining có thể được hiểu là môn thể thao đi thăng bằng trên dây.  Vận động viên sẽ đi bộ thăng bằng trên một sợi dây, dày khoảng 2,5cm và được cố định giữa hai thành đá hoặc núi. Sợi dây thừng này không có cực cân bằng và không có lưới. Do ở trên độ cao lớn nên sẽ dễ gặp phải việc gió giật mạnh, sợi dây rung lắc. Tuy nhiên, khi bị ngã sẽ rất bất tiện để bám lại vào sợi dây. 

Andy Lewis là người đã thực hiện thử thách Highlining qua 13m dây thừng mà không dùng đến thiết bị an toàn nào tại khe núi sâu 300m ở Flat Sands, California, Mỹ.

Highlining - môn thể thao mạo hiểm
Màn trình diễn đi bộ trên dây liều lĩnh của Andy Lewis

Tự do thả mình vào một không gian hùng vĩ ở độ cao vài ngàn mét có lẽ những ai đã trải qua cảm giác đó đều cảm thấy xứng đáng với những gì mà họ đã mạo hiểm.

7. Cave Diving

Cave Diving là môn thể thao mạo hiểm tạo cho bạn cơ hội khám phá những địa điểm ít ai biết tới nằm sâu trong những hang động chật hẹp dưới đáy biển, thu hút rất nhiều người đam mê lặn và ưa mạo hiểm.

Cave Diving - môn thể thao mạo hiểm
Cave Diving

Môn thể thao này có rất nhiều rủi ro, nguy hiểm ngay cả khi bạn là một thợ lặn xuất sắc. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình lặn nguy hiểm này bao gồm: bạn sẽ phải mạo hiểm trong không gian chật hẹp, thiết bị hỏng hóc, gặp những sinh vật biển nguy hiểm, sức chảy của dòng nước và khả năng bị lạc dưới đáy hang động rất cao. Tình huống nguy hiểm khác khi thực hiện môn thể thao mạo hiểm này là mất ánh sáng, mất tầm nhìn trong hang động tối.

Vì vậy, môn thể thao mạo hiểm này chỉ nên được thực hiện bởi những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, được đào tạo bài bản phù hợp với khả năng của từng người. Trước khi lặn cần phải cung cấp đủ nước cho cơ thể vì đây là điều quan trọng nhất luôn luôn phải nhớ, nó sẽ giúp giảm rủi ro mắc chứng giảm áp có nguy cơ dẫn đến tử vong. Luôn luôn phải học được cách bình tĩnh trước áp lực.

Để thực hiện được chuyến thám hiểm hang Sơn Đoòng, Việt Nam các chuyên gia lặn hang động nước Anh là Martin Holroyd, Rick Stanton, Jason Mallinson và Chris Jewell đã phải chuẩn bị hơn 500kg thiết bị chuyên dụng được vận chuyển từ Anh sang Việt Nam và được những người khuân vác chuyên nghiệp đưa vào khu vực hang Sơn Đoòng trong 2 ngày liên tục.

8. Parkour

Parkour có lẽ không còn xa lạ với những bạn đam mê thể thao đặc biệt là các môn thể thao mạo hiểm. Các “tín đồ” của bộ môn này – nam được gọi là “Traceur”, nữ là “Traceuse”.

Parkour - môn thể thao mạo hiểm
Các Traceur thực hiện Parkour trên nóc nhà cao tầng

Đây là kiểu thể thao vận động với những cú nhảy vượt chướng ngại vật nhưng không phải là kiểu nhảy bình thường. Parkour được thực hiện ở vách của những tòa nhà cao tầng, nơi có chiều cao tương đối cao so với mặt đất. “Chơi Parkour không khác gì tự sát” bởi tử vong là rủi ro thường gặp trong môn này. Bởi vậy, nó bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới như thị trấn Horsham (Anh) hay thành phố New York (Mỹ).

Trước khi bắt đầu vào thực nghiệm trò Parkour thì bạn cần trải qua sự luyện tập theo trình tự nâng dần lên của các độ cao địa hình. Và có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật nhảy Parkour một cách chuyên nghiệp nhất. Tiếp theo đó là sự chuẩn bị về các phương án phòng vệ để phòng những trường hợp xấu có thể xảy ra. 

9. Mountain Unicycling

Mountain Unicycling - môn thể thao mạo hiểm
Môn thể thao mạo hiểm Mountain Unicycling

Nếu như đạp xe địa hình bằng hai bánh đã rất cần những kỹ thuật điều khiển xe đạp tuyệt vời như bo cua, bốc đầu… cùng với tinh thần phải luôn thật mạnh mẽ, có chiến thuật tỉ mỉ, có thể chịu được thử thách trên nhiều địa hình khác nhau thì Mountain Unicycling lại càng thử thách người tham gia nhiều hơn.

Môn thể thao mạo hiểm Mountain Unicycling được thực hiện bằng xe đạp một bánh và hay thường được gọi với tên khác là Muni. Những cung đường mòn, có địa hình dốc, nhiều đá trên những ngọn núi cao, gồ ghề, ít bằng phẳng là sự lựa chọn hàng đầu đối với những người thích cảm giác mạnh. Ngoài ra, môn thể thao mạo hiểm này đòi hỏi độ bền, thành thạo sự cân bằng.

10. Free solo climbing 

Free solo climbing là môn thể thao người chơi tự leo núi một mình bằng tay không cùng một túi bột Magie nhằm tăng độ ma sát cho ngón tay. Ngoài ra, người chơi sẽ không sử dụng bất kỳ các dụng cũ hỗ trợ nào, kể cả dây thừng, dây móc hay các đồ bảo hộ khác bởi chúng sẽ gây vướng víu và cản trở nhiều trong quá trình di chuyển.

Free solo climbing - môn thể thao mạo hiểm
Nhà leo núi Alex Honnold thực hiện Free solo climbing

Mục tiêu của những người chơi là chinh phục những đỉnh núi cao hơn độ cao an toàn, hiểm trở hay những vách đá dựng đứng. Chỉ với một sai sót nhỏ thôi sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Hiện hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không ủng hộ môn thể thao mạo hiểm này vì nó quá nguy hiểm, nguy hiểm đến mức điên rồ. Điển hình là câu chuyện về phượt thủ người Anh – Aiden Webb đã không may thiệt mạng khi chinh phục đỉnh Fansipan bằng tay không mặc dù anh là nhà leo núi giàu kinh nghiệm. Hay tháng 8/2014, Brad Parker – phượt thủ người Mỹ đã thiệt mạng vì rơi xuống từ độ cao gần 100m.

Kết luận

Tuy “sốc tận óc” thật nhưng cũng không thể phủ nhận các bộ môn thể thao mạo hiểm có sức hút rất lớn phải không nào? Bạn thích thú với môn thể thao nào nhất trong 10 loại kể trên, hãy chia sẻ với EZCOMCLASS ngay nhé!

Tham khảo các chuyên mục thể thao khác tại:

10 bài tập thể dục giảm mỡ toàn thân hiệu quả nhanh gọn tại nhà cho các nàng “lười”

5 loại anime thể thao khơi gợi cảm hứng tập luyện cho bạn

Thể thao và 6 lợi ích tuyệt vời mà có thể bạn chưa biết

Đào Quỳnh Trang