Thời gian gần đây, xu hướng thời trang bền vững, như một phản ứng tự nhiên đối với những tác động tiêu cực của ngành công nghiệp này, đã nổi lên như một làn sóng mới. Ngày càng nhiều người tiêu dùng và các nhãn hiệu thời trang chuyển hướng đến mục đích tạo ra và ủng hộ những sản phẩm mang lại giá trị không chỉ từ góc độ thẩm mỹ mà còn từ sự quan tâm đến các vấn đề môi trường và cộng đồng xã hội.
Vậy thời trang bền vững là gì? Xu hướng này liệu sẽ mang lại những tác động tích cực thế nào đến đời sống? Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những khía cạnh này.
Nội dung bài viết
I. Thời trang bền vững là gì?
(Thời trang bền vững (thời trang “xanh”)
Đứng trước thực trạng và những thử thách được đặt ra hiện nay, thời trang bền vững đang ngày càng trở thành một xu hướng tất yếu trong tương lai. Thời trang bền vững (Sustainable Fashion) có nghĩa là những sản phẩm thời trang được thiết kế theo tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, không làm tổn hại về môi trường và kinh tế. Các sản phẩm này thường được làm từ các chất liệu tái chế, tái sử dụng, hoặc có nguồn gốc bền vững.
Sau khi thời trang nhanh (fast fashion) ra đời vào thế kỷ 20, sự hao hụt tài nguyên thiên nhiên (nước, nguyên vật liệu, dầu mỏ và nhiêu liệu) tăng cao do khối lượng mặt hàng sản xuất tăng vọt. Hậu quả là lượng rác thải từ ngành thời trang đổ ra những bãi rác ngày càng nhiều, gây ô nhiễm nguồn nước và làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.
Do đó, sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thời trang là bắt buộc.
Xem thêm: Thời trang bền vững hiểu thế nào cho đúng?
II. Những xu hướng thời trang bền vững nổi bật ở Việt Nam:
Xu hướng thời trang bền vững bắt đầu được đón nhận tại Việt Nam từ năm 2016, khi người tiêu dùng bắt đầu ưu tiên các sản phẩm quần áo bền vững thay vì xu hướng thời trang nhanh (Fast fashion). Cùng lúc đó, sự nổi lên của xu hướng thời trang bền vững cũng được lan tỏa mạnh mẽ bởi sự lăng xê của những fashionista, người mẫu nổi tiếng của Việt Nam. Trong số đó nổi bật lên là một số các xu hướng thời trang bền vững như:
1. Sử dụng các chất liệu tái chế, tái sử dụng:
Đây là một trong những xu hướng thời trang bền vững, phổ biến nhất hiện nay. Các chất liệu tái chế, tái sử dụng có thể được thu hồi từ các nguồn khác nhau, chẳng hạn như rác thải nhựa, quần áo cũ,… Chúng vừa giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, vừa giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
2. Sử dụng các chất liệu bền vững:
Các chất liệu bền vững là những chất liệu có thể sử dụng được trong thời gian dài mà không bị hư hỏng. Chúng thường được làm từ các nguyên liệu có thể tái tạo, như sợi bông hữu cơ, sợi tre,…
3. Sản xuất theo quy trình xanh:
Quy trình xanh là quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Các thương hiệu thời trang bền vững thường áp dụng các quy trình sản xuất xanh, chẳng hạn như việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng nước sử dụng,…
4. Tăng cường tái sử dụng và sửa lại quần áo cũ:
Thay vì mua sắm các sản phẩm mới, nhiều người tiêu dùng hiện nay lựa chọn tái sử dụng và sửa lại quần áo cũ. Điều này vừa giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, vừa tiết kiệm chi phí.
Xem thêm: Thời trang bền vững: Xu hướng tất yếu của tương lai
III. Lợi ích của thời trang bền vững:
Để đáp lại những vấn đề đang trở nên ảnh hưởng tới tương lai ngành thời trang, thời trang bền vững như một làn sóng mới thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng vì mang lại nhiều lợi ích cho mỗi cá nhân nói riêng và môi trường nói chung.
1. Thời trang bền vững giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường:
Theo Mr. Ariel Muller, giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương: “Ngành dệt may chiếm 10% lượng khí thải carbon, bằng nhiều ngành vận chuyển và hàng không cộng lại. Nếu không có sự gián đoạn, đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 26%”. Đưa ra câu trả lời cho vấn đề này, thời trang bền vững giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cũng giảm bớt lượng khí thải nhà kính.
Đi theo xu hướng thời trang bền vững, các nhà sản xuất sẽ ưu tiên lựa chọn chất liệu và quy trình sản xuất bền vững theo nhu cầu của người tiêu dùng. Các hãng quần áo sẽ thường sử dụng chất liệu hữu cơ như bông hữu cơ, len hữu cơ, lanh và những nguyên liệu khác có nguồn gốc tự nhiên, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường hơn so với sử dụng chất liệu tổng hợp.
Thời trang bền vững thường ưu tiên sử dụng các phương pháp sản xuất và công nghệ hiệu quả, giảm lượng nước cần thiết và tối thiểu hoá tác động đến môi trường. Việc giảm thiểu sử dụng hoá chất độc hại trong quá trình sản xuất giúp bảo vệ nguồn nước và giảm ô nhiễm từ chất thải hoá chất.
2. Xu hướng thời trang thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững:
Thời trang bền vững không chỉ giới hạn ở việc giảm thiểu tác động môi trường mà còn thúc đẩy sự đa dạng trong sản phẩm. Việc chú trọng vào nguyên liệu hữu cơ, tái chế, và quy trình sản xuất bền vững tạo ra nhu cầu mới từ phía người tiêu dùng, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong ngành thời trang.
Xu hướng thời trang bền vững thường ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và các nhãn hiệu địa phương. Điều này tạo điều kiện công bằng hơn trong ngành, giúp các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội cạnh tranh và phát triển. Việc tạo ra các chuỗi cung ứng ngắn, kết nối với các nghệ nhân địa phương cũng là một cơ hội để tăng cường tính công bằng xã hội trong ngành thời trang.
Xu hướng thời trang bền vững thường thu hút nhóm tiêu dùng ý thức về môi trường và xã hội. Các người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến nguồn gốc của sản phẩm và quy trình sản xuất, và thể hiện sự ủng hộ cho những nhãn hiệu chú trọng đến trách nhiệm xã hội và môi trường.
3. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng:
Thời trang bền vững đang ngày càng trở nên phổ biến, điều này giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Khi người tiêu dùng hiểu được những tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thời trang đối với môi trường, họ sẽ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm thời trang bền vững hơn.
Thay vì mua sắm hàng loạt quần áo giá rẻ, chạy theo xu hướng thời trang nhanh, người tiêu dùng mua sắm thông minh hơn, ưu tiên chất lượng và độ bền của sản phẩm, giảm thiểu việc loại bỏ nhanh chóng và tăng tuổi thọ sản phẩm. Thúc đẩy tiêu dùng tích cực, thời trang bền vững khuyến khích người tiêu dùng chọn lựa có ý thức hơn về nguồn gốc và quy trình sản xuất của sản phẩm. Sự lựa chọn này không chỉ tạo nên một lối sống cá nhân bền vững mà còn đóng góp vào việc hình thành một xã hội thượng lưu ý thức về môi trường.
Ngoài ra, việc ủng hộ thời trang bền vững cũng là sự hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp và nhãn hiệu chú trọng đến trách nhiệm xã hội. Sự tăng cường thông tin và chia sẻ nhận thức trong cộng đồng về thời trang bền vững không chỉ giúp mọi người hiểu rõ hơn về lợi ích môi trường mà còn tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ, chung tay xây dựng một tương lai thời trang bền vững hơn.
Xem thêm: Thời trang bền vững và các sản phẩm truyền thống
IV. Những cách để người tiêu dùng có thể tham gia xu hướng thời trang bền vững:
1. Chọn tủ đồ linh hoạt, phù hợp với phong cách cá nhân:
Thời trang nhanh làm cho người tiêu dùng thay đổi phong cách thời trang liên tục. Đồng nghĩa với việc họ sẽ liên tục mua sắm và đào thải sản phẩm cũ, dẫn đến lượng sản phẩm bị vứt đi tăng lên đáng kể hàng năm. Việc đào thải sản phẩm thời trang sẽ được hạn chế nếu bạn hiểu rõ phong cách cá nhận và xây dựng được tủ đồ phản ánh gu thẩm mỹ riêng. Tủ đồ linh hoạt là tủ đồ với những sản phẩm có thể kết hợp theo nhiều phong cách và được sử dụng trong nhiều dịp khác nhau.
Bạn có thể ưu tiên lựa chọn quần áo được làm từ các chất liệu hữu cơ như bông, lanh, hoặc tái chế từ nguyên liệu đã sử dụng. Hoặc chọn những mẫu quần áo thiết kế đơn giản, dễ kết hợp với nhau để tạo nên những bộ trang phục khác nhau. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm không gian mà còn tối ưu hoá việc sử dụng các món đồ trong tủ quần áo của mình. Nên chọn những màu sắc trung tính như trắng, đen, xám hoặc nâu để dễ kết hợp với nhiều loại trang phục, tạo sự linh hoạt cho tủ đồ của bạn.
Bạn cũng có thể kết hợp giữa những mẫu thiết kế truyền thống và hiện đại để tạo nên phong cách cá nhân độc đáo. Đừng ngần ngại thử sáng tạo những phong cách mới, mảng màu sắc độc đáo để tạo nên màu sắc của riêng mình. Ngoài ra, phụ kiện cũng đóng vai trò rất quan trọng trong một bộ trang phục hoàn hảo, vì thế có thể bổ sung tủ đồ bằng các phụ kiện như túi xách, trang sức,…
2. Ưu tiên sửa chữa, tái sử dụng quần áo cũ:
Quá trình sản xuất quần áo mới đòi hỏi một lượng lớn năng lượng và tài nguyên. Việc tái sử dụng quần áo cũ vừa làm giảm nhu cầu sản xuất mới, vừa giảm lượng khí thải và chất thải từ quá trình sản xuất, đồng thời giúp tối ưu hoá không gian cho tủ đồ và chi phí của người tiêu dùng. Mỗi năm, hàng triệu tấn quần áo bị thải ra, góp phần tăng lên vấn đề lãng phí và ô nhiễm. Tái sử dụng là giải pháp hiệu quả để giảm lượng quần áo bị loại bỏ và giúp môi trường giảm thiểu ô nhiễm hơn.
Việc tái sử dụng còn giúp tiết kiệm chi phí mua sắm, đồng thời cũng mang lại sự đa dạng và độ sáng tạo trong phong cách thời trang khi kết hợp những trang phục cũ thành một bộ trang phục mới độc đáo, phản ánh sự sáng tạo và gu thẩm mỹ riêng của mình.
3. Thời trang second-hand hay thuê quần áo:
Nếu muốn thay đổi phong cách thường xuyên, hay sở thích mua sắm quần áo, bạn có thể lựa chọn đến các cửa hàng bán đồ vintage hoặc second-hand. Ngược lại, đối với người muốn vứt bỏ những trang phục trong tủ đồ, có thể đến cửa hàng thanh lý tủ đồ. Dù là bên mua hay bên bán, người tiêu dùng đều có thể mang lại cơ hội thứ hai cho trang phục.
(Xu hướng mua đồ second-hand)
Với những người muốn thử nghiệm nhiều phong cách nhưng chưa xác định được phong cách đó liệu có hợp với mình không, bạn có thể lựa chọn thuê quần áo. Hiện nay có nhiều kênh cho thuê trang phục dự tiệc và cả thời trang cao cấp theo nhu cầu. Điều này giúp giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường.
4. Bảo quản quần áo đúng cách:
Việc vệ sinh và bảo quản quần áo đúng cách cũng là một cách tiếp cận thời trang bền vững. Bạn có thể giặt đồ với nước lạnh hoặc mát và chế đồ nhẹ sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của chất liệu; hay dùng túi giặt bọc những trang phục dễ hỏng để bảo vệ chúng trong quá trình giặt giũ. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và tài nguyên mà còn là một cách tích cực để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
(Bảo quản đúng cách giúp quần áo tăng tuổi thọ)
Xem thêm: Thời trang bền vững: Điểm danh 7 local brand “gây bão” trong xu hướng thời trang “xanh” tại Việt Nam
V. Lời kết:
Thời trang bền vững là một xu hướng tất yếu của tương lai. Bằng cách tham gia xu hướng này, chúng ta có thể góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng một tương lai bền vững hơn. Trong những năm tới, xu hướng thời trang bền vững sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các thương hiệu thời trang lớn cũng đang dần chuyển hướng sang sản xuất thời trang bền vững. Điều này cho thấy rằng, thời trang bền vững không chỉ là một xu hướng, mà còn là một nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Sinh viên thực hành: Võ Phương Thảo
MSV: 21051017
Lớp: INE3104_2
Pingback: Old Money: 7 gợi ý phối đồ nam thanh lịch, tinh tế