Khái niệm “thời trang bền vững” bắt nguồn từ đâu?
Trong xã hội hiện đại ngày nay, môi trường luôn là một vấn đề bức bối mà con người cần phải “chú trọng” để tâm. Hơn ai hết, chúng ta đều biết rõ ngành công nghiệp thời trang đã tạo ra “những vết nhơ” cho môi trường lớn đến nhường nào. Đằng sau “ánh hào quang” mà thời trang đem lại luôn là các “vết sẹo” chằng chịt đã hằn lên mẹ thiên nhiên. Nhìn nhận được những tác động tiêu cực ấy, ngành thời trang đang dần thay đổi và hướng tới những chất liệu thân thiện và bền vững hơn.
Là một người đam mê thời trang, là một người quan tâm tới môi trường, liệu bạn có đang bỏ lỡ xu hướng đi đầu trong ngành công nghiệp thời trang hiện nay – thời trang “xanh”? Liệu bạn đã biết rằng Việt Nam có rất nhiều thương hiệu thời trang xanh đang gây bão trên thị trường? Nếu bạn đã bỏ quên chúng thì bài viết này là dành cho bạn!
Hãy cùng tôi khám phá những thông tin cơ bản về thời trang bền vững và 7 local brand đang dẫn đầu xu hướng này tại Việt Nam nhé!
Nội dung bài viết
Thời trang bền vững là gì?
Tính bền vững trong thời trang đã được nêu ra từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Mãi cho đến tận ngày nay khái niệm này mới được đẩy lên cao trào. Khi có sự góp mặt của Liên Hợp Quốc, nhiều nhà mốt hàng đầu thế giới và sự tỉnh thức của người tiêu dùng. Vậy thời trang bền vững là gì?
Thời trang bền vững (hay còn gọi là thời trang “xanh”) là sử dụng những chất liệu an toàn, có khả năng tái sử dụng hoặc phân hủy, cộng thêm quy trình sản xuất an toàn, tiết kiệm, hạn chế tối đa việc tiêu thụ tài nguyên mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời phải đảm bảo được quyền lợi công bằng và tiền lương công bằng của người tham gia lao động sản xuất trong ngành thời trang.
Xem thêm về thời trang bền vững: Thời trang bền vững – 1 xu hướng thời trang tất yếu
7 thương hiệu “cây nhà lá vườn” dẫn đầu xu hướng thời trang “xanh” tại Việt Nam
Sau khi đã hiểu rõ hơn về thời trang bền vững, bạn có thể tự hào khi biết rằng tại Việt Nam, có rất nhiều thương hiệu thời trang đã và đang theo đuổi xu hướng này. Hãy cùng điểm danh 7 local brand “gây sốc” cho xu hướng thời trang bền vững tại Việt Nam nhé!
Tìm hiểu thêm về các thương hiệu thời trang Việt Nam: LOCAL BRAND VIỆT NAM- HÀNH TRÌNH VƯƠN TẦM THẾ GIỚI (2018-Nay)
1. BOO – Thương hiệu thời trang tiên phong xu hướng thời trang bền vững
BOO là một thương hiệu thời trang đường phố với phong cách đa dạng, đột phá và quen thuộc với giới trẻ. Câu slogan “Local Streetwear” với niềm tự hào thương hiệu Việt Nam mang tên Bò Sữa – Đặc sản là những chiếc áo phông in hình lấy cảm hứng từ văn hóa và đặc trưng của giới trẻ Việt Nam.
BOO không chỉ mang đến những sản phẩm thời trang chất lượng, mà còn là một thương hiệu tiên phong theo xu hướng thời trang bền vững. Thương hiệu sử dụng chất liệu tái chế, hữu cơ hoặc sinh học, giảm thiểu lượng rác thải và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra họ cũng tham gia vào các hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng và nâng cao nhận thức. Nổi bật nhất là dự án “Tắt đèn – Bật ý tưởng” nhằm kêu gọi mọi người tiết kiệm điện năng và bảo vệ môi trường. Chỉ với một hành động nhỏ, tắt đèn trong 1 giờ vào ngày 22/4 – Ngày Trái Đất và chia sẻ hình ảnh hoặc video của mình trong bóng tối. Sau đó, bạn đăng lên mạng xã hội với hashtag #tatdenbatytuong và tag BOO. Dự án tiên phong tại BOO này đã thành công lan tỏa được sức “trẻ” và thông điệp “xanh” của mình tới cộng đồng trong suốt 14 năm qua.
2. Kilomet109 – Thương hiệu thời trang cao cấp dành cho cả nam và nữ
Kilomet109 là một cái tên đặc biệt gây ấn tượng bởi sự kết hợp tinh tế giữa văn hóa, lịch sử và thiên nhiên Việt Nam với phong cách hiện đại và cao cấp. Kilomet109 được sáng lập bởi nhà thiết kế tài năng Vũ Thảo, người có tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đất nước.
Chia sẻ về ý nghĩa của tên gọi Kilomet109, Vũ Thảo nói rằng 109 là khoảng cách 109 cây số giữa quê hương Thái Bình của chị đến mảnh đất Hà Nội. Còn kilomet lại mang những ý nghĩa khác nhau: trong may mặc, đây là đơn vị đo lường; với khách hàng, đó là khoảng cách di chuyển. Và với những người đứng sau thương hiệu, kilomet có lẽ là một chặng đường, hành trình làm nên cái tên Kilomet 109 ở Việt Nam và vươn tầm thế giới.
Kilomet109 sử dụng chất liệu tự nhiên như lụa, lanh, bông, đay, nhuộm bằng thực vật và thủ công bởi những nghệ nhân làng nghề truyền thống. Những sản phẩm thời trang của hãng luôn mang đậm dấu ấn Việt Nam, từ những họa tiết, màu sắc, đường nét cho đến những câu chuyện, ý nghĩa và cảm xúc.
Hơn nữa, Kilomet109 không chỉ tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, mà còn bảo vệ môi trường và tôn trọng quyền lợi của người lao động. Đặc biệt, vào năm 2015, thương hiệu đã tham gia chương trình tái chế và tái tạo các vật liệu có nguồn gốc địa phương. Đóng góp của nhà sáng lập, Vũ Thảo, cho triển lãm có tên là “Sui”. Sui vừa là tên tác phẩm vừa là chất liệu chính được sử dụng – vỏ cây Sui. Ngoài ra, Sui còn mang ý nghĩa phản ánh cuộc đối thoại giữa tiếng nói của quá khứ Việt Nam và thế giới hiện đại.
Kilomet109 không chỉ là một thương hiệu thời trang thông thường, mọi sản phẩm của thương hiệu đều ẩn sâu nhiều tầng lớp ý nghĩa, văn hóa và quan trọng hơn là các vấn đề môi trường rất quan trọng đối với tương lai của chúng ta.
Chiêm ngưỡng thêm về sự công phu của Kilomet109: https://www.kilomet109.com/about/
3. The 31 – Thương hiệu thời trang sống chậm và yêu thương bản thân
“Sống chậm lại để yêu thương bản thân nhiều hơn” là thông điệp mà The 31 đã gửi gắm vào trong từng sản phẩm của mình. Đằng sau chiếc tên mới lạ “The 31” là một câu chuyện tâm tình cho những nỗi lòng khi bước sang tuổi 30. Không còn những nhịp sống hối hả như khi còn trẻ, tuổi 30 là thời điểm sẵn sàng để “ổn định cuộc sống”. Không còn chạy theo những thứ hợp thời trang mà chúng ta sẽ dần trở nên chú trọng đến môi trường sống hơn, dần tìm kiếm những sản phẩm chất lượng cao và bền vững hơn.
The 31 đã luôn dành trọn tâm huyết và tình cảm của mình để tạo ra những thiết kế mang tính hữu ích, thoải mái, nhẹ nhàng và chất lượng, nhưng vẫn đủ thời trang và tinh tế. Họ luôn tỉ mỉ lựa chọn những chất liệu linen nguyên bản có nguồn gốc từ Pháp, Hà Lan và organic cotton đến từ Ấn Độ, để thiết kế những sản phẩm thời trang và đồ dùng gia đình thân thiện với môi trường và có thể phân hủy.
The 31 không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn đến quá trình sản xuất và phân phối. Thương hiệu này ưu tiên sử dụng những nguồn lực có sẵn, giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa hiệu quả. Hơn nữa, họ cũng hợp tác với những cộng đồng nông dân và thợ thủ công địa phương nhằm tạo ra những công việc bền vững và tôn trọng truyền thống văn hóa Việt Nam.
The 31 không còn là một hãng thời trang thông thường, mà còn là một không gian sống, một nơi để bạn tìm lại sự bình yên, hạnh phúc và tự do.
4. Tiệm con Công – Thương hiệu thời trang bảo tồn tự nhiên và tôn trọng truyền thống
Người Hà Nội lâu năm yêu thích chăn con công, chắc hẳn không xa lạ gì với Tiệm con Công, một cửa hiệu quần áo nhỏ, nơi những trang phục bình dị, nơi khách đến và khách đi nhẹ nhàng nhưng sẽ nhớ mãi về một cửa hàng đẹp đẽ, với nhiều quần áo chỉn chu, sắc màu và đặc biệt là những câu chuyện đằng sau lớp vải, níu giữ con người yêu thích thời trang.
Đối với một thương hiệu không chạy theo xu hướng, Tiệm con Công đã chọn một lối đi trắc trở hơn, đó là đi theo con đường thời trang bền vững. Để giải quyết được bài toán khó nhằn phía trước ấy, thương hiệu đã phải rất nỗ lực để tìm tòi và phát triển nên những kỹ thuật truyền thống, từ đó tạo nên những chất liệu hữu cơ mới thay thế cho các chất liệu gây ô nhiễm môi trường giá rẻ.
Tiệm con Công nổi tiếng là một thương hiệu thời trang thuần Việt được thực hiện thủ công vô cùng tỉ mỉ, kết hợp với nhiều kỹ thuật từ nhiều dân tộc khác nhau. Tiệm con Công đã sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường như cotton thô, vải lanh 100% sợi đay, lụa tơ tằm và vải bông. Tiệm cũng đã dày công nghiên cứu và phát triển thành công kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm củ nâu với nguyên liệu thiên nhiên, học hỏi từ các đồng bào dân tộc phía Bắc.
Không chỉ tỉ mỉ trong từng sản phẩm của mình, Tiệm con Công còn rất quan tâm tới những dự án bảo vệ môi trường. Đặc biệt, họ còn tạo ra một dự án riêng với tên gọi là Công “Zero Waste”. Theo chia sẻ của chị Mai, cô chủ nhỏ của Tiệm, chị đã thành công trong việc thiết kế sản phẩm mới, tận dụng được 40% rác vải lên áo. Tuy nhiều người nói về zero-waste, nhiều người nói về bền vững, nhưng để làm được điều này, chắc hẳn chị Mai đã có một cuộc dấn thân không hề dễ dàng.
Tiệm con Công không chỉ mang đến những sản phẩm thời trang đẹp, mà nó còn là sự bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tôn trọng truyền thống và bảo vệ tự nhiên của “mảnh đất hình chữ S” này.
5. Dòng Dòng – Thương hiệu thời trang tái chế từ những tấm bạt cũ
“Chiều nay, bạn có muốn đi dòng dòng cùng mình không?”
Vào cuối mùa mưa năm 2019, chứng kiến những mảnh bạt nhựa, dù rách và áo mưa bị bỏ lại, ba con người trên mảnh đất Sài Gòn ấy đã tạo ra một thương hiệu vô cùng độc lạ, để lại dấu ấn trong xu hướng thời trang bền vững tại Việt Nam. Đó là thương hiệu Dòng Dòng.
Dòng Dòng là một thương hiệu thời trang tái chế từ những tấm bạt cũ đã qua sử dụng. Họ chuyên cung cấp những mẫu túi xách, balo, ví tiền độc đáo được thiết kế từ những tấm bạt quảng cáo, bạt xe, bạt che… Dòng Dòng không chỉ kéo dài sự sống cho những thứ tưởng chừng là rác thải, mà còn mang đến cho chúng một cuộc đời mới, đồng thời lấy đi một chút áp lực mà trái đất đang phải gồng gánh mỗi ngày.
Dòng Dòng còn áp dụng những nguyên tắc bền vững trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Họ luôn chọn những nguồn cung cấp bạt cũ uy tín và chất lượng, sử dụng các phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường, và tối ưu hóa quy trình đóng gói để giảm thiểu rác thải. Hơn nữa, thương hiệu còn thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng như tổ chức các buổi workshop, triển lãm, hỗ trợ các dự án giáo dục và xã hội… để truyền cảm hứng và thay đổi tư duy của mọi người về thời trang bền vững.
Dòng Dòng tuy chỉ được thiết kế và sản xuất thủ công tại một xưởng nhỏ ở Bình Thạnh, nhưng thương hiệu lại mang trên mình một nét thẩm mỹ rất Sài Gòn, thể hiện tình yêu của ba con người ấy với thành phố “nhỏ bé” này. Dòng Dòng là một thương hiệu thời trang có ý nghĩa, có tâm và có trách nhiệm.
6. Môi Điên – Thương hiệu thời trang cá tính và độc đáo
Nhắc đến các thương hiệu thời trang bền vững tại Việt Nam, Môi Điên là cái tên nổi bật hơn cả. Môi Điên được thành lập bởi một cựu du học sinh chuyên ngành thiết kế trường Parsons, New York – Tom Trandt (tên thật là Trần Minh Đạo). Với tầm nhìn vững chắc về thị trường thời trang hiện đại, Tom Trandt đã mang đến cho Môi Điên một phong cách unisex, dành cho cả nam và nữ, độc đáo, sáng tạo và đậm chất Việt.
Theo đuổi mô hình thời trang bền vững, Môi Điên miệt mài với Trashion (Trash – rác thải và Fashion – thời trang) trong suốt nhiều năm qua. Với Trashion, đòi hỏi người làm thời trang phải am hiểu rất nhiều chất liệu. Đồng thời, họ phải trải qua các công đoạn cầu kỳ từ khâu sàng lọc, xử lý đến thiết kế để làm sao “rác” sẽ không sinh thêm “rác”. Bên cạnh “rác”, Môi Điên còn nghĩ đến những vật liệu thân thiện khác để truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến nhiều người hơn nữa.
Hơn hết, Môi Điên còn áp dụng rất nhiều hành động thiết thực và ý nghĩa. Nổi bật là dự án “THỨC”, một bộ sưu tập được ra mắt trên nền tảng mua sắm online Piktina, với thông điệp về việc thức tỉnh và chấp nhận sự thật về tình trạng ô nhiễm môi trường do ngành thời trang gây ra.
Môi Điên là một minh chứng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa thời trang và bền vững. Với những hành động mà Môi Điên đã làm, chúng ta có thể thấy được tình yêu và trách nhiệm của họ đối với môi trường và xã hội. Môi Điên không chỉ làm cho chúng ta thêm xinh đẹp và tự tin, mà còn làm cho chúng ta thêm tự hào và ý nghĩa.
7. Coolmate – Thương hiệu thời trang nam chất lượng và tiện lợi
Được ra đời vào tháng 3/2019, Nhu (CEO), Hiệp (CTO) và Lan (CMO) khởi đầu Coolmate chỉ với một nhà kho 20m2, và một Website bán hàng sơ khai, với các sản phẩm rất cơ bản dành cho nam giới như áo thun, bít tất và đồ lót. Nhưng sau vỏn vẹn 3 năm, thì ngày hôm nay Coolmate đã có sự trưởng thành đáng kể.
Coolmate là một thương hiệu thời trang nam chất lượng và tiện lợi, mang đến cho phái mạnh những sản phẩm thời trang đa năng, phù hợp với mọi hoàn cảnh và mọi thời tiết. Họ cũng bán cả mũ, cả khẩu trang và một số áo in để dành tiền quyên góp cho một số quỹ từ thiện. Ngoài ra, Coolmate còn là đơn vị tiên phong với mô hình giao đồ lót định kỳ đầu tiên tại Việt Nam.
Chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề Coolmate đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, Coolmate đã và đang nỗ lực chuyển mình theo hướng thời trang bền vững hơn. Bằng chứng là các dòng sản phẩm Excool với sợi Sorona thân thiện với môi trường hơn nhiều so với sợi Polyester thường. Dự án kết hợp với Cleandye, công nghệ nhuộm sạch, không nước cũng tạo ra các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Với dòng các sản phẩm thể thao, Coolmate cũng hướng tới việc ứng dụng trên 50% sợi tái chế trong các dòng sản phẩm của mình trong năm 2022 và hướng tới 99% trong năm 2023 trở đi.
Coolmate còn có những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa thông qua chương trình Care & Share. Đây là một chương trình được xây dựng và duy trì bởi Coolmate nhằm góp sức mình giúp đỡ những trẻ em kém may mắn, giúp các em đến trường và có cuộc sống tốt hơn. Coolmate cam kết dành 10% doanh thu từ tất cả những sản phẩm trong danh mục “Care & Share” để đóng góp vào quỹ dành cho trẻ em. Năm 2022 vừa qua, Coolmate đã không ngừng cố gắng để tạo nên những hoạt động ý nghĩa và con số đáng ghi nhận cho chương trình Care & Share.
Sứ mệnh mà thương hiệu luôn mang đến “Coolmate sinh ra với mong muốn trở thành điển hình về mô hình doanh nghiệp trách nhiệm bằng cách vừa làm kinh doanh bài bản, có lợi nhuận và đồng thời mang lại những giá trị thiết thực và lâu dài cho khách hàng, cho nhân viên, cho đối tác, cho cộng đồng, xã hội và cho cổ đông”. Thật vậy, trong suốt thời gian qua, Coolmate đã khẳng định là một thương hiệu thời trang nam đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại, vừa chất lượng, vừa tiện lợi, vừa bền vững.
Lời kết
Đó là 7 thương hiệu thời trang bền vững đã “gây bão” tại Việt Nam trong thời gian qua mà bạn không nên bỏ lỡ. Bạn có thấy ngạc nhiên và thích thú không? Hãy cùng ủng hộ những thương hiệu thời trang Việt Nam vừa có tâm, vừa có tầm này để góp phần bảo vệ môi trường và xã hội nhé!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này, và chúc bạn một ngày vui vẻ!
Tìm hiểu thêm về thời trang:
Thời trang nhanh là gì? Thời trang nhanh có thực sự rẻ?
6 lý do thời trang bền vững đi đầu ngành hiện nay
Thời trang bền vững: Trào lưu tất yếu năm 2024
Võ Phương Anh
21051352
INE3104_4
Pingback: Thời trang bền vững: Trào lưu tất yếu năm 2024 - Easy E-commerce Class
Pingback: BLACKPINK: Cơn sốt phủ sóng làng thời trang thế giới của 4 cô nàng nhà YG - Easy E-commerce Class
Pingback: KINH NGẠC TRƯỚC 5 TÁC ĐỘNG CỦA THỜI TRANG NHANH ĐẾN MÔI TRƯỜNG: CHIẾC ÁO MANG MỘT LẦN, Ở LẠI MÔI TRƯỜNG ĐẾN TRĂM NĂM - Easy E-commerce Class
Pingback: Top 6 tiệm giày secondhand mà gen Z không thể bỏ qua - Easy E-commerce Class
yandanxvurulmus.IiAOVFE4R97u