Thời trang bền vững – 1 xu hướng thời trang tất yếu

thời trang bền vững

 

Trong những năm gần đây, thời trang bền vững là một khái niệm được nhắc đến nhiều không chỉ trong ngành thời trang mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Có người cho rằng, đây sẽ là xu hướng thời trang tất yếu trong tương lai vì những ý nghĩa cũng như sự phát triển của nó. Vậy, thời trang bền vững là gì ? Tại sao thời trang bền vững lại là xu hướng tất yếu trong tương lai ? Biểu hiện của thời trang bền vững ra sao ? Và ở Việt Nam có những thương hiệu thời trang bền vững nổi bật nào ?

Thời trang bền vững là gì ?

Để hiểu được một cách toàn diện khái niệm của xu hướng thời trang này, trước hết, ta cần làm rõ thế nào là “tính bền vững”. Cụm từ trên dùng để chỉ việc đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai, tập trung vào ba khía cạnh chính : kinh tế, môi trường và xã hội. Nói đơn giản, tính bền vững là để miêu tả quá trình sản xuất của một sản phẩm mà không gây hại đến môi trường cũng như quyền lợi của toàn xã hội.

thời trang bền vững

Thời trang bền vững, hay còn gọi là sustainable fashion, là một xu hướng thời trang dành sự quan tâm đến các yếu tố xã hội, môi trường và kinh tế. Tất cả các giai đoạn trong quá trình sản xuất của thời trang bền vững từ thiết kế, cung ứng nguyên liệu, sản xuất, phân phối và tiêu thụ đều thỏa mãn các tiêu chí đảm bảo sự bền vững về văn hóa xã hội, kinh tế và môi trường.

Bên cạnh đó, thời trang bền vững cũng có thể hiểu là việc khéo dài dòng đời sử dụng của sản phẩm thời trang nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ ngành công nghiệp này đến sự cân bằng của hệ sinh thái. Điều đó có nghĩa là thời trang bền vững không chỉ là hoạt động từ phía các nhà sản xuất mà còn đến từ chúng ta – những người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo một số nguồn thông tin, thời trang bền vững còn được gọi là eco fashion, ethical fashion hay eco clothing. Các thuật ngữ này chủ yếu tập trung vào vấn đề môi trường của thời trang hơn là các yếu tố kinh tế, xã hội.

Những vấn đề mà ngành thời trang đang phải đối mặt

Thời trang nhanh – Fast Fashion

Hầu hết các vấn đề mà ngành thời trang đang phải đối mặt có bắt nguồn từ sự xuất hiện của thời trang nhanh.

Thời trang nhanh (Fast fashion) hay còn gọi là Thời trang ăn liền là thuật ngữ dùng để chỉ những món đồ lấy ý tưởng từ các xu hướng thời trang mới nhất, được sản xuất rất nhanh để đưa vào tiêu thụ với giá cả phải chăng, hợp với túi tiền của phần đông mọi người.

Tuy rằng xu hướng thời trang này mang lại rất nhiều lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp, nhưng nó cũng bị chỉ trích khá nặng nề khi khuyến khích một lối sống lãng phí. Có quá nhiều những món đồ thời trang được mua chỉ để mặc một hai lần. Những món đồ ấy sau đó trở thành đồ cũ và bị bỏ đi một cách không thương tiếc. Điều này đặt ra câu hỏi liệu việc chạy theo các sản phẩm fast fashion giá rẻ có thực sự tiết kiệm hơn so với việc mua một món đồ đắt tiền nhưng dung được lâu dài hay không.

Một tác hại nghiêm trọng nhất của thời thang nhanh là những ảnh hưởng của nó tới môi trường. Các sản phẩm fast fashion thường có chất lượng kém và nhanh xuống cấp, lượng lớn nguyên vật liệu giá rẻ để sản xuất ra chúng thì không thể tái chế được. Bởi vậy, khi bị “lỗi mốt” và vứt bỏ, chúng sẽ tích tụ thành những bãi rác thời trang khổng lồ mà sẽ tốn rất nhiều thời gian để xử lý triệt để – vấn đề này sẽ được nói rõ ở phần sau.

Mặt khác, có rất nhiều nơi sản xuất thời trang nhanh được xây dựng trong một điều kiện làm việc tồi tệ, trả lương thấp và tồn tại các hành vi lạm dụng, bóc lột sức lao động.

Vấn đề phát thải năng lượng

Ngành công nghiệp thời trang cũng giải phóng một lượng khí thải đáng kể vào môi trường, bao gồm khí nhà kính như CO2 trong suốt quá trình sản xuất từ giai đoạn chiết xuất vật liệu, gia công, xử lý, vận chuyển, … Khi những sản phẩm thời trang bị bỏ đi, chúng được đưa ra bãi rác và tốn hàng trăm năm để có thể phân hủy – quá trình giải phóng lượng CO2 tương đối lớn. Theo như tiến sĩ Alan Hudd, ngành thời trang một năm đã phát thải 10% lượng khí CO2 trên toàn cầu.

Lãng phí nguồn nước và việc sử dụng hóa chất

Không chỉ vậy, ngành công nghiệp này còn tiêu thụ rất nhiều nước. Mức tiêu thụ nước cao đặc biệt đáng chú ý trong quá trình sản xuất một mặt hàng và mức tiêu thụ tiếp tục tăng sau khi mua hàng do giặt quần áo. Theo Liên Hợp Quốc ước tính, một chiếc quần jean sử dụng 1kg sợi bông sẽ cần đến 7.500-10.000 lít nước để trồng và thu hoạch. Điều này tương đương với lượng nước uống đủ dùng trong 10 năm cho 7 người.

Ngoài mức tiêu thụ nước cao để trồng nguyên liệu thô của thời trang, lượng nước được sử dụng để chế biến những nguyên liệu này, đặc biệt là nhuộm chúng, cũng là rất lớn. Ngành công nghiệp thời trang được cho là chịu trách nhiệm cho 20% lượng nước thải toàn cầu cũng như sự ô nhiễm do sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất và thuốc nhuộm gây ra.

Thời trang bền vững là xu hướng thời trang tất yếu

Thực trạng trên đặt ra cho không chỉ những người sản xuất mà còn cả người tiêu dùng chúng ta bài toán phát triển ngành thời trang mà không gây tác động tiêu cực đến môi trường cũng như xã hội. Ra đời với sự nâng cao về nhận thức và trách nhiệm của con người để trả lời cho bài toán đó, thời trang bền vững chính là xu hướng tất yếu trong tương lai của ngành thời trang.

Bởi lẽ, thời trang bền vững :

  • Góp phần giảm thiểu những tác động của nghành thời trang đến hệ sinh thái.
  • Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người.
  • Hướng tới khả năng tái chế, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.
  • Giúp giảm lượng rác thải thời trang ra môi trường.
  • Giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tính bền vững không chỉ trong ngành thời trang mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.

Nhìn vào lịch sử, thời trang bền vững lần đầu xuất hiện vào những năm 80, 90 với sự mở đầu từ hai nhãn hiệu Patagonia và ESPRIT. Họ đã tiền hành cải tạo chất lượng sợi của mình để giảm thiểu việc sử dụng hóa chất cũng như đề cao thông điệp “tiêu dung có trách nhiệm” đến khách hàng. Phải đến 2012, trong Hội nghị Thượng đỉnh về “Tính bền vững trong thời trang” tổ chức tại Đan Mạch, hơn 1000 đối tác trong ngành đã chính thực thảo luận và có những đồng thuận đầu tiên về thời trang bền vững.

Đến nay, việc thời trang bền vững đang ngày càng phổ biến với người tiêu dùng trên toàn thế giới và là mục tiêu được nhiều nhãn hiệu nổi tiếng theo đuổi đã chứng minh rằng xu hướng thời trang này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Biểu hiện của thời trang bền vững

Như đã nói ở phần khái niệm, thời trang bền vững là xu hướng thời trang đến từ cả hai phía là người sản xuất và người tiêu dùng. Biểu hiện của xu hướng này cũng được chia ra theo hai nhóm đối tượng kể trên.

Người sản xuất

  • Lựa chọn nguồn nguyên vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường như các loại vải sợi thiên nhiên, chất liệu tái chế, …
thời trang bền vững
Thời trang bền vững với chiếc váy dạ hội có chất liệu từ giấm ăn
  • Quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh, không gây hại cho môi trường : giảm thiểu chất thải ra môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế sử dụng chất hóa học, …
  • Bao bì, đóng gói có thể tái sử dụng hoặc tái chế, hạn chế tối đa việc sử dụng nilon.
  • Chất lượng cao, có thể sử dụng lâu bền, không cần thay mới trong thời gian ngắn.
  • Trong toàn bộ quá trình sản xuất cần đảm bảo quyền lợi của người lao động: nơi làm việc an toàn, thời gian làm việc hợp lý, được hưởng đầy đủ các chế độ của người lao động, được trả lương đầy đủ, …
  • Thực hiện sứ mệnh truyền tải, lan rộng xu hướng thời trang bền vững đến với nhiều người hơn

Người tiêu dùng

  • Tiêu dùng thông minh, hạn chế việc mua sắm thời trang không kiểm soát, không suy nghĩ, thay mới liên tục.
  • Truyền bá, lan tỏa phong cách thời trang bền vững đến mọi người xung quanh.
  • Sử dụng các sản phẩm thời tranh bền vững thay vì các sản phẩm thời trang nhanh giá rẻ.

Một số nhãn hiệu thời trang bền vững ở Việt Nam

Môi Điên

Là một thương hiệu thời trang bền vững nổi bật của Việt Nam, Môi Điên từ ngày được thành lập đến nay luôn miệt mài theo đuổi Trashion (sự kết hợp giữa Trash – rác thải và Fashion – thời trang).

Sau khi thu thập nguồn nguyên liệu thô (mà chúng ta coi là rác) ban đầu, Môi Điên sẽ được sàng lọc kỹ càng và đưa vào xử lý. Để thực hiện công đoạn này, nhà sản xuất đã có những tìm hiểu chuyên sâu về quy trình và nguyên phụ liệu dùng trong xử lý vải, nhờ vậy mà họ có thể hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường. Khâu thiết kế cũng được tính toán và thực hiện hết sức thận trọng để tận dụng tối đa nguồn phế liệu, đảm bao “rác” sẽ không sinh thêm “rác”.

thời trang bền vững
Hình ảnh thuộc bộ sưu tập “Thức” với các sản phẩm tái chế từ áo sơ mi cũ kết hợp với vải denim

Bên cạnh “rác”, Môi Điên còn nghĩ đến những vật liệu thân thiện khác để truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến nhiều người hơn nữa.

Kilomet109

Năm 2012, Kilomet 109 ra đời với mong muốn gìn giữ và sáng tạo trên những chất liệu tự nhiên dựa trên nguồn nguyên liệu địa phương và kỹ thuật truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, thời trang của Kilomet 109 còn muốn truyền đạt đi thông điệp về những vấn đề môi trường và trách nhiệm xã hội.

Những sản phẩm may mặc của nhãn hiệu này luôn đi theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường. Toàn bộ quy trình sản xuất của Kilomet 109 được thực hiện khéo kín, từ trồng cây bông, cây gai dầu, chăn tằm ươm tơ, giã sợi dệt vải và nhuộm thủ công từ các loại nguyên liệu hữu cơ hoa lá cỏ cây, cho thấy các thiết kế của Kilomet 109 luôn được chăm chút và đầu tư hết sức công phu.

thời trang bền vững
Mẫu váy lụa nhuộm cánh kiến thuộc bộ sưu tập “Miên”

Leinné

Leinné là một trong những local brand khá nổi bật trong mảng phụ kiện bằng những nguyên liệu truyền thống tự nhiên với các sản phẩm như mũ, túi, … được làm thủ công.  Các thiết kế mà Leinné mang đến mang phong cách tối giản, đảm bảo thân thiện với môi trường.

Vào ngày trái đất năm 2020, Leinné đã mang đến những sản phẩm tái chế với thiết kế độc đáo – Refinity Kit. Hãng biến tấu lại các món đồ đã qua sử dụng, tái chế chúng thành những vật dụng hàng ngày vô cùng mới lạ, bao gồm nhiều thiết kế như băng đô, túi đựng bữa trưa hay quai xách ly.

thời trang bền vững
Mẫu thiết kế trong bộ sưu tập Refinity Kit theo hướng thời trang bền vững

TimTay

thời trang bền vững
“Thời trang bền vững là một hành trình cần phải trau dồi và thay đổi liên tục” -Cofounder của TimTay

Ra mắt năm 2014, TimTay là thương hiệu thời trang thiết kế “thuần Việt” gắn liền với phong cách sống xanh và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm thuộc nhãn hiệu này đều có thành phần 100% tự nhiên như sợi bông (cotton), sợi tái chế, tơ tằm nguyên chất, sợi lanh (linen), … Điều này giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy trong môi trường cũng như đảm bảo sự an toàn cho làn da người mặc.

Chất lượng sản phẩm luôn được hãng đặt lên hàng đầu. Để có thể dùng được lâu dài, các sản phẩm TimTay luôn có độ bền cao, đường may chăc chắn và dễ dàng ứng dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, TimTay còn cung cấp dịch vụ sửa hàng miễn phí để khách hàng có thể mua được những sản phẩm vừa vặn nhất với mình, từ đó khuyến khích việc tiêu dùng bền vững. Đối với các sản phẩm bị hư hỏng, khách hàng cũng có thể gửi cho TimTay để phục chế bất kể thời điểm mua hàng.

TimTay cũng đã có mô hình vận hành hướng tới bảo vệ môi trường khi lựa chọn các nhà cung ứng uy tín trong nước, góp phần giảm lượng khí thải trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, điều này cũng là cách TimTay ủng hộ các doanh nghiệp nước nhà.

The 31

Tổng kết

Có thể nói, thời trang bền vững ra đời giống như một sự thức tỉnh của ngành công nghiệp thời trang trên toàn cầu. Chúng ta cần phải phát huy tối đa tính bền vững của ngành này để nó có thể phát triển gắn liền với những thông điệp và hành động tích cực dành cho môi trường và xã hội.

Các bài viết liên quan:

10 GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỜI TRANG BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM

6 lý do thời trang bền vững đi đầu ngành hiện nay

4 ĐIỀU VỀ THỜI TRANG NHANH CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT