5 CÁCH CÚI CHÀO TẠI NHẬT BẢN – VĂN HÓA OJIGI

Nhật Bản là một nước được biết đến với cái tên gọi là đất nước mặt trời mọc và nổi tiếng với những nét đẹp đặc trưng được giao thoa giữa con người và văn hóa nơi đây. Một trong những nét văn hóa mà người Nhật rất coi trọng đó là văn hóa chào hỏi, thậm chí còn có cả tên gọi riêng là văn hóa Ojigi.

Văn hóa cúi chào Ojigi

Dưới đây là nội dung chia sẻ về văn hóa Ojigi tại Nhật Bản!

1. Tầm quan trọng của văn hóa chào hỏi tại Nhật Bản

Văn hóa chào hỏi của người Nhật là một nghi thức có nguồn gốc sâu sắc trong lịch sử, văn hóa và truyền thống. Cúi chào đặc biệt quan trọng khi chào hỏi người cao tuổi hay trong các cuộc họp chính thức và bữa tối kinh doanh với khách hàng.

Cúi người khi chào ở Nhật Bản là một ví dụ khác về phong cách giao tiếp ngầm phổ biến trong xã hội Nhật Bản. Do đó, việc thành thạo nghệ thuật chào hỏi là điều cần thiết nếu sống hoặc làm việc tại Nhật Bản, khi đi du lịch hay du học tại Nhật Bản, bạn cũng nên có một số kiến thức về văn hóa chào hỏi để thể hiện sự thân thiện, lịch sự hay xin lỗi khi có sự cố xảy ra.

Văn hóa Ojigi là một trong những nét văn hóa độc đáo nhất thế giới và rất được xem trọng ở Nhật bản bởi đối với người Nhật, việc chào hỏi không chỉ đơn giản là chào theo nghĩa thông thường mà còn thể hiện sự tôn trọng, lòng thành và được chia thành nhiều cấp độ khác nhau ứng với các cách cúi người khi chào chào khác nhau của người Nhật.

Quy tắc trong văn hóa cúi chào Ojigi

Một quy tắc chung của văn hóa chào hỏi Ojigi là: Càng muốn thể hiện sự tôn trọng hay thái độ nhận lỗi thì càng phải cúi người thấp hơn.

Tìm hiểu thêm:

2. 5 CÁCH CÚI CHÀO TRONG VĂN HÓA NHẬT BẢN

Theo văn hóa chào hỏi Ojigi thì có tất cả 5 cách cách cúi người khi chào của người Nhật. Tùy theo vị trí, tuổi tác người đối diện và trường hợp cụ thể sẽ có những cách cúi người theo tùng cấp độ.

Các cách cúi người khi chào kiểu Nhật

2.1. Cách cúi chào của người Nhật với người trẻ hơn

Cấp độ thấp nhất trong các cách chào hỏi kiểu Nhật là: Cúi đầu theo góc nghiêng khoảng 5 độ (Giống với việc gật đầu nhẹ). Cách chào hỏi này được sử dụng khi gặp bạn bè, đồng nghiệp,… Thường là những người trẻ tuổi hơn hoặc có vị trí thấp hơn.

2.2. Cấp độ 2: Eshaku – 会釈 – kiểu khẽ chào giao tiếp: Cách chào ở Nhật Bản với người cùng độ tuổi

Eshaku là cách chào hỏi của người Nhật được sử dụng rất phổ biến trong giao tiếp thường ngày, được sử dụng khi chào:

  • Người cùng độ tuổi, bạn bè
  • Người cùng cấp bậc, địa vị xã hội
  • Người mới gặp lần đầu
Cách cúi người khi chào một góc 15 độ

Cách chào hỏi này thể hiện được sự nhẹ nhàng, lịch sự. Cách chào được dùng mang tính lễ nghi nhiều hơn, thường dành cho người ta quen biết nhưng không thân thiết.

Bạn sẽ thực hiện cách chào Eshaku theo tư thế đứng, cúi nhẹ phần thân và đầu khoảng 15 độ trong 1 – 2 giây

2.3. Cấp độ 3: Keirei – 敬礼 – kiểu chào bình thường: Cách chào của người Nhật với cấp trên, người lớn tuổi hơn

Để chào theo kiểu Keirei, bạn sẽ cúi nghiêng phần thân trên của mình 1 góc khoảng 30 độ trong từ 2 – 3 giây.

Văn hóa chào hỏi của người Nhật – Cách cúi chào 30 độ
Văn hóa chào hỏi của người Nhật – Cách cúi chào 30 độ

Đây là cách chào kiểu Nhật rất lịch sự, thể hiện sự tôn trọng và được sử dụng khi chào hỏi cấp trên, người lớn tuổi, khách hàng,…

2.4. Cấp độ 4: Saikeirei – 最敬礼 Cách chào của người Nhật với góc 45 độ

Saikeirei không chỉ là cách chào hỏi của người Nhật, mà còn là cách thể hiện sự hối lỗi. Người Nhật sẽ sử dụng cách chào này khi:

  • Muốn thể hiện sự hối lỗi, dùng để xin lỗi một cách chân thành.
  • Thể hiện lòng tôn kính tuyệt đối, sự tôn trọng, lòng biết ơn với những người có vị trí cao, đấng Thần, Phật hay với Quốc kỳ hoặc với ông bà, cha mẹ.
Trong văn hóa chào hỏi của người Nhật, cúi người 45 độ để thể hiện sự tôn trọng, biết ơn
Trong văn hóa chào hỏi của người Nhật, cúi người 45 độ để thể hiện sự tôn trọng, biết ơn

Để chào theo kiểu Saikeirei bạn sẽ cần cúi người một góc từ 45 đến 60 độ và giữ nguyên trong khoảng 3 giây, thậm chí 1 phút. Cùng lúc đó, 2 bàn tay hạ xuống và chạm vào phần đầu gối, mắt nhìn vào điểm phía trước cách bạn khoảng 80cm.

2.5. Cấp độ 5: Dogeza – 土下座 – Kiểu chào quỳ

Kiểu chào Dogeza là cấp cao nhất trong văn hóa chào hỏi kiểu Nhật. Tuy nhiên, bạn sẽ rất ít khi gặp kiểu chào này trong thực tế vì:

  • Dogeza được dùng khi ai đó mắc phải một lỗi nghiêm trọng, khó có thể tha thứ và phải quỳ xuống để tạ lỗi.
  • Đây là cách chào hỏi của người người Nhật Bản xưa được dùng để chào Nhật Hoàng, đấng sinh thành.
Chào hỏi kiểu quỳ được dùng nhiều trong thời kỳ trước
Chào hỏi kiểu quỳ được dùng nhiều trong thời kỳ trước

Hiện nay, nếu không phải để xin lỗi thì bạn chỉ bắt gặp kiểu cúi người này trong các dịp đặc biệt, ngày lễ quan trọng, khi người Nhật thể hiện sự biết ơn với đấng sinh thành.

Tìm hiểu thêm: Cách xin lỗi của người Nhật

3. NHỮNG LƯU Ý TRONG VĂN HÓA CHÀO HỎI CỦA NGƯỜI NHẬT BẢN

Ngoài ra, bạn cũng cần nắm được một số nguyên tắc trong cách chào hỏi của người Nhật như các tư thế tay chân, cách cúi của nam và nữ cũng sẽ khác nhau.

Cách chào hỏi của nam và nữ sẽ có chút khác biệt.

  • Khi cúi, mắt sẽ luôn nhìn xuống dưới.
  • Lưng phải được giữ thẳng, cổ tuy cùng cúi với phần thân nhưng vẫn phải được nâng cao trong tư thế ngẩng cao đầu.
  • Thân trên hướng về phía trước nhưng thân dưới vẫn phải đứng thẳng.
  • Cúi càng lâu thì càng thể hiện sự kính trọng với người đối diện.
  • Nếu là nam, tay sẽ đặt dọc theo thân

  • Nếu là nữ, 2 tay đặt ở vạt áo trước, tạo thành hình chữ V và bàn tay phải phải đặt trên bàn tay trái.

Bên cách các lưu ý khi chào hỏi kiểu Nhật, bạn cũng cần nắm được các lưu ý chung trong giao tiếp và trong văn hóa chào hỏi của người Nhật:

  • Không nhìn vào mắt của người đối diện: Việc giao tiếp bằng mắt không được coi trọng ở Nhật Bản. Thậm chí, khi bạn nhìn vào mắt của người đối diện còn bị xem là sự thiếu tôn trọng, mất lịch sự.
  • Nói ít: Người Nhật không thích nói quá nhiều mà sẽ thích lắng nghe nhiều hơn, họ cũng sẽ không thích những người nói quá nhiều.
  • Nên nói giảm – nói tránh: Người Nhật rất chú ý đến cảm xúc của người khác và sợ bị mất lòng nên thường sẽ nói giảm, nói tránh, nói vòng vo thay vì đi thẳng vào vấn đề.
  • Cách vẫy tay: Khi muốn gọi ai đó bằng cách vẫy tay, nên để tay thẳng và lòng bàn tay hướng xuống dưới thay vì chỉ gập các ngón tay (điều này sẽ bị coi là thô lỗ)
  • Không chỉ tay vào người khác: Nên mở rộng và để bàn tay hướng lên trên và đưa về phía người đó.

Ngoài ra ở Nhật còn có văn hóa tặng quà: Khi mới chuyển đến sinh sống ở khu vực mới, người Nhật sẽ chuẩn bị các món quà nhỏ để tặng hàng xóm như một cách chào hỏi để làm quen.

4. NHỮNG ĐIỀU SAI PHÉP TẮC TRONG VĂN HÓA OJIGI

  • Chào trong khi ngồi: Khi đối phương đứng, bạn ngồi và đang làm việc gì đó thì nên tạm ngưng và ưu tiên cho đối phương trước. Hãy đứng dậy ngay, tạo tư thế chỉnh chu và chào hỏi nhé.
  • Chỉ nghiêng cổ chào: Nếu chỉ dùng cổ cúi chào mà người thì thẳng, không nghiêng mình thì rất thất lễ
  • Chỉ nghiêng mình chào: Nếu chỉ nghiêng mình mà mặt không cúi xuống thì chỉ gây ấn tượng đáng sợ cho đối phương nên hãy lưu ý nhé ^^
  • Cúi chào 90°: Cúi chào đến 90° thì có vẻ là bạn đang nghiêng mình nhiều quá. Trong trường hợp này thì bạn sẽ gây nên cảm giác khó chịu cho cấp trên và những người xung quanh nhiều hơn đấy…
  • Vừa hành lễ chào vừa nói chuyện: Chúng ta cũng không nên vừa nói lời chào vừa hành lễ, đặc biệt là khi chào theo kiểu Keirei (kiểu chào kính trọng) hoặc Saikeirei (kiểu chào tôn kính nhất). Để chào đúng cách, trước tiên bạn nên nói lời chào trước (chẳng hạn như “Ohayo gozaimasu” = Chào buổi sáng) rồi hành lễ.
  • Lặp lại hành động cúi đầu nhiều lần: Lặp lại hành động chào hỏi nhiều lần sẽ không thể hiện rõ lòng thành của mình, vì vậy chỉ nên thực hiện 1 lần là đủ.

Không cúi người khi chào hoặc sai cách có thể là trọng tội !

Thời phong kiến, nếu không cúi đầu hoặc thậm chí cúi đầu không đúng cách trước mặt một samurai hay một lãnh chúa thì sẽ bị kết án tử hình ngay tại chỗ. Ngày nay, những hình phạt như vậy đã không còn tồn tại, nhưng cúi đầu vẫn là một lễ nghi cơ bản trong giao tiếp. Chẳng hạn như khi đi qua đường, người đi bộ, kể cả trẻ em, đều cúi đầu với tài xế để cảm ơn vì đã nhường đường cho họ.

Nghi thức xã giao này cho thấy người Nhật đã hòa trộn một cách vô cùng tinh tế những đức hạnh cổ xưa như sự tôn trọng, lòng thành kính, biết ơn và nét hiện đại của một xã hội phát triển bậc nhất thế giới, để rồi đưa nó thành một loại hình nghệ thuật mang bản sắc đặc trưng của xứ sở hoa anh đào.

5. 17 CÁCH CHÀO HỎI CỦA NGƯỜI NHẬT – MẪU CÂU CHÀO HỎI

Dưới đây là bảng tổng hợp các mẫu câu chào hỏi của người Nhật được sử dụng phổ biến nhất để bạn tham khảo:

STT Tiếng Nhật Phiên âm Nghĩa tiếng Việt/Cách dùng
1 こんにちは konnichiwa Xin chào (Được sử dụng khi chào ai đó vào ban ngày, cũng được sử dụng nhiều trong mail, thư từ)
2 おはようございます ohayougozaimasu Chào buổi sáng (Khi chào ai đó vào buổi sáng một cách lịch sự)
3 おはよう ohayo Chào buổi sáng (Để chào bạn bè thân thiết)
4 こんばんは konbanwa Chào buổi tối
5 もしもし moshimoshi Alo (chào khi nghe điện thoại)
6 お久しぶりです ohisashiburi Lâu rồi không gặp (Khi gặp một người đã lâu không gặp)
7 初めまして。 hajimemashite Hân hạnh được biết bạn (Được dùng khi gặp ai đó lần đầu)
8 お元 気ですか Ogenki Desu Ka Bạn có khỏe không
9 最近 どうですか Saikin doudesuka Dạo này như thế nào?
10 ただいま。 tadaima (Khi đi ra ngoài và trở về nhà)
11 じゃ、また ja,mata Hẹn gặp lại (lịch sự)
また 後で Mata atode Hẹn gặp lại sau
12 またね matane (Cách tạm biệt thân mật)
13 バイバイ baibai (Cách chào sử dụng từ mượn tiếng Anh)
14 きをつけて kiotsukete Bảo trọng (Dùng khi thời gian lâu sau mới gặp lại)
15 お休みなさい Oyasuminasai Chúc ngủ ngon
16 貴方のお父様によろしくお伝 え下さい Anata no o tōsama ni yoroshiku o Den e kudasai Cho tôi gửi lời chào bố bạn nhé
17 こちらは 私 の名刺です Kochira wa watashi no meishidesu Đây là danh thiếp của tôi

6. TRANG PHỤC TRONG GIAO TIẾP Ở NHẬT BẢN

Trang phục được coi là yếu tố đặc biệt quan trọng trong văn hóa giao tiếp của Nhật Bản. Tùy vào hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp mà người Nhật có những lựa chọn trang phục phù hợp tuy nhiên luôn đề cao sự ý nhị, kín đáo và các nét tinh tế trong trang phục đặc biệt là sạch sẽ và không nhàu nát.

Trang phục trong giao tiếp ở Nhật Bản
  • Nơi làm việc: những bộ quần áo mang dáng dấp hiện đại nhưng vẫn kín đáo sẽ luôn là lựa chọn tối ưu.
  • Bữa tiệc xã giao: Nam thường một bộ vest đen đi kèm với cravat có màu sắc tinh tế, nữ nên mặc váy, quần Tây kèm áo sơ mi, mang giày cao gót.

7. VĂN HÓA CÚI NGƯỜI KHI CHÀO KHÔNG CHỈ RIÊNG Ở NHẬT BẢN

Văn hóa cúi chào cũng phổ biến tại Việt Nam
Văn hóa cúi người khi chào cũng phổ biến tại Việt Nam

Như chúng ta đã thấy, cúi người khi chào là một cử chỉ tự nhiên, nó không chỉ có ở Nhật Bản. Ngay cả ở các nước châu Âu, người ta cũng từng cúi người khi chào trước giới quý tộc. Chúng ta vẫn có thể chứng kiến những cái cúi đầu nhẹ trong các nhà thờ, hoặc trong các đền thờ Hồi giáo.

Ở nhiều nền văn hóa châu Á, bao gồm Việt Nam và Nhật Bản, cúi người khi chào vẫn là một phần thiết yếu của nền văn hóa. Nhưng các quy tắc cúi người khi chào sẽ có sự khác nhau giữa các quốc gia và giữa các tôn giáo.

Ví dụ, ở Ấn Độ, theo truyền thống, những người trẻ tuổi cúi đầu chạm vào chân của những người thân lớn tuổi. Tuy nhiên, truyền thống cúi người chào đã dần bị phai nhạt ở đất nước này. Nhưng ở Nhật Bản, cúi người chào vẫn là một phần thiết yếu của truyền thống.

Các hình ảnh sau đây cho thấy cúi người chào không chỉ riêng ở Nhật Bản mà là một cử chỉ phổ biến và tự nhiên trong nhiều xã hội và tôn giáo khác nhau.

  • Cúi người khi chào trong các nhà thờ
Truyền thống cúi chào trong Cơ đốc giáo
Truyền thống cúi người khi chào trong Cơ đốc giáo
  • Văn hóa cúi người khi chào ở Ấn Độ
Người trẻ thể hiện sự tôn trọng bằng cách chạm vào chân của người lớn tuổi ở Ấn Độ
Người trẻ thể hiện sự tôn trọng bằng cách chạm vào chân của người lớn tuổi ở Ấn Độ
  • Cúi người chào trong Đạo Hồi
Hình ảnh một buổi cầu nguyện trong các nhà thờ Hồi giáo
Hình ảnh một buổi cầu nguyện trong các nhà thờ Hồi giáo

8. LỜI KẾT

Chào là một nghi thức không thể thiếu trong giao tiếp hằng ngày, tưởng chừng như nó rất đơn giản nhưng ở Nhật Bản, bạn phải thật lưu ý và ghi nhớ để sử dụng các cách chào cho phù hợp. Chính bản thân người dân ở Nhật cũng cảm thấy sự phiền phức trong cách chào hỏi của mình nhưng họ vẫn sử dụng và lưu truyền cách chào truyền thống này từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong giao tiếp quốc tế, người dân Nhật cũng đã điều chỉnh sao cho phù hợp và giản lược cách chào của họ bằng cách bắt tay. Mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về văn hóa chào hỏi của Nhật Bản để có thể ứng dụng khi đặt chân đến đất nước mặt trời mọc nhé!

Các bài viết bạn có thể quan tâm:

Sinh viên thực hiện: Vũ Phương Anh

Mã sinh viên: 21050786

Lớp: QH-2021-E KTQT CLC 6

Mã lớp học phần: INE3104 2