Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một trong những yếu tố then chốt định hình tương lai của toàn cầu. Cuộc đua AI không chỉ là cuộc cạnh tranh về công nghệ mà còn là một cuộc chạy đua về quyền lực kinh tế và quân sự. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá top 5 quốc gia hàng đầu trên thế giới đang dẫn đầu trong lĩnh vực AI, từ những phát minh đột phá đến chiến lược phát triển lâu dài, và cách họ đang định hình kỷ nguyên mới với công nghệ tiên tiến này.
Nội dung bài viết
I. Công nghệ trí tuệ nhân tạo là gì?
Trí tuệ nhân tạo là công nghệ cho phép máy móc, đặc biệt là máy tính, “học hỏi” và “suy nghĩ” như con người. Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy (machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính.
Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,…
Từ đó, AI được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như robot học, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng khuôn mặt, xe tự lái và mô phỏng quân sự, chẩn đoán y khoa, dạy học, phân tích dữ liệu, sáng tạo nội dung, dự báo thời tiết, và nhiều hơn thế nữa. Nhờ vào sự tiến bộ của AI, con người có thể tận dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề khó khăn hơn và đạt được những bước tiến khoa học xa hơn nữa.
Với những ứng dụng vô cùng thiết thực, trí tuệ nhân tạo ngày càng chứng tỏ được vai trò quan trọng và sự ảnh hưởng đến sự phát triển về nhiều mặt của một quốc gia. Chính vì vậy mà cuộc đua AI đang ngày càng nóng lên, cuộc đua này không chỉ về công nghệ, mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc định hình quyền lực kinh tế và quân sự toàn cầu.
II. Top 5 quốc gia hàng đầu thế giới trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo
1. Mỹ
Ngày nay, Mỹ là quốc gia năng động nhất trong lĩnh vực nghiên cứu AI. Theo tổ chức nghiên cứu chuyên sâu Macro Polo (Mỹ), gần 60% các nhà nghiên cứu AI hàng đầu làm việc cho các trường đại học và công ty Mỹ, trong khi đó, Tập đoàn Tài chính Mirae Assets cho biết đến nay đã có 249 tỷ USD tiền đầu tư tư nhân đã được huy động.
Theo một báo cáo của KPMG International và hãng công nghệ ZGC, tính đến cuối tháng 6/2023, trên thế giới có khoảng 36.000 công ty chuyên về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trong đó có 13.000 công ty (tương đương 33,5%) có trụ sở tại Mỹ và hơn 5.700 công ty (tương đương 16%) là của Trung Quốc. Các quốc gia xếp sau về số công ty trong lĩnh vực AI bao gồm Anh (2.367), Ấn Độ (2.080) và Canada (1.515).
AI đã mang lại thêm 5 nghìn tỷ USD cho 7 công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ trong năm 2023. 7 công ty này chính là Meta, Amazon, Apple, Alphabet, Microsoft, NVIDIA và Tesla – những công ty này đang thúc đẩy thị trường cổ phiếu nhân danh AI ở khắp mọi nơi.
Chỉ riêng Thung lũng Silicon đã là nơi đặt trụ sở của một số nhà cung cấp nổi bật nhất trong lĩnh vực AI, bao gồm OpenAI, Google, Meta… những công ty đã đóng góp vào việc tạo ra các sản phẩm hàng đầu, bao gồm mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4, DALL-E 3, Gemini, Llama 2 và Claude 2.
Ở giai đoạn đầu phát triển hiện tại của thị trường, GPT-4 nghiễm nhiên là “con gà đẻ trứng vàng” của cuộc đua AI, đạt được 100 triệu người dùng hoạt động hàng tuần.
Nghiên cứu của Goldman Sachs cho thấy, đầu tư vào AI trong khu vực cũng đang tăng trưởng mạnh, với tổng đầu tư tư nhân vào AI đạt 52,6 tỷ USD trong năm 2023, chiếm gần một nửa tổng đầu tư toàn cầu vào AI trong năm đó.
Chính phủ Mỹ cũng đang tích cực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI. Theo đó, quốc hội Mỹ đã ban hành những chính sách khuyến khích các công ty công nghệ nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, có sự hỗ trợ tài chính thông qua việc phê duyệt một khoản tài trợ trị giá 32 tỷ USD cho nghiên cứu trí tuệ nhân tạo nhằm tăng năng lực cạnh tranh của nước này trên trường quốc tế.
Mỹ cũng là một trong những quốc gia tiên phong về các chính sách trí tuệ nhân tạo nhằm quản lý lĩnh vực đang phát triển cực kỳ nhanh chóng khi đã hàng loạt sắc lệnh nhằm đặt ra những tiêu chuẩn an toàn bảo mật cho cá nhân hoặc tổ chức, xây dựng các hướng dẫn để xác định nội dung do AI tạo ra, đảm bảo sự phát triển công nghệ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường…
2. Trung Quốc
Theo Tập đoàn Tài chính Mirae Assets, Trung Quốc là quốc gia đóng góp đáng kể thứ hai cho nghiên cứu AI, với 11% các nhà nghiên cứu AI hàng đầu và đã huy động được 95 tỷ USD đầu tư tư nhân trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023.
Các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Tencent, Huawei và Baidu đang dẫn đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo AI của đất nước với các bản phát hành mới, bao gồm mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) Hunyuan của Tencent, một giải pháp thay thế tiếng Trung cho ChatGPT, Pangu của Huawei, một mô hình ngôn ngữ lớn với 1.085 nghìn tỷ tham số và mô hình AI Ernie của Baidu, mà công ty này tuyên bố cung cấp các tính năng ngang bằng với mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 của OpenAI.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào cuộc đua vũ trang trí tuệ nhân tạo. Theo dự báo của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC), khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ đạt 38,1 tỷ USD vào năm 2027, tương đương 9% tổng đầu tư của thế giới.
Trung Quốc tuyên bố rằng sẽ phát triển một “hệ thống công nghệ và lý thuyết AI thế hệ mới hoàn thiện”. Tính đến năm năm 2023, thị trường trí tuệ nhân tạo trị giá khoảng 195 tỷ Nhân dân tệ (27,182 tỷ USD) và con số đó dự kiến sẽ đạt 400 tỷ Nhân dân tệ (61,855 tỷ USD) vào năm 2025.
Trung Quốc là một trong những đối thủ AI hàng đầu của Mỹ, cũng đã đưa ra một số quy định. Trong năm 2023, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã ban hành các biện pháp hành chính tạm thời đối với dịch vụ AI tạo sinh, đóng vai trò hướng dẫn về cách quản lý công nghệ này trong lúc chờ đợi một bộ luật chính thức về AI mà nước này đang xây dựng.
3. Vương quốc Anh
Trong nhiều năm, Vương quốc Anh vẫn là một trong những quốc gia đóng góp hàng đầu cho cuộc đua AI. Trên thực tế, theo Cục Quản lý thương mại quốc tế (ITA), Vương quốc Anh là thị trường AI lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc, với giá trị hiện tại là 21 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Quốc gia này tự hào có nhiều công ty khởi nghiệp về AI trong khu vực, bao gồm DeepMind và Darktrace, đây là những công ty sử dụng AI để cung cấp cho các doanh nghiệp khả năng phát hiện các mối đe dọa dựa trên đám mây theo thời gian thực.
Chi tiêu của Chính phủ Anh cho nghiên cứu và phát triển cũng đang tăng lên, với việc Thủ tướng Rishi Sunak đang lên kế hoạch tăng chi tiêu cho lĩnh vực chíp và siêu máy tính lên 400 triệu bảng Anh, bao gồm khoản đầu tư 100 triệu bảng Anh vào một cơ sở siêu máy tính đặt tại thành phố Bristol (Vương quốc Anh), hợp tác với Tập đoàn Công nghệ đa quốc gia Hewlett Packard Enterprise (Mỹ) và Đại học Bristol.
Tháng 4 năm 2024, Anh cùng Mỹ đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác về an toàn trí tuệ nhân tạo. Hai bên sẽ cùng nhau thúc đẩy việc thử nghiệm các mô hình AI tiên tiến, đồng thời ứng phó với những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra cho an ninh quốc gia và cho xã hội nói chung. Có thể nói đây là một bước tiến cho cả đôi bên trong việc phát triển công nghệ của cả hai nước.
4. Ấn Độ
Ấn Độ là quốc gia lớn nhất ở Nam Á và là quốc gia đóng góp đáng kể nhất cho nghiên cứu AI trong khu vực. Năm ngoái, Ấn Độ đã huy động được 3,24 tỷ USD, trở thành quốc gia đứng thứ 5 về đầu tư AI trên thế giới. Ước tính Ấn Độ cũng có tỷ lệ thâm nhập kỹ năng AI cao nhất trong số các nước G20 và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ, ông Rajeev Chandrasekhar gần đây đã tuyên bố Chính phủ Ấn Độ sẽ sớm khởi động chương trình “AI Ấn Độ” để khuyến khích sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp AI trong nước.
Tháng 3 năm 2024, Ấn Độ đã thông qua “Sứ mệnh trí tuệ nhân tạo” với kinh phí hơn 1,25 tỷ USD trong 5 năm. “Sứ mệnh AI của Ấn Độ” sẽ cung cấp tài chính cho các công ty khởi nghiệp AI deep-tech cũng như tìm cách phát triển và đào tạo các mô hình AI và các ứng dụng khác. Bên cạnh đó, sứ mệnh cũng sẽ cung cấp một khuôn khổ để phát triển các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) theo quan hệ đối tác công-tư cũng như các mô hình ngôn ngữ miền chuyên biệt lớn, đa dạng, hỗ trợ các nền tảng AI tổng hợp.
Một số công ty khởi nghiệp AI nổi bật của Ấn Độ đáng chú ý bao gồm nền tảng AI hội thoại Avaamo, nền tảng kiểm tra sức khỏe AI HEAPs, nhà cung cấp sàng lọc thông minh bằng rô-bốt và AI SigTuple, và nền tảng tự động hóa dựa trên AI Yellow.ai.
5. Canada
Canada đã lặng lẽ nổi lên như 1 trong 5 quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu AI. Trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023, 2,57 tỷ USD đã được đầu tư vào nghiên cứu AI trong nước, nâng tổng đầu tư AI lên 8,64 tỷ USD.
Chính phủ Canada cũng cam kết đầu tư vào phát triển AI có trách nhiệm (Responsible AI) trên khắp đất nước, với khoản đầu tư hơn 124 triệu USD cho Đại học Montreal vào tháng 6 năm 2023 thông qua quỹ phát triển các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm của chính phủ.
Trong năm 2024 này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ nước này sẽ dành khoản tiền 2,4 tỷ CAD (gần 1,8 tỷ USD) trong dự thảo ngân sách năm 2024 để phát triển năng lực quốc gia về trí tuệ nhân tạo.
Phần lớn số tiền trên, khoảng 2 tỷ CAD, sẽ được dành cho cơ sở hạ tầng công nghệ và điện toán phục vụ các nhà nghiên cứu và các công ty AI của Canada.
Số tiền còn lại sẽ được đầu tư vào những lĩnh vực khác của công nghệ AI, trong đó khoảng hơn 200 triệu CAD sẽ được phân bổ thông qua các cơ quan phát triển trong khu vực để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này và 50 triệu CAD sẽ được sử dụng để hỗ trợ những người lao động chịu ảnh hưởng do việc áp dụng công nghệ AI.
Một số công ty AI hàng đầu hoạt động tại Canada bao gồm nhà cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn doanh nghiệp Cohere, nền tảng AI tạo sinh Scale AI và nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm AI Coveo.
III. Việt Nam đang ở đâu trên “bản đồ AI” thế giới?
Trước xu thế AI không thể đảo ngược hiện nay, yêu cầu đặt ra cho ngành trí tuệ nhân tạo Việt Nam là phải tăng tốc nắm bắt cơ hội từ làn sóng AI để tạo đột phá trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, bứt phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Tập đoàn Công nghệ Meta nhận định: “Việt Nam có thể trở thành “con rồng” trong trí tuệ nhân tạo”. Mặt khác, tờ báo Nikkei Asia nói về tiềm năng ngành AI tại Việt Nam: “Nhiều công ty công nghệ hàng đầu về AI đang quan tâm đầu tư tại thị trường Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và bán dẫn.” Chính chủ trịch Nvidia – một trong những tập đoàn hàng đầu về GPU và công nghệ AI đã có chuyến thăm và khảo sát tại Việt Nam.
Có thể thấy, Việt Nam là điểm đến rất hứa hẹn đối với các tập đoàn công nghệ nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra chúng ta chưa thật sự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để thu hút và giữ chân được các nhân tài trong một ngành vô cùng “hot” hiện nay.
Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và phát triển song hành với yêu cầu phục vAụ nghiên cứu AI. Nhân lực trong ngành công nghệ thông tin hiện nay khá đông, nhưng để tìm ra những nhân lực chất lượng, đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế và có tính sáng tạo thì chưa thật sự nhiều. Các chính sách hay hỗ trợ nghiên cứu còn tương đối hạn hẹp và chậm nếu so sánh với các quốc gia phát triển về AI.
Chính vì những lý do trên, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo nhu cầu học tập và nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Tăng cường đào tạo, học tập và trao đổi nhân sự trong lĩnh vực, trau dồi kiến thức và tiếp tục ban hành những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân hay tổ chức phát triển AI.
IV. Kết luận
Thông qua bài viết, chúng ta đã thấy top 5 quốc gia được đề cập trong bài viết này là những quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển công nghệ AI trên thế giới. Mỗi quốc gia đều có những thế mạnh và điểm nhấn riêng trong lĩnh vực AI, và họ đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Việt Nam cũng cần nỗ lực và cải thiện hơn nữa để có thể bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới.
Sự phát triển mạnh mẽ của AI mang đến nhiều tiềm năng to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật của các quốc gia. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra một số thách thức như vấn đề đạo đức, việc làm, an ninh mạng,… Do đó, các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ với nhau để phát triển AI một cách có trách nhiệm và bền vững, đảm bảo lợi ích cho toàn nhân loại.
XEM THÊM MỘT SỐ BÀI VIẾT LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ:
7 Bí mật đằng sau sự bùng nổ của phần mềm AI trong giáo dục
Điện toán lượng tử – cuộc cách mạng tính toán của nền công nghiệp 5.0
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thật sự là tương lai của công nghệ cho thế giới?
Công nghệ 5G: Thực tế triển khai tại Việt Nam – Cơ hội và thách thức
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thái Khánh An
Mã sinh viên: 21050759
Lớp: QH2021E KTQT CLC 3
Mã học phần: INE3104