BÉO PHÌ LÀ GÌ? – 15 TÁC HẠI CỦA BÉO PHÌ

Béo phì và những điều cần biết

Bệnh béo phì là gì? Nguyên nhân dẫn đến béo phì? Tác hại của béo phì đối với sức khỏe và đời sống con người? Các biện pháp phòng ngừa béo phì?

  1. Bệnh béo phì là gì?

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Người bị bệnh béo phì không chỉ có thân hình nặng nề, khó coi, đi lại chậm chạp… mà còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý như: tăng huyết áp, rối loạn lipid, sỏi mật, đái tháo đường, xương khớp và ung thư…

Béo phì là gì?
Thừa cân, béo phì

Để xác định bạn có mắc bệnh béo phì hay không, bạn có thể dựa trên một vài phương pháp như: đo lớp mỡ dưới da, đo tỷ trọng cơ thể, hoặc tính chỉ số BMI (body mass index). Trong đó tính chỉ số BMI là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất.

Công thức tính chỉ số BMI như sau: BMI = cân nặng/(chiều cao)2 

Chỉ số BMI
Chỉ số BMI

(cân nặng tính bằng kg và chiều cao tính bằng mét).

Theo WHO người có BMI trên 30 là béo phì, còn phân loại riêng cho người Châu Á Thái Bình Dương là trên 25.

  1. Nguyên nhân nào dẫn đến béo phì?

Bệnh béo phì xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình là kết quả giữa những nguyên nhân và các yếu tố góp phần, bao gồm:

Lười vận động hoặc ít vận động

Hiện nay, nhiều người và nhất là các bạn trẻ thường rất ít vận động. Họ chỉ dán mắt vào smartphone, laptop hoặc xem truyền hình…Một số người do tính chất công việc luôn phải ngồi một chỗ, khiến cơ thể không thể đốt cháy nhiều calo.

Lười vận động
Lười vận động có thể dẫn đến béo phì

Nếu không tích cực vận động, đi lại, và tập luyện thể dục thể thao thì lượng calo tích tụ lại bên trong cơ thể sẽ ngày càng nhiều. Từ đó hình thành mỡ thừa và dẫn đến béo phì.

Thói quen và chế độ ăn uống không lành mạnh

Ngày nay, thanh thiếu niên và trẻ nhỏ thường rất thích ăn các loại fastfood, trà sữa, các loại thức ăn nhiều calories khác, ít ăn rau và trái cây. Do chế đô ăn uống cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu, vận động đi lại ít làm cho lượng năng lượng dư thừa nhiều gây cân nặng cơ thể tăng lên. Hoặc do các thói quen khác như ăn nhiều cơm, tinh bột vào buổi tối, hoặc ăn các thức ăn chứa nhiều năng lượng: đường mật, nước ngọt, thit mỡ, dầu mỡ, thích ăn các món xào rán cũng là những thói quen không tốt dẫn đến nguy cơ bị béo phì.

Ăn uống không lành mạnh
Thói quen ăn uống không lành mạnh

Các yếu tố di truyền

Gia đình có nhiều cá nhân mắc bệnh béo phì thì nguy cơ béo phì cho những thành viên khác là rất lớn. Tuy nhiên yếu tố này còn liên quan đến chế độ ăn uống của toàn hộ gia đình đó.

Di truyền
Béo phì có thể do di truyền

Các nguyên nhân khác

Thiếu ngủ: Ít ai biết rằng nếu bạn ngủ ít hơn 7 tiếng một đêm có thể gây ra những thay đổi về kích thích tố dẫn đến sự thèm ăn.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Các loại thuốc như: thuốc chống trầm cảm, chống động kinh, chống loạn thần, thuốc điều trị tiểu đường… có thể gây ra tác dụng phụ là tăng cân.

Các yếu tố về kinh tế, xã hội

  1. Tác hại của béo phì

Đối với trẻ nhỏ

Béo phì ở trẻ nhỏ
Béo phì ở trẻ nhỏ

1.Rối loạn tâm lý: Khi bé bắt đầu đi học, sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Nếu tình trạng này kéo dài gây rối loạn tâm lý ở trẻ thậm chí dẫn đến trầm cảm.

2.Rối loạn hormone và dễ mắc các bệnh hội chứng chuyển hóa: Trẻ béo phì sẽ dễ dậy thì sớm, bé gái dễ bị vô kinh, kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao. Nguyên nhân là do thường xuyên dung nạp quá nhiều đường vào cơ thể (chủ yếu qua đường ăn uống như thức ăn nhanh, nước có gas), khiến insulin luôn trong tình trạng cao đột biến. Sự tăng tiết insulin nhưng bị khối mỡ ức chế hoạt động nên đường huyết tăng gây ra tiểu đường týp 2.

3.Rối loạn tiêu hóa: trẻ dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do bé hấp thu quá nhiều đường và chất béo gây tích tụ lại trong gan.

4.Tăng huyết áp (Cao huyết áp): Khoảng 20-30% trẻ béo phì có dấu hiệu bị tăng huyết áp.

5.Thoái hóa khớp: Nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp, đặc biệt là khớp gối chịu do thường xuyên chịu áp lực từ thể trọng quá nặng.

6.Nguy cơ bệnh tim mạch cao: Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ bị béo phì có nguy cơ bị xơ vữa động mạch gấp 7.3 lần, bệnh động mạch vành tăng gấp 1.8 lần, tử vong do bệnh viêm mạch vành, nhồi máu cơ tim tăng gấp 2.3 lần so với trẻ có mức cân nặng bình thường.

Đối với người lớn

Béo phì ở người lớn
Béo phì ở người lớn

7.Tác động tâm lý từ ngoại hình quá khổ: Người thừa cân béo phì thường mất tự tin trong giao tiếp, ngại xuất hiện trước đám đông, căng thẳng, kém linh hoạt trong cuộc sống hàng ngày… làm giảm sút hiệu quả công việc…

8.Bệnh xương khớp: Người thừa cân béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp. Khớp gối, cột sống tổn thương sớm nhất, dễ mắc bệnh gout.

9.Bệnh lý tim mạch: Người béo phì thường đi kèm với bệnh rối loạn lipid máu hay thường gọi là bệnh mỡ trong máu hoặc cholesterol cao. Khi cholesterol cao gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Mặt khác, ở người béo phì tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể và lâu dài gây quá tải cho tim do đó ở người béo phì dễ mắc các bệnh về tim mạch.

10.Bệnh tiểu đường: Bệnh béo phì có liên quan mật thiết với bệnh tiểu đường type 2 do gây đề kháng insulin (hormon điều hòa đường huyết và đưa nhanh glucose vào tế bào để sử dụng) nên là nguyên nhân trực tiếp gây ra đái tháo đường týp 2.

11.Dễ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa: Béo phì làm cho lượng mỡ dư bám vào các quai ruột gây táo bón, dễ sinh ra bệnh trĩ. Sự ứ đọng phân và các chất thải độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa dễ sinh bệnh ung thư đại tràng. Lượng mỡ dư tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh xơ gan… Rối loạn chuyển hóa mỡ sinh ra sỏi mật.

12.Suy giảm trí nhớ: Người lớn bị béo phì có nguy cơ bị Alzheimer cao hơn so với người bình thường.

13.Bệnh lý đường hô hấp: Hoạt động của cơ hoành, khí phế quản của người béo phì thường hạn chế do “mỡ bám”, người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ, béo phì càng nặng rối loạn nhịp thở càng nhiều.

14.Rối loạn nội tiết: Phụ nữ béo phì thường bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, khó có thai, nguy cơ vô sinh cao. Nếu có thai nguy cơ đẻ khó, con dễ bị rối loạn chuyển hóa. Nam giới béo phì thường yếu sinh lý, nguy cơ vô sinh.

15.Nguy cơ ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa béo phì và ung thư như: ung thư thực quản, ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư gan mật và ung thư tuyến tiền liệt.

  1.  Các biện pháp phòng ngừa béo phì

Hai yếu tố làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì một cách hiệu quả cần được quan tâm là chế độ dinh dưỡng và các hoạt động thể lực.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối giúp kiểm soát tốt lượng năng lượng đưa vào cơ thể; giảm năng lượng ăn vào bằng cách: ăn bớt cơm; hạn chế ăn thực phẩm có nhiều đường (đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, socôla, nước ngọt,…) và nhiều muối (thức ăn nhanh, thịt hộp, xúc xích, mì ăn liền…); hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa (bơ, mỡ, thịt ba chỉ, thịt mỡ,…).

Tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ: rau, củ, trái cây; nên ăn các món luộc, hấp, rau củ trộn salad, nấu canh, làm gỏi, hạn chế các món chiên, xào; uống đủ lượng nước mỗi ngày và hạn chế các loại đồ uống có cồn; tạo thói quen ăn uống một cách khoa học; không nên ăn muộn và buổi tối trước khi đi ngủ.

Rau, củ, quả
Thực phầm giàu chất xơ

Bên cạnh chế độ ăn hợp lý, nên tăng cường hoạt động thể lực để làm tiêu hao năng lượng dư thừa (60 phút mỗi ngày cho trẻ em và 150 phút mỗi tuần cho người lớn). Các hoạt động thể lực nên được lựa chọn cho phù hợp với lứa tuổi, cũng như tình trạng sức khỏe, bệnh lý của từng người. Cần tập luyện với cường độ thấp và thời gian vận động phải dài. Càng tập luyện đều đặn, thường xuyên và lâu dài thì tác động càng lớn.

Tập thể dục
Luyện tập thể dục hàng ngày

Xem thêm:

TẬP THỂ DỤC – TOP 5 LỢI ÍCH MÀ BẠN KHÔNG NGỜ TỚI

06 THỰC ĐƠN LÀNH MẠNH CHO NGƯỜI THỪA CÂN BÉO PHÌ

Thực hiện: Đỗ Thị Lĩnh (16050932)