Phục Hồi Và Phát Triển Ngành Du lịch Việt Nam Sau Đại Dịch Covid – 19

du lịch Việt Nam sau đại dịch

Hiện nay, ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid – 19 đang bắt đầu phục hồi phát triển sau những tác động khủng khiếp những năm trước đó. Sau gần một năm nỗ lực khắc phục và làm mới mình, du lịch đã thu về những kết quả ấn tượng. Sự trở lại nhanh chóng của ngành kinh tế mũi nhọn này cho thấy Việt Nam đã thoát khỏi những ám ảnh của Covid -19 để phục hồi về mọi mặt từ kinh tế cho đến đời sống xã hội.

1. Tác động ngành du lịch Việt Nam sau đại Covid – 19

Đại dịch Covid – 19 đã có tác động rất lớn đến ngành du lịch, giảm số lượng du khách quốc tế và giảm doanh thu của nhiều nhà du lịch và các địa điểm du lịch. Rất nhiều chuyến bay đã bị hủy hoặc hoãn, giảm số lượng du khách đến các địa điểm du lịch và giảm doanh thu của các nhà du lịch và địa điểm du lịch.

Tác động đến ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid - 19
Tác động đến ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid – 19
  • Số lượng khách, doanh thu du lịch: lượng khách quốc tế năm 2019 – 2020  đạt được 3.7 triệu lượt giảm 80 % so với những năm trước. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34%  so với cùng kỳ năm 2019.
  • Lao động du lịch: đại dịch Covid – 19 đã làm ảnh hưởng đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp, trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác…
  • Doanh nghiệp du lịch: số doanh nghiệp thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35%. Kinh doanh lưu trú du lịch – lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng phải đóng cửa 90 % và hầu như không có khách.

Có thể thấy, ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch đã phải đối mặt với nhiều thách thức về an toàn và sức khỏe, yêu cầu tăng cường các biện pháp về an toàn và sức khỏe để hạn chế lây lan dịch bệnh và giảm rủi ro cho du khách và người dân địa phương.

Để phục hồi du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid – 19, không có cách nào khác các địa phương, doanh nghiệp lữ hành….phải tập trung tìm kiếm các giải pháp phục hồi và tồn tại.

Điều này có thể bao gồm việc tập trung vào các khu vực du lịch trong nước, tạo ra các chương trình du lịch an toàn và sức khỏe, và tập trung vào việc tăng cường chất lượng dịch vụ du lịch để giữ vững du khách trong nước và tăng số lượng du khách quốc tế trở lại.

Xem thêm: Top 9+ địa điểm du lịch miền Bắc tuyệt đẹp dành cho bạn

2. Giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid – 19

Du lịch Việt Nam sau đại dịch cần phải tìm kiếm một hướng đi mới để phục hồi. Vừa chống dịch bệnh COVID-19, vừa tập trung phát triển kinh tế – xã hội, ngành du lịch kịp thời có giải pháp, chuyển từ trạng thái “không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, cụ thể:

  1. Để hồi phục lại du lịch Việt Nam sau đại dịch, các công ty du lịch cần đồng lòng hợp tác với hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng… xây dựng các gói kích cầu du lịch nhằm giúp cho du lịch phục hồi nhanh chóng sau giai đoạn khủng hoảng.
  2. Nhà nước cần có các chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp trong ngành du lịch như miễn thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các dịch vụ khách liên quan đến du lịch . Đảm bảo giảm thuế khoán đối với hộ gia đình kinh doanh du lịch cá thể, áp dụng mức giá điện theo giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng các mức giá dịch vụ.
  3. Tăng cường quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng miền của đất nước.
  4. Tập trung nghiên cứu, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, nghiên cứu kinh nghiệm các nước về áp dụng mô hình bong bóng du lịch, hộ chiếu vắc xin đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác trao đổi khách quốc tế với quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh để dần phục hồi và phát triển thị trường khách quốc tế.
  5. Triển khai các chính sách hỗ trợ việc làm và đào tạo nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, tham gia kinh doanh du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid -19, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến quảng bá trong giai đoạn phục hồi và phát triển thị trường.
Giải Pháp du lịch Việt Nam phục hồi sau dịch Covid - 19
Giải Pháp du lịch việt nam sau đại dịch Covid 19

Rõ ràng, với những sự thay đổi lớn về nhận thức như nhu cầu người tiêu dùng sau đại dịch của con người, ngành du lịch cần nhanh chóng thích ứng và có những thay đổi để tạo nên bước đột phá trong tiến trình phục hồi và phát triển. Đồng thời tận dụng và khai thác một cách hiệu quả hơn những tài nguyên du lịch để đem đến cho du khách những cảm nhận khác biệt, đáp ứng được thị hiếu của xã hội trong bối cảnh hoàn toàn mới.

Xem thêm: TOP 8 địa điểm du lịch mùa đông miền Bắc đẹp như mơ nhất định phải check-in

3. Đổi mới du lịch – Bước đột phá để phục hồi cho ngành du lịch

Trên cơ sở nhận định được những thay đổi trong nhu cầu của khách du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid – 19, những yếu tố quan trọng cần phải được nâng cao chất lượng sản phẩm kể đến như sau:

Quy trình đảm bảo an toàn trong mỗi chuyến du lịch  

Doanh nghiệp cần hoàn thiện các quy trình đảm bảo an toàn du khách trong quá trình cung ứng dịch vụ và cho du khách thấy được doanh nghiệp đang đặt yếu tố an toàn cho du khách lên hàng đầu: từ việc khai báo y tế, đến hỗ trợ xét nghiệm nhanh cho khách, thường xuyên được xét nghiệm và sàng lọc Covid -19.

du lịch Việt Nam sau đại dịch

 

Lựa chọn các điểm đến, dịch vụ an toàn cho du khách, thường xuyên quan tâm và theo dõi sức khoẻ của du khách trong suốt hành trình, hỗ trợ du khách khi có các tình huống bất ngờ xảy ra liên quan đến dịch bệnh… đều là những yếu tố hết sức quan trọng để củng cố và tạo dựng được niềm tin, sự yên tâm cho du khách trong suốt chuyến đi.

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cho du khách nội địa

Có thể nhận thấy thị trường nội địa đang và sẽ là thị trường chủ chốt, quan trọng đối với sự phục hồi và phát triển của du lịch nước nhà. Trước mắt bạn có thể thấy khách du lịch nội địa sẽ tập trung vào các điểm đến trong nước là du lịch nước ngoài, và họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn nếu sản phẩm, dịch vụ họ nhận được thoả mãn nhu cầu và mong muốn. Đây là bộ phận khách du lịch mang lại nhiều lợi nhuận, tạo nên tệp khách hàng ổn định cho ngành du lịch nước nhà.

Ứng dụng công nghệ làm mới, tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm du lịch

Việc ứng dụng công nghệ trong du lịch là xu thế của xã hội, và qua đại dịch lần này càng thấy rõ hơn vai trò của công nghệ. Từ việc thực hiện những tour du lịch trực tuyến trong bối cảnh giãn cách xã hội, khách có thể ngồi tại nhà và thưởng thức những giá trị tự nhiên và văn hoá tại điểm đến.

Xu hướng mới du lịch bằng công nghệ
Du lịch việt nam sau đại dịch – Xu hướng mới du lịch bằng công nghệ

Ngoài ra, phải kể đến các ứng dụng công nghệ kĩ thuật số và công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc hạn chế tiếp xúc – một trong những xu hướng mới của du lịch sau đại dịch giúp cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng, hạn chế chờ đợi, xếp hàng, tiện lợi hơn rất nhiều và cũng hạn chế sự lây nhiễm trong bối cảnh dịch bệnh, đem đến trải nghiệm thú vị hơn, an toàn hơn.

Thậm chí, công nghệ thực tế ảo hoàn toàn có thể đem đến trải nghiệm và cảm nhận lại những khoảnh khắc, không gian khi cả nước phải đối đầu với đại dịch…để thấy được giá trị của cuộc sống và nỗ lực của những lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Khai thác chiều sâu các giá trị tri thức, sáng tạo

Du lịch Việt Nam sau đại dịch gần như đóng băng, nhưng cũng là khoảng nghỉ để những người làm du lịch nhìn nhận lại những sản phẩm trước đây. Đồng thời suy ngẫm và đi sâu khai thác những giá trị văn hoá, lịch sử, nghệ thuật trong sản phẩm du lịch trước bối cảnh mới thông qua những hình thức trải nghiệm mới cho du khách, tìm kiếm những cách tiếp cận mới dựa vào những tài nguyên đã có như phát triển các dịch vụ về gắn với tri thức tại các bảo tàng.

Ngoài ra, tăng cường thêm các trải nghiệm ẩm thực bằng tất cả các giác quan, không chỉ nếm thử mà còn chiêm ngưỡng tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực. Còn gắn kết với cộng đồng điểm đến thông qua trải nghiệm chân thực cùng người dân địa phương trong lao động, và nếp sống hàng ngày, lễ, tết…

Du lịch hướng tới thiên nhiên

Hiện nay, du lịch Việt Nam sau đại dịch đang được chú trọng phát triển các loại hình du lịch sinh thái thiên nhiên. Sản phẩm du lịch phải được định hướng theo các tiêu chí bền vững trong từng khâu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của người tiêu dùng, nhất là khi một bộ phận không nhỏ khách du lịch đã những hiểu biết và nhận thức rõ ràng về lối sống xanh, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trải nghiệm du lịch hòa nhập với thiên nhiên là một loại hình thu hút nhiều khách du lịch có mong muốn khám phá và trải nghiệm. Được hòa mình vào núi rừng, biển cả sẽ khiến tâm trạng trở nên thư thái, giải phóng năng lượng tiêu cực. Đây cũng chính là lí do nhiều người lựa chọn du lịch hướng tới thiên nhiên.

Du lịch thiên nhiên đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng phát triển
Du lịch Việt Nam sau đại dịch – Chú trọng phát triển du lịch thiên nhiên

Xem thêm: Tam Chúc – 1 địa điểm đáng để trải nghiệm

Du lịch gia đình, người thân, bạn bè

Du lịch trở thành công cụ giúp gắn kết gia đình, người thân, bạn bè sau khoảng thời gian dài giãn cách. Các nhà tổ chức tour du lịch có thể thiết kế các chương trình dành cho gia đình, bạn bè lựa chọn các điểm đến, các dịch vụ an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng.

Như vậy, có thể thấy sự đổi mới của sản phẩm du lịch sẽ mở ra nhiều hơn cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc thu hút khách du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid – 19.

Đem đến cho du khách những trải nghiệm an toàn, đáng nhớ, đáp ứng những nhu cầu của xã hội trong bối cảnh hoàn toàn mới, đây cũng chính là thử thách buộc các doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường, muốn hoà nhập với xu thế và phát triển vươn xa phải thích ứng một cách linh hoạt hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn.

Tín hiệu tích cực

Với những cố gắng và thay đổi của cả nước, Du lịch Việt Nam đã và đang đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường khách du lịch quốc tế, theo trang Breaking Travel News. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón 954.000 lượt khách quốc tế, tăng gấp 8 lần so với năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng lượt khách hàng tháng đạt trung bình từ 60% trở lên.

Trong số 10 thị trường có nhiều du khách đến Việt Nam, 9 thị trường nằm ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thị trường còn lại là Mỹ.

Cụ thể, Hàn Quốc đứng đầu với 196.200 lượt du khách, tăng 903,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp theo là Mỹ với 102.900 lượt, tăng 5.382%. Một số nước khác bao gồm Nhật Bản (46.000 – 794,6%) và Trung Quốc (53.000 – 34,5%) đều tăng trưởng mạnh.

Mặc dù có lượng khách khá khiêm tốn nhưng lượng khách từ các quốc gia Châu Âu đến Việt Nam vẫn tăng mạnh, bao gồm Anh (26.400 – 2.958,6%), Pháp (23.400 – 2.963,7%) và Đức (23.600 – 3.897,1%).

Kể từ đầu năm 2022, Việt Nam liên tục nằm trong số những nước có tốc độ tìm kiếm nhanh nhất trên thế giới, từ 50 – 75%, theo dữ liệu của Google Destination Insights.

Lượng tìm kiếm toàn cầu cho các cơ sở lưu trú du lịch trong nước đạt 100 điểm trong tháng 7, gấp 5,9 lần so với đầu tháng 3 (17 điểm). Tìm kiếm các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 cũng tăng mạnh gấp 3 lần so với đầu tháng 3.

So với cùng kỳ năm ngoái, những lượt tìm kiếm quốc tế về du lịch của Việt Nam tăng hơn 1.200% trong tháng 7. Các lượt tìm kiếm lớn nhất đến từ Mỹ, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Malaysia, Đức và Thái Lan. Trong khi đó, các điểm đến Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Hội An, Phan Thiết, Huế và Vũng Tàu.

Trên đây là tất tần tật những thông tin về du lịch Việt Nam sau đại dịch covid 19, tuy đại dịch đã phần nào kìm hãm sự phát triển ngành du lịch của Việt Nam, nhưng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà nước và nhân dân thì ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch đã phần nào khôi phục trở lại.

  • Người thực hiện: Nguyễn Phương Linh
  • Mã sinh viên: 20051294
  • Bài tập lớn lớp: INE3104 6 TMDT

1 thoughts on “Phục Hồi Và Phát Triển Ngành Du lịch Việt Nam Sau Đại Dịch Covid – 19

  1. Pingback: Top 6 địa điểm du lịch dịp Tết Nguyên Đán - Easy E-commerce Class

Comments are closed.