EDM, văn hóa “rave” và top 3 các lễ hội âm nhạc

EDM (Electronic Dance Music) là một thể loại nhạc không còn quá xa lạ gì với giới trẻ hiện nay. Dòng nhạc này đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 70, 80 của thể kỷ XX và có thể nói được du nhập, “hot” tại Việt Nam vào những năm 2013, 2014.

Vậy EDM là gì và tại sao nó có thể “hot” tới như vậy? Đến nỗi có những lễ hội EDM trên toàn thế giới, các chuyến đi tour và đâu đâu ta cũng có thể nghe thấy các bài EDM được phát ra?

EDM là gì?

văn hóa EDM

EDM, hay Electronic Dance Music, như đã được bao hàm ngắn gọn ngay trong cái tên của nó, là một thể loại nhạc mang lại sự sôi động, năng lượng cho người nghe được tạo ra từ các thiết bị, dụng cụ điện tử. Dòng nhạc này được bắt nguồn từ thể loại nhạc Disco từ những năm 1970, thường xuất hiện trong các lễ hội âm nhạc và các câu lạc bộ đêm. EDM được biến hóa và trở thành dòng nhạc mang hơi hướng của sự tự do, sôi động, nhộn nhịp, giải tỏa những căng thẳng.

Sau sự xuất hiện của radio và sự phát triển của các hộp đêm, vũ trường vào cuối những năm 80, 90 của thế kỹ XX, EDM đã ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi ở Châu Âu

Trong những năm đầu 2000, sự phổ biến của EDM ngày càng được lan rộng trên toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ và Úc. Và phải nói vào đầu những năm 2010 là thời điểm EDM bùng nổ khi được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp âm nhạc và báo chí âm nhạc Mỹ trong nỗ lực tái tạo thương hiệu cho văn hóa “rave” sau một số những lùm xùm trước đó.

Với các giai điệu và tiết tấu độc đáo thích hợp cho những bữa tiệc sôi động, quán bar, pub, được tạo ra, cấu thành từ những nhạc cụ điện tử như đàn Synthersizer, trống điện tử, MIDI Sequencer,… cùng với sự tài tình của các Producer và DJ, EDM nay đã và đang dần “len lỏi, luồn lách” từ những sàn nhảy ở Mỹ để trở thành một trong những dòng nhạc “thời thượng”, “catchy” và được yêu thích nhất hiện nay.

Một số người được coi như là huyền thoại hay bậc thầy trong dòng nhạc EDM có thể kể đến như Avicii, Hardwell, Martin Garrix, Tiesto,…

DJ

 

Một số thể loại EDM thịnh hành

EDM có rất nhiều thể loại với các nhóm đối tượng khan giả khác nhau, trong đó đặc trưng, thịnh hành và nổi bật nhất có thể nói đến là House, Trance, Electro, Trap, Dubstep, Techno,…

Các thể loại EDM

House

Là một trong những nền tảng của EDM, House xuất hiện ở những câu lạc bộ ngầm ở thành phố Chicago, Mỹ vào những năm 1980, phục vụ cho khán giả chủ yếu là người da đen và đồng tính.

Sau khi đạt được thành công vang dội vào giữa những năm 1990, nhạc House tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn với sự ra đời của Progessive House, và được phổ biến rộng rãi ra toàn thế giới với sự đóng góp không nhỏ của các DJ như Daft Punk, Deadmau5, Steve Aoki và Tiesto.

House chủ yếu là những bản nhạc không lời có mang âm hưởng sôi động, huyền bí, kì ảo được tạo ra bởi những âm thanh trống và bass dồn dập. Điểm cơ bản để phân biệt được House với các dòng nhạc khác, đó là phần tempo khá nhanh, tiếng bass và trống là chủ đạo được đánh dồn dập.

Các bản thu âm đầu tiên của dòng nhạc House là những bản nhạc uptempo, bao gồm trống kết hợp với các hộp nhịp điệu như Roland TR-808 và TR-909 với đường âm trầm mạnh mẽ TB-303, các móc synth dẫn lớn và giai điệu mạnh mẽ có thể kết hợp với vocal.

Nhạc House được đặc trưng bởi nhịp điệu 4/4 lặp đi lặp lại bao gồm trống bass, hi-hat lệch nhịp, trống snare, vỗ tay hoặc snaps ở nhịp độ từ 120 đến 130 nhịp mỗi phút (bpm), riff tổng hợp, bassline sâu.

Có thể chia House ra thành 8 nhánh: Progressive House, Tribal House, Deep House, Electro House, Funky House, Latin House, Pro – Tribal House và Vocal Tribal House.

Trance

Trance là thể loại nhạc bắt nguồn từ Đức, sau đó lan rộng khắp Châu Âu. Đây là môt thể loại nhạc nhấn mạnh vào các âm thanh điện tử và được kéo dài đến cuối bài.

Trance là sự kết hợp của nhiều phong cách nhạc dance, nhưng điều làm nên sự khác biệt cho dòng nhạc này là tốc độ cao của BPM (nhịp mỗi phút), thường dao động từ giữa 120 – 160. Tương tự như phong cách nhạc house và electro, nhưng các bản tổng hợp trance có xu hướng du dương và tăng dần trong khi nhịp vẫn tĩnh. Điểm đặc biệt là Trance thường được kết hợp với vocal để tăng thêm nhịp điệu quyến rũ.

Về cơ bản, nhạc Trance có nhiều nét giống nhạc House, nhưng được cho là có giai điệu dễ nghe hơn so với các dòng nhạc khác như Hardhouse, Techno, Hardcore hay Drum’n’Bass.

Nói đến các DJ đem nhạc Trance đến với công chúng, không thể không nhắc đến những cái tên như Armin Van Buuren và Above & Beyond, được người hâm mộ xem như những vị “thánh sống”.

Trong lịch sử phát triển, thể loại Trance cũng chia thành nhiều nhánh con: Hard Trance, Progressive Trance, Goa & Psychedelic Trance, Acid Trance, Trance-Core, Vocal Trance, Tech-Trance và Tribal Trance.

Dubstep

Dubstep bắt nguồn từ khu vực Nam London, Anh từ những năm 1990s, bản phát hành dubstep đầu tiên có từ năm 1998. Năm 2001, thể loại này và các nhánh khác của UK Garage bắt đầu được trình diễn và quảng bá tại câu lạc bộ đêm London People.

Đến cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010, thể loại này bắt đầu thành công hơn về mặt thương mại ở UK, với nhiều đĩa đơn và bản remix lọt vào các bảng xếp hạng âm nhạc. Khác với các dòng nhạc khác như Trance hay House, Dubstep có phần bass và trống dội rất nặng đi kèm với giọng ca âm vang trong từng giai điệu.

Nhịp độ (tempo aka bpm) của Dubstep trong phạm vi 138-142, với một tiếng clap hoặc snare thường được đặt vào mỗi nhịp thứ ba trong một bar 4 nhịp. Trong giai đoạn đầu của nó, dubstep thường sử dụng bộ gõ nhiều hơn, với nhiều ảnh hưởng từ sample trống 2 step garage. Các bản nhạc thường được làm ở giọng thứ (Minor key) hoặc chế độ Phrygian, tập trung vào các bass và sub-bass.

Thông thường Dubstep sẽ bao gồm phần giới thiệu (intro), phần chính (build up and drop), phần giữa (break down), phần chính thứ hai tương tự phần thứ nhất (drop 2 sẽ hơi khác 1 tí so với drop 1) và outro.

Các nghệ sỹ tiêu biểu của dòng nhạc Dubstep là Skrillex, Rusko và Datsik.

Techno

Được xem là dòng nhạc tiêu biểu nhất trong thể loại nhạc EDM và lấy cảm hứng từ những phần giống nhau của disco, house từ châu Âu và Nhật Bản, techno nổi lên ở Detroit trong hoàn cảnh tương tự như house ở Chicago. Đây là thể loại có âm hưởng và giai điệu vui tươi, sôi động, và mạnh nhất trong các thể loại nhạc Dance.

Trong khi House bao gồm chơi piano và giọng hát phúc âm, thì techno tập trung vào âm thanh máy tính nhiều hơn, với những nhịp đập cơ học, khắc nghiệt đóng vai trò trụ cột. Techno được tạo ra bởi những nhạc cụ tối tân, trong đó, keyboard được sử dụng nhiều nhất, kết hợp với trống điện tử và tiếng bass nền tạo nên một thể loại âm nhạc rất đặc sắc và táo bạo. Techno có âm hưởng và giai điệu vui tươi, sôi động, và mạnh nhất trong các thể loại nhạc Dance.

Techno còn được phân ra thành nhiều nhánh nhỏ như: Techno Dance, Techno Trance, Techno House và Hardstyle.

Electro

Nhiều người nhầm lẫn Electro là Electronic Dance Music. Tuy nhiên Electro chỉ là một nhánh trong EDM. Nó được phát triển từ Techno với giai điệu mạnh, nhấn nhá thêm những âm thanh kỳ ảo đặc trưng từ những thiết bị điện tử đặc biệt là Keyboard, nền trống và Bass táo bạo.

Electro là tên gọi tắt của eletro-funk và electro-boogie, là dòng nhạc chủ yếu được thể hiện bởi trống điện tử TR-808 và các nhạc cụ khác. Electro thường không sử dụng giọng ca trong bài hát, hoặc nếu có thì đó đều là các giọng đã bị bóp méo.

Trap

Nhạc Trap ra đời vào những năm 1990 tại miền Nam nước Mỹ. Là một nhánh của dòng nhạc Southern Hip Hop, đặc trưng của nhạc Trap là những lời ca/ lời rap cực “ngầu”, cùng với đó là tiếng trống điện tử 808 Roland lôi cuốn và phần beat cực bắt tai. Thuật ngữ “Trap” được sử dụng vào thời điểm đó nhằm để chỉ địa điểm mua bán và trao đổi các chất kích thích và gây nghiện.

Xuất phát từ Atlanta, những rapper như Cool Breeze, Dungeon Family, Outkast, Goodie Mob, và Ghetto Mafia được coi là “cha đẻ” của thuật ngữ này cũng như lối sống liên quan tới chất kích thích và gây nghiện vào trong âm nhạc của mình.

Những năm 2010 chứng kiến sự bùng nổ của nhạc Trap khi nó được “bàn tay phù thuỷ” của những Producer hàng đầu như Diplo, Baauer, RL Grime, hay Yellow Claw “phù phép”, kết hợp với EDM. Bắt nguồn từ Mỹ, nhạc Trap lan rộng ra khắp thế giới và được công chúng ở khắp nơi đón nhận. Thuật ngữ “Trap” lúc này đã không chỉ dành cho riêng nhạc rap nữa, mà đã được dùng để gọi cho cả dòng nhạc điện tử mới được ra đời đó.

Có lẽ, khi nhắc đến bước ngoặt của “âm nhạc cạm bẫy”, chúng ta phải cảm ơn Producer lừng danh Baauer với hit đình đám Harlem Shake của anh vào năm 2013. Đây không chỉ là bản nhạc Trap đầu tiên giành được ngôi vị số 1 của bảng xếp hạng danh tiếng Billboard Hot 100, mà nó còn là một hiện tượng trên Internet thời đó với hàng loạt clip viral.

 

EDM và văn hóa “quẩy”, “rave”

lễ hội âm nhạc UMF (Ultra music festival)

Rave được hiểu đơn giản là khái niệm “quẩy” mà nhiều người trẻ hiện nay thường dùng để nói về các buổi tiệc tùng, ăn chơi. Nguồn gốc từ rave dùng để miêu tả cảm giác “đu đưa” khi phiêu theo nhạc, theo những âm thanh lôi cuốn từ các “phù thủy âm nhạc”.

Những người đi quẩy thì được gọi là raver. Các raver thường để chỉ fan trung thành của thể loại EDM, khi nghe những giai điệu âm thanh điện tử thì sẽ cảm thấy hào hứng và “lên nhạc” như một thói quen.

Văn hóa rave bắt nguồn từ các quốc gia phương Tây vào giai đoạn những năm 80 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cộng đồng raver chỉ tập trung ở các sự kiện được tổ chức khá kín ở các địa điểm như khu nhà hoặc nhà kho bỏ hoang (hay còn gọi là underground party). Mãi đến những năm gần đây, sự bùng nổ của các lễ hội âm nhạc đã đưa văn hóa đi rave trở nên rộng rãi và đặc trưng.

Khi đi rave, các raver có một nguyên tắc được truyền tai nhau là PLUR, viết tắt của Peace – Love – Unity – Respect. Nguyên tắc này được truyền qua nhiều mùa lễ hội âm nhạc với mong muốn dù bạn tham gia với bất kỳ tư cách, màu da hay ngôn ngữ nào, thì những rào cản đó cũng sẽ được xóa tan bởi âm nhạc là EDM.

 

Các lễ hội EDM – bữa tiệc âm nhạc và thời trang

Sự phát triển của văn hóa rave cũng kéo theo quy mô tổ chức được nâng tầm rõ rệt. Những sự kiện âm nhạc EDM các năm gần đây đa phần được tổ chức với quy mô lễ hội, số lượng khán giả tham dự lên đến con số hàng chục nghìn. DJ nắm giữ vai trò quan trọng khi gần như là người chủ trì cũng như quyết định sự thành công của đêm diễn bên cạnh các yếu tố về âm thanh, ánh sáng, sân khấu,…

Những bữa tiệc âm nhạc này thu hút giới trẻ bởi nhiều yếu tố. Ở đó, người tham dự sẽ được tận hưởng không gian âm nhạc sôi động, hiện đại với sự xuất hiện của nhiều DJ, ca sĩ nổi tiếng. Chưa hết, đó còn là nơi để người tham dự thể hiện cá tính của mình. Các raver khi đến festival thường mang tâm lý tự do, phóng khoáng và không ngần ngại kết giao cùng nhau. Trang phục nổi bật, thoải mái, make-up sặc sỡ, tóc tai “máu lửa”,… là những đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở các raver.

Theo Dailymail, tại Australia, lễ hội EDM được tổ chức thường niên và luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Đối với những người này, lễ hội EDM không chỉ là nơi hòa mình vào âm nhạc, ánh sáng, mà còn được xem như bữa tiệc thời trang. Trang phục tham dự hoàn toàn tự do và không theo phong cách bắt buộc nào cả. Người tham dự có thể ăn mặc một cách sexy hay bất thường, kỳ dị và mọi thứ đều được chấp nhận.

Trên thế giới ngày nay, nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 9X hay thế hệ Y đều sống với phương châm “work hard – play hard” (làm chăm chỉ – chơi hết mình). Với ý nghĩ đó, những bữa tiệc âm nhạc là nơi chia sẻ đam mê, sự trẻ trung của mình với những người có cùng niềm yêu thích.

Kyle Pennell, một raver, cho biết: “Tôi đặc biệt thích bởi vì EDM đã mang đến những cung bậc cảm xúc khác nhau. Mỗi nghệ sĩ với cách chơi nhạc riêng mang tôi đến một thế giới cảm xúc riêng biệt mà loại nhạc khác khó có thể mang đến”.

Đối với nhiều nhà sản xuất, một lễ hội âm nhạc thành công là sự kết hợp của nhiều yếu tố: 25% âm nhạc, 25% biểu diễn, 25% trang trí và 25% thuộc về khán giả, người tham dự. Chính vì thế, các lễ hội âm nhạc lớn như Tomorrowland, Ultra Music Festival, Electric Daisy Carnival… luôn chú trọng yếu tố sáng tạo, mới lạ trong khâu tổ chức.

Từ đó, lễ hội âm nhạc là nơi có thể khơi gợi, tác động đến tất cả giác quan chứ không đơn thuần chỉ là nơi “sống” cùng âm nhạc.

Một số lễ hội âm nhạc lớn có thể kể đến:

Tomorrowland (từ 2005)

 

Tomorrowland quả thực là một ước mơ của raver chính hiệu trên toàn thế giới, “cháy vé” chỉ trong vài chục giây, là sự háo hức trông chờ bởi hoành tráng của nó. Hơn 400.000 khán giả từ mọi nơi trên thế giới đến Bỉ để xem hơn 1.000 màn trình diễn, nơi bạn sẽ được bùng cháy hết cỡ với các DJ hàng đầu thế giới trong suốt cả hai ngày cuối tuần. Tomorrowland nổi tiếng không chỉ vì đội hình tuyệt vời mà còn bởi bầu không khí kỳ diệu, độc đáo, nơi tạo ra một thế giới đẹp như mơ thông qua các thiết kế sân khấu sáng tạo, nổi tiếng.

Ultra Music Festival (UMF – từ 1999)

Được coi là phát súng phát động cho mùa lễ hội EDM, Ultra Music Festival (UMF) là nơi các nghệ sĩ hàng đầu trên thế giới mang đến cho khán giả những bản phối mới nhất, những sản phẩm được đầu tư kỹ lưỡng. Khán giả đến từ mọi nơi trên khắp thế giới sẽ được bùng cháy cùng với 8 sân khấu được bày trí công phu đặc biệt là dàn âm thanh khủng cùng các DJ đỉnh cao.

Ravolution (từ 2016)

Là một Raver nhưng không đủ điều kiện để đi nước ngoài thì Ravolution là một sự lựa chọn hoàn hảo cho bạn. Được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Ravolution là lễ hội EDM lớn nhất tại Việt Nam với sự góp mặt của các DJ hàng đầu thế giới như Hardwell, Vini Vici, Bộ đôi Psy Trance, Jeffrey Sutorius, Wolfpack…

Lời kết 

Mặc cho sự phát triển như vũ bão, EDM vẫn bị nhiều người chỉ trích. Với quá nhiều chủng loại và nhánh nhỏ cùng với sự biến tấu bất tận từ mỗi tác phẩm, EDM thường bị các nhà phê bình âm nhạc khó tính xem là quá “tạp nham” và không đủ chất nghệ thuật cần thiết để tạo nên một sản phẩm âm nhạc.

Chính vì lý do đó, nhiều người nghi ngại rằng EDM chỉ là một trào lưu như bao trào lưu âm nhạc khác “sớm nở, tối tàn” và sẽ không thể trụ vững trong làng nhạc quốc tế vốn đã rất khắc nghiệt này.

“Giống như một sự tiến hoá vậy. Vấn đề ở đây là mỗi dòng nhạc đều được bắt nguồn từ thể loại nhạc không chính thống, sau đó dần bắt được xu hướng, trở nên nổi tiếng, rồi chấm dứt hoặc lại được sáng tạo theo một cách khác” – David Guetta, một DJ nổi tiếng của dòng nhạc EDM cho biết.

Liệu có phải EDM đang trong thời kỳ đỉnh cao không? Và liệu nó có nhanh chóng chịu chung số phận như vị “tiền bối” disco?

Đây là một câu hỏi được nhiều người đặt ra, nhưng không ai có thể trả lời chắc chắn. “Họ hỏi tôi câu này từ năm 1994. Tôi luôn luôn nói là mình không biết. EDM liên tục phát triển mỗi năm, và giờ đây nó đang ở đỉnh cao nhất chưa từng có, vì thế tôi không thể biết được nó sẽ còn phát triển đến đâu, và sẽ được cải thiện đến mức nào” – Tiesto, một DJ lừng danh cho biết.

“Đã 20 tới 25 năm trôi qua, và dòng nhạc này vẫn cứ tồn tại, đây là điều rất đáng ngạc nhiên”, Tiesto bình phẩm.

 

Thực hiện bởi: Trần Vũ Hải Sơn

Group 4 – INE3104 2 – T46

MSV: 20050345 – QH2020E_QTKD CLC 1