Trong tín ngưỡng của người châu Á nói chung và người Việt nói riêng, Tết Nguyên Đán là ngày lễ trọng đại, lâu đời và đặc biệt quan trọng trong năm. Với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nền văn hoá khác nhau, không chỉ tạo nên sự đặc sắc về ngôn ngữ, ẩm thực mà phong tục ngày Tết của các dân tộc cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hoá đậm đà, phong phú.
Nội dung bài viết
Phong tục ngày Tết đặc trưng của dân tộc Kinh
Là dân tộc đông nhất Việt Nam, những phong tục của người Kinh được biết đến rộng rãi hơn cả. Vào những ngày giáp Tết, cụ thể vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, mọi gia đình sẽ dọn bếp sạch sẽ, mua cá vàng, tiền vàng để cúng ông Công, ông Táo về trời. Theo truyền thuyết, vào ngày này Táo quân sẽ lên chầu trời báo cáo tất cả việc tốt, việc xấu của con người trong năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh. Việc cúng ông Công, ông Táo hướng tới mong muốn thần Bếp phù hộ cho gia đình mình được nhiều may mắn, thành đạt, thăng tiến trong cuộc sống.
Tết của người Kinh sẽ không thể nào trọn vẹn nếu thiếu đi bánh chưng, bánh tét và mâm ngũ quả. Theo quan niệm xưa, bánh chưng, bánh tét có ý nghĩa thương nhớ người xưa, cầu chúc cho sự ấm no, sum vầy của gia đình, đa tạ trời đất đã cho người dân mùa lúa thuận lợi cũng như sự hi vọng của một mùa xuân an bình. Bên cạnh đó, bày biện mâm ngũ quả (mâm gồm 5 loại quả khác nhau) ngày Tết là thể hiện lòng thành kính đối với trời đất, đối với ông bà tổ tiên, đồng thời là sự cầu mong một năm mới với nhiều may mắn, sung túc, tài lộc.
Khi thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, thời điểm trời đất giao hoà, âm dương hoà quyện thì mỗi gia đình người Kinh sẽ bày mâm cúng đón giao thừa, làm lễ thắp hương cũng gia tiên. Đây là thời điểm quan trọng nên việc cúng giao thừa là đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón một năm mới, hi vọng vào một năm có nhiều tiến triển tích cực hơn.
Sau thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, các gia đình sẽ làm tục lệ xông đất. Xông đất là một trong những phong tục truyền thống lâu đời không thể thiếu, người xông đất là người đến chúc tết đầu tiên của gia đình, hoặc có thể là ngẫu nhiên đến, được gia chủ lựa chọn trước để hợp tuổi mệnh. Hầu hết mọi gia đình đều coi trọng tục lệ này vì tin rằng người đầu tiên nếu như hợp tuổi có thể đem lại may mắn, tài lộc cho cả năm.
Trong những giây phút đầu tiên của năm mới, mọi người luôn dành cho nhau những lời chúc ý nghĩa, mong muốn một năm mới đầy thuận hoà, may mắn, hạnh phúc và nhiều thành công. Vì vậy, vào dịp Tết, người Kinh có phong tục đi chúc Tết họ hàng, thầy cô, bạn bè. Đối với những em nhỏ, vào những ngày này sẽ được người lớn mừng tuổi – phong tục để người lớn mong con cháu mạnh khoẻ, học hành thành đạt, làm ăn buôn bán gặp nhiều may mắn.
Cuối cùng, đi lễ chùa đầu năm là một trong những nét đẹp tâm linh của người Kinh. Mọi người đi lễ chùa là thể hiện lòng thành kính đối với đức Phật, tổ tiên cũng như cầu mong một năm mới với nhiều may mắn, tài lộc, bình an, hoàn thành được mục tiêu đề ra.
Tết của dân tộc Tày
Vào những ngày giáp Tết, người Tày nô nức chuẩn bị các món ăn truyền thống, dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Từ bao đời nay, người Tày không thể đón Tết nếu thiếu cây nêu dựng trước nhà. Theo quan niệm, cắm cây nêu để loại trừ ma quỷ, giữ đất, giữ nhà và mang lại may mắn cho năm mới. Cây nêu phải đảm bảo : thẳng, gióng đều, ngọn phải có túm lá xanh mướt. Khi chọn được cây nêu ưng ý, chủ nhà buộc thêm cây vầu nhỏ có ngọn lá xanh mướt với lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, hoặc treo giấy đỏ, 3 nén hương, 1 cái bánh chưng xanh lên thân cây nêu.
Vào sáng mùng Một, người Tày kiêng việc có người không mời mà vào nhà. Họ chọn mời người xông nhà là người có đạo đức trong bản, có phúc lớn. Đàn ông Tày mùng Một chơi cha (bố mẹ vợ), mùng ba chơi thầy (thầy cúng). Bên cạnh đó, vào thời điểm 3 giờ sáng mùng Một trở đi, người Tày có phong tục lấy nước mới. Theo họ, nước đầu năm rất sạch, nhất là nước suối, nước nguồn, nước sông, ai lấy trước sẽ được nước sạch hơn. Chính vì vậy, các thanh niên trong gia đình thi nhau chạy nhanh để lấy nước mới về nhà.
Tết Chôl Chnăm Thmây – đặc sắc của dân tộc Khmer
Người Khmer ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ăn Tết Chôl Chnăm Thmây và tháng “chét” theo lịch Khmer, nhằm vào ba ngày 13, 14, 15 trăng tròn. Đây không chỉ là lễ hội để đoàn kết cộng đồng mà còn là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên (qua nghi thức cầu mưa), không chỉ là dịp đồng bào thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu mà còn là dịp để tưởng nhớ tổ tiên quá vãng.
Trong ngày đầu năm, người Khmer lo đi viếng chùa lễ Phật, sau đó xuống sông gánh cát đắp nhiều ngọn núi cát chung quanh chùa. Đến ngày mùng Bốn Tết trở đi, họ sẽ đi thăm viếng chúc tụng lẫn nhau, đồng thời tổ chức các trò vui chơi. Những trò vui thường tổ chức trước sân chùa vào ban đêm dưới ánh trăng.
Điểm đặc biệt trong lễ Tết của dân tộc H’Mông
Trước đây, Tết của dân tộc H’Mông có hệ lịch riêng, tuy nhiên hiện nay đa số đồng bào H’Mông đã ăn Tết cổ truyền như người Kinh. Vào đêm 30, mỗi nhà sẽ làm lễ cúng ma nhà bằng một con lợn sống và một con gà trống tơ sống, họ sẽ đem gà và lợn đi giết thịt khi cúng xong, sau đó lại cúng bằng một mâm thịt chính. Xong hết họ mới được ăn và uống rượu đến lúc nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên. Vì đối với người dân tộc H’Mông, tiếng gà gáy sáng sớm đầu tiên của mùng Một là thời khắc đánh dấu một năm mới bắt đầu.
Nếu mùa xuân với người Tày là những đêm xoè rạo rực bên ánh lửa hồng, thì người H’Mông là hội xuân Sải Sán (hội xuân Gầu Tào). Trong hội xuân này, với các hoạt động như ném pao, thổi khèn, hát giao duyên thì tục “vỗ mông” cũng được coi là nét văn hoá tiêu biểu. Trong ngày Tết, nếu chàng trai ưng ý cô gái nào sẽ vỗ mông cô gái đó. Cô gái được chọn nếu cũng vừa lòng thì sẽ vỗ lại vào mông chàng trai một lần nữa. Khi cả hai vỗ lại đủ 9 lần, tức là cả hai bên đã chấp thuận và chỉ còn đợi ngày kết duyên thành vợ chồng.
Dân tộc Dao với phong tục Tết nhảy
Với quan niệm ngày Tết mùa xuân là dịp để bà con buôn làng vui chơi, thăm hỏi và chúc nhau một năm mới tốt lành, các tộc người Dao đã xuất hiện tục Tết nhảy để có thể thể hiện hết những mong ước trên. Tết nhảy mang đến cho người Dao một năm mới tràn ngập sức sống, thể chất dẻo dai, cơ thể săn chắc để chuẩn bị cho những mùa vụ mới đang chờ đợi ở phía trước. Trong tục lệ Tết nhảy, mọi người sẽ tham gia hết mình không kể ngày đêm, nhảy múa hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng chuông rộn rã sức xuân.
Với muôn vàn sắc hoa từ cành đào, cành mai cùng những nét đặc sắc trong phong tục ngày Tết của các đồng bào dân tộc Việt Nam đã làm cho mùa xuân trên mảnh đất hình chữ S dường như phấn khởi, náo nhiệt hơn. Mỗi dân tộc với phong tục ngày Tết khác nhau đã góp phần vào sự đa dạng, phong phú của văn hoá truyền thống Việt. Mong rằng những phong tục tập quán nói chung và phong tục ngày Tết nói riêng được bảo tồn, lưu truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau những giá trị tốt đẹp.
Bài viết bạn có thể quan tâm:
Hoàng Hải Yến
MSV: 20050389
Lớp: INE3104 2
Đọc bài viết mình muốn được trải nghiệm văn hóa ngày Tết của các dân tộc quá TT