Tết Nguyên Đán là một ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Tết bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, hi vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công. Nhưng để đón một mùa Tết thật trọn vẹn chúng ta cần chuẩn bị những gì? Hãy điểm qua những việc bạn cần chuẩn bị trước Tết cho gia đình mình nhé.
Nội dung bài viết
1. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ
Việc không thể thiếu và có thể nói là công việc quan trọng nhất mỗi dịp tết chính là dọp nhà. Bạn cần phải tổng vệ dinh toàn bộ nhà ở, thay mới những vật dụng bị hỏng và mua sắm những đồ dùng trang trí cần thiết. Hơn nữa, đây cũng là một trong những truyền thống tốt đẹp từ lâu của người Việt. Theo quan niệm dân gian thì việc dọn nhà sẽ giúp rũ bỏ vận đen trong năm cũ, đem lại vận may, tài lộc cho năm mới.
Lên kế hoạch, lịch ngày tháng… dọn nhà đón Tết
Khi bắt đầu, đừng hì hục “đâm đầu” dọn dẹp cả căn nhà, mà hãy lên kế hoạch việc nào làm trước, phòng nào dọn đầu tiên. Việc này giúp tiết kiệm tối đa thời gian, công sức và đặc biệt là giúp bạn giữ được “máu lửa” trong suốt quá trình dọn dẹp.
Mạnh tay vứt bỏ những món đồ không cần thiết
Sau một năm, chắc chắn sẽ có một món đồ nào đó mà bạn thực sự không biết sẽ phải dùng như thế nào & cho dịp nào. Lúc này, hãy mạnh tay vứt bỏ chúng đi thay vì tiếc rẻ và giữ mãi. Bỏ bớt đi đồ đạc sẽ giúp cho nhà bạn gọn gàng và sạch sẽ hơn, cũng sẽ tiết kiệm kha khá thời gian đấy. Không gian rộng rãi thoáng mát sẽ khiến cho bạn cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn rất nhiều nên bắt tay vào làm thôi!
Tiến hành trang trí nhà ngày Tết
Sau khi đã dọn nhà bên trong, sân vườn cũng là một phần khá quan trọng làm đẹp cho mặt tiền nhà các bạn. Hãy chủ động cải tạo sân vườn một chút, các bạn sẽ có không gian thật ấm áp cho buổi tiệc tất niên cùng gia đình và các bạn bè. Đây là địa điểm lý tưởng cho các bạn tổ chức những bữa tiệc ngoài trời, hoặc đơn giản là gia đình cùng sum vầy trò chuyện bên nhau ngắm pháo hoa đêm Giao thừa.
2. Sửa soạn lại bàn thờ
Thờ cúng tổ tiên là một phần quan trọng trong văn hóa ngày tết của người Việt trong năm mới. Bàn thờ lại là vị trí quan trọng nhất để thể hiện lòng tôn kính với cội nguồn và sự yêu thương với những người thân đã mất. Việc chăm chút cho bàn thờ như đổi chân hương, thay bộ thờ mới, thay đèn mới,… là việc làm không thể thiếu bởi theo quan niệm, việc này sẽ giúp tổ tiên phù hộ cho cả gia đình.
3. Mua thực phẩm dự trữ cho những ngày Tết
Thông thường các ngày Tết chợ thường nghỉ bán và bạn không có thời gian để đi mua sắm, vì vậy phải chuẩn bị các nguyên liệu để nấu ăn trong ngày Tết. Bạn nên mua chuẩn bị trước những loại thực phẩm khô để nấu các món ăn như trứng vịt, trứng gà, măng khô, hành, tỏi … đặc biệt là các loại rau xanh tươi sạch vì thông thường ngày Tết chúng thường có giá khá cao. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn các loại củ kiệu, dưa muối hay bánh chưng bánh tét để ăn trong ngày Tết. Ngoài ra bạn cũng nên mua sẵn các loại thịt để trữ ngăn đông, hay các loại chả, giò, khô gà hay khô bò để khách đầu năm có thể làm mồi để nâng vài ly rượu hay lon bia.
Để chuẩn bị món ăn ngày Tết; nhiều gia đình tất bật đi mua sắm thực phẩm ngay từ những ngày trước giao thừa. Từ thực phẩm tươi sống, nguyên liệu nấu ăn đến các loại thực phẩm đóng gói trong thời điểm này đều trở nên cực kỳ “nhộn nhịp” trên thị trường.
4. Gói bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa của người Việt, hàng năm cứ vào ngày Tết khoảng từ ngày 27, 28, 29 Tết mọi gia đình lại ngồi quây quần bên nhau gói những chiếc bánh chưng bánh tét.
Ở miền Nam thì có bánh tét, bánh có hình trụ, miền Bắc thì có bánh chưng hình vuông, tuy hình dáng có khác nhau nhưng nguyên liệu thì hoàn toàn giống nhau, lúa gạo là nguyên liệu chính của bánh, bánh tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước lâu đời của người Việt.
Trong tuổi thơ của rất nhiều người Việt, được cùng gia đình gói bánh chưng và trông nồi bánh mỗi dịp Tết trở thành ký ức sâu sắc và đầm ấm không thể nào quên. Cứ đến 29,30 Tết, cả gia đình lại được quây quần bên nhau, cùng làm ra những chiếc bánh dâng ông bà tổ tiên hoặc thân tặng người thân trong gia đình đã trở thành hoạt động không thể thiếu, giúp phong vị Tết càng thêm đậm đà.
5. Chuẩn bị những món quà Tết thật ý nghĩa
Tết cũng là dịp để tri ân, bày tỏ lòng hiếu thảo, sự quan tâm đến các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, nên có những dự định trước để dự trù chi phí thích hợp vừa ý nghĩa lại đỡ tốn kém. Quan trọng là chỉ nên mua trước đồ khô, đồ đóng hộp như trà, café, bánh kẹo,… để dễ bảo quản. Cũng không cần thiết phải mua những giỏ quà đóng gói sẵn bởi chúng vừa đắt hơn lại vừa không thể tự kết hợp những món đồ bạn thích, bạn có thể tự chọn những món đồ lẻ rồi nhờ người bán đóng gói thành những hộp quà tết xinh xắn sang trọng là được.
6. Mua sắm cây đón tết
Đi kèm với việc dọn dẹp nhà cửa ngày Tết chính là trang trí nhà cửa ngày Tết. và một trong những thứ người ta sẽ nghĩ đến đầu tiên chính là chậu cây đào, mai, quất để tô điểm cũng như làm sáng bừng sắc xuân cho căn nhà. Đây cũng là truyền thống như để đón điều may mắn và tài lộc vào đầu năm cho gia đình.
Ở miền Bắc, người ta thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào, cây quất để trang trí trong nhà bởi hoa đào màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn còn cây quất càng nhiều quả thì chứng tỏ gia đình ấy càng nhận được nhiều lộc trong năm mới.
Ở miền Trung và miền Nam lại sử dụng cành mai vàng bởi theo quan niệm của họ, mai vàng tượng trưng cho sự cao sang của vua chúa thời phong kiến, là biểu tượng cho sự phát triển thăng tiến. Tuy mỗi miền một màu sắc, một sắc hoa khác biệt nhưng nó đều tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng cho gia đình.
Những loại hoa như cúc vạn thọ, cát tường, đồng tiền, loa kèn,.. cũng rất phù hợp để chuẩn bị chưng vào ngày Tết.
7. Mua sắm quần áo mới
Tết là một dịp may mắn, đem đến những sự mới mẻ tốt đẹp cho một năm mới sung túc. Để trả lời cho câu hỏi tết cần chuẩn bị những gì thì cũng theo quan niệm đó, mọi thứ chuẩn bị cho Tết đều cũng phải mới đặc biệt là quần áo. Đây là dịp để mọi người sắm cho mình những bộ quần áo mới để bắt đầu một năm mới tốt đẹp. Bạn nên lập một danh sách những món đồ mà từng thành viên trong gia đình cần mua để không bỏ sót những món cần thiết cũng như để tiết kiệm chi phí, tránh không sa đà quá mức vào những thứ không cần thiết.
Thời điểm thích hợp nhất để đi mua sắm đồ Tết cho gia đình là vào khoảng 3 tuần trước Tết, đây là lúc các cửa hàng quần áo có nhiều mặt hàng hấp dẫn cùng những ưu đãi khủng để bạn lựa chọn. Thời điểm này cũng là lúc bạn có thể thoải mái mua sắm mà không lo phải chen chúc đông người.
8. Bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là thứ đồ không thể thiếu được trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết của người Việt, tùy vào từng vùng miền mà có những loại quả khác nhau với những nét đặc trưng khác nhau, nhưng trên bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng phải đầy đủ ngũ quả với mong muốn cầu một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý, mong sao một năm mới sẽ đầy đủ, sung túc hơn.
Do vậy, hành động lau dọn và xếp mâm ngũ quả chính là cách để chúng ta thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo đối với bề trên.
>>>Xem thêm : Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết 3 miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì đẹp, ý nghĩa?
9. Đi thăm mộ tổ tiên
Bắt đầu từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp hàng năm, con cháu trong gia đình đi thăm và quét dọn mồ mả tổ tiên, họ thường mang hương, hoa quả đến cúng và mời vong linh tổ tiên về nhà ăn Tết với con cháu. Đây là một phong tục phổ biến của tất cả người Việt, thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất, cũng chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý của dân tộc Việt Nam
10. Chuẩn bị bữa ăn đoàn viên, sum họp gia đình
Và cuối cùng, công việc quan trọng nhất để tạo nên một cái Tết đúng nghĩa chính là bữa ăn Tất niên mà gia đình cùng đoàn tụ dịp cuối năm. Đây cũng chính là phần quan trọng nhất trong câu trả lời cho câu hỏi Tết cần chuẩn bị gì? Sẽ không có gì hạnh phúc, ấm áp bằng việc mọi người trong gia đình quây quần đoàn tụ trong đêm 30 để ăn bữa cơm Tất niên, bày tỏ sự thành kính với ông bà đã khuất và gắn bó tình cảm gia đình, cùng nhau đi qua năm cũ, đón chào một năm mới sung túc, đủ đầy.
Bữa cơm Cúng Tất Niên có thể có những món ăn truyền thống như:
Cúng tất niên (hay tất niên, tiệc tất niên) là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt. Tiệc tất niên là bữa tiệc đánh dấu sự kết thúc của năm cũ và để chào đón năm mới với mong ước rằng những điều tốt đẹp, may mắn, hạnh phúc và thành công sẽ đến với chúng ta. Tiệc tất niên còn là dịp để các thành viên trong gia đình có thể gắn bó với nhau hơn, đồng thời cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn thành kính tới ông bà tổ tiên đã phù hộ cho cả nhà suốt năm qua.
Mâm cúng tất niên truyền thống thường gồm các lễ vật sau:
Mâm cơm cúng tất tiên
Mâm cơm cúng tất niên cơ bản gồm có:
- Gạo, muối.
- Trà, rượu, nước lọc.
- Giấy tiền vàng mã cúng Tất niên.
- Bánh kẹo.
- Trầu cau.
- Chè, xôi, cháo trắng.
- Gà ta luộc.
- Heo sữa quay.
- Bánh bao.
- Bánh chưng hoặc bánh tét.
- Chả lụa.
Mâm cúng tất niên có thể thay đổi tùy theo vùng miền, đặc trưng văn hóa và phong tục ở khu vực đó.
>> Xem thêm: Gợi ý 8 món chay ngày Tết thơm ngon, bổ dưỡng cho gia đình
Hương và đèn
Hương và đèn là hai lễ vật rất quan trọng và không thể thiếu trong cúng tất niên. Hương và đèn là những lễ vật đại diện cho sự tinh tú và là sợi dây gắn kết giữa cõi âm và cõi dương. Các gia đình thường chuẩn bị hai cây đèn đặt hai bên bàn thờ để biểu tượng cho mặt trời và mặt trăng. Bạn cũng có thể thay thế đèn bằng nến cũng được.
Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả cũng là một lễ vật quan trọng khi cúng tất niên vào ngày Tết. Khi làm mâm ngũ quả, bạn nên chọn hoa quả tươi, màu sắc bắt mắt, không bị dập nát hay thối. Đặc biệt, bạn không nên sử dụng hoa quả nhựa để đặt lên mâm cúng tất niên, như vậy sẽ làm giảm đi ý nghĩa của mâm cúng tất niên, đồng thời còn “phạm thượng” tới ông bà tổ tiên nữa, nên các bạn lưu ý điều này nhé.
KẾT LUẬN : Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi ngày Tết cần chuẩn bị những gì. Trên đây là những công việc không thể thiếu mà bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đón những ngày đầu năm mới. Và hơn hết, việc dành thời gian cho gia đình sẽ luôn là ưu tiên quan trọng nhất vì ý nghĩa thật sự của ngày Tết Nguyên Đán chính là sự đoàn viên, sum họp gia đình. Hi vọng những thông tin bổ ích sẽ là trợ thủ đắc lực, giúp bạn chuẩn bị cho một mùa Tết ấm cúng, trọn vẹn.
Tham khảo một số bài viết liên quan:
- Nguồn gốc Tết Nguyên đán là gì? 5 Ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền
- Các món ăn giúp chúng ta ăn không lo béo trong 3 ngày Tết
- 05 điểm khác biệt giữa tết cổ truyền Việt Nam và Hàn Quốc
- Top 5 loài hoa mang lại may mắn, tài lộc nên có trong nhà vào ngày Tết
- Lễ chùa đầu năm – Một nét đẹp văn hóa người Việt