“Ô nhiễm trắng” là một loại ô nhiễm do túi ni lông và rác thải từ nhựa khó phân hủy gây ra và cũng là nhân tố gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng.
Ô nhiễm trắng xảy ra khi con người sử dụng túi ni lông đã qua sử dụng không đúng cách rồi xả thải ra môi trường một cách bừa bãi từ đó dẫn đến hàng loạt hậu quả thật đau lòng cho hệ sinh thái tự nhiên, con người, động vật,…
Nội dung bài viết
Thực trạng “Ô nhiễm trắng” tại Việt Nam tính đến năm 2019
Khoảng 80% rác thải nhựa trên đại dương được thải ra từ các nước trong khu vực châu Á. Tính tới năm 2019, Việt Nam đang là một trong bốn quốc gia đứng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa được thải ra biển mỗi năm đã hủy hoại hệ sinh thái dưới biển và gây ra cái chết của 1,5 triệu loài động vật sinh sống ngoài đại dương.
Trung bình mỗi năm Việt Nam xả ra biển khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm tức là chiếm gần 6% lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới chỉ đứng sau 3 quốc gia là Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Ngoài ra Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ từ rác thải nhựa và ni lông với 1,8 triệu tấn chất thải nhựa thải mỗi năm nhưng trong đó chỉ có khoảng 27% là được tái chế. Lượng chất thải nhựa khó phân hủy được sản xuất và tiêu thụ còn có xu hướng gia tăng trong tương lai.
Theo thống kê khác, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 – 7 túi ni lông trong một ngày như vậy hàng triệu túi ni lông được tiêu thụ và xả thải ra môi trường hàng ngày. Ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh thì trung bình 1 ngày có khoảng 80 tấn rác thải nhựa và các loại bao bì ni lông bị thải ra môi trường. Nói riêng Hà Nội, mỗi ngày có từ 4000 đến 5000 tấn rác thải bị thải ra trong đó có khoảng từ 7 đến 8 % là rác thải nhựa.
Các nhà khoa học đã khuyến cáo về mức độ độc hại của các sản phẩm từ nhựa và ni lông. Tác hại nguy hiểm nhất đó là gây nguy cơ mắc bệnh ung thư, những đột biết trên người, gây ra một số dị tật bẩm sinh,…bởi vì những chất phụ gia được dùng để tạo túi ni lông và nhựa có khả năng gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao (khoảng từ 70-80 độ C).
Nguyên nhân dẫn đến thảm họa “Ô nhiễm trắng”
Tính phổ biến và tiện dụng của các sản phẩm nhựa túi ni lông: Sản phẩm nhựa và túi ni lông đã trở thành những vật dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày của con người. Cùng với tính tiện dụng và chi phí sản xuất thấp thì nhựa và túi ni lông đã trở thành vật liệu vô cùng phổ biến. Mặc dù rất tiện dụng nhưng các sản phẩm từ nhựa và ni lông là tác nhân lớn gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Thói quen tiêu dùng của người dân: Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những sản phẩm từ nhựa và ni lông khó phân hủy trong đời sống hàng ngày. Với ưu điểm là tiện dụng, giá thành rẻ, bền nên các sản phẩm nhựa rất được lòng người tiêu dùng, họ có thể dễ dàng mua và sử dụng chúng mọi lúc, mọi nơi. Và dường như đây đã trở thành một thói quen khó bỏ.
Hệ thống xử lý và phân loại rác thải còn nhiều yếu kém: Đa phần rác thải khi được thu gom sẽ không được phân loại và biện pháp chủ yếu để xử lý rác thải là chôn lấp hoặc đốt. Việc này còn kéo theo cả sự ô nhiễm môi trường nói chung mà cụ thể là ô nhiễm về nguồn nước ngầm, ô nhiễm không khí.
>>> Xem thêm: Ô nhiễm không khí ở Hà Nội cuối 2019
Giải pháp chống lại thảm kịch “Ô nhiễm trắng”
“Ô nhiễm trắng” đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia vì thế chúng ta cần có những giải pháp kịp thời và những kế hoạch lâu dài để ngăn chặn “thảm họa nhân loại” trong tương lai.
Thay đổi thói quen tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm thay thế
Không sử dụng các loại ống hút, dao, dĩa, thìa, bát,… nhựa dùng 1 lần. Thay vào đó chúng ta có thể sử dụng những sản phẩm thay thế như ống hút tre, thủy tinh, thìa, dĩa gỗ vừa có tính thẩm mỹ vừa thân thiện với môi trường.
Mang theo túi/hộp đựng đồ có thể tái sử dụng nhiều lần khi đi mua sắm; ưu tiên mua các sản phẩm bao bì giấy thay vì hộp nhựa vì chất liệu bìa, giấy có thể dễ dàng được tái chế và thời gian phân hủy ngắn hơn nhiều so với nhựa.
Chủ động mang bình đựng nước cá nhân thay vì mua các chai nước nhựa dùng một lần sau đó xả thải ra môi trường.
Thực hiện chiến dịch 3R
Mô hình 3R “Giảm thiểu-Tái sử dụng-Tái chế” được đưa ra với mục tiêu giảm thiểu lượng rác thải bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng, tái chế và tái sử dụng các sản phẩm khó phân hủy.
Tuy nhiên để biện pháp đi vào thực tế một cách có đạt hiệu quả thì các bộ, ban, ngành từ cấp Trung Ương đến địa phương cần áp dụng lâu dài và kết hợp thêm nhiều giải pháp quản lý khác nhau như các giải pháp kinh tế, các giải pháp mang tính pháp lý, các giải pháp xã hội và giáo dục hay các giải pháp khuyến khích và tuyên truyền .
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng
Đây là giải pháp không thể thiếu trong các chương trình môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của các giải pháp khác.. Các đối tượng tuyên truyền gồm: Người tiêu dùng, Nhà bán lẻ/phân phối, Nhà sản xuất túi ni lông; nâng cao nhận thức của họ về những hiểm họa mà rác thải nhựa mang đến, định hướng sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường,…
Mỗi cá nhân cần tích cực tham gia hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019” cùng “Phong trào chống rác thải nhựa” được thủ tướng Chính Phủ ban hành nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, chống ô nhiễm trắng.
Xây dựng hệ thống thu gom và phân loại rác
Các tỉnh thành trên cả nước cần tăng cường xây dựng, cải thiện hệ thống thu gom và phân loại rác ở từng địa phương. Không đốt, chôn lấp các loại rác thải từ nhựa, ni lông.
Đồng thời để tăng cường thu gom, phân loại rác thì các cơ quan quản lý cần phối hợp với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư,… xây dựng các điểm thu gom rác với nhiều loại thùng rác để phân loại như rác hữu cơ, rác nhựa, các thiết bị điện tử, pin,… Khi rác thải được phân loại, thì các nhà thu gom sẽ dễ dàng phân chia các loại rác đó sau đó có thể tái chế hoặc tái sử dụng những loại rác còn có khả năng tái chế thành những sản phẩm khác có ích hơn, đồng thời đưa từng loại rác đến những nơi phù hợp.
Chỉ cần những hành động dù là rất nhỏ thôi và sự chung tay hành động của tất cả mọi người cũng góp phần cứu cả nhân loại khỏi thảm họa mang tên “Ô nhiễm trắng”.
Bài viết liên quan:
Báo động đỏ ô nhiễm môi trường – Viễn cảnh tương lai tại Việt Nam
Ngô Phương Linh (17050613)