THỜI TRANG BỀN VỮNG:  Xu hướng tất yếu của tương lai 2024

Nhiều năm trước đây, cụm từ thời trang bền vững – sustainable fashion có lẽ vẫn còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên những năm gần đây xu hướng thời trang này đang dần lan tỏa và tạo thành một xu hướng đi đầu trong ngành công nghiệp thời trang. Đối với những người tiêu dùng thông thái, nó không chỉ là một trào lưu tạm thời mà là cách sống và thể hiện giá trị cá nhân. Vậy liệu bạn đã biết sustainable fashion là gì chưa? 

1. Thời trang bền vững – Sustainable fashion

Tính bền vững trong thời trang đã được nêu ra từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Mãi cho đến tận ngày nay khái niệm này mới được đẩy lên cao trào. Khi có sự góp mặt của Liên Hợp Quốc, nhiều nhà mốt hàng đầu thế giới và sự tỉnh thức của người tiêu dùng.

Thời trang bền vững – sustainable fashion (eco fashion) được hiểu là sử dụng chất liệu an toàn, có khả năng phân hủy hoặc tái sử dụng; quy trình sản xuất đảm bảo giảm thiểu chi phí tài nguyên, hạn chế xả thải ra môi trường; trong khi đó tuân thủ quy tắc đạo đức và công bằng xã hội.

Thời trang bền vững - sustainable fashion (eco fashion) - Thời trang bền vững
Thời trang bền vững – Sustainable Fashion (Eco Fashion)

2. Sự ra đời của thời trang bền vững

Thời trang bền vững lần đầu tiên được đưa vào văn hóa đương đại vào những năm 1970, bởi người hippie ưa thích quần áo cũ, thủ công, sản xuất tại địa phương và sản phẩm không dùng thuốc trừ sâu. Cho đến năm 2013 khi thảm kịch Rana Plaza xảy ra tại Bangladesh và làm nổi bật lên sự vô nhân đạo và phi đạo đức của ngành sản xuất hàng may mặc, thời trang bền vững dần được chú ý và phổ biến. Bên cạnh điều kiện làm việc tồi tệ, người tiêu dùng trở nên nhận thức rõ hơn về sự lãng phí, khí thải và tiêu dùng quá mức của ngành công nghiệp thời trang.

Patagonia và ESPRIT là hai thương hiệu nổi tiếng mở đầu thực hiện tôn chỉ bảo vệ môi trường, tiến hành cải tạo chất liệu và sợi dệt nhằm giảm thiểu lượng hóa chất trong quá trình tạo ra các sản phẩm thời trang. ESPRIT cũng truyền tải thông điệp “tiêu dùng có trách nhiệm” trong chiến dịch quảng cáo trên tạp chí Utne Reader để lan tỏa tới mọi người.

Patagonia và ESPRIT đi đầu trong chiến dịch thời trang bền vững - Thời trang bền vững
Patagonia và ESPRIT đi đầu trong chiến dịch thời trang bền vững

Về sau, khái niệm thời trang bền vững ngày càng được hoàn thiện và mở rộng hơn. Ý nghĩa của xu hướng này cũng không còn chỉ gói gọn ở việc cải tạo chất liệu như ban đầu. Kể từ đó, sustainable fashion dần được quan tâm nhiều hơn và biến thành sân chơi cho nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng cho đến nay. 

3. Lợi ích mà thời trang bền vững mang lại cho cộng đồng – tại sao bạn và tôi bên đi theo xu hướng thời trang bền vững?

Bạn có biết ngành công nghiệp thời trang đang là một gánh nặng đối với môi trường?

Theo thống kê của Chương trình Môi trường LHQ, ngành công nghiệp thời trang đang:

  • Tiêu thụ nước nhiều thứ 2 trong số các ngành công nghiệp.
  • Chiếm 8 – 10% lượng khí thải carbon (khí thải nhà kính) trên toàn cầu.
  • Những sản phẩm sau mùa mốt (hot-trend) bị bỏ lại, xả ra môi trường, càng đè nặng thêm những vấn đề ô nhiễm môi trường hiện thời. Mà hậu quả có lẽ còn tồn tại đến vài triệu năm nữa.
Rác thải của thời trang nhanh - thời trang bền vững
Rác thải của thời trang nhanh

Mô hình TTBV ra đời trong yêu cầu cấp thiết phải chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Với phong trào “Hãy đối xử công bằng với hành tinh này của chúng ta”, xu hướng thời trang này đang được toàn thế giới ủng hộ. Những lợi ích mà nó mang đến:

  • Giảm tỉ lệ gây ô nhiễm môi trường của ngành thời trang, góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng của thời trang lên hệ sinh thái.
  • Kéo dài vòng đời của các sản phẩm thời trang thông qua việc cải tiến chất lượng, độ bền, đi kèm theo đó là hoạt động tái chế, tái sử dụng. 
  • Tăng tính minh bạch cho ngành thời trang. Các thông tin như nguồn gốc của chất liệu, điều kiện sản xuất,… được người tiêu dùng nắm rõ. 
  • Tạo cho người lao động điều kiện làm việc tốt hơn, được bảo vệ và đảm bảo mọi quyền lợi, ủng hộ sự công bằng về tiền lương và phúc lợi cho công nhân trong các nhà máy.
  • Tuyên truyền, giáo dục và thúc đẩy người tiêu dùng nhận thức đúng hơn về thời trang bền vững. Đồng thời tạo ra một nền kinh tế bền vững, một hệ sinh thái xanh và cộng đồng ngày càng thịnh vượng. Từ đó, mọi người dần thay đổi nhận thức về tính bền vững không chỉ trong ngành thời trang mà còn trong nhiều lĩnh vực khác.
  • Hướng đến khả năng tái chế, tiết kiệm nước và tài nguyên thiên nhiên.
  • Hướng đến sử dụng vải/sợi tái chế, có khả năng tự phân hủy, giảm bớt gánh nặng xả rác thải thời trang ra môi trường.
Lợi ích của thời trang bền vững - Thời trang bền vững
Lợi ích của thời trang bền vững

Như vậy, dù xuất phát từ lý do cá nhân hay chung tay vì tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại. thời trang bền vững vẫn là một xu hướng tất yếu mà tất cả chúng ta nên theo đuổi.

4. Những yếu tố quyết định tính bền vững trong thời trang 

4.1. Chất liệu và nguyên phụ liệu trong thời trang bền vững

Chất liệu vải có thể tái chế trong thời trang bền vững - Thời trang bền vững
Chất liệu vải có thể tái chế trong thời trang bền vững

Nguyên vật liệu để sản xuất thời trang bền vững là yếu tố vô cùng quan trọng và được người tiêu dùng chú ý rất nhiều. 

Các chất liệu thời trang bền vững được ưa chuộng

Những chất liệu thân thiện với môi trường và dễ phân hủy được nhiều nhà sản xuất lựa chọn như bông hữu cơ, sợi lụa tơ tằm, sợi tre, cotton,… Đồng thời, tận dụng tái chế và sử dụng lại chất liệu từ quần áo cũ hoặc các nguồn phụ liệu khác cũng giúp giảm lượng rác thải và tài nguyên sử dụng.

Thêm vào đó, vải tái chế cũng được ưa chuộng trong ngành như vải vụn, bã cafe,… Điều này giải quyết được tình trạng “tiến thoái lưỡng nam” của rác thải thời trang ảnh hưởng xấu đến môi trường. Điểm nổi bật là quá trình tái chế có thể tiết kiệm được nhiều tiền lẫn công sức sản xuất. 

Chất liệu bền vững trong thời trang - Thời trang bền vững
Chất liệu bền vững trong thời trang

Nguồn nguyên liệu cần được đảm bảo

Đảm bảo rằng nguồn gốc của chất liệu được kiểm soát và quản lý một cách bền vững. Các nhà sản xuất cần đảm bảo không gây phá rừng, không gây tác động tiêu cực đến động vật hoang dã hoặc nguồn nước.

Điều quan trọng là phát triển và áp dụng các nguyên phụ liệu bền vững trong ngành thời trang. Để có thể giảm tác động môi trường, bảo vệ sức khỏe con người cũng như xây dựng một hệ thống sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm.

4.2. Phương pháp và quy trình sản xuất trong thời trang bền vững

Các quy trình, phương pháp sản xuất trong sustainable fashion cần được tối ưu, giảm thiểu lãng phí. Một ví dụ điển hình trong việc này là giảm thải số lượng sample và sản xuất số lượng phù hợp. 

Quy trình sản xuất thời trang bền vững giảm thiểu rác thải thời trang - Thời trang bền vững
Quy trình sản xuất thời trang bền vững giảm thiểu rác thải thời trang

Áp dụng công nghệ có ít ảnh hưởng đến môi trường cũng là một yếu tố quan trọng. Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và giảm thiểu lượng điện tiêu thụ lành mạnh cho môi trường. Nhiều thương hiệu đã áp dụng phương pháp nhuộm hoặc hồ vải tự nhiên để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đối với ngành thời trang bền vững, chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng cụ thể để ta có thể đảm bảo chất lượng và tránh sản xuất quá mức. Điều này giúp giảm thiểu tổng số lượng sản phẩm và người tiêu dùng có thể sử dụng trong thời gian dài.

Ngoài ra việc tập trung vào sản phẩm thủ công bằng cách sử dụng quy trình sản xuất bằng tay và giảm thiểu tự động hóa. Điều này trái ngược với quy trình sản xuất công nghiệp sử dụng lượng lao động lớn với kỹ năng thấp. 

4.3. Đóng gói và vận chuyển trong thời trang bền vững

Quy trình đóng gói và vận chuyển cũng là một yếu tố quan trọng trong tính bền vững của ngành công nghiệp thời trang. 

Thay vì sử dụng các phương tiện vận chuyển truyền thống gây tác động môi trường cao như máy bay hoặc xe tải, thời trang bền vững khuyến khích sử dụng các phương thức vận chuyển có hiệu quả hơn như vận chuyển xe điện hay sử dụng dầu diesel.

Bên cạnh vận chuyển sản phẩm, bao bì và đóng gói cũng đóng góp vào tính bền vững của ngành thời trang. Sử dụng vật liệu bao bì tái chế, tái sử dụng hoặc sinh học phân huỷ như thùng carton, giấy gói.

Các sản phẩm thời trang bền vững thường được đóng gói trong các bao bì tái chế - Thời trang bền vững
Các sản phẩm thời trang bền vững thường được đóng gói trong các bao bì tái chế

Thực hiện bán hàng trực tuyến và giảm bớt trung gian cũng là một yếu tố cần thiết trong sustainable fashion. Liên hệ trực tiếp với khách hàng hoặc người sử dụng làm giảm nhu cầu sử dụng năng lượng và tài nguyên trong quá trình vận chuyển và sản xuất. Đồng thời, loại bỏ hoặc giảm thiểu số lượng trung gian giúp đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

4.4. Xử lý rác thải trong thời trang bền vững

Ngành công nghiệp thời trang tạo ra lượng rác thải lớn, bao gồm cả quá trình sản xuất và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng. Thời trang bền vững thúc đẩy việc sử dụng các nguyên liệu tái chế, tái sử dụng và tái chế sau khi sử dụng, cũng như thúc đẩy việc xử lý rác thải một cách có trách nhiệm và hiệu quả.

4.5 An toàn cho người lao động trong khâu sản xuất trong thời trang bền vững

Thời trang bền vững đảm bảo điều kiện làm việc công bằng và an toàn cho những người làm việc trong ngành công nghiệp thời trang. Điều này bao gồm việc đảm bảo mức lương hợp lý, chính sách lao động công bằng và tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.

5. Thời trang bền vững – xu hướng tất yếu của tương lai

Thời trang bền vững trở thành điểm chú ý khi các thương hiệu dám lên tiếng chỉ trích tính “không bền vững của thời trang”: Tăng trưởng và tiêu thụ theo cấp số nhân của thời trang nhanh (fast fashion).

Sau đó, Patagonia và ESPRIT đã bắt đầu cải tạo chất lượng sợi của họ nhằm giảm bớt lượng hóa chất xả ra môi trường, đồng thời đề cao thông điệp “tiêu dùng có trách nhiệm” đến khách hàng của mình. Gắn dòng chữ “đừng mua những món đồ này” bên cạnh sản phẩm fast fashion.

Năm 2012, Hội nghị Thượng đỉnh về “Tính bền vững trong thời trang” lớn nhất thế giới được tổ chức tại Copenhagen – Đan Mạch với hơn 1000 đối tác trong ngành thời trang có mặt để thảo luận và có những quyết định đầu tiên về thời trang bền vững.

Có thể thấy mặc dù cho tới nay, thời trang bền vững vẫn còn gặp nhiều thách thức, xong nó vẫn và đang trở thành một xu hướng tất yếu của tương lai. 

Một số cột mốc đánh dấu sự phát triển của thời trang bền vững bởi các thương hiệu hàng đầu:

Adidas – đế chế thời trang thể thao hàng đầu ra mắt hàng loạt chiến lược bền vững

Đầu tiên là chiến lược Sustainable Strategy năm 2007. Sản xuất các sản phẩm tái chế từ rác thải biển từ năm 2015. Kể từ năm 2016 hãng này chính thức loại bỏ tất cả túi nhựa ra khỏi các cửa hàng Adidas toàn cầu. Năm 2017, Adidas ra ra mắt hơn 1 triệu đôi giày làm bằng nhựa tái chế Parley Ocean. Họ cũng kêu gọi khách hàng đăng ký Adidas x Parley Run for the Oceans – Một phong trào gây quỹ nhân Ngày đại dương thế giới 2017. Cho đến nay, “bền vững” là một trong ba chiến lược cốt lõi của thương hiệu này, giúp thương hiệu có lợi thế và vị trí cạnh tranh hàng đầu.

Giày Adidas sản xuất từ nguồn nguyên liệu để làm ra các sản phẩm sẵn có, rẻ tiền - Thời trang bền vững
Giày Adidas sản xuất từ nguồn nguyên liệu để làm ra các sản phẩm sẵn có, rẻ tiền

Nike và hành trình phát triển xanh để bảo vệ tương lai thể thao

Những sản phẩm thế hệ mới được sử dụng công nghệ vật liệu tái chế của Nike - Thời trang bền vững
Những sản phẩm thế hệ mới được sử dụng công nghệ vật liệu tái chế của Nike

Từ những năm 2005, Nike đã khởi chạy dự án sử dụng nguồn nguyên liệu trong vòng 200 dặm từ nhà máy sản xuất để giảm lượng khí thải giao thông. Da, da lộn và hemps được xử lý ở mức tối thiểu trong khi đế được làm bằng cao su thải từ nhà máy tái chế. Những nỗ lực này kết hợp với các chương trình phát triển vật liệu, đã chuyển 6,4 tỷ chai nhựa khỏi các bãi chôn lấp kể từ năm 2010 và tạo ra các bộ dụng cụ bóng đá đẹp mắt trong quá trình này.

Các chất tẩy và thuốc nhuộm hóa học bị loại bỏ giữ lại vẻ đẹp tối giản - Thời trang bền vững
Các chất tẩy và thuốc nhuộm hóa học bị loại bỏ giữ lại vẻ đẹp tối giản

Thời trang bền vững đã dần trở thành xu hướng được các nhãn hàng, thương hiệu thời trang tiếp cận và đi theo. Từ những nhãn hàng tầm trung như Levi’s, Nudie Jeans, SAYE, Viktor & Rolf, Tribe Alive… cho đến những nhà mốt danh tiếng như Gucci, Prada, Versace,… tất cả đã bắt đầu đi theo guồng quay Sustainable fashion.

Đặc biệt, trải qua giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, xu hướng thời trang bền vững đã thực sự “thức tỉnh” cộng đồng, các thương hiệu đã cơ cấu lại hoạt động và toàn bộ khâu sản xuất để hướng đến sự bền vững. Từ đó, các chương trình thời trang thế giới mang lên mình “diện mạo” mới thú vị hơn.

6. Một số thương hiệu thời trang bền vững tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Thời trang bền vững cũng đã trở thành một xu hướng quan trọng và được nhiều thương hiệu quan tâm. Một số thương hiệu thời trang nổi bật đã nỗ lực để xây dựng các sản phẩm và hoạt động kinh doanh theo tiêu chí bền vững, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành này.

Fashion4Freedom – thời trang vì tự do

Fashion4Freedom đã tạo ra các sản phẩm thời trang từ chất liệu tái chế và sử dụng quy trình sản xuất công bằng. Tận dụng rác thải công nghệ để biến thành thời trang như BST trang sức từ điện thoại, máy tính hỏng.

Trang phục nổi bật trong BST của Fashion4Freedom - Thời trang bền vững
Trang phục nổi bật trong BST của Fashion4Freedom – fashion4freedom.com

Metiseko

Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng nguyên liệu bền vững, “Metiseko” còn kết hợp phong cách thiết kế phương Tây với chất liệu Việt Nam, sử dụng vải bền vững như lụa và cotton hữu cơ. Với những thiết kế họa tiết mang đậm văn hóa Việt Nam, Metiseko ngày càng được ưa chuộng bởi nhiều khách hàng yêu thích khám phá những truyền thống cổ xưa.

Cửa hàng thời trang bền vững Metiseko - Thời trang bền vững
Cửa hàng thời trang bền vững Metiseko – metiseko.com

Timtay

“Timtay” đã tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm thời trang từ chất liệu tự nhiên như sợi bông, lanh và cotton hữu cơ. Trong bước đột phá mới nhất, BST Lụa 1 đã trở thành bộ sưu tập đầu tiên của TimTay áp dụng phương pháp cắt không tạo ra vải thừa (zero waste). 

Thương hiệu thời trang bền vững Việt Nam Timtay - Thời trang bền vững
Thương hiệu thời trang bền vững Việt Nam Timtay – timtay.me

7. Lời kết

Thời trang bền vững đã và đang trở thành xu hướng không thể phủ nhận trong xã hội ngày nay, nó đã thức tỉnh ngành công nghiệp may mặc trên toàn cầu. Và chính nó cũng thức tỉnh “trách nhiệm của người tiêu dùng”. Hy vọng rằng bài viết sẽ mang đến cho bạn đọc thật nhiều thông tin hữu ích. Hãy chung tay bảo vệ hành tinh của chúng ta từ những điều nhỏ nhặt nhất bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm:

Top 6 tiệm giày secondhand mà gen Z không thể bỏ qua

Thời trang cho nàng mập – Top 10 style giúp chị em hack dáng

 

Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Lý

Mã sinh viên: 20050876

Mã lớp học phần: INE3104 1

Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 3