Văn hóa Nhật Bản: Top 7 nét đặc sắc

Top 7 nét đặc sắc trong văn hóa Nhật Bản

Đất nước của những điều thú vị, Nhật Bản không chỉ thu hút du khách bằng những điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn ghi điểm bởi nền văn hóa đa dạng và phong phú. Trái ngược với hình ảnh một quốc gia hiện đại, xứ sở Mặt trời mọc vẫn giữ nguyên những giá trị truyền thống lâu đời, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá 7 nét đặc sắc độc đáo sau bức màn của văn hóa Nhật Bản.

Giới thiệu đôi nét về Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia và đảo quốc nằm ở Đông Á. Đất nước này có diện tích 377.975 km2 với địa hình đa dạng, từ các ngọn núi cao đến các quần đảo và đồng bằng. Nền kinh tế Nhật Bản đứng thứ ba thế giới cùng nhiều thành tựu và các sản phẩm công nghệ cao. Không chỉ thế, “Xứ sở phù tang” còn gây ấn tượng bởi những nét đẹp trong văn hóa nơi đây. Nhật Bản kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại, tạo nên một quốc gia độc đáo và thu hút du khách du lịch.

Núi Phú Sĩ ở Nhật Bản
Núi Phú Sĩ ở Nhật Bản (Nguồn: Vietravel)

7 nét đặc sắc trong văn hóa Nhật Bản

1. Kimono

Giống như người Việt mặc áo dài, ở Nhật Bản, Kimono chính là trang phục truyền thống và được biết đến phổ biến. Đây không chỉ là một bộ trang phục mà còn là biểu tượng của văn hóa của Nhật Bản. Với chữ “ki” là “đẹp”, “mono” là “đồ vật”, Kimono thể hiện sự tôn trọng và lòng kiêu hãnh với cái đẹp của người Nhật Bản.

Người Nhật đã sử dụng Kimono trong vài trăm năm. Ngày nay, Kimono thường chỉ được sử dụng vào các dịp lễ tết. Phụ nữ Nhật mặc Kimono phổ biến hơn nam giới, thường có màu và hoa văn nổi bật. Phái nam dùng chủ yếu trong lễ cưới và buổi lễ trà đạo và Kimono dành cho nam giới thường không có hoa văn, và màu tối hơn.

 

Kimono - Trang phục truyền thống Nhật Bản
Kimono – Trang phục truyền thống Nhật Bản (Nguồn: klook.com)

Kimono phụ nữ đặc biệt với điểm độc đáo là chỉ có một kích cỡ, giúp người mặc dễ dàng điều chỉnh cho vừa với bản thân mình. Kimono có 2 loại tay: rộng và ngắn. Phụ nữ đã lập gia đình thường tránh loại tay rộng vì có thể gây trở ngại khi làm việc. Trước khi mặc Kimono, họ thường mặc “juban” là áo lót bảo vệ Kimono khỏi bụi, sau đó cuốn Kimono và thắt lại bằng thắt lưng Obi làm từ lụa, một phụ kiện đắt tiền. Người mặc Kimono thường đi giày guốc gỗ và mang bít tất Tabi màu trắng.

2. Văn hóa trà đạo

Phát triển từ khoảng cuối thế kỷ VII, trà đạo hay Sadō” (茶道) đã trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản. Trà đạo được phát triển từ thời kỳ Heian (794 – 1185), chữ “trà” ở đây dùng để chỉ sự thưởng trà và chữ “đạo” ý chỉ sự đàm đạo.

Nghệ thuật uống trà đạo Nhật Bản
Thưởng thức trà là nét đặc trưng trong trong văn hóa Nhật Bản (Nguồn: Internet)

Tinh thần của trà đạo được biết đến qua bốn chữ : “hòa”, “kính”, “thanh”, “tịch”. Trong đó, “Hòa” chính là là hòa bình; “Kính” là tôn trọng người trên, yêu thương bè bạn, con cháu; “thanh” là thanh tịnh, thanh khiết; còn “tịch’ tức là giới hạn mỹ học cao nhất của trà đạo an nhàn.

Theo thời gian, trà đạo đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Nhật Bản vì đây không chỉ là một loại hình thức để thưởng trà mà còn là một nghệ thuật, một phương tiện để tạo ra sự tĩnh lặng nơi tâm hồn và cảm nhận sự đẹp đẽ của thiên nhiên, của cuộc sống. Ngoài ra, để có thể pha trà ngon còn đòi hỏi người tham gia phải có kiến thức về các loại trà, các dụng cụ trà và các nghi lễ xung quanh việc pha trà nữa đấy. Sự tỉ mỉ, chăm chút và nhẫn nại là những điều vô cùng cần thiết.

Quá trình thưởng thức trà tại Nhật Bản
Người tham gia sẽ luôn duy trì tư thế quỳ seiza trong suốt quá trình thưởng thức trà (Nguồn: VietjetAir)

3. Manga – Anime

Nhắc đến Nhật Bản thì không thể không nhắc đến Manga và Anime. Sự phổ biến của Manga và Anime đã không chỉ giới hạn trong ranh giới của Nhật Bản mà đã lan rộng trên toàn thế giới, tạo nên một cộng đồng đa dạng và đam mê. Chúng vừa là sản phẩm giải trí, vừa một phần quan trọng của văn hóa đại chúng, ảnh hưởng đến nghệ thuật, thời trang và thậm chí cả thế giới công nghiệp điện ảnh.

Những bộ Manga - Anime nổi tiếng
Manga, Anime – Văn hóa đại chúng nổi tiếng của Nhật Bản (Nguồn: Coolmate)

Manga là truyện tranh Nhật Bản, thường được xuất bản dưới dạng tập và đọc từ phải sang trái. Nó đa dạng về thể loại, từ shonen (dành cho nam giới), shojo (dành cho nữ giới), seinen (dành cho đối tượng người đọc trưởng thành), đến các thể loại khác như isekai (thế giới khác), fantasy, romance, sci-fi và nhiều thể loại khác.

Anime là thuật ngữ chỉ đến các bộ phim hoạt hình Nhật Bản. Chúng có thể được làm dựa trên manga đã có sẵn hoặc là tác phẩm gốc. Anime cũng rất đa dạng về thể loại và có thể phục vụ nhiều đối tượng khác nhau, từ trẻ em đến người hâm mộ người lớn.

Cả Anime và Manga thường chú trọng vào việc phát triển nhân vật sâu sắc, có nội dung phong phú và đôi khi mang đến những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình bạn và tình yêu. Những tác phẩm nổi tiếng như Naruto, One Piece, Attack on Titan và Dragon Ball là những ví dụ điển hình của sức hút toàn cầu của Anime và Manga.

One Piece - Thương hiệu Manga bán chạy nhất mọi thời đại
One Piece – Thương hiệu Manga/Anime nổi tiếng nhất nhì thế giới (Nguồn: iQIYI)

Tại Nhật Bản, hàng năm diễn ra nhiều lễ hội Anime như Comiket, lễ hội Wonder và lễ hội Cosplay quốc tế. Người tham gia thường mặc trang phục của nhân vật Anime. Các họa sĩ, diễn viên lồng tiếng và đạo diễn cũng thường tham gia và tạo nên không khí sôi động. Các trường đại học và trung học cũng có các câu lạc bộ Manga và Anime, nơi học sinh, sinh viên có thể chia sẻ và trưng bày tác phẩm, đồng thời kết bạn và trao đổi niềm vui từ hai loại nghệ thuật giải trí này.

Lễ hội Cosplay diễn ra tại Nhật Bản
Lễ hội Cosplay Nhật Bản hàng năm quy tụ rất đông người tham gia (Nguồn: Internet)

4. Nhiều lễ hội thú vị ở Nhật Bản

Nhật Bản với bản sắc văn hóa độc đáo và đa dạng, tự hào là quê hương của nhiều lễ hội truyền thống tuyệt vời. Mỗi năm, hàng triệu người và du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về để tận hưởng những trải nghiệm độc đáo mà những lễ hội này mang lại. Hàng nghìn lễ hội khác nhau trải dài qua bốn mùa, từ lễ hội ngắm hoa hoa anh đào (Hanami) nở rực rỡ xuân, cho đến lễ hội lồng đèn (Obon) rực rỡ trong đêm hè, và các lễ hội lá đỏ ấm áp của mùa thu, đến những lễ hội tuyết Sapporo.

Lễ hội ngắn hoa anh đào Hanami tại Nhật Bản
Lễ hội hoa anh đào Hanami là một trong những lễ hội truyền thống của Nhật Bản (Nguồn: Internet)
Lễ hội tuyết Sapporo tại Nhật Bản
Công trình tuyết độc đáo tại Lễ hội Sapporo (Nguồn: Internet)

Mỗi lễ hội đều mang đến những diễn biến độc đáo, từ những diễu hành, các màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đến các hoạt động tham gia sôi nổi của cộng đồng. Những người tham gia lễ hội thường mặc trang phục truyền thống, thể hiện sự tự hào và tình yêu quê hương. Đặc biệt, lễ hội còn là dịp để thưởng thức ẩm thực, mua sắm các đồ handmade và tận hưởng không khí phấn khích và sôi động.

5. Tinh thần võ sĩ đạo

Tinh thần võ sĩ đạo hay thường được gọi là tinh thần Bushido. Trong văn hóa Nhật Bản, đây là một hệ thống giá trị và nguyên tắc đạo đức mà các võ sĩ đạo trưởng thành phải tuân thủ. Tinh thần này không chỉ đơn thuần là một phương pháp tập luyện võ thuật, mà còn là một triết lý sống, xuyên suốt trong mọi khía cạnh của cuộc sống và hành động của người tuân thủ nó. Tinh thần võ sĩ đạo bao gồm: Sự ngay thẳng, dũng cảm, nhân từ, lễ phép, tự kiểm soát bản thân, lòng trung thành và danh dự.

Xuất phát từ một nước nghèo tại Đông Á và phải đối mặt với nhiều thách thức từ chiến tranh thế giới thứ 2 và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, Nhật Bản đã vươn lên trở thành một trong những nền công nghiệp và kinh tế hàng đầu thế giới. Điều này không chỉ là kết quả của sự đầu tư vào công nghiệp và kinh tế, mà còn nhờ vào sự tích lũy của những giá trị và tinh thần mà võ sĩ đạo để có thể vượt qua mọi khó khăn, dẫn dắt đất nước họ đến đỉnh cao của sự phồn thịnh.

Tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản
Tinh thần võ sĩ đạo – Biểu tượng cho sức mạnh của người Nhật (Nguồn: Internet)

6. Văn hóa giao tiếp

Một trong những nét văn hóa Nhật Bản mà bạn có thể nhận thấy một cách dễ dàng đó chính là cúi đầu chào nhau. Không giống như các quốc gia phương Tây, khi gặp nhau họ thường bắt tay hay ôm hôn, thay vào đó người Nhật tỏ lòng hiếu khách và lịch sử bởi những cái cúi đầu. Đây là một nét văn hóa tiêu biểu của xứ sở hoa anh đào và cũng là điều mà bạn nên tìm hiểu trước.

Cúi đầu là văn hóa giao tiếp lịch sự của người Nhật Bản
Cúi đầu là văn hóa giao tiếp lịch sự của người Nhật Bản (Nguồn: Internet)

Hành động cúi người chào hỏi ở Nhật phụ thuộc vào đối tượng mà bạn gặp gỡ. Thông thường sẽ có 3 kiểu cúi đầu được sử dụng là cúi người 15 độ áp dụng cho giao tiếp hàng ngày với những đối tượng là bạn bè, đồng nghiệp,… Cúi đầu 30 độ thường để thể hiện thái độ trang trọng, lịch sự, được áp dụng trong lần gặp đầu và cúi 45 độ khi muốn tỏ lòng biết ơn với người đã chào đón bạn bằng cả trái tim.

3 kiểu cúi chào khác nhau của người Nhật Bản
Tùy vào đối tượng gặp gỡ mà người Nhật có cách cúi chào khác nhau (Nguồn: Internet)

Trong văn hóa giao tiếp của người Nhật, việc nhìn thẳng vào người đối thoại khi nói chuyện thường được coi là thiếu lịch sự và không đúng mực. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp, người Nhật sẽ lựa chọn trang phục phù hợp nhưng luôn đặt sự ý nhị, kín đáo lên hàng đầu, đặc biệt là trong việc duy trì sạch sẽ và tránh tình trạng nhàu nát. Ngoài ra, người Nhật thường xuyên cảm ơn và xin lỗi với người khác. Điều này gây không ít bất ngờ, thậm chí khó hiểu cho những ai lần đầu tiên đến Nhật.

Người Nhật Bản tránh nhìn vào mắt nhau khi giao tiếp
Người Nhật Bản tránh nhìn vào mắt nhau khi nói chuyện (Nguồn: Internet)

7. Văn hóa ăn uống của người Nhật

Cách thưởng thức mì

Văn hóa ẩm thực của Nhật Bản đầy những điều thú vị, nhưng điểm độc đáo nhất chắc chắn là phong cách ăn mì. Đây không chỉ là một thói quen ẩm thực thông thường, mà còn là cách thức biểu đạt niềm vui khi thưởng thức bữa ăn. Ăn mì ở Nhật Bản phải có tiếng húp xì xụp. Điều này không chỉ là cách thức thể hiện sự hài lòng của thực khách, mà còn như một lời khen dành cho đầu bếp, tôn vinh hương vị tuyệt vời của món mì.

Cách ăn mì của người Nhật Bản
Húp mì xì xụp là cách hoàn hảo nhất để thưởng thức trọn vẹn hương vị của Mì (Nguồn: Kilala)

Sushi và Sashimi

Sushi, Sashimi là một tác phẩm nghệ thuật ẩm thực đỉnh cao và người làm được gọi là nghệ sĩ. Tác phẩm nghệ thuật ấy được mọi người gọi là sự hoàn hảo và để giữ trọn sự hoàn hảo ấy cần biết cách thưởng thức. Trong ẩm thực sushi, khi ăn Maki và Nigiri, bạn sử dụng ngón tay, trong khi Sashimi thì được thưởng thức bằng đũa. Lưu ý rằng chỉ phần cá được chấm vào nước sốt khi ăn, còn phần cơm tránh ngâm để tránh làm mất hương vị. Khi thưởng thức Sashimi, có thể trộn nước tương và wasabi theo sở thích cá nhân.

Sushi, Sashimi - Món ăn nổi tiếng ở Nhật Bản
Sushi, Sashimi – món ăn truyền thống của người Nhật (Nguồn: Internet)

Rượu Sake

Cho những người yêu sushi, rượu Sake là một lựa chọn không thể bỏ qua khi thưởng thức ẩm thực Nhật. Được chưng cất từ gạo và nước, Sake không chỉ là một thức uống mà còn là biểu tượng quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Khi uống Sake, người Nhật thường tuân theo quy tắc luân phiên rót cho nhau thay vì tự rót. Điều đặc biệt là khi rót cho người khác, họ giữ chân ly ở dưới và đổ rượu từ trên để thể hiện sự tôn trọng.

Rượu Sake Nhật Bản
Cách rót rượu sake truyền thống của người Nhật Bản (Nguồn: ruounhat.net)

Một số quy tắc ăn uống của nguời Nhật

  • Bắt đầu bữa ăn bằng cách nói “Itadaki-masu,” tức là “Cảm ơn vì bữa ăn.”
  • Hạn chế việc dùng tay để hứng đồ ăn, vì nó được coi là không lịch sự ở Nhật.
  • Tránh việc cắn đôi miếng thức ăn và hãy ăn cả miếng một. Đặt miếng thức ăn cắn dở xuống bát được coi là không lịch sự.
  • Không úp ngược nắp bát tô, vì điều này có thể làm người khác nghĩ bạn đã ăn xong.
  • Không dùng đũa chạm vào đồ ăn nếu không gắp, để tránh bị coi là không lịch sự.
  • Không đặt đũa trực tiếp lên trên bát, hãy sử dụng gác đũa hoặc bọc đũa trong tờ giấy để đặt xuống.
  • Không đảo đầu đũa khi gắp thức ăn từ đĩa chung. Hãy yêu cầu phục vụ mang đôi đũa mới để sử dụng.
  • Khi đã ăn xong, có thể cảm ơn chủ nhà bằng cách nói “Gochisosama – deshita” (trang trọng) hoặc đơn giản hơn là “Gochisosama”.
    Quy tắc ăn uống của người Nhật Bản
    Trước khi ăn người Nhật luôn chắp tay và nói “Cảm ơn bữa ăn” (Nguồn: Internet)

Lời kết

Nhật Bản là sự hòa quyện giữa quá khứ và hiện đại. Từ tinh thần võ sĩ đạo đến sự tao nhã trong nghi lễ trà đạo, từ vẻ đẹp truyền thống của kimono đến hương vị tinh tế của sushi, mỗi nét văn hóa đều là một chương trình hấp dẫn về sự đa dạng và sâu sắc của đất nước hoa anh đào. Nhật Bản không chỉ là một điểm đến du lịch hiện đại, mà là một trải nghiệm của những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu bạn là một người đam mê du lịch và muốn khám phá những giá trị văn hóa, Nhật Bản chắc chắn là điểm đến lý tưởng.

Bạn có thế tìm hiểu thêm về du lịch, văn hóa và con người Nhật Bản qua những bài viết dưới đây!

6 Tính cách đặc trưng làm nên con người Nhật Bản

Bản sắc lễ hội Nhật Bản: Top 9 lễ hội mùa hoa

Du lịch Nhật Bản: 5 điểm đến nhất định phải ghé thăm

5 CÁCH CÚI CHÀO TẠI NHẬT BẢN – VĂN HÓA OJIGI

Tác giả: Trịnh Thị Minh Ánh

Mã sinh viên: 20050776

Mã lớp học phần: INE3104 1

Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 3