Bắc Ninh được thiên nhiên ưu ái với vô vàn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp cùng nhiều công trình kiến trúc với cổ xưa cũng như các giá trị văn hóa đẹp đẽ. Nếu bạn đang phân vân, đắn đo và chưa biết đi đâu du lịch để check in, trải nghiệm hè này, hãy cũng Ezcomclass khám phá top 4 nét đẹp của Bắc Ninh – điểm đến du lịch có thể bạn đã bỏ qua ngay bây giờ nhé!
Nội dung bài viết
1. Nét đẹp Dân ca Quan họ
1.1. Làng Diềm – cái nôi Quan họ Bắc Ninh
Làng Diềm hay còn được gọi là thôn Viêm Xá, thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đây là ngôi làng cổ mang đậm nét lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng quê Kinh Bắc. Không chỉ vậy, nơi đây còn là cái nôi của những làn điệu dân ca Quan họ. Đặc biệt, năm 2019, làng Diềm chính thức được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch của tỉnh.
Cổng làng được xây theo lối cổng tam môn cổ (hay còn được gọi là tam quan) gồm 3 lối đi, một lối đi chính giữa to nhất và hai lối đi phụ hai bên. Cổng được xây bằng gạch vồ, với kết cấu hai tầng và có mái lợp.
Trên cổng có đề 4 chữ “Vãng du hữu lợi” có nghĩa “qua làng là có lợi”. Bốn chữ đó như lời chào lịch sự với khách du lịch làng Diềm, thể hiện cốt cách của người đất Thủy tổ quan họ trọng tình, hiếu khách… Trên cùng là hình bức cuốn thư rộng mở với ô tròn chính giữa.
Tại đây, du khách sẽ được tận hưởng không gian yên bình của làng quê với những hàng cây cổ thụ rợp bóng xanh mát bao quanh các kiến trúc đơn sơ, cổ kính.
1.2. Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Ngày 30/9/2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bên cạnh nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, ca trù… Đó là niềm tự hào và là động lực to lớn để Bắc Ninh tiếp tục phát triển Dân ca Quan họ vượt ranh giới quốc gia và lan toả rộng rãi.
Nhằm tiếp tục mang đến sức sống cho di sản, Bắc Ninh luôn khuyến khích, động viên và trân trọng những thể nghiệm mới, các sáng tạo nghệ thuật mang âm hưởng Dân ca Quan họ. Bởi đó là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, vừa khẳng định giá trị trường tồn của Quan họ Bắc Ninh vừa bồi đắp, thăng hoa, làm giàu hơn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trải qua thời gian, các thế hệ người dân Bắc Ninh nâng niu gìn giữ, truyền dạy và chắp cánh cho những làn điệu Quan họ lan tỏa, bay cao, vươn ra khắp cả nước, đến với bạn bè quốc tế.
Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh nằm trong Khu quy hoạch quần thể Thủy tổ quan họ Bắc Ninh gần làng Diềm và một số làng quan họ cổ. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa lớn lao với người dân quê hương Quan họ.
Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh được xây dựng từ năm 2016 nằm trên diện tích 19.400m² và hoàn thành từ năm 2020 do Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Bắc Ninh làm chủ đầu tư. Với tổng mức đầu tư của dự án hơn 241 tỷ đồng với nhiều hạng mục từ nguồn ngân sách nhà nước.
Về hạng mục nội thất tại nhà Hát dân ca Quan họ Bắc Ninh được sử dụng toàn bộ là sản phẩm của làng nghề Đồng Kỵ. Trong đó hàng ghế gỗ của phòng khán giả được làm bằng gỗ gõ đỏ (nhập từ Nam Phi) với 341 ghế, trong đó có 18 ghế to, 323 ghế nhỏ, 176 bàn nhỏ và 9 bàn to với tổng kinh phí cho hạng mục này là 6,3 tỷ đồng.
Ngay từ lúc xây dựng bản thiết kế, đơn vị tư vấn đã đề xuất giải pháp sử dụng ghế gỗ Đồng Kỵ thay vì hệ thống ghế ngồi hiện đại. Vì bản thân Nhà hát Quan họ Bắc Ninh là nhà hát truyền thống, việc sử dụng sản phẩm nội thất từ làng nghề truyền thống góp phần giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân tới Bắc Ninh.
Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh do các kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Trần Hoàng Hải Nam, Trần Anh Sơn tư vấn thiết kế với ý tưởng tái hiện lại cả một “Không gian Văn hóa Quan họ“. Kiến trúc nhà hát dân ca quan họ sáng tạo, khá ấn tượng, có sức biểu cảm sâu sắc từ tạo hình lấy cảm hứng từ hình dáng mái đình truyền thống, với lớp vỏ bao che 2 lớp (Double Skin), dại tre bên ngoài có họa tiết truyền thống từ nón Ba Tầm.
Với thiết kế và ý tưởng trên, Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được vinh danh giải Bạc hạng mục Kiến trúc công cộng Quốc gia lần thứ 15 (2022 – 2023).
Với kiến trúc đặc sắc, Nhà hát đã trở thành địa điểm du lịch, check in thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đến với Bắc Ninh.
Xem thêm:
Nhà hát quan họ đoạt giải nhì kiến trúc quốc gia
Bên trong nhà hát quan họ Bắc Ninh đạt giải Bạc kiến trúc quốc gia
Cận cảnh nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh | Chuyển động 24h
2. Nét đẹp làng nghề
2.1. Tranh dân gian Đông Hồ Bắc Ninh
Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Bạn chắc hẳn sẽ cảm thấy rất nuối tiếc khi không ghé qua Làng tranh Đông Hồ khi đến Bắc Ninh. Đây là một trong những địa điểm check – in nổi bật ở Bắc Ninh. Tuổi thơ của bạn như ùa về khi đến nơi đây khi được tìm hiểu quy trình làm tranh, ngắm nhìn các thao tác nhanh nhẹn, kỹ càng của từng nghệ nhân.
Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể.
2.2. Làng gốm Phù Lãng – Làng gốm nổi tiếng 700 năm tại Bắc Ninh
Làng gốm Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đã tồn tại ngót nghét 700 năm với những sản phẩm gốm vô cùng tinh xảo nổi tiếng khắp đất nước, trở thành một trong những làng nghề cổ xưa nhất Việt Nam.
Làng gốm Phù Lãng được hình thành và phát triển vào khoảng thời Trần, đầu thế kỷ XIV. Hiện nay, bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại khoảng từ thế kỷ XVII đến XIX. Đó là sản phẩm gốm men nâu và những sắc độ khác nhau như men da lươn, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu…
Khi đến Phú Võ, hãy nhớ ghé làng gốm Phú Lãng năm cạnh dòng sông Cầu thơ mộng. Bạn không chỉ được quan sát những cảnh đẹp tự nhiên hữu tĩnh, còn hiểu hơn về quy trình làm thế nào để tạo nên một sản phẩm gốm sứ tinh xảo, tuyệt đẹp. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng và tìm thấy các sản phẩm gốm gia dụng, trang trí khi đến đây.
3. Nét đẹp kiến trúc tâm linh
3.1. Lăng Kinh Dương Vương – cái nôi chốn tổ của Đất Việt tại Bắc Ninh
Khu di tích đền thờ Kinh Dương Vương (Thuận Thành, Bắc Ninh) thờ vị vua đầu tiên của đất nước.
Khu di tích lịch sử văn hóa Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương được xây dựng tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành, Bắc Ninh) là cái nôi chốn tổ của đất Việt, không những là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, mà nơi đây còn là một địa điểm lịch sử của cả dân tộc.
Trong Đền, các di vật và tài liệu được bài trí khá phong phú về loại hình và giá trị nghệ thuật. Ba bộ ngai thờ đặt ở hậu cung, ngai thờ Kinh Dương Vương đặt ở ban giữa, ngai thờ Lạc Long Quân đặt ở gian phải và ngai thời Âu Cơ đặt ở gian trái. Tất cả đều được chạm khắc và sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Với những giá trị và ý nghĩa lớn lao của khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ. Ngày 2/2/1993, khu di tích được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
3.2. Chùa Bút Tháp – Ngôi chùa độc đáo lưu giữ bốn Bảo vật Quốc gia
Chùa Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) từ lâu nổi tiếng bởi những nét chạm trổ độc đáo về nghệ thuật kiến trúc đặc sắc dưới thời Lê – Nguyễn và là điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự, một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Điểm đặc biệt, độc đáo của chùa Bút Tháp là ngọn bảo tháp bằng đá, có tên là tháp Báo Nghiêm, bên trong thờ tượng Thiền sư Chuyết Chuyết. Nổi bật hẳn giữa vùng đồng bằng rộng lớn.
Bên cạnh giá trị lịch sử, kiến trúc, hiện trong chùa còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận năm 2012 và ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án cùng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Các bảo vật đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ.
3.3. Chùa Phật Tích – Vẻ đẹp ngôi tự cổ
Chùa Phật Tích nằm ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) được biết đến là một ngôi chùa cổ tự gần nghìn năm tuổi với những kiến trúc độc đáo cổ xưa đặc sắc, hình thành từ thời Lý.
Lối dẫn lên gian chính là những bậc đá cổ, mang lại không gian cổ kính của ngôi chùa. Qua các sử liệu và các chứng tích văn hóa vật thể còn tồn tại đến tận ngày nay đã khẳng định, chùa Phật Tích xưa kia từng là một đại danh lam thắng cảnh đẹp, hài hòa, vừa thơ mộng linh thiêng. Núi Phật Tích như một hạt châu ngời sáng với bao huyền tích kỳ thú cùng với những dấu vết vật chất rất đỗi tự hào.
Chính điện của chùa Phật Tích là nơi tôn trí pho tượng Phật A Di Đà được tạo tác bằng đá xanh, kích thước hiện tại cả bệ cao 2m77 thể hiện Đức Phật Adi đà ngồi tọa thiền trên tòa sen theo lối Kiết Già toàn phần, dáng ngồi thanh thản tự tại. Khuôn mặt tượng Phật A DI Đà mang vẻ đôn hậu viên mãn, ít nhiều được lý tưởng hóa với dạng nhân chủng Ấn Độ. Sắc mặt vừa có vẻ trầm tư, lại lộ vẻ rạng rỡ. Đôi mắt hơi nhìn xuống, sống mũi cao, khóe miệng mỉm cười kín đáo.
Tượng Phật A Di Đà mới nặng 3.000 tấn, dựa trên nguyên mẫu tượng A DI Đà – bảo vật quốc gia được làm bằng đá từ thời nhà Lý được tôn thờ tại Chánh điện. Khi hoàn thiện vào năm 2010, tượng Phật A Di Đà mới đạt kỷ lục là “pho tượng Phật bằng đá lớn nhất Đông Nam Á.
Bên cạnh tượng Phật A Di Đà, chùa Phật Tích còn một Bảo vật quốc gia khác, đó là bộ tượng 10 linh thú có từ thời Lý. 10 bức tượng này gồm 5 cặp ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử, được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa Tam Bảo.
Theo văn bia “Vạn Phúc đại thiền tự bi” dựng năm 1686 nói về việc xây chùa Phật Tích thì linh thú này được tạc cùng thời điểm xây dựng chùa. Những con thú này đều có kích thước rất lớn cao gần 2m, tất cả đều được nghệ sĩ cho leo lên bệ sen hình hộp nằm thoải mái.
Thú và bệ liền một khổ đá, hợp thành một khối đồ sộ và trang trọng. Các khối cơ thể được diễn tả căng, khỏe, đặt trong không gian với tư thế nằm thủ phục trên bệ tượng tạo cảm giác nghỉ ngơi, thư thái. Mang ý nghĩa giải thoát tự nhiên, tự tại trong thế giới của Phật.
3.4. Đền Đô – Ngôi Đền của các bậc Đế vương nhà Lý tại Bắc Ninh
Đền Đô hay còn gọi là (Đền Lý Bát Đế, Cổ Pháp Điện) được xây dựng vào thế kỷ XI, ngày nay nằm ở phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đền được dựng trên nền đất mà khi xưa vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương.
Theo sử sách, dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha, từ đó Đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.
Đến nay, Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý gồm: Lý Công Uẩn tức (Lý Thái Tổ), Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông.
Cổng vào nội thành đền Đô gọi là Ngũ Long Môn với hai cánh cổng có trạm khắc hình 5 ông rồng. Mỗi khi cánh cổng này mở ra, sẽ như hình dáng rồng bay lên cao vút.
Hai bên cổng chính nội thành Đền Đô, phía bên trái ghi bức cuốn thư “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Phía bên phải là bài thơ hào hùng nổi tiếng – như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” của Lý Thường Kiệt.
Đền Đô được Chính phủ công nhận là di tích lịch sử – văn hóa theo Quyết định số 154 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 25/1/1991. Năm 2014, nơi đây cùng với các khu lăng mộ của các vua nhà Lý đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đền Đô với kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật, nơi linh thiêng, hội tụ linh khí của đất trời và là nơi nhân dân đến đền cầu phúc. Mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa đậm nét của vương triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Người dân về với Bắc Ninh, ghé thăm đền Đô, thả hồn mình cùng những ngày tổ tiên ta dựng nước, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc.
4. Nét đẹp ẩm thực
4.1. Bánh khúc làng Diềm – Đặc sản của làng quan họ
Đến làng Diềm du khách không chỉ được lắng nghe những câu quan họ mượt mà của liền anh, liền chị mà còn được thưởng thức chiếc bánh khúc xanh thơm, thắm đượm hồn quê dân dã. Ngôi làng Diềm không chỉ nổi tiếng là một khu làng cổ nổi tiếng với những câu ca quan họ, mà đây còn là nơi có món bánh Khúc trứ danh, một loại bánh thường xuất hiện trong những dịp lễ tết, ngày rằm, hội hè, mời khách quý phương xa,…
Bánh khúc Làng Diềm là sự kết hợp giữa những nguyên liệu đơn giản nếp cái hoa vàng, lá khúc và nhân bánh đậu xanh thịt mỡ. Bắc Ninh với một món bánh dân dã, mộc mạc nhưng với hương vị béo bùi của nhân đậu xanh và thịt mỡ, thêm vào vị thơm ngào ngạt của lá khúc, vị dẻo của vỏ bánh, khiến bạn ấn tượng mãi.
Thưởng thức bánh khi còn nóng hổi là thơm ngon nhất. Lúc này lớp vỏ bánh bóng mọng bốc hơi nghi ngút, khách vừa thổi vừa ăn để cảm nhận hương thơm, bùi của lá khúc cùng vị ngậy béo của nhân đỗ thịt. Chiếc bánh khúc dường như là sự kết hợp hoàn hảo các sản vật đặc trưng của làng Diềm, mang đến hương vị độc đáo, hấp dẫn không dễ gì trộn lẫn.
Với nhiều loại bánh khác, người ăn có thể dùng một hai cái đã cảm thấy ngán nhưng với bánh khúc làng Diềm, Bắc Ninh, ăn đến 4-5 chiếc mà vẫn thòm thèm, luyến tiếc. Bởi thế, không ít người ăn xong phải mua thêm để làm quà và ăn dần khi nhớ.
4.2. Bánh phu thê – Đặc sản truyền thống trong lễ cưới hỏi
Một đặc sản Bắc Ninh tiếp theo phải kể đến là món bánh phu thê nổi tiếng khắp cả nước ta, là một loại bánh cổ truyền, ở mỗi vùng miền sẽ có công thức làm bánh khác nhau. Nhưng nói đến cái gốc nơi bánh phu thê được ra đời là tại Đình Bảng, Bắc Ninh.
Huyện Từ Sơn, Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với hội Đền Đô mà còn có đặc sản bánh phu thê. Theo người dân địa phương, bánh phu thê có nguồn gốc từ thời Lý, khi vua Lý Anh Tông đi đánh trận, hoàng hậu ở nhà làm bánh gửi ra trận. Vua ăn bánh thấy ngon, nhớ đến tình vợ chồng nên đặt tên là bánh phu thê (còn gọi là bánh xu xê).
Từ đó, người làng Đình Bảng truyền nhau cách làm bánh phu thê, lưu giữ đến ngày hôm nay. Cùng với trầu cau, bánh phu thê thường được gói thành từng cặp, là loại bánh biểu tượng của thủy chung, mang ý nghĩa cầu chúc cho hạnh phúc vợ chồng bền chặt.
Bánh phu thê Đình Bảng – đặc sản của vùng quê quan họ Bắc Ninh – do vị ngon đặc trưng của bánh nên ai đến Bắc Ninh cũng mong muốn được thưởng thức, mua về làm quà biếu. Bởi vậy, người dân Đình Bảng sản xuất bánh cả năm. Riêng từ tháng Chạp âm lịch, những cơ sở lớn phải thuê thêm hàng chục nhân công làm việc ngày đêm để kịp giao hàng cho dịp Tết.
Tổng kết nét đẹp Bắc Ninh
Bắc Ninh một mảnh đất cổ lâu đời với nhiếu nét truyền thông văn hóa đặc sắc. Nói đến Bắc Ninh người ta nhớ ngay tới Quan Họ, làn điệu dân ca đã đi sâu trong tâm thức bao nhiều con đất Việt.
Nhưng mảnh đất Bắc Ninh còn nhiều cảnh đẹp và điểm du lịch hấp dẫn khác. Trong đó có thể kể ra như: thắng cảnh Đền Đô (nơi thờ các vị vua Lý), chùa Bút Tháp, các làng nghề truyền thống như: Gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ…
Có quá nhiều điều để đến với Bắc Ninh, trên đây là top 4 nét đẹp mà bạn nhất định phải check-in tại “thành phố di sản”. Ngoài top những tọa độ trên, Bắc Ninh còn cực nhiều điểm đến thú vị dành cho mọi tín đồ xê dịch.
Không chỉ Bắc Ninh, nếu thích khám phá và trải nghiệm bạn có thể tham khảo thêm những điểm du lịch không kém phần thú vị dưới đây.
Top 5 địa điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam
Thỏa Sức Khám Phá Mùa Hè ở Việt Nam: Top 10 điểm du lịch hè 2023 không thể bỏ lỡ!!!
ĐẢO QUAN LẠN – VẺ HOANG SƠ LÀM CHAO ĐẢO MẠNG XÃ HỘI 2023
Tác giả:
Nguyễn Thị Thúy Hồng
MSV: 20050263
Mã lớp học phần: INE3104 2