Nằm cách trung tâm Hà Nội không xa (khoảng 60km) có một địa điểm không khí trong lành mát mẻ cùng khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên rừng núi. Nổi bật giữa không gian núi rừng ngút ngàn sắc xanh, là một điểm đến vô cùng hấp dẫn khiến giới trẻ “săn lùng” đó là vườn quốc gia Ba Vì.
Hãy cùng theo chân Ezcomclass khám phá kinh nghiệm đi Vườn Quốc gia Ba Vì thưởng ngoạn cảnh sắc vô cùng quyến rũ của đất trời vào đông này thôi.
Nội dung bài viết
I. Đi Vườn Quốc Gia Ba Vì vào mùa nào và đi bằng cách nào?
Ba Vì sẵn sàng chào đón bạn tại bất kì thời điểm nào trong năm vì nơi đây mỗi mùa đẹp một vẻ nhưng nhờ cây cối điều hòa nên không khí ở Ba Vì luôn trong lành và mát mẻ. Trong đó, mùa thu và mùa hè là những ngày trời quang, nắng nhẹ, vào những tháng cuối năm thì Ba Vì chuyển mình sang đông với tiết trời se se, dịu mát. Cuối tháng 10 – đầu tháng 11,12 các bạn trẻ thích đi Ba Vì do đang mùa hoa dã quỳ nở rộ rất đẹp.
Các bạn có thể di chuyển tới Vườn Quốc gia Ba Vì bằng xe bus, xe ô tô hoặc xe máy:
- Đi VQG Ba Vì bằng xe bus:
Nếu đi xe bus các bạn có thể tham khảo một số tuyến xe bus sau để đến Ba Vì:
– Tuyến 214 xuất phát từ bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) – Xuân Khanh.
– Tuyến 71 hoặc tuyến 74 từ Mỹ Đình – Xuân Khanh.
Sau khi đến trạm Xuân Khanh, các bạn có thể bắt taxi hoặc thuê xe ôm để đến Vườn quốc gia Ba Vì.
- Đến VQG Ba Vì bằng xe máy:
Đối với các bạn ưa thích những chuyến đi phượt phiêu lưu, mạo hiểm, có thể lựa chọn 1 trong 2 cung đường sau:
– Xuất phát từ Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Hà Nội) -> đi theo đại lộ Thăng Long khoảng 30 km -> cầu vượt Hòa Lạc -> đi thẳng vào khu vực Làng văn hóa theo biển chỉ dẫn đến xã Yên Bài -> núi Ba Vì.
– Xuất phát từ khu vực Cầu Giấy -> theo đường Quốc lộ 32 khoảng 37 km tới ngã tư bến xe Sơn Tây -> rẽ trái tiếp 3,5 km đến ngã tư Viện 105 – > Đi thẳng tiếp 9 km tới ngã ba Tản Lĩnh -> rẽ trái đi tiếp 3,5km đến ngã 5 hình sao, phía trước bên tay phải là Trạm bán vé tham quan Vườn Quốc gia Ba Vì.
- Đi VQG Ba Vì bằng xe ô tô/xe khách:
Nếu đi đông bạn có thể thuê xe ô tô hoặc xe khách để đến Vườn quốc gia Ba Vì, chi phí di chuyển tầm 150 – 250k/người vừa thuận tiện lại vừa an toàn.
II. Giá dịch vụ ở Vườn Quốc Gia Ba Vì ?
1. Giá vé vào VQG Ba Vì
- Giá vé người lớn: 60.000đ/người
- Giá vé sinh viên: 20.000đ/người
- Giá vé học sinh: 10.000đ/người
- Giá vé ưu tiên cho người cao tuổi, người tàn tật: 30.000đ/người
- Giá vé gửi ô tô dưới 10 chỗ: 20.000đ/xe
- Giá vé gửi ô tô trên 10 chỗ: 25.000đ/xe
- Giá vé gửi xe máy: 3.000đ/xe
- Giá ve gửi xe đạp: 2.000đ/xe
2. Giá một số dịch vụ khác
- Chụp ảnh dịch vụ: 600.000đ
- Phí thuê hướng dẫn viên: 300.000đ – 500.000đ
- Thuê lửa trại: 700.000đ – 1.500.000đ
- Lều trại: 120.000đ – 200.000đ/lều
III. Chơi gì ở Vườn Quốc Gia Ba Vì?
Vườn Quốc Gia Ba Vì hiện lên với vẻ đẹp bí ẩn, diệu kì, chìm đắm trong sương mờ huyền ảo, là khu sinh thái bậc nhất ở Ba Vì với hệ thống thiên nhiên phong phú, đa dạng. Cùng ezcomclass điểm qua những địa điểm vui chơi lý thú ở đây nhé !
1.Rừng Quốc Gia Ba Vì
Đặt chân tới Vườn quốc gia Ba Vì, đầu tiên bạn sẽ có cơ hội khám phá khu rừng thiên nhiên huyền ảo chìm đắm trong sương mờ. Cả một khu rừng thông ngút ngàn sắc xanh cao vời vợi, không khí trong lành thoáng đãng, bạn tha hồ cùng tụi bạn thân chụp những tấm hình sống ảo cực chất không khác gì ở Đà Lạt.
Thời tiết và khí hậu mát mẻ và có nhiều khu vực rộng, bằng phẳng nên Vườn Quốc gia Ba Vì rất phù hợp cho các hoạt động cắm trại, team building. Các bạn có thể tự chuẩn bị lều và dụng cụ cắm trại ở nhà hoặc đến đây rồi thuê. Riêng đồ ăn và nước uống các bạn cần chủ động chuẩn bị ở nhà vì rất khó có thể mua thêm khi đã lên tới các địa điểm cắm trại.
Đặc biệt, vào mùa thu – mùa lá rơi tuyệt đẹp, bạn sẽ được chứng kiến cả khu rừng chìm trong sắc vàng của lá, ngay lúc này cùng những người thân, bạn bè, người yêu tận hưởng bầu không khí này thật tuyệt vời mà nhỉ !!
2. Tham quan vườn xương rồng
Từ cổng chính đi lên khoảng 1km các bạn sẽ tới khu vườn xương rồng này. Đây là điểm đến thu hút lượng du khách check in nhất tại khu du lịch Vườn Quốc Gia Ba Vì. Nhà kính xương rồng được xây dựng thành một thiên đường xương rồng đầy độc đáo và lạ mắt, hấp dẫn mọi ánh nhìn của du khách. Đây chính là điểm dừng chân lí thú, độc nhất để các bạn trẻ thỏa sức tự sướng cùng hơn 1200 loài cây xương rồng lớn bé đầy gai góc, mạnh mẽ nhưng không kém phần mộng mị.
3. Nhà thờ cổ ở Vườn Quốc Gia Ba Vì
Nhà thờ cổ nằm trên Vườn Quốc Gia Ba Vì được xây dựng nên với kiến trúc cổ kiểu Pháp, hiện lên với vẻ đẹp ma mị, đầy huyền bí lúc ẩn lúc hiện giữa làn sương khói dày đặc.Nằm ở độ cao 800 m, giữa tán rừng già cổ thụ. Bị bỏ hoang đã nhiều năm, phần mái của nhà thờ không còn nữa, trơ trọi giáo đường âm u giữa cây lá um tùm. Trên bức vách, dấu thập tự phủ một màu hoài cổ, hắt tia nắng chiều bàng bạc qua ô cửa sổ. Nếu còn hơi e sợ vẻ bí ẩn của khu nhà cổ, hãy bám chân lũ bạn vào cùng khám phá nhé.
Tìm hiểu thêm về Nhà thờ cổ Ba Vì tại đây
4. Ngắm hoa dã quỳ ở Vườn Quốc Gia Ba Vì
Hoa cúc quỳ hay còn gọi là hoa dã quỳ, hoa sơn quỳ, hoa hướng dương dại… được người Pháp đưa về trồng trên núi Ba Vì từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Tại Vườn quốc gia Ba Vì, dã quỳ thường ra hoa vào cuối Thu, đầu đông khoảng tháng 10 – tháng 11 hàng năm. Loài cây này có thể coi như là một loài cây báo hiệu cho sự xuất hiện của mùa khô, khi hoa dã quỳ nở có nghĩa là mùa khô đã đến rất gần. Dã quỳ tuy không lớn như hướng dương nhưng do mọc thành bụi nên khi hoa bung nở đã tạo nên một thảm vàng rực rỡ. Hoa dã quỳ đẹp nhất vào buổi sáng, khi cái nắng của mùa đông vừa hừng lên, sương vẫn còn đọng trên lá và những cánh hoa dã quỳ.
5. Đền thờ Bác Hồ
Ngôi đền mang phong cách kiến trúc truyền thống có 8 mái đao uốn cong ở bốn phía, dựng trên những chiếc cột tròn trên chân đá tảng… Đền được xây dựng theo kết cấu bền vững, uy nghiêm. Chính điện là một không gian mở, không có cửa. Trên bệ thờ đá có bức tượng Bác Hồ đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, phía trên là bức hoành phi ghi dòng chữ nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
6. Đền Thượng
Với đường đi dài hơn 500 bậc thang giữa cánh rừng rậm mênh mông trên Vườn Quốc Gia Ba Vì, Đền Thượng là khu di tích lịch sử tâm linh được xây dựng trên đỉnh núi Tản Viên. Quần thể di tích đền Thượng gồm 4 khu chính là: Đền thờ Bác Hồ, Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng.
Từ nơi đỉnh cao của Vườn Quốc Gia Ba Vì này du khách có thể phóng tầm mắt ra xa thưởng ngoạn phong cảnh của thiên nhiên trong bầu không khí cực kỳ thanh khiết của núi rừng: Những dải mây như những chiếc khăn voan trắng tung bay trên tấm áo choàng xanh của non ngàn. Màu xanh mượt mà trên cánh đồng ngô uốn lượn theo dòng sông Đà như một dài lụa trắng uốn quanh chân núi Tản… càng tô đẹp thêm cho cảnh vật quanh khu Đền Thượng – Nơi giữ bao ẩn tích gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh…
IV. Kinh nghiệm ăn uống ở Vườn Quốc Gia Ba Vì
Ba Vì nổi tiếng với các món ngon được mệnh danh là đặc sản nơi đây như cá suối, cá nheo sông Đà, xôi nếp hương, gà chạy bộ, các món dê, lợn lửng sữa chua, sữa dê, thịt dê nướng, canh khoai sọ, dưa chua xào tóp mỡ, rau sắn,… Đặc biệt vào mùa lạnh, du khách tham gia dã ngoại có thể đốt lửa trại và trổ tài nấu nướng và tổ chức bữa tiệc thịt nướng ngay giữa không gian rộng lớn của Vườn Quốc Gia Ba Vì. Vừa ấm áp vừa no căng xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông và sự ma mị của khu rừng.
Tìm hiểu thêm về các món ăn đặc sản khi tới tham quan Vườn Quốc Gia Ba Vì tại đây
Thật tuyệt để các bạn có thể tận hưởng kì nghỉ dưỡng sau những hôm làm việc căng thẳng phải không nào?
Trên đây chỉ là một vài địa điểm vui chơi ở Vườn Quốc Gia Ba Vì, vẫn còn rất nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn khác tại Ba Vì đang chờ đón các bạn khám phá. Mong rằng các thông tin này sẽ mang lại cho các bạn một kỳ nghỉ vui vẻ và đang nhớ nhé !
Sinh viên thực hiện: Trương Hải Anh
Mã sinh viên: 20050769
Mã học phần: INE3104-2