Paralympic – Thế vận hội dành cho người khuyết tật và 6 điều mà bạn chưa biết

paralympic

Hầu hết chúng ta đều đã biết đến Thế vận hội Olympic – cuộc tranh tài của nhiều môn thể thao giữa các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, Paralympic hay còn gọi là Thế vận hội dành cho người khuyết tật có lẽ vẫn còn xa lạ với nhiều người. Vì thế, hãy cùng với EZCOMCLASS tìm hiểu về Paralympic và 6 điều mà bạn chưa biết về sự kiện đặc biệt này nhé!

Paralympic là gì?

Thế vận hội dành cho người khuyết tật còn được gọi là Paralympic (tiếng Anh: Paralympic Games) là một sự kiện thể thao quốc tế quan trọng dành riêng cho các vận động viên khuyết tật thể chất. Hai sự kiện Thế vận hội Paralympic Mùa hè và Mùa đông được tổ chức theo Thế vận hội Olympic tương ứng. Tất cả các cuộc thi trong Thế vận hội Paralympic đều do Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) quy định.

thế vận hội dành cho người khuyết tật
Lễ khai mạc Thế vận hội Paralympic Tokyo 2020

Tên gọi Paralympic được cho là có nguồn gốc từ giới từ tiếng Hy Lạp, παρά (phiên âm Latin: pará, nghĩa là bên cạnh, kề bên) và do đó đề cập đến một cuộc thi được tổ chức song song với Thế vận hội Olympic. Lần đầu tiên thuật ngữ “Paralympic” được đưa vào sử dụng chính thức là tại Paralympic Mùa hè 1988 tổ chức ở Seoul.

Sơ lược về lịch sử ra đời Paralympic.

Paralympic khởi nguồn một tập hợp nhỏ những cựu chiến binh người Anh trong chiến tranh thế giới thứ II vào năm 1948 và ngày nay đã trở thành một trong những sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất của thế kỷ XXI. Những người tham gia Thế vận hội Paralympic đấu tranh cho sự đối xử bình đẳng như những vận động viên bình thường tại Thế vận hội Olympic.

Paralympic chính thức đầu tiên được tổ chức tại Roma vào năm 1960, thu hút 400 vận động viên từ 23 quốc gia thi đấu. Các nội dung thi đấu trong kỳ Paralympic này chỉ dành cho vận động viên ngồi xe lăn.

Tiền thân cho Paralympic là cuộc thi thể thao đầu tiên được tổ chức dành cho vận động viên khuyết tật diễn ra cùng thời gian với Thế vận hội Olympic Mùa hè 1948 tại Luân Đôn. Tiến sĩ Ludwig Guttmann – giám đốc bệnh viện Stoke Mandeville là người đã đứng ra tổ chức một cuộc thi thể thao cho các bệnh nhân là cựu chiến binh người trong Chiến tranh thế giới thứ hai bị chấn thương tủy sống.

thế vận hội
Tiền thân của Thế vận hội Paralympic là Đại hội thể thao Stoke Mandeville.

Với cái tên Cuộc thi Xe lăn Quốc tế 1948, mục tiêu của cuộc thi là tạo ra một sân chơi thể thao ưu tú cho người khuyết tật có thể sánh ngang với Thế vận hội Olympic. Cuộc thi được tổ chức lần tiếp theo tại cùng một địa điểm vào năm 1952, và những cựu chiến binh Hà Lan đã tham gia cùng với người Anh.

Tại Paralympic Mùa hè 1976, lần đầu tiên các vận động viên với nhiều dạng khuyết tật khác nhau đã được phép tham gia. Nhờ vậy, Paralympic Mùa hè 1976 đánh dấu kỳ đạo hội đầu tiên có số vận động viên lên đến 1.600 từ 40 quốc gia khác nhau.

Paralympic Mùa hè 1988 tại Seoul, Hàn Quốc là một mốc quan trọng khác đối với phong trào Paralympic. Seoul là nơi Paralympic Mùa hè được tổ chức ngay sau Olympic Mùa hè, cùng được đăng cai tại một thành phố, cùng sử dụng các thiết bị và tiện ích vật chất như nhau.

Điều này đã trở thành một tiền lệ và tiếp tục diễn ra vào năm 1992 và 1996. Việc trưng dụng cơ sở vật chất này cuối cùng đã được chính thức hóa qua một thỏa thuận giữa Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào năm 2001.

Cùng nhìn lại Thế vận hội Paralympic Seoul 1988 tại: https://www.youtube.com/watch?v=KeWSC7iCnpM

Paralympic
Lễ khai mạc Thế vận hội Paralympic Seoul 1988.

Từ năm 1960, Thế vận hội Paralympic diễn ra theo chu kỳ 4 năm một lần và được tổ chức vào cùng năm với Thế vận hội Olympic. Thế vận hội Paralympic Mùa đông đầu tiên diễn ra vào năm 1976 tại Örnsköldsvik, Thụy Điển vào cùng năm với Paralympic Mùa hè, tương tự như ở Thế vận hội Olympic.

Truyền thống này được duy trì cho đến Paralympic Mùa đông 1992 tại Albertville, Pháp.  Sau thời điểm đó cho đến nay, Paralympic Mùa đông và Olympic Mùa đông được tổ chức vào những năm chẵn và cách 2 năm so với Paralympic và Olympic Mùa hè.

 

Những môn thể thao trong Paralympic và phân loại vận động viên

Có tổng cộng 20 môn thể thao Paralympic trong chương trình của Paralympic Mùa hè và 5 môn trong chương trình Paralympic Mùa Đông.

1.    Các môn thể thao tại Paralympic mùa hè

  • Bắn cung trên xe lăn, xe đạp cho người khuyết tật.
  • Bóng đá bảy người khuyết tật.
  • Cử tạ tư thế nằm trên ghế băng.
  • Bắn súng trên xe lăn.
  • Bóng chuyền ngồi trên sàn.
  • Bóng rổ trên xe lăn.
  • Điền kinh (theo các hạng thương tật, kể cả đua xe lăn).
  • Đua ngựa.
  • Đua thuyền.
  • Bơi.
  • Bóng gôn.
  • Bóng bầu dục trên xe lăn.
  • Quần vợt trên xe lăn.
  • Boccia (gần giống môn bi sắt).
  • Bóng đá năm người khiếm thị.
  • Judo cho người khiếm thị.
  • Đua thuyền buồm.
  • Bóng bàn (theo hạng thương tật).
  • Đấu kiếm trên xe lăn.
  • Taekwondo cho người khiếm thị.

2.    Các môn thể thao tại Paralympic mùa đông

  • Trượt tuyết núi cao.
  • Khúc côn cầu trên băng.
  • Trượt tuyết Bắc Âu (Biathlon và Trượt tuyết băng đồng).
  • Xe lăn.
  • Para-Snowboarding.

3.    6 nhóm khuyết tật

Các vận động viên tham gia thi đấu sẽ được phân loại thành 6 nhóm khác nhau để đảm bảo tính công bằng và an toàn trong quá trình thi đấu.

  • Khuyết chi: Các vận động viên với ít nhất một chi bị mất mát một phần hoặc toàn bộ.
  • Bại não: Các vận động viên não bị tổn thương không phát triển, ví dụ như bại não, tổn thương não sau chấn thương, đột quỵ hay những khuyết tật tương tự có ảnh hưởng đến kiểm soát cơ bắp, đến cân bằng hoặc phối hợp.
  • Khuyết tật trí tuệ: Các vận động viên có hoạt động trí tuệ bị suy giảm đáng kể và bị hạn chế liên quan đến hành vi ứng xử thích nghi. Đối tượng chủ yếu của Ủy ban Paralympic Quốc tế là các vận động viên khuyết tật thể chất, nhưng nhóm khuyết tật trí tuệ đã được bổ sung vào và được phép tham gia thi đấu một số bộ môn ở Paralympic. Ủy ban Paralympic Quốc tế công nhận Thế vận hội Thế giới Olympic cởi mở đón nhận tất cả những người bị khuyết tật trí tuệ, bất kể ở mức độ nghiêm trọng nào.
  • Xe lăn: Các vận động viên bị chấn thương tủy sống và các khuyết tật khác mà đòi hỏi họ phải thi đấu trên xe lăn.
  • Khiếm thị: Các vận động viên với các loại khiếm thị khác nhau, từ người có tầm nhìn không hoàn toàn cho đến tầm nhìn vừa đủ để được đánh giá mù trên phương diện pháp lý, hoặc bị mù hoàn toàn. Người hướng dẫn thị giác cùng vận động viên khiếm thị là một bộ đôi gắn bó và cần thiết trong các cuộc thi, được xem như một đội và đều là ứng cử viên giành huy chương.
  • Các loại khác: Các vận động viên khuyết tật về thể chất mà không thuộc theo đúng một trong năm loại trên, như bị bệnh còi cọc, bệnh đa xơ cứng hoặc dị tật chi bẩm sinh do thuốc an thần thalidomide gây ra.

 

6 điều bạn chưa biết về Paralympic.

1.    Biểu tượng Paralympic

Không giống như năm vòng tròn Olympic, biểu tượng của Paralympic là ba vòng Agitos (trong tiếng Latinh có nghĩa là: “Tôi chuyển động”) có các màu đỏ, xanh dương và xanh lá cây. Đó là những màu sắc đại diện được sử dụng rộng rãi nhất trong quốc kì của các quốc gia. Ba vòng Agitos tụ lại một điểm trung tâm chính là biểu trưng cho các vận động viên từ mọi nơi trên thế giới tụ họp lại.

Paralympic
Biểu tưởng của Paralympic

2.    Kiểm tra doping

Tương tự như các vận động viên tham gia Olympic, các vận động viên tham gia Paralympic cũng phải trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe, nếu họ dương tính với các chất bị cấm trong thể thao, họ sẽ bị loại ngay khỏi giải.

Bên cạnh đó, trước mỗi kỳ Paralympic, các vận động viên đều phải trải qua việc kiểm tra, đánh giá sức khỏe để phân loại vào các nhóm phù hợp. Nếu vận động viên cố tình khai gian tình trạng sức khỏe nhằm qua mắt hội đồng kiểm tra, họ sẽ bị đánh giá như những vận động viên sử dụng thuốc kích thích khi thi đấu.

3.    Những môn thể thao chỉ có ở Paralympic

Ném bóng lục lạc (Goalball) và ném bóng màu (Boccia) là những môn thể thao chỉ có tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật. Môn ném bóng lục lạc gồm hai đội, mỗi đội gồm ba vận động viên mù và khiếm thị. Các đội ghi điểm bằng cách ném bóng vào lưới đối phương.

Còn trong môn ném bóng màu, có nhiều nội dung thi đấu dành cho cá nhân, theo cặp hoặc theo đội. Mặc dù đây là môn thi đấu có sự tranh tài của hơn 50 quốc gia nhưng nó lại là một trong số những môn người ta ít biết đến nhất.

thể thao
Hình ảnh các vận động viên tham gia thi đấu bộ môn Boccia.

4.    Tapper

Tapper là một dụng cụ đặc biệt có hình dáng như chiếc gậy dài, trên đầu có gắn một quả bóng tròn mềm. Tapper dùng để gõ vào đầu các vận động viên bơi khiếm thị khi họ về đích, nó sẽ giúp các kình ngư khiếm thị tự tin hơn trong việc cán đích vì khi đó họ sẽ biết mình sắp về đích và điều chỉnh để tay không bị va vào thành bể.

vận động viên
Tapper giúp vận động viên biết mình sắp về đích và điều chỉnh để tay không bị va vào thành bể.

5.    Người chạy chỉ đường

Những vận động viên chạy khiếm thị hoặc mù lòa đều có sự chỉ đường của một vận động viên bình thường khác. Tay của hai người sẽ được buộc vào nhau bằng một sợi dây. Tuy nhiên, dù là thế nào, người chạy chỉ đường đều không được vượt qua vận động viên nếu không muốn bị loại.

vận động viên
Tay người chỉ đường và của cận động viên khiếm thị được buộc vào nhau bằng một sợi dây.

6.    Tìm kiếm cơ hội bình đẳng để tranh tài tại Thế vận hội Olympic

Tiền lệ này đã được Neroli Fairhall, một cung thủ Paralympic từ New Zealand, thiết lập nên. Neroli đã thi đấu tại Olympic mùa hè 1984 tại Los Angeles.

Tìm hiểu thêm về Neroli Fairhall qua những chia sẻ của ông tại: https://www.facebook.com/watch/?v=278947123516153

Vận động viên
Vận động viên Neroli Fairhall

Năm 2008, Oscar Pistorius, một vận động viên môn chạy nước rút đến từ Nam Phi đã cố gắng để hội đủ tư cách tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè 2008. Pistorius bị cụt cả hai chân từ đầu gối trở xuống và tham gia cuộc đua với hai thanh thiết bị sợi carbon bổ trợ. Sau rất nhiều khó khăn, cuối cùng anh cũng được phép tham gia thi đấu nếu vượt qua vòng loại Olympic.

vận động viên
Hình ảnh Oscar Pistorius tham gia thi đấu bằng hai chân giả.

Cơ hội tốt nhất của anh để hội đủ điều kiện tham gia là ở vòng đua cự ly 400 mét. Pistorius thất bại vòng loại Olympic với khoảng cách 0,7 giây. Anh đã thi đấu tại Paralympic Mùa hè 2008 và giành được huy chương vàng ở cự ly 100, 200 và 400 mét chạy nước rút.

Kết luận

Paralympic là đại hội thể thao toàn cầu đầy sức hấp dẫn, mang nhiều ý nghĩa to lớn và thể hiện được tinh thần nhân đạo, ý chí vươn lên trước nghịch cảnh của con người. Hy vọng rằng qua bài viết trên đây, các bạn đã có thêm những hiểu biết mới về Thế vận hội dành cho người khuyết tật – Paralympic. Nếu vẫn còn tò mò về sự kiện thể thao đặc biệt này thì đừng ngần ngại theo dõi EZCOMCLASS và chờ đợi những bài viết tiếp theo của chúng mình nhé!

Các bạn có thể tìm hiểu thêm các chủ đề liên quan đến thể thao qua các bài viết sau:

BỎ TÚI NGAY 5 TƯ THẾ YOGA CƠ BẢN CHO NGƯỜI MỚI TẬP

“SỐC TẬN ÓC” VỚI TOP 10 MÔN THỂ THAO MẠO HIỂM TRÊN THẾ GIỚI

10 bài tập thể dục giảm mỡ toàn thân hiệu quả nhanh gọn tại nhà cho các nàng “lười”

5 loại anime thể thao khơi gợi cảm hứng tập luyện cho bạn

 

Nguyễn Vân Khánh – 19051112